Sự tự tin nguy hiểm?

LÊ QUANG 19/05/2021 04:30 GMT+7

TTCT - "16 năm Angela Merkel là quá dài". Không có gì lạ, khi nhận định đó đến từ một đảng đối lập, nói qua miệng chính người có tham vọng chiếm ghế thủ tướng là bà Annalena Baerbock.

 Hai người phụ nữ đang hoặc có tiềm năng khuynh đảo chính trường Đức - -Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel (phải) và ứng viên Đảng Xanh Annalena Baerbock

Trong lịch sử ngắn ngủi của mình, Liên minh châu Âu hay bị phê phán là ngày càng ôm đồm quyền lực so với các quốc gia thành viên - một biểu hiện của thể chế dân chủ bị giảm sút. Song ngay cả các nước trong EU cũng thiếu một cơ chế quyền lực thống nhất, ví dụ như vấn đề nhiệm kỳ. 

Chủ đề này không có gì mới, song văn hóa chính trường ở mỗi nước có đặc điểm và lý do ít nhiều chính đáng riêng để tiếp cận câu hỏi: có nên hướng đến hoặc hạn chế số nhiệm kỳ của quốc hội hoặc của nguyên thủ quốc gia? Đây là một vấn đề không thể vơ đũa cả nắm, vì mỗi lựa chọn đều có lý khi xét đến tính ổn định chính trị.  

“16 NĂM ANGELA MERKEL LÀ QUÁ DÀI”

Không có gì lạ, khi nhận định đó đến từ một đảng đối lập, nói qua miệng chính người có tham vọng chiếm ghế thủ tướng là bà Annalena Baerbock. Nếu chủ nhật này bầu cử nghị viện liên bang thì nguy cơ đó cho Liên minh Dân chủ Kitô giáo của bà Merkel đang nắm quyền đa số hoàn toàn thực tế: theo thăm dò dư luận của Viện Forsa, Đảng Xanh sẽ chiếm 28% ghế, vượt mặt CDU (22%).

Kết quả từ Tổ chức Kantar (EMNID) cũng khá phù hợp: 27% số cử tri sẽ bầu Đảng tiến cử bà Baerbock và 24% cho CDU đang lúng túng như gà mắc tóc với chính sách dập dịch kém hiệu quả.

Dĩ nhiên, tháng 9 tới, nước Đức mới cầm phiếu đi bầu và cho đến lúc đó còn nhiều xáo động khôn lường. Song sự tái xuất hiện chủ đề hạn chế nhiệm kỳ thủ tướng với tần suất dồn dập là nút báo động đỏ cho không khí chính trị đang căng ở Đức.

Từ ngày lập quốc, chưa bao giờ thủ tướng đương nhiệm lại không phải là một trong các ứng viên. Thủ tướng đầu tiên của Tây Đức, Konrad Adenauer, trị vì 14 năm, Helmut Kohl 16 năm, và bà Merkel với động thái sớm trao lại chức chủ tịch đảng đi kèm tuyên bố không ứng cử trong tháng 9 tới sẽ chấm dứt truyền thống này, sau khi san bằng hoặc có thể phá kỷ lục của người tiền nhiệm, nếu việc thành lập chính phủ mới chùng chình đến cuối năm.

Ứng viên Annalena Baerbock khá ngoại giao khi tuyên bố nước Đức cần “một phương cách lãnh đạo khác”, tuy nhiên người Đức thừa biết chính phủ đương nhiệm của họ đang lao đao trong dịch Corona và chắc chắn sẽ mất nhiều phiếu. Ngày của “người phụ nữ dẫn dắt châu Âu” thực sự đã bắt đầu được đếm ngược, dễ nhận ra qua các tờ báo chính luận hàng đầu trong nước ngày càng gay gắt trong cách phát ngôn về bà và những biện pháp hấp tấp được ký để thâu tóm quyền về tay liên bang hay đúng hơn là vào tay mình.

Annalena Baerbock chỉ là người hâm nóng lại ý tưởng cũ. Một cựu thủ tướng là Gerhard Schröder đã gợi ý từ năm 1998, và khi đã mất ngôi, năm 2017 ông lại lên tiếng đòi đi theo con đường Hoa Kỳ, chỉ cho phép thủ tướng được lãnh đạo hai nhiệm kỳ. Lý do thì chỉ có một: ai ngồi ghế này quá lâu, sẽ sinh ra nghiện quyền lực và lười cải cách.

Nhưng trong một nhà nước pháp quyền thì vấn đề nào cũng được giải quyết bằng luật, mà Hiến pháp Đức chỉ quy định chức thủ tướng được quyết bởi đa số nghị sĩ chứ không đả động đến số nhiệm kỳ. Mọi nỗ lực thay đổi Hiến pháp cho đến nay đều thất bại vì không đủ hai phần ba phiếu thuận trong Quốc hội.

Dù sao thì lần này chủ đề ấy không chỉ nóng lên trong vận động tranh cử: “Dân chủ là cầm quyền có giới hạn về thời gian và có sức sống từ sự thay đổi, lựa chọn và hạn chế quyền lực”, như nhà nghiên cứu Luật hiến pháp Degenhart nói. “Ai liên tục được bầu, người đó sẽ tin rằng mình làm đúng mọi chuyện và không cá nhân nào khác thay mình được. Đó là một điều nguy hiểm. Trong các chu kỳ bầu cử vừa qua đã có sự dịch chuyển trọng số trong hệ thống phân quyền: từ nghị viện sang chính phủ, từ chính phủ sang thủ tướng. Phủ thủ tướng như trung tâm quyền lực của nhà nước cộng hòa là không phù hợp tinh thần hiến pháp”.

Trước thềm năm bầu cử 2020, Nghị viện Đức họp thảo luận một dự luật của Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) về chống độc quyền lãnh đạo và nhanh chóng phủ quyết, sau khi nhận thấy ý đồ giấu nhẹm trong đó là hạ bệ bà Merkel. Giới nghiên cứu chính trị Đức cho rằng không thể có nguy cơ chuyên quyền độc đoán, vì vị thế của quốc hội rất mạnh và thủ tướng chỉ có vai trò tiết chế và nỗ lực cân bằng lợi ích của đảng mình với các đảng khác trong chính phủ liên minh.

 
 Thủ tướng Angela Merkel và lãnh đạo Xanh Annalena Baerbock (phải). Ảnh: DPA

THUẬN VÀ CHỐNG

Thẩm phán Tòa án Hiến pháp bang Baden-Württemberg, ông Wolfgang Jäger, thì tin rằng việc hạn chế thời gian làm thủ tướng là đi ngược lại bản chất hệ thống, vì “chẳng khác gì coi thường ý chí của cử tri và nghị viện”. Những người thảo ra Hiến pháp Đức đã coi tính ổn định của Chính phủ như một trong những mục tiêu cơ bản nhất, nay tại sao lại đưa nó lên bàn tế thần? Chuyện thời sự nóng bỏng bên Israel là tấm gương tày liếp: sau kỳ bầu Quốc hội thứ tư trong vòng hai năm, Israel đang bơi trong vũng xoáy nguy hiểm, vì Thủ tướng Benjamin Netanjahu 71 tuổi vẫn chưa lập xong Chính phủ, nhiều nguy cơ sẽ chuyển sang ngồi ghế đối lập trong khi vẫn tiếp tục hầu tòa vì bị buộc tội tham nhũng.

Frank Decker, một nhà chính trị học ở Bonn, lo sợ rằng thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ hai hay nhiệm kỳ cuối sẽ trở thành “lame duck” - khái niệm “con vịt què” này là hình tượng phổ biến ở Mỹ khi nhắc đến một loạt tổng thống ngày càng mờ nhạt sau khi tái đắc cử và chỉ còn làm việc chiếu lệ cho đến khi về nhà đuổi gà. Chẳng phải Barack Obama ngồi chưa ấm chỗ đã nhận giải Nobel hòa bình, để rồi càng về cuối càng làm cử tri thất vọng vì không đưa ra được cải cách nào sâu rộng?

Decker còn bồi thêm, các chính đảng đề nghị hạn chế nhiệm kỳ chỉ định tạo ấn tượng rằng họ sẵn sàng chuyển giao quyền lực mà thôi: “Tôi e rằng đề nghị đó không thực sự nghiêm túc, người ta chỉ muốn chiều lòng cử tri vốn coi chính trị gia là loại người nghiện quyền lực”.

Dù thế nào thì cũng đã đến lúc bà Merkel chuẩn bị lui về cuộc sống thường dân bớt căng thẳng sau 16 năm ngồi ghế nóng. Khác với các nghệ sĩ ưa và thậm chí có thể chọn thời điểm rời bỏ sự nghiệp ở đỉnh vinh quang, một chính trị gia ở vị trí như bà không có lựa chọn ấy.

Sẽ là hồ đồ, khi định thay bà nói lời vĩ thanh. Nhưng là người đứng đầu chính phủ, bà buộc phải làm người của công chúng và hơn thế nữa để nghe dư luận phán xử về mình. Với xuất phát điểm khá thuận lợi là công dân CHDC Đức và con gái một mục sư Tin lành, nhà vật lý Angela Dorothea Merkel có một sự nghiệp chính trị có thể nói là hoành tráng. Khi được hỏi, sau khi rời chính trường có quay lại làm khoa học không, bà nói đại ý: ai làm chính trị quá lâu như tôi, sẽ chẳng làm được gì khác.

Người bênh bà sẽ nói, 16 năm qua bà lãnh đạo nước Đức với bàn tay rắn rỏi, nâng cao vị thế Đức trong mắt thế giới. Là nữ thủ tướng Đức đầu tiên, bà đã trở thành hình mẫu cho vô số phụ nữ trên thế giới. Quan điểm hòa hợp và thực dụng theo nghĩa tích cực của bà cũng như hình ảnh cá nhân giản dị của bà là một bến neo đậu an lành trong một thế giới ngày càng lạnh lẽo, hung hãn và gấp gáp.

Quả thật bà đã tạo cho nước Đức một khuôn mặt cảm tình. Không chỉ thế, đằng sau vẻ ngoài đó còn là một nước Đức có kinh tế hùng mạnh suốt thập kỷ, ít thất nghiệp, ngân sách cân bằng và đời sống người dân phồn vinh nhất từ sau Thế chiến II.

Người phê phán bà sẽ chỉ ra một xã hội Đức bị phân cực bởi chính sách mở biên giới và đi cùng nó là sự lớn mạnh của thế lực dân túy. Rằng bà hấp tấp đóng cửa nhà máy điện hạt nhân chỉ vì sợ Đảng Xanh cướp lấy đề tài tranh cử, khiến người dân Đức trả tiền điện đắt nhất thế giới. Rằng bà không giữ lời hứa tạo ra cho mỗi đứa trẻ một chỗ trong vườn trẻ. Rằng bà làm suy yếu công nghiệp ôtô vốn là niềm kiêu hãnh của Đức. Rằng bà luống cuống trong chiến dịch chống COVID-19, đến nỗi thúc đẩy một đạo luật đầy rẫy những điều khoản vi hiến…

Nhìn lại, có lẽ việc rời phủ thủ tướng sau hai nhiệm kỳ không hề vô lý?■

Thời Cổ đại Hy-La đã biết đến nhiều hình thức khác nhau của hạn chế nhiệm kỳ. Nền dân chủ Athens lập ra một cơ quan hành pháp là Hội đồng 500 để điều hành các sự vụ thường nhật của cộng đồng, các thành viên chỉ được nhận trách nhiệm tối đa hai lần trong cả đời, mỗi lần một năm và thậm chí không được hai lần liên tiếp. Ở Cộng hòa La Mã, nhiều chức vụ chỉ kéo dài một năm và không được tái cử.

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ muốn đi theo con đường đó, nhưng tổng thống đầu tiên, Thomas Jefferson, cho đến Benjamin Franklin đều không thể luật hóa mong ước ấy trong hiến pháp của nhà nước độc lập. Tuy nhiên tất cả (!) các tổng thống Mỹ đều tình nguyện rời ghế sau tối đa hai nhiệm kỳ, cho đến khi Franklin D. Roosevelt vì tham gia Thế chiến II mà trụ lại tới nhiệm kỳ thứ tư ở Nhà Trắng. Ông qua đời ngay sau đó, và Tu chính án XXII từ bấy giờ trở đi chỉ cho phép mỗi tổng thống làm hai nhiệm kỳ.

Hoa Kỳ cũng là nơi diễn ra các phong trào mạnh mẽ đòi hạn chế nhiệm kỳ của nghị sĩ. Nhà hàng xóm là Mexico có một quy định trong hiến pháp là tổng thống và các nghị sĩ đều phải từ chức sau một nhiệm kỳ. Cũng phải nói thêm là quy định cực đoan này không hề ngăn được Đảng Cách mạng thể chế (PRI) cai trị hơn chục năm liền, biến nước này thành hình mẫu của trì trệ và tham nhũng.

Nói chung các quốc gia mà tổng thống được bầu trực tiếp đều giữ con số hai nhiệm kỳ. Nhưng các ví dụ ở Nga hay Venezuela (vừa bãi bỏ bởi trưng cầu ý dân) cho thấy khó có thể cả quyết con đường nào là lý tưởng. Thụy Sĩ không hạn chế, Đức chỉ quy định hai chu kỳ lãnh đạo cho tổng thống nhưng lại buông lỏng cho thủ tướng. Trong khi một số quốc gia coi sự cầm quyền liên tu bất tận đồng nghĩa với đình trệ thì ở nơi khác được khen là ổn định chính trị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận