Sức mạnh của ý tưởng định chế xã hội

HOÀNG HỒNG MINH 06/03/2012 21:03 GMT+7

TTCT - Ngày 7-3-1884, cao ủy vùng Seine (vùng Paris) Eugène René Poubelle ký quyết định về vấn đề lấy rác thải. Quyết định này yêu cầu các chủ nhà phải có và phải cung cấp cho mỗi người thuê nhà của họ một thùng chứa rác thải gia đình, vào quy củ.

“Từ nay, rác thải sẽ được thu thập qua một thùng chứa bằng gỗ bên trong lót tôn sắt trắng, để không có gì có thể rơi vãi, và nó có thể chứa được tro nóng mà không có nguy cơ gây hỏa hoạn”. Các thùng chứa có kích thước từ 80-120 lít, bản thân nó không được nặng quá 10kg, có nắp đậy và tay xách...

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Sau ba tháng thảo luận, làm việc trong các hội đồng, dù có những phản đối, và sau cuộc bỏ phiếu của hội đồng thành phố Paris ngày 22-2-1884, tờ Bản Tin Chính Thức của thành phố Paris ngày 7-3-1884 đã công bố quyết định mới mang tên “Quy chế lấy rác hộ gia đình” với chữ ký của Eugène René Poubelle. Ngay khi bắt đầu quy chế này, việc phân loại các thùng chứa rác đã được xác lập: loại chung cho rác thải hộ gia đình, loại riêng cho bát đĩa vỡ, thủy tinh, đồ gốm... và một loại riêng nữa cho các loại vỏ ốc, vỏ hến, vỏ trai...

Rất nhanh chóng, thùng gom rác được người ta gọi là “poubelle” (đọc là “pu-bel”), và từ năm 1890 từ này được đưa vào từ điển. Kể từ đó việc gom rác được quy chuẩn hóa, vào nề nếp và vẫn được tiếp tục cải tiến. Quy trình này được mở rộng dần đến mọi nhà ở các thành phố, làng xã trên nước Pháp, rồi được nhân rộng cả ở nhiều nơi ngoài nước Pháp.

Câu chuyện trên đây, các bạn có thể tìm đọc kỹ thêm trên Wikipedia.

----

Ông Poubelle không phải là một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà triết học, nhà tư tưởng hay nhà tranh đấu xã hội cuồng nhiệt. Ông ấy cũng không để lại những công trình viết chữ lên trời xanh, hay hóa mình thành một tượng đài vĩnh cửu. Ông hóa thân mình vào một cái vật dụng “tầm thường nhất”, thậm chí bị chê khinh, cái “thùng gom rác”, cái poubelle.

Nhưng cả một ngành công nghiệp thu gom rác vĩ đại, chuẩn hóa cho xã hội đã được bắt đầu từ ý tưởng bình dị nhưng không gì lay chuyển nổi đó của ông. Và cả cộng đồng xã hội đã biết bắt lấy cái ý tưởng tổ chức đời sống xã hội cho ra kỷ cương, cho thật thuận lợi đó của ông để mà đẩy nó lên.

----

Các nhà hoạt động xã hội, các nhà hoạt động chính trị của xã hội chúng ta hôm nay có thật nhiều việc phải làm, để đưa một xã hội uột èo nhà nông nửa đô thị hóa vào quy củ. Xã hội mong chờ ở họ chắc chắn không phải chỉ những bài diễn văn nóng bỏng sục sôi, mà trước hết những giải pháp thật căn bản cho nền nếp xã hội mới.

Chuyện xa xôi ư? Không. Cần ví dụ ư? Có thể. Trên mọi lĩnh vực.

Xã hội đã quá rộng lớn và mệt mỏi. Các thành phố lớn đông đúc hàng triệu người, nhưng người ta vẫn quá quen lo sợ với các tập tục ma chay cưới xin cũ kỹ nghìn nghịt người như khi xưa ở trong làng.

Con người ở thành phố hôm nay không chỉ ở trong một cái làng, mà đã phải ở trong hàng chục cái làng đan chéo nhau: khu phố, họ hàng, công sở, trường học, bạn bè, tổ chức xã hội... Ra một quyết định, chẳng hạn ”cấm các công chức dự ma chay cưới xin trong giờ làm việc”, sẽ giúp củng cố kỷ cương mà cũng giải phóng chính các công chức khỏi những hủ tục này, qua đó sẽ giải phóng xã hội...

Thảo luận miên man không đi đến đâu, không để làm gì là thói quen cố hữu của lớp sĩ phu trà dư tửu hậu. Sau các nghiên cứu đã thảo luận, nghiền ngẫm, luật định là công cụ tốt nhất để con người vào việc hiệu quả, chiến thắng được những hủ tục mà chính mình đã phát chán ngấy nhưng lại vẫn đang sợ sệt co ro trước chúng. Và mỗi công dân hãy sẵn lòng đón nhận và cổ vũ những ý tưởng rộng mở và quả cảm, tinh tế và thiết thực cho đời sống của chính chúng ta hôm nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận