Sự "trỗi dậy" của nữ giới trong thị trường sách

D. KIM THOA 27/04/2023 07:34 GMT+7

TTCT - Nghiên cứu mới công bố tháng 2 năm nay của nhà kinh tế học Joel Waldfogel thuộc Trường quản lý Carlson, ĐH Minnesota (Mỹ) tiết lộ một xu hướng đặc biệt: trong ngành xuất bản ở Mỹ, nữ giới đã vươn lên "làm chủ cuộc chơi" từ nhiều năm qua.

Nghiên cứu mới công bố tháng 2 năm nay của nhà kinh tế học Joel Waldfogel thuộc Trường quản lý Carlson, ĐH Minnesota (Mỹ) tiết lộ một xu hướng đặc biệt: trong ngành xuất bản ở Mỹ, nữ giới đã vươn lên "làm chủ cuộc chơi" từ nhiều năm qua.

Một số cuốn sách về những người phụ nữ truyền cảm hứng ở Mỹ. Ảnh: Boston University

Một số cuốn sách về những người phụ nữ truyền cảm hứng ở Mỹ. Ảnh: Boston University

Nhà kinh tế này còn đặt ra một câu hỏi thú vị: Tại sao phụ nữ vẫn thua xa nam giới trong nhiều lĩnh vực của các ngành công nghiệp giải trí, nhưng ở lĩnh vực xuất bản, họ lại đang ngày càng dẫn xa cách biệt với đàn ông?

Những số liệu thuyết phục

Joel Waldfogel bắt đầu quan tâm tới sự hiện diện của nữ giới trong các ngành công nghiệp sáng tạo khi có một năm làm việc tại Văn phòng bản quyền Mỹ với tư cách thực tập sinh. Cơ quan chính phủ này thuộc Thư viện Quốc hội Mỹ, có nhiệm vụ lưu trữ hồ sơ về các tài liệu có bản quyền.

Khi đó, một trong những dự án đầu tiên ông thực hiện là phân tích dữ liệu về sự phát triển của nữ giới trong vấn đề sở hữu bản quyền. Qua số liệu thực tế, nhà kinh tế này nhận thấy mặc dù trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, phụ nữ vẫn chiếm tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với nam giới, nhưng tác giả sách là một ngoại lệ - ít nhất tại Mỹ - và điều này đã tiến triển trong vài thập niên qua để đạt tới những đột phá như hiện nay.

Mặc dù người ta vẫn có thể liệt kê được một vài tên tuổi nữ tác gia nổi tiếng của các thế kỷ trước như Jane Austen, Mary Shelley, Emily Dickinson, Agatha Christie, Zora Neale Hurston, song theo Waldfogel, từ khoảng năm 1800 đến 1900, tỉ lệ tác giả nữ chỉ đâu đó dao động quanh mức 10% mỗi năm.

Cho tới thế kỷ 20, tỉ lệ này bắt đầu nhích dần lên. Tới cuối những năm 1960, tỉ lệ tác giả nữ tham gia thị trường sách thường niên tăng lên gần 20%, và tới khoảng năm 1970 thì thực sự bùng nổ và "có chuyển biến sâu sắc".

Cho tới năm 2020, theo nghiên cứu, phụ nữ chiếm hơn 50% số sách mới, hư cấu và phi hư cấu, ra đời mỗi năm tại Mỹ. Không chỉ áp đảo về số lượng, họ cũng gặt hái nhiều thành công hơn nam giới căn cứ trên dữ liệu từ nhiều nguồn thống kê mà Waldfogel tiếp cận được ở Thư viện Quốc hội Mỹ, Văn phòng bản quyền Mỹ, trang Amazon và trang Goodreads. 

Cụ thể, ông đã sử dụng dữ liệu của 8,9 triệu tựa sách trên Amazon trong giai đoạn 2018-2021, thông tin về 200 triệu lượt xếp hạng với 1,8 triệu cuốn sách của 800.000 người dùng trên trang Goodreads.

Theo kinh tế gia này, xét tỉ lệ trung bình, một cuốn sách của tác giả nữ đang bán được nhiều hơn, có lượng độc giả lớn hơn và nhiều thước đo đánh giá tốt hơn về mức độ được tiếp cận so với một cuốn của tác giả nam.

