Sức mạnh cho cảnh sát, cơ hội cho tội phạm

TRƯỜNG SƠN 31/03/2017 23:03 GMT+7

TTCT_ Những tiến bộ khoa học công nghệ mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại có thể giúp lực lượng thực thi pháp luật phòng chống tội phạm tốt hơn, nhưng đồng thời cũng kèm theo nhiều nguy cơ an ninh, bảo mật trong thế giới ảo.

Công nghệ giúp tăng sức mạnh cho cảnh sát nhưng cũng là công cụ của tội phạm
Công nghệ giúp tăng sức mạnh cho cảnh sát nhưng cũng là công cụ của tội phạm

 

Trợ lý điều tra, dự báo tội phạm

Hồi đầu tháng 1 năm nay, hãng xe siêu sang Rolls-Royce đồng ý chi 700 triệu bảng Anh để dàn xếp bê bối hối lộ và tham nhũng để giành hợp đồng ở nhiều quốc gia với SFO - cơ quan chống gian lận của Anh.

Việc điều tra bê bối của Rolls-Royce được SFO giao cho một nhóm gồm 7 thành viên và một trợ lý đắc lực - phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) có tên ACE của Công ty Ravn.

Theo Financial Times, ACE đã đọc và phân loại 30 triệu tài liệu thành nhóm “ưu tiên” và “không ưu tiên” để các điều tra viên là con người tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ.

Vì là máy tính làm việc không biết mệt nên ACE có thể xử lý 600.000 tài liệu/ngày - tốc độ mà con người không thể đạt được nếu đọc thủ công từng tài liệu một. Thực tế, nếu không có AI trợ giúp, sẽ mất hàng tháng mới xử lý được số tài liệu trên.

David Lumsden, CEO của Ravn, khẳng định ACE thông minh hơn các thuật toán đọc và phân tích tài liệu khác ở chỗ nó có thể tự học và nâng cao kiến thức theo thời gian và có khả năng hiểu và trích xuất thông tin từ nhiều định dạng khác nhau như văn bản Word, pdf, bảng biểu Excel, slide PowerPoint hay thậm chí là hình ảnh.

“AI có thể giúp một công ty trích số hộ chiếu từ hồ sơ của hơn 10.000 nhân viên dù chỉ là qua ảnh chụp - Lumsden ví dụ - Nếu là con người, chúng ta phải xem ảnh từng passport một và gõ lại số hộ chiếu bằng tay”.

Tham gia vụ Rolls-Royce là cuộc chào sân hoàn hảo của AI với giới điều tra, và các bên liên quan đều rất hào hứng. Ravn muốn thừa thắng xông lên, tìm kiếm thêm khách hàng cho ACE, trong khi SFO đang cân nhắc tiếp tục sử dụng AI trong các cuộc điều tra tiếp theo nhằm giảm bớt thời gian đọc tài liệu của nhân viên.

Nhưng những thành tựu công nghệ của cách mạng 4.0 còn có thể giúp các nhà thực thi pháp luật làm nhiều hơn là đọc và phân tích tài liệu.

Trong truyện ngắn giả tưởng The Minority Report xuất bản năm 1956, nhà văn Philip K. Dick đưa ra khái niệm precrime, chỉ việc “thấy” trước tội ác và kịp thời ngăn chặn trước khi chúng xảy ra.

Hơn nửa thế kỷ sau ngày The Minority Report ra mắt, điều viễn tưởng trong truyện đã trở thành sự thật với công nghệ “predictive policing” - giám sát dự báo - khi thuật toán máy tính khai thác lượng dữ liệu khổng lồ để đưa ra dự báo về nguy cơ tội phạm.

Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu chính sách công RAND, công nghệ hiện nay đã cho phép dự đoán tội phạm theo bốn phương pháp: dự đoán thời gian và nơi chốn vụ phạm pháp có thể xảy ra; dự đoán cá nhân sẽ phạm tội; dự đoán hồ sơ cá nhân của kẻ-có-thể-phạm-tội và dự đoán cá nhân/thành phần nhân khẩu học dễ trở thành nạn nhân của tội ác.

Trong báo cáo “Trí tuệ nhân tạo và đời sống năm 2030”, Đại học Stanford cho rằng công nghệ dự báo tội phạm sẽ giúp sức đáng kể cho lực lượng cảnh sát cũng như giảm bớt hay xóa bỏ định kiến mà các nhân viên thực thi pháp luật có thể mắc phải, do lẽ máy tính không có định kiến về màu da hay sắc tộc với bất kỳ mẩu dữ liệu nào.

Theo The New York Times, từ năm 2015 nhiều sở cảnh sát ở các thành phố lớn của Mỹ đã áp dụng AI để dự đoán tội phạm. Một trong các phần mềm phổ biến là PredPol, được sở cảnh sát Los Angeles và Atlanta sử dụng, dùng các dữ liệu như thời gian, địa điểm và loại tội phạm đã xảy ra để lập bản đồ các “điểm nóng”, giúp cảnh sát xác định đêm nay nên đi tuần khu vực nào.

Một phần mềm khác, HunchLab, cũng tổng hợp các báo cáo tội phạm trước đó và kết hợp nó với các thông tin như mật độ dân số, điều tra dân số, vị trí quán bar, nhà thờ và phương tiện công cộng, và đưa ra các dự đoán.

Một số nhận định của HunchLab có vẻ “rõ như ban ngày”, như ngày nào thời tiết lạnh thì ít có vụ án hơn. Song, ứng dụng cũng chỉ ra nhiều mối tương quan mà con người khó có thể nhận định được: tỉ lệ các vụ hành hung nghiêm trọng ở Chicago giảm vào những ngày nhiều gió, trong khi xe hơi ở Philadelphia có nguy cơ bị mất trộm nhiều hơn nếu chúng được đậu gần trường học.

Ngoài ra, theo trang WIRED, các ứng dụng công nghệ như in 3D hay thực tế ảo VR “sẽ tham gia phá án trong tương lai”.

Theo đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bournemouth (Anh) đã phát triển thành công phần mềm DigTrace, có thể phân tích ảnh chụp vết giày tội phạm để lại hiện trường và chuyển thành hình ảnh 3D mô phỏng chính đôi giày đó để giúp cơ quan điều tra tiện so sánh, đối chiếu và tìm ra manh mối.

Đại học Bournemouth cho biết đã cung cấp DigTrace miễn phí cho lực lượng cảnh sát Anh và cả nước ngoài. Ngoài vết chân, các đoạn băng do camera an ninh ghi lại cũng là manh mối phục vụ điều tra quan trọng. Nhưng nếu camera ghi lại cảnh hai nghi can trao đổi với nhau, mà không có âm thanh thì sao?

Các nhà nghiên cứu Đại học East Anglia (Anh) đang thử nghiệm phần mềm AI có thể “thêm tiếng” cho các đoạn băng như vậy bằng cách dạy máy tính “đọc môi”.

Máy tính sẽ được dạy để nhận diện vị trí, hình dáng của môi người khi phát âm từng từ hay câu và từ đó “phục dựng” lại cuộc trò chuyện giữa các nghi can trong đoạn băng “câm”, phục vụ đắc lực cho công cuộc điều tra.

Trong khi đó, tiến sĩ Mezheb Chowdhury, chuyên gia khoa học pháp y và điều tra hình sự đang phối hợp với Đại học Staffordshire, nói để thử nghiệm công nghệ cho phép thành viên bồi thẩm đoàn “đi thực tế” hiện trường vụ án thông qua thực tế ảo (VR) thay vì chỉ nhìn hình chụp hay ảnh phác thảo do luật sư cung cấp.

Phần video thực tế ảo sẽ được quay bằng máy quay 360 độ và xem bằng kính VR Cardboard của Google, với nội dung bắt đầu từ khi tội ác xảy ra đến khi kết thúc.

Chowdhury giải thích với WIRED việc “có mặt” tại hiện trường vụ án thông qua VR sẽ giúp bồi thẩm đoàn đưa ra nhận định khách quan hơn.

“Các luật sư thường đưa hình ảnh hiện trường vụ án cho bồi thẩm đoàn xem, nhưng họ sẽ cố tình lựa hình nào có lợi cho thân chủ, làm mất tính khách quan” - Chowdhury nói và cho biết ông đúc kết được điều này sau khi cho 50 đơn vị cảnh sát ở cả Anh và Mỹ trải nghiệm công nghệ của mình.

Công nghệ đang tiếp tay cho tội phạm
Công nghệ đang tiếp tay cho tội phạm

 

Nguy cơ của sự kết nối

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2016, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo xu hướng các cuộc tấn công mạng nhằm vào hạ tầng quốc gia quan trọng sẽ ngày một gia tăng.

Các xu hướng trước đó là đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng của các hệ thống bán lẻ trực tuyến (năm 2014) và đánh cắp dữ liệu cá nhân (2015). Vài tuần trước thềm Davos 2016, tin tặc xâm nhập hệ thống điện Ukraine, gây mất điện trên diện rộng.

Theo ước tính của Công ty bảo hiểm Lloyd, một vụ tấn công mạng vào lưới điện đông bắc nước Mỹ có thể gây thiệt hại 1.000 tỉ USD! Theo báo cáo của Tổ chức Nuclear Threat Initiative trước thềm Davos 2016, các nhà máy điện hạt nhân dân sự tại 20 quốc gia có nguy cơ bị tin tặc.

Trước thềm Davos năm nay, báo cáo Global Risks Report chỉ ra các thiết bị kết nối Internet và tấn công mạng tiếp tục được xem là một trong những hiểm họa hàng đầu cho an ninh toàn cầu.

Theo báo cáo trên, các nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm ở các quốc gia mà “xã hội không bắt kịp với sự phát triển của AI và robot”.

Cụ thể, theo John Drzik - chủ tịch phụ trách rủi ro toàn cầu của Hãng môi giới bảo hiểm Marsh, “các công nghệ mới đang mở đường cho các dạng thức tấn công mạng mới”, chẳng hạn vụ tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) nhằm vào công ty dịch vụ đám mây Dyn hồi năm ngoái.

Hình thức DDoS thông thường tận dụng các máy tính ma bị cài mã độc, song với Dyn, tin tặc lại cài mã độc vào các thiết bị IoT như camera và máy theo dõi em bé (baby monitor) để biến chúng thành máy tính ma phục vụ cho cuộc tấn công.

Các chuyên gia Davos nhận định rằng các thiết bị IoT (đến cả đồ dùng trong bếp cũng có kết nối Internet) sẽ “mở rộng cửa” khiến tấn công mạng xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn. Xu hướng này thật sự đáng sợ nếu biết rằng số lượng thiết bị IoT trên toàn cầu sẽ vào khoảng 20 tỉ đến 50 tỉ vào năm 2020, theo dự báo của Hãng Gartner.

Thiết bị IoT thực sự là nhu cầu của người tiêu dùng trong nền kinh tế thế hệ mới và điều đáng ngại, như các chuyên gia thừa nhận, là “hiện chưa thể vừa đáp ứng nhu cầu này vừa đảm bảo tính bảo mật cho các thiết bị có kết nối Internet”.

Bóng ma tấn công mạng đang bao phủ lên mọi thành phần của thế giới số, từ người dân bình thường đến doanh nghiệp và chính phủ. Đầu năm 2017, BD Software, công ty đối tác tại Ấn Độ của Hãng bảo mật Bitdefender, đưa ra dự đoán 5 nguy cơ an ninh mạng lớn nhất trong năm nay của quốc gia này, song nhìn chung những hiểm họa này là phổ quát với bất kỳ nước nào.

BD Software chỉ ra nguy cơ hàng đầu là người sử dụng smartphone, đặc biệt là điện thoại chạy hệ điều hành Android, khi ngày càng có nhiều mã độc nhằm vào nhóm đối tượng này để đánh cắp thông tin.

Nền kinh tế không tiền mặt với thanh toán bằng thẻ hay Internet banking tiếp tục là miếng mồi ngon của tin tặc. Đứng hàng thứ ba là thông tin cá nhân, từ địa chỉ, tên tuổi các thành viên trong gia đình đến thông tin sinh trắc học (dấu vân tay dùng để mở smartphone) đều có thể bị đánh cắp và sử dụng vào mục đích xấu.

Đây là nguy cơ cho người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới, khi chúng ta khai báo, chia sẻ thông tin quá nhiều nhưng ít quan tâm chúng có thể bị đánh cắp hay lợi dụng.

Cuối cùng, BD Software cảnh báo về nguy cơ tấn công mạng ở tầm quốc gia, nhằm vào chính phủ, cơ quan nhà nước và các tổ chức quan trọng khác của một quốc gia. Ở mức độ cao nhất là tấn công mạng do chính phủ tài trợ và giữa các quốc gia thực sự, một cuộc chiến không tiếng súng nhưng mức độ thiệt hại thì khôn lường.■

Tạp chí Infosecurity lại đưa ra lời khuyên “lấy đá chọi đá”. Tin tặc ứng dụng thành tựu công nghệ gì để tấn công thì ta cũng tận dụng những công nghệ đó để phòng thủ. Một trong những hướng đi là sử dụng machine learning để tạo ra những cỗ máy hacker, có thể ngày đêm dò quét các lỗ hổng bảo mật để kịp thời “vá lỗi”, giúp bảo mật 24/24 giờ vì máy tính không cần phải ngủ cho lại sức như nhân viên quản trị mạng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận