TTCT - Những sự kiện gần đây liên quan quá trình tái cấu trúc của một số tập đoàn kinh tế đã đặt ra một loạt câu hỏi về trách nhiệm quản trị, tầm nhìn chính sách và rộng hơn là tính bền vững của mô hình kinh tế tập đoàn hiện nay ở nước ta. Độc quyền khiến nhiều tập đoàn chưa chú trọng làm tốt nhiệm vụ chính. Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng vừa qua mà trách nhiệm thuộc về Tập đoàn điện lực VN là một minh chứng. Trong ảnh: Sửa chữa trạm biến áp 500kW Đà Nẵng thuộc hệ thống truyền tải điện 500kW Bắc - Nam - Ảnh: N.C.T.Vinashin chỉ là trường hợp điển hình của một tập đoàn không may mắn. Nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, những ưu ái Vinashin được hưởng có thể khiến tập đoàn này vẫn cân đối được khoản thu để bù đắp khoản chi.Nhưng hiệu quả kinh tế thật sự không chỉ đo lường ở mức độ không bị vỡ nợ mà cần phải so sánh trong khả năng khác, khi những khoản vốn khổng lồ được dùng trong một trường hợp khác và mang lại lợi nhuận lớn hơn. Trên thực tế, đa số các tập đoàn không bị đẩy tới tình trạng của Vinashin, vì thế chúng ta thật sự không có nhiều cơ hội để đặt một câu hỏi rộng lớn hơn nhiều, liên quan đến hiệu quả thật sự của tất cả các tập đoàn kinh tế hiện nay. Vào lúc này, có rất nhiều lý luận để biện minh sự tồn tại của các tập đoàn lớn của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam cảm thấy nhu cầu tăng cao sức cạnh tranh quốc tế. Về bản chất, như có thể thấy rõ trong trường hợp Vinashin, mô hình tập đoàn lớn hiện nay có ý nghĩa như là phương tiện tích tụ tư bản một cách nhân tạo, thông qua sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước nhằm tạo ra bước nhảy vọt không thông qua quá trình tích lũy tự nhiên như trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên do bị tích lũy một cách nhân tạo, cấu trúc của hệ thống cũng mang tính nhân tạo, gượng ép nên thường không đạt được sự đồng bộ, nhuần nhuyễn mà một tổ chức hữu cơ cần có. Sự thiếu đồng bộ này thể hiện qua năng lực quản lý, khả năng ra quyết định (năng lực đầu tư), mức độ kiểm soát... Thiếu những năng lực này, doanh nghiệp thường khó đối phó được trước những rủi ro của thị trường, đặc biệt thị trường toàn cầu. Có thể nói đây là mâu thuẫn căn bản của mô hình: các tập đoàn cần có quy mô lớn để đủ điều kiện tham gia thị trường toàn cầu nhưng lại không hội đủ sự nhạy bén, tinh khôn, linh hoạt và thực tế để ứng phó với những rủi ro toàn cầu. Lịch sử thế giới cho thấy đa số doanh nghiệp toàn cầu đều trải qua một quá trình trưởng thành tự nhiên và lâu dài, trên cơ sở đó tạo được những cơ chế tự duy trì, tự tái tạo liên tục và bền vững. Trong một số nước phát triển sau, như trường hợp của Đức và Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số doanh nghiệp lớn được hình thành nhờ sự hỗ trợ của nhà nước đã trưởng thành nhanh chóng nhờ những điều kiện quốc tế đặc biệt (như chiến tranh), nhưng sau đó đều phải có sự chuyển đổi và cải cách theo hướng tư nhân hóa để nhà nước có thể rút khỏi hoạt động trực tiếp tại doanh nghiệp. Chừng nào còn sự hiện diện của nhà nước trong các doanh nghiệp này thì những mâu thuẫn lớn như sự tách bạch giữa quyền đại diện sở hữu và quyền điều hành, giữa nhu cầu và khả năng giám sát đều dẫn tới những lỗ hổng đẩy cá nhân chạy theo các hoạt động trục lợi ngắn hạn, làm suy giảm hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng ứng phó của doanh nghiệp.Tâm lý và nợ nầnTháng 11-2005, báo chí đồng loạt đưa tin: Tổng công ty Than Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế đầu tiên. Trả lời phỏng vấn, ông Đoàn Văn Kiển - tổng giám đốc “tập đoàn kinh tế đầu tiên” này - cho hay: “Về quy mô, vốn của tập đoàn sẽ lớn hơn trước rất nhiều, kinh doanh sẽ đa ngành, bên cạnh than còn làm điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí năng lượng và mỏ, đóng tàu và ôtô, khai thác và chế biến khoáng sản khác, dịch vụ du lịch...”. Tỉ trọng doanh thu của các ngành ngoài than (như sản xuất vật liệu nổ, điện, ôtô, cơ khí năng lượng, đóng tàu, dịch vụ...) lúc đó chiếm tới 33-34% tổng doanh thu của tập đoàn và dự kiến đạt 40% vào năm 2010.Có thể thấy từ thuở ban đầu này, một tâm lý hồ hởi phấn khởi đã lan khắp. Tám tháng trước khi tập đoàn đầu tiên này ra đời, tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tập đoàn kinh tế”, một quan chức phụ trách nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp cổ vũ: “Cũng có những mô hình khác có sức lan tỏa nhưng không phổ biến. Phổ biến là những tập đoàn đa dạng về thành viên, đa dạng về sở hữu, đa dạng về khu vực đầu tư vươn tầm ra cả nước ngoài. Đó mới là điều quan trọng”. Sáu tháng sau (tháng 5-2006), báo chí lại loan tin: “Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước cho biết dự kiến đến đầu năm 2009, Việt Nam sẽ có 10-20 tập đoàn kinh tế mạnh. Sau khi đổi mới, sắp xếp lại, các tập đoàn và tổng công ty đều được hoạt động theo hình thức đa sở hữu, đa ngành nghề và phần lớn là đa quốc gia”. Từ đó các tập đoàn mọc lên như nấm.Lý lẽ nền tảng để khai sinh các tập đoàn này có thể gói gọn trong khái niệm “sinh tồn” trước WTO: “Nước ta đang chủ động và tích cực đàm phán gia nhập WTO, trong đó vấn đề sống còn được đặt ra là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào. Thực tế cho thấy những tập đoàn kinh tế mạnh là đội quân chủ lực đảm bảo quá trình hội nhập thành công. Nhiều tổng công ty của Việt Nam đã và đang xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế”. Từ cách nhìn đó, “năng lực cạnh tranh” trong sới vật sumo WTO được hiểu là càng nặng cân, càng lớn thì càng tốt. Đến tận năm ngoái - 2009 - vẫn còn cách nhìn “tự tin” vào chức năng sumo này. Lãnh đạo một viện nghiên cứu lý giải: “Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi gia nhập WTO, vai trò của các tập đoàn kinh tế trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Việc hình thành tập đoàn kinh tế còn có ý nghĩa tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng lợi thế về quy mô và kết hợp các ưu thế của sự chuyên môn hóa với hoạt động kinh doanh đa dạng...”. Không rõ trên cơ sở nào có thể khẳng định rằng: “Việc hình thành tập đoàn kinh tế còn có ý nghĩa tăng cường hiệu quả quản lý”? Trong tâm lý đó, hiếm thấy những câu hỏi thận trọng: giám sát những “người khổng lồ” này như thế nào? Một trong những tiền đề của giám sát chính là yêu cầu công khai minh bạch. Sáu năm trước, một nhóm chuyên gia quốc tế chuyên về nợ nước ngoài của dự án VIE/01/010 sau hơn ba năm (2001-2004) quan sát, mô tả, phân tích hiện trạng bộ máy vay và quản lý nợ của Việt Nam đã khuyến cáo: “Trên hết, dân chúng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ một cách quản lý nợ thận trọng hơn và hiệu quả hơn, kinh tế xã hội bớt nguy cơ bị tác động nghiêm trọng có thể đến từ các chương trình vay nợ được quản lý một cách không thích hợp...”. Lưu ý về tâm lý phấn khởi, tự tin mỗi khi nói đến vay nợ nước ngoài, nhóm nghiên cứu đã cảnh báo: “Sự dựa dẫm thái quá vào nợ nước ngoài trong một thời gian dài thường gắn với những bất trắc đáng kể vì sự lệ thuộc đó có xu hướng tạo ra bất cân bằng thanh toán, cuối cùng sẽ trở thành mối đe dọa sự ổn định, các thành tựu xóa đói giảm nghèo và chủ quyền quốc gia”. __________Kể từ ngày 1-7-2010, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi qua hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Liệu sẽ có sự lột xác thật sự từ đây?Dù hoạt động dưới mô hình nào, dù tồn tại trên bất kỳ lãnh thổ, quốc gia nào, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn đồng nghĩa với kém hiệu quả vì vốn nhà nước nên chẳng ai chịu trách nhiệm, người điều hành thì không có động cơ làm cho DN có lợi nhất. Đây là một trong những kết luận được nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận.Phải có mâu thuẫn“Bên cạnh những khoản nợ lớn với các ngân hàng và thị trường trái phiếu trong nước cùng với những khoản nợ nước ngoài lớn, có vai trò Chính phủ cho vay lại và bảo lãnh thì việc tham gia của một định chế tài chính hoặc tổ hợp vài định chế tài chính độc lập sẽ đem lại những ích lợi lớn và quan trọng. Thường thì người ta đều thuê các định chế tài chính làm tư vấn và tham gia quá trình tái cấu trúc nợ do họ biết và hiểu thị trường nợ hơn. Thị trường sẽ tiếp nhận những giải pháp tái cấu trúc của các tập đoàn kinh tế và Chính phủ với những cánh cửa còn mở để đàm phán chứ không khép lại để chờ xem. Một khi yếu tố chính trị được phân định thì cách nhìn và phương pháp của các định chế tài chính độc lập này sẽ phát huy tính hiệu quả của thị trường khách hàng và thị trường tài chính mong chờ, chứ không bị mập mờ với những quán tính của giải pháp của thị trường hành chính”Điều quan trọng nhất của hoạt động DN là xác định rõ trách nhiệm và giải quyết được xung đột giữa chủ sở hữu và người điều hành. Trên thế giới, mô hình phổ biến nhất vẫn là DN cổ phần với ưu điểm lớn nhất là huy động được nhiều vốn từ thị trường, đặc biệt là những công ty đại chúng. Vụ Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc nhờ tiến hành cổ phần hóa mới đây đã huy động được 22 tỉ USD qua việc bán một phần vốn nhà nước trong ngân hàng là ví dụ điển hình. Theo ông Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), nhược điểm của mô hình này là tạo nên mâu thuẫn giữa người điều hành và chủ sở hữu. Mục tiêu của cổ đông là muốn giá trị công ty tăng cao, giá cổ phần cao trong khi với ban giám đốc điều hành lại là doanh số, hiệu quả theo nhiệm kỳ. Để tránh người điều hành công ty trục lợi cá nhân hoặc không có động cơ vun đắp cho công ty, người ta gắn chặt lợi ích những cá nhân điều hành với công ty. Và một trong số những công cụ được ưa chuộng là thưởng quyền mua cổ phiếu bên cạnh lương, thưởng cao. Vì thế người điều hành công ty sẽ có động cơ để nâng giá trị công ty, cổ phiếu gia tăng... Theo luật sư Nguyễn Ngọc Bích - nhà tư vấn tái cấu trúc DN, vấn đề còn là quản trị DN theo khoa học thay vì theo sự thuận tiện như nhiều DNNN đang làm. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trên thế giới hiếm có mô hình DNNN hoạt động hiệu quả (mô hình DNNN ở Singapore thành công nhờ cách quản trị đặc thù: chính phủ là HĐQT) vì không thể xác định chủ sở hữu DNNN là ai, không chỉ ra được ai là người chịu mất mát khi DN bị lỗ. Không tìm được người chủ sở hữu thật sự để quản lý và giám sát phần vốn của nhà nước thì “dù DNNN chuyển đổi hoạt động theo hình thức công ty TNHH một thành viên, vấn đề quản trị không thay đổi gì nhiều, vì thế hiệu quả tiếp tục là dấu hỏi” - ông Huỳnh Thế Du đánh giá.Một điểm khác lý giải sự không hiệu quả của DNNN là phải gánh vác hai mục tiêu ngoài mục tiêu lợi nhuận, bao gồm nhiệm vụ thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước và mục tiêu xã hội. Hai mục tiêu, nhiệm vụ này lại thường được lấy ra để biện minh cho hoạt động thua lỗ, không hiệu quả của nhiều DNNN. Đẩy mạnh cổ phần hóa Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm tới của VN là tái cấu trúc khu vực DNNN. Trong hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN hồi tháng 6, các nhà tài trợ - chủ nợ quốc tế đã lưu ý VN phải thúc đẩy nhanh việc cải cách DNNN, nếu không các nhóm lợi ích sẽ cản trở tiến trình phát triển kinh tế VN.Các nhà tư vấn cũng đề nghị VN tạo điều kiện hơn cho khu vực tư nhân tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực lâu nay DNNN được ưu ái, thúc đẩy hợp tác công - tư. Nhiều nước vẫn để DNNN cung cấp những dịch vụ cơ bản, mang tính công ích, chẳng hạn vận tải công cộng, điện, nước. Những ngành đó thường có những thất bại thị trường mà nếu để tư nhân làm thì sẽ không đạt mục tiêu tối ưu cho xã hội. “Trong trường hợp này, người ta vẫn không giải quyết được mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người điều hành” - ông Du khẳng định.Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế cho đây chính là thời điểm VN cần quyết định nên giữ lại những DNNN trong lĩnh vực nào, DN nào nên cổ phần hóa. Để khu vực tư nhân phát triển, Nhà nước chỉ cần xây dựng những chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh và biện pháp ngăn chặn tiêu cực. Ở VN, Nhà nước còn tham gia vào quá nhiều lĩnh vực nên từ độc quyền tự nhiên dẫn đến độc quyền cả một ngành. Trong một hội thảo gần đây về kêu gọi đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho hay họ sẵn sàng đầu tư nhưng sự độc quyền trong lĩnh vực điện khiến họ e ngại. “Vai trò của Nhà nước là sửa chữa những thất bại thị trường và bảo đảm công bằng cho xã hội chứ không phải là làm được bao nhiêu sản phẩm cho xã hội. Cái đó để cho khu vực kinh tế tư nhân làm” - ông Du góp ý. Tags: Doanh nghiệp nhà nướcTái cấu trúcTập đoànMô hình kinh tế tập đoàn
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.