Nữ nhà văn Joyce Carol Oates. Ảnh: Dan Winters

Nữ nhà văn Joyce Carol Oates. Ảnh: Dan Winters

1970 - năm bản lề

Sự "trỗi dậy" của nữ giới trong thị trường sách có thể được xem là một phần nhỏ trong phong trào nữ quyền rộng lớn hơn. Mặc dù những thay đổi mang tính đột phá trong xã hội thường sẽ diễn ra dần dần, từng chặng chứ không thể một sớm một chiều, nhưng nếu phải chọn một năm mang tính bản lề của hiện tượng nói trên thì có lẽ đó là năm 1970 - năm không chỉ đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào nữ giới trong ngành xuất bản mà còn trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.

Sự tham gia của phụ nữ trong thị trường lao động Mỹ nói chung dường như đã tăng lên đáng kể từ sau năm 1970, dù trước đó đã ghi nhận những xu hướng lẻ tẻ. Các nhà kinh tế đã đề xuất nhiều giả thuyết và chứng cứ khác nhau để lý giải cho việc vì sao sau nhiều thế kỷ đóng vai trò thứ yếu trong thị trường lao động, phụ nữ Mỹ đã đạt được các bước tiến quan trọng.

Cùng với đó là xu thế giải phóng bớt lao động cho phụ nữ nhờ ứng dụng các công nghệ tiết kiệm thời gian, đồ điện tử, máy rửa chén, máy giặt, máy hút bụi, lò vi sóng, những điều đã làm thay đổi các tính toán kinh tế với nhiều gia đình. 

Nếu trước đó mọi công việc nội trợ mệt mỏi và tốn thời gian đổ lên vai người phụ nữ, thì với sự ra đời của các công nghệ mới, gánh nặng này được giảm tải. Và như nhiều nghiên cứu kinh tế khác đã chỉ ra, phụ nữ đã ngày càng được giải phóng khỏi việc nhà để có thể theo đuổi sự nghiệp riêng, trong đó có viết lách, xuất bản.

Cũng cần phải nhắc tới sự ra đời và phổ biến của viên thuốc tránh thai vào những năm 1960, điều đã giúp nhiều phụ nữ có quyền tự quyết về chuyện con cái hơn. Ngoài ra, liên quan mật thiết đến nghề viết, vào khoảng năm 1970, phụ nữ cũng bắt đầu đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. "Nếu bạn nhìn vào tỉ lệ phụ nữ học lên đại học, nó cũng khá giống với tỉ lệ xuất bản sách", Waldfogel nói.

Có thể không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cùng vào năm 2020, phụ nữ không chỉ chiếm đa số trong các tác giả có sách mới xuất bản tại Mỹ mà còn chiếm tỉ lệ đa số trong các sinh viên tốt nghiệp đại học ở quốc gia này. Hiện tại, nữ giới cũng đang chiếm khoảng 70% trong số các học sinh tốt nghiệp trung học hằng năm ở Mỹ.

Chân dung nữ nhà văn Jean Kerr (1922 - 2003) bên bàn viết ở nhà cô. Tranh sơn dầu của René Bouché

Chân dung nữ nhà văn Jean Kerr (1922 - 2003) bên bàn viết ở nhà cô. Tranh sơn dầu của René Bouché

Nhưng vì sao là sách?

Bất chấp những tiến bộ đã ghi nhận trong nửa thế kỷ qua, phụ nữ vẫn tiếp tục tụt lại so với nam giới trong nhiều khu vực của thị trường lao động, trong đó có các ngành công nghiệp giải trí. Chẳng hạn, trong số 250 bộ phim hàng đầu sản xuất năm 2022 tại Mỹ, số đạo diễn nữ vẫn chiếm chưa tới 20% và tỉ lệ nhà quay phim nữ chưa đầy 10%. Tương tự, khi nhìn vào dữ liệu bản quyền cấp cho các phát minh mới, trung bình một năm, phụ nữ chỉ chiếm từ 10 - 15% số các nhà phát minh được cấp chứng nhận bản quyền tại Mỹ.

Và câu hỏi đặt ra là vì sao riêng với sách phụ nữ lại có được khác biệt lớn như vậy. Câu trả lời cho vấn đề này không chỉ quan trọng với phụ nữ mà với cả xã hội nói chung. Bởi lẽ khi hiểu được lý do vì sao phụ nữ có thể thành công như vậy với sách, nó có thể gợi ý giải pháp giúp phụ nữ "nhân bản" mô hình thành công trong các lĩnh vực ngành nghề khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Đài NPR (Mỹ), vì thiếu những chứng cứ chắc chắn nên nghiên cứu mới của Waldfogel dù đưa ra vài giải thích nhưng chúng không thật sự thuyết phục. 

Cụ thể, nhà kinh tế này cho rằng lý giải tốt nhất của ông là vì quá trình viết sách là một nỗ lực cá nhân, trong đó tác giả có thể tự do lựa chọn thời điểm cũng như cách thức làm việc của họ. 

Cũng vì thế mà nhà kinh tế học này cho rằng việc viết sách sẽ ít phải đối mặt với sự kỳ thị giới hay những đối xử thường bất lợi cho nữ giới vốn khá phổ biến trong các ngành nghề khác.

Trên thực tế, các nhà xuất bản sách tư nhân tại Mỹ, không giống như các đơn vị sản xuất phim, truyền hình hay các lĩnh vực sáng tạo khác, cũng ghi nhận sự áp đảo của nữ giới trong đội ngũ nhân sự. Năm 2015, 

Nhà xuất bản Lee & Low Books khảo sát các nhân viên tại 34 nhà xuất bản ở Mỹ và 8 tạp chí bình luận, nhận thấy có tới 78% nhân viên ở mọi cấp độ và 59% số lãnh đạo trong ngành xuất bản là phụ nữ.

Bên cạnh đó, nhu cầu đọc sách ở Mỹ cũng có động lực lớn từ phụ nữ khi các khảo sát trong ít nhất vài thập niên qua thường xuyên nhận thấy phụ nữ đang đọc nhiều sách hơn nam giới, nhất là tiểu thuyết. 

Chưa kể viết sách với phần lớn phụ nữ còn có một lợi thế rất hấp dẫn là sự linh hoạt về thời gian, như cách nói của nhà kinh tế Mỹ Claudia Goldin. Bạn có thể viết sách bất cứ lúc nào, điều này đặc biệt hấp dẫn với phụ nữ - những người vẫn còn bị ràng buộc bởi các trách nhiệm gia đình.

Nói chung dù lý do dẫn tới thực tế "trỗi dậy" của phụ nữ trong ngành xuất bản là gì, theo Waldfogel, mọi độc giả, không chỉ phụ nữ, cũng đều được hưởng lợi từ điều đó.

Phụ nữ đọc và phụ nữ viết

Jessie Gaynor, biên tập viên cao cấp tại trang Literary Hub, một nền tảng xuất bản online chuyên về tiểu thuyết và sách phi hư cấu, là người đam mê sách từ nhỏ. Từ chỗ là một người đọc rất nhiều, nay cô cũng đã thành một người viết. Tháng 6 tới, nhà xuất bản danh tiếng Penguin Random House sẽ ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô có tựa đề The Glow.

Trong quá trình viết sách và tìm hiểu về ngành xuất bản sách thông qua công việc của mình tại Literary Hub, Gaynor cũng đã nhận ra thế đa số của nữ giới. "Trong công việc của mình, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ làm việc trong ngành xuất bản, và tôi nghĩ cũng dễ hiểu khi các biên tập viên nữ và những người phụ trách nhà xuất bản rất vui khi đọc sách của những phụ nữ khác và mua chúng", cô nói với NPR.

Theo Gaynor, một vài trong số các kênh đọc sách nổi tiếng nhất ở Mỹ như Oprah's Book Club và Reese's Book Club đều do phụ nữ điều hành. Cô cũng cho rằng với hầu hết các tác giả, cụ thể là tác giả tiểu thuyết, viết sách là một "lĩnh vực có thu nhập rất thấp". Điều đó có thể khiến nhiều người đàn ông không muốn theo đuổi việc này, trong khi theo cảm nhận của cô, dường như nhiều phụ nữ sẵn sàng làm việc đó hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận