TTCT - Thế giới đã không phẳng và đại đồng hơn. Trái lại, nó đang phân cực và chia rẽ hơn do phần lớn của cải làm ra thuộc về số ít, trong khi phần còn lại của nhân loại không có được phần công bằng. Những người “áo gilê vàng” biểu tình làm tắc nghẽn giao thông ở Caen, Normandy. -Ảnh: Getty Images Thế giới đang chứng kiến những hiện tượng kỳ lạ mà cách đây hơn 2 năm ít ai ngờ tới. Người Anh rời khỏi Liên minh châu Âu; các nhân vật dân túy với các chính sách gây chia rẽ, thù hận hay cực đoan nổi lên khắp mọi nơi; vai trò của các thiết chế toàn cầu lung lay gắn với phong trào chống toàn cầu hóa và thương mại tự do; chia rẽ các cộng đồng, xung đột sắc tộc, và chống người nhập cư gắn với chủ nghĩa dân tộc lên đến đỉnh điểm; và các doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn chưa từng có chiếm lĩnh thị trường toàn cầu có được lợi nhuận khổng lồ, nhưng đi kèm là các vụ bê bối đáng hổ thẹn. Điều gì đang xảy ra? Đó là những trục trặc của cả ba trụ cột phát triển: thị trường - nhà nước - cộng đồng. Cần phải có những nỗ lực của từng cộng đồng cũng như toàn thế giới để khắc phục sự khiếm khuyết của từng trụ cột và tạo ra sự hài hòa giữa chúng. Sự méo mó của thị trường Bài viết với tiêu đề “Cạnh tranh: Cuộc cách mạng tư bản tiếp theo” trên tờ The Economist ngày 15-11 đã chỉ ra những trục trặc nghiêm trọng của thị trường. Cạnh tranh đang ngày một yếu hơn do sự gia tăng quyền lực thị trường của một nhóm nhỏ các DN. Với những nỗ lực tạo dựng cạnh tranh và phá thế độc quyền của các DN ở đầu thế kỷ 20 tại Mỹ và sau đó là ở các nước khác cùng với việc mở cửa và hội nhập quốc tế của nhiều nước đã tạo ra một môi trường kinh doanh toàn cầu năng động. Nhiều quốc gia đã tận hưởng thành quả để trở nên phát triển hơn. Hàng tỉ người đã thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sự tập trung vào số ít DN và quyền lực thị trường của chúng tăng lên gần đây. Về nguyên tắc, toàn cầu hóa sẽ làm cho ngọn lửa cạnh tranh thêm đượm hơn và trong một nền kinh tế lành mạnh thì lợi nhuận của các DN được kỳ vọng sẽ giảm theo thời gian. Thực tế không phải vậy. Các DN đang có được những khoản lợi nhuận bất thường khổng lồ. Theo tính toán của The Economist, phần lợi nhuận bất thường chỉ của những DN ít liên quan đến ngoại thương đã lên đến 660 tỉ USD - tương đương 3 lần GDP Việt Nam. Tư bản nhà nước đang gây ra những hệ lụy khác. Với Nhật Bản, như cuộc đối thoại của hai cha con nhà Mikitani về công cuộc tái kiến thiết Nhật Bản trong cuốn sách Hồi sinh sự thần kỳ Nhật Bản, nó như những cái thùng không đáy tiêu tốn nguồn lực khổng lồ với bao hệ lụy. Nhà nước càng cứu, các DN nửa nhà nước nửa tư nhân này càng lún sâu vào trục trặc. Hơn thế, chế độ biên chế trọn đời làm cho trục trặc nghiêm trọng hơn. Tư bản nhà nước còn ở mức độ cao hơn ở Trung Quốc. Hiệu quả hay lợi nhuận không được đặt lên hàng đầu làm môi trường cạnh tranh toàn cầu bị bóp méo và không công bằng. Đây cũng là một trong những lý do đằng sau cuộc chiến thương mại mà Mỹ đã khởi xướng. Quan hệ thân hữu tạo ra đặc quyền đặc lợi cho một số DN là rất phổ biến, nhất là ở các nước đang phát triển. Môi trường kinh doanh của các quốc gia này đang rất méo mó nên “người thổi sáo hay nhất chưa hẳn đã nhận được cây sáo tốt nhất”. Thêm vào đó, hệ lụy của việc một số ít DN nắm trong tay thông tin cá nhân, cách hành xử và suy nghĩ của phần lớn cư dân toàn cầu rất đáng báo động. Tác động vào Brexit ở Anh và bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 là những ví dụ nhãn tiền. Niềm tin sụt giảm Chưa bao giờ niềm tin của công chúng vào nhà nước cũng như các thiết chế toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng như bây giờ. Sự bất mãn của người dân đối với nhà nước xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới với tốc độ ngày càng gia tăng, đặc biệt là những nước đã phát triển. Lời nói không đi đôi với hành động kéo dài trong nhiều năm đã nảy sinh hệ lụy. Các chính trị gia luôn hứa, trong khi một bộ phận không nhỏ người dân thấy cuộc sống của mình ngày một tệ đi một cách tương đối cùng với những đe dọa từ những mặt trái của toàn cầu hóa. Do vậy, họ đã thể hiện tiếng nói của mình và không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa dân túy và các tư tưởng cực đoan lại trở nên phổ biến và đáng sợ như hiện nay. Đáng chú ý nhất là Thụy Điển - quốc gia được xem là đang trên đường tiến đến xã hội chủ nghĩa thực chất. Sở dĩ phong trào cực hữu nổi lên là do sự lo sợ của làn sóng nhập cư làm phá vỡ cấu trúc và vốn xã hội (lòng tin) mà người Thụy Điển đã tạo dựng qua bao thế hệ nhờ sự đồng nhất xã hội của mình. Vai trò của cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức Trong bài viết “Trả lại vai trò cho cộng đồng” trên Project-Syndicate ngày 9-11, Dani Rodrik, học giả hàng đầu về phát triển ở Đại học Harvard, đã phân tích: “Gia đình ổn định, công việc tốt, trường học mạnh mẽ, không gian công cộng dồi dào và an toàn, và tự hào về văn hóa, lịch sử địa phương là những yếu tố thiết yếu của xã hội thịnh vượng. Cả thị trường lẫn nhà nước đều không thể cung cấp đầy đủ cho họ và đôi khi còn phá hoại chúng”. Ông phân tích rằng thị trường trong một thời gian dài đã là một nhân tố thúc đẩy sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội, nhưng hiện tại đang có những trục trặc mà bản thân nó không thể giải quyết được. Nhà nước cũng đang có vấn đề rất nghiêm trọng như phân tích ở trên. Rodrik dẫn trong quyển sách sắp xuất bản với tiêu đề “Trụ cột thứ ba: Các thị trường và nhà nước đã đẩy cộng đồng ở lại phía sau như thế nào”, Raghuram Rajan, nhà kinh tế của Đại học Chicago - cái nôi của trường phái kinh tế thị trường tự do, cho rằng: “Cộng đồng - trụ cột thứ ba của sự thịnh vượng có vai trò quan trọng như hai trụ cột kia - thị trường và nhà nước”. Sự tiến triển của thị trường, đặc biệt là tiến bộ công nghệ, đưa đến tình trạng “người thắng cuộc được tất cả” cùng với sự kém hiệu lực của nhà nước đang gây tổn hại đến các giá trị của cộng đồng. Di dân và nhập cư đang tàn phá những cộng đồng cố kết và vốn xã hội của chúng. Hệ quả, các cộng đồng biệt lập (gated community) đã được hình thành nhiều hơn. Những lập luận về nhà nước quy mô nhỏ của Socrates, Plato, Aristotle và Lão Tử có vẻ lại phù hợp với thời đại ngày nay. Mong rằng thế giới không quay lại ngày xưa. Những giải pháp khả dĩ Thế giới đang ở trong một giai đoạn hết sức hỗn mang với sự trục trặc của cả ba trụ cột nền tảng. Các xã hội không thể ổn định và phát triển trong bầu khí quyển bị “đầu độc” bởi sự chia rẽ, hận thù và cực đoan. Thị trường đang bị đẩy lên quá mức làm bộc lộ các trục trặc hay khuyết tật thị trường cố hữu; tính kém hiệu lực của nhà nước vẫn chưa có phương thuốc hữu hiệu; và vai trò của cộng đồng chưa được phát huy đúng mức. Có ba giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Thứ nhất, tăng cường cạnh tranh. Như The Economist đề xuất: (i) dữ liệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là để thúc đẩy đổi mới sáng tạo chứ không để bảo vệ các doanh nghiệp hiện hữu; (ii) nhà nước cần tháo bỏ hay hạ thấp các rào cản gia nhập thị trường; và (iii) các luật chống độc quyền nên phù hợp hơn cho thế kỷ 21. Thứ hai, nâng cao hiệu lực và tính chính danh của nhà nước và các thiết chế toàn cầu. Ở mỗi quốc gia cũng như các thiết chế toàn cầu, lời nói đi đôi với việc làm cần thiết hơn là những lời hoa mỹ trên các sân khấu chính trị. Thứ ba, gia tăng vai trò của cộng đồng để nó có thể phát triển hài hòa với hai trụ cột còn lại. Rất nhiều vấn đề mà cả thị trường và nhà nước đều không thể giải quyết được mà do cộng đồng đóng vai trò trung tâm.■ Liên Hiệp Quốc cũng như các thiết chế toàn cầu khác (như WTO chẳng hạn) đang bị chính kiến trúc sư trưởng Mỹ quay lưng từng phần hoặc toàn bộ. Niềm tin về các thỏa thuận quốc tế xuống rất thấp khi chính Mỹ đang xóa bỏ hay đòi đàm phán lại rất nhiều. Sự tập trung vào số ít các doanh nghiệp làm cho cả người tiêu dùng và người lao động bị thua thiệt trong khi chỉ có số ít hưởng lợi. Như Piketty đã chỉ ra trong “Tư bản ở thế kỷ 21” rằng tốc độ tăng giá trị tài sản toàn cầu cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tính toán của Oxfam đã cho thấy của cải của 1% người giàu nhất thế giới đã nhiều hơn phần của 99% còn lại.
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".