Ta là ai trong vòng tròn cho - nhận?

NGUYỄN HOÀNG MỸ PHƯƠNG 12/02/2016 23:02 GMT+7

TTCT - Giả sử bạn tặng ai đó một món quà có giá 200.000 đồng nhưng vì người nhận không thích nó nên nếu là họ, họ chỉ sẵn sàng trả 50.000 đồng cho món quà đó.

Internet
Internet

Khi đó, có thể nói khoản chênh lệch giữa số tiền chi cho món quà và cách thức người nhận đánh giá món quà là “khoản mất trắng vô ích”, và đây là một khoản mất mát cho người tặng, người nhận và cả nền kinh tế.

Ý tưởng này xuất phát từ một nghiên cứu “Khoản mất trắng vô ích của Giáng sinh” năm 1993 của nhà kinh tế Joel Waldfogel, người đã ước tính rằng khoản mất mát này từ khoảng 1/10 đến 1/3 giá trị món quà.

Do đó, một số nhà kinh tế gợi ý rằng thay vì một món quà, chúng ta nên tặng tiền mặt. Nhưng tiền mặt thì có vẻ “thẳng thắn” quá. Thẻ quà tặng trông có vẻ tốt hơn, nhưng nhìn chung cũng không hiệu quả mấy vì có nhiều người không bao giờ sử dụng chúng. Chỉ cần nhìn vào các trang mạng kinh doanh thẻ quà tặng ở trong và ngoài nước, ta có thể thấy chúng thường được bán dưới mệnh giá.

Vốn xã hội

Giáo sư Arjun Appadurai, trong tuyển tập Cuộc sống xã hội của đồ vật, cho rằng chúng ta phải theo đuổi bản thân các đồ vật, theo ý nghĩa được khắc trong hình thức, cách sử dụng, quỹ đạo của chúng, vì chỉ có cách thông qua việc phân tích những quỹ đạo này thì chúng ta mới có thể diễn giải các giao dịch và tính toán của con người đã làm sống động các đồ vật.

Những nền kinh tế quà tặng đã tồn tại trong suốt lịch sử nhân loại. Các nghiên cứu đầu tiên có lẽ đến từ nhà nhân học người Ba Lan Bronislaw Malinowski, cha đẻ của ngành nhân học hiện đại, và nhà xã hội học người Pháp Marcel Mauss - một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về việc tặng quà với công trình nổi tiếng “Luận về biếu tặng” (The gift).

Họ mô tả người bản địa ở các đảo Trobriand đã thực hiện những chuyến đi nguy hiểm bằng xuồng xuyên hàng nghìn dặm giữa đại dương để trao đổi vòng tay và vòng cổ theo một chiều nhất định - các vòng tay lưu thông từ Tây sang Đông trong khi các vòng cổ từ Đông sang Tây. Các vòng kula này tuy không sử dụng trong thực tế nhưng tầm quan trọng của chu trình này chính là được liên kết một cách bền vững với các đối tác có uy tín.

Những nền kinh tế quà tặng khác có thể bao gồm các mặt hàng hữu ích, chẳng hạn bữa tiệc potlatch ở vùng ven biển tây bắc Thái Bình Dương, được nhà nhân học người Mỹ Franz Boas nghiên cứu vào cuối thế kỷ 19 và được Mauss đề cập trong “Luận về biếu tặng”.

Một potlatch là một lễ hội khổng lồ, thường tổ chức vào dịp sinh, tử hoặc kết hôn, trong đó tập hợp toàn bộ bộ lạc, thậm chí nhiều bộ lạc láng giềng, nhằm trao đổi quà tặng và đôi khi phá hủy của cải nhằm mục đích phô trương.

Trong thời gian cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cả Mỹ và Canada đều cấm potlatch, vì người da trắng thấy rằng việc thực hành như vậy là không văn minh và gây lãng phí. Nhưng đối với những người tổ chức bữa tiệc, potlatch phục vụ cho mục đích khác: đây là cách cần thiết để thiết lập địa vị xã hội của một người, phân phối lại của cải trong cộng đồng, đảm bảo không người nào trong cộng đồng có quá nhiều của cải.

Theo Mauss, đó là một hành động theo cách của nhà tư bản biết tống hết tiền đi khi cần, để sau đó tạo ra lại vốn lưu động, nói cách khác, dựa trên uy tín gầy dựng qua cuộc tranh đua giữa các thủ lĩnh để rồi từ đó tạo ra nhiều của cải hơn.

Cho đi để rồi được người khác cho lại đã tạo ra một mối liên hệ giữa người với người bền chặt. Nhưng các quy tắc cho việc làm như thế nào và khi nào làm như vậy khác nhau giữa các nền văn hóa, sự đáp trả trên một món quà có thể dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một tộc trưởng quyền lực cho một người nghèo đàn gia súc có thể không mong đợi nhận được món quà trở lại, nhưng đạt được uy tín xã hội với chi phí của người nhận quà (người mắc nợ). Và người Toraja ở Indonesia, địa vị đạt được từ các buổi lễ tặng quà thậm chí xác định quyền sở hữu đất đai.

Điều quan trọng để giữ cho chu kỳ món quà được tiếp tục là một người nào đó luôn luôn mang ơn/mắc nợ người khác. Đáp trả một món quà ngay lập tức, hoặc đáp trả bằng thứ gì đó có giá trị chính xác với giá trị món quà có thể được xem là kết thúc mối quan hệ xã hội.

Quay trở lại xã hội đương đại, nền kinh tế quà tặng đang nổi lên như một đối chọn cho tài sản trí tuệ khi các nghệ sĩ, nhạc sĩ và các nhà phát triển mã nguồn mở phân phối tác phẩm sáng tạo của họ, không phải vì lợi nhuận tài chính mà có thể là nhằm nâng cao địa vị xã hội hoặc xác lập vai trò cộng đồng của họ.

Vốn văn hóa

Ngoài vốn xã hội (social capital), một khái niệm gắn liền với tên tuổi giáo sư người Mỹ Robert Putnam (ĐH Harvard), có thể hiểu nôm na là mạng lưới gắn kết xã hội có vai trò quan trọng trong cuộc sống, còn một thứ vốn khác ẩn trong hành động tặng quà: vốn văn hóa (cultural capital) do giáo sư người Pháp Pierre Bourdieu phát triển.

Trong sự tích bánh chưng bánh giầy, mặc dù các hoàng tử khác mang nhiều món ngon vật lạ từ khắp tứ phương bốn bể, nhưng người được vua Hùng Vương truyền lại ngôi vị lại là chàng hoàng tử thứ 18 mồ côi mẹ, tên gọi Lang Liêu, sống đời thanh đạm.

Món quà chàng dâng cúng tổ tiên được làm từ các nguyên liệu rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày như gạo, đậu, thịt nhưng đã trở thành món ăn tượng trưng cho lòng hiếu kính của người con cũng như tình yêu với quê hương đồng ruộng.

Tặng cái gì đó cho ai tức là tặng điều thuộc về bản thân mình, việc tặng quà thể hiện văn hóa của người tặng bởi món quà có thể tượng trưng cho tư duy - xúc cảm của người tặng tương quan với chính mình, người nhận và mối quan hệ giữa họ với nhau.

Tặng quà như một quá trình giao tiếp mang tính biểu tượng mà các món quà vừa là thông điệp vừa là phương tiện truyền đạt. Thông điệp mạnh mẽ nhất là thông điệp “đắt đỏ” nhất, không nên hiểu hạn hẹp là tốn kém tiền bạc mà là tốn công sức, thời gian cho món quà và hé lộ, bộc bạch văn hóa của người tặng.

Theo nhiều nhà khoa học xã hội khi nghiên cứu về Giáng sinh chẳng hạn, đây là một dịp khẳng định bản sắc của một người như một thành viên trong vòng tròn gia đình, chính các món quà giúp xác định đường biên đó. Món quà Giáng sinh đứng ở vị trí quan trọng nhất không phải vì đó là vật có giá trị mà là chứa điều gì đó đặc biệt về người tặng và lịch sử của mối quan hệ.

Do đó, những món quà lúc này không còn là một hàng hóa thông thường nữa. Trong nghiên cứu “Cultural Anthropology: A Problem-Based Approach” của Richard H. Robbins, khoảng 90% quà tặng được trao đổi nhân dịp Giáng sinh là giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Lễ Giáng sinh còn giúp làm tăng nhận thức của mọi người về bản sắc gia đình, để nhận thấy rằng gia đình ấm áp như thế nào và thế giới bên ngoài có thể lạnh giá như thế nào.

Mua sắm trong dịp Tết hay Giáng sinh là một nghi lễ hằng năm mà thông qua đó ta chuyển đổi hàng hóa thành quà tặng. Thực hiện nghi lễ này chứng minh cho mọi người thấy chúng ta có thể tạo ra một thế giới của gia đình - một thế giới tràn đầy tình yêu thương - từ hàng hóa vật chất đang làm ngập lụt thế giới “ngoài kia”. Đây là khoảng thời gian mà người ta biến thế giới của tiền bạc thành thế giới của gia đình - một tương phản giữa thế giới khách quan của hàng hóa và thế giới cá nhân của quà tặng.

Đó chính là lý do truyền thống tặng quà được duy trì bởi ẩn chứa trong đấy là các yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo, luân lý và cả sự mầu nhiệm. Theo giáo sư Appadurai, hàng hóa, bao gồm cả quà tặng, là chìa khóa để hiểu xã hội đương đại, thông qua dòng chảy của các món quà tặng hữu hình đã giúp “hiện hình” cõi vô hình của các mối quan hệ giữa người với người trong một xã hội cụ thể, cũng như các giá trị được tôn vinh thông qua tập tục lễ nghi văn hóa của xã hội đó.

“Giá trị thặng dư” trong nền kinh tế quà tặng

Trong nghiên cứu mới nhất phát hành tháng 11-2015 trên tạp chí Tính cách và tâm lý xã hội (Journal of Personality and Social Psychology), các chuyên gia về tiếp thị là Yang Yang (ĐH Florida) và Jeff Galak (ĐH Carnegie Mellon) đã tìm ra bằng chứng giá của những món quà Giáng sinh. Họ khẳng định điều mà chúng ta đã biết theo bản năng: con người gắn cảm xúc vào các món quà.

Bạn hãy thử tưởng tượng về vật gì đó không có giá trị xét trên hệ quy chiếu vốn bằng tiền mà bạn không nỡ bỏ đi, chẳng hạn cặp mắt kính gãy gọng cổ lỗ sĩ của ba hay khi đem một máy nghe nhạc đến tiệm sửa đồ điện tử và nhận được lời tư vấn là nên mua cái mới thay vì sửa, vì tiền sửa máy tương đương với việc mua máy mới nhiều tính năng hơn, trong thâm tâm bạn tự nhủ “nhưng mà đối với tui, nó đáng để sửa lắm chứ”.

Các tác giả này xem xét ý tưởng về giá trị tình cảm và lượng hóa giá trị vô hình này bằng cách yêu cầu mọi người nhớ lại cảm nhận về những lần mua hàng và được tặng quà, lặp đi lặp lại các đánh giá qua thời gian.

Trong nhiều trường hợp, nghiên cứu cho thấy việc mua và tiêu thụ hàng hóa mang lại niềm vui tức thời, niềm vui đó dần biến mất ngay cả khi vật đó vẫn còn hữu ích. Nhưng điều này không xảy ra đối với những đồ vật mà ta có tình cảm.

Qua thời gian, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc ít hơn vào chức năng của đồ vật mà nhiều hơn vào sự gắn kết. Một trong số các nghiên cứu tập trung vào các món quà mà người ta nhận được so với những thứ mà họ mua cho chính mình. Trong vòng 45 ngày, những thứ mua cho chính mình, bằng tiền của mình thì mang lại hạnh phúc giảm dần.

Nhưng với quà tặng thì không. Những người được tặng quà cho biết nếu buộc phải bán chúng thì họ sẽ đòi hỏi mức giá cao hơn đối với món quà hơn là đối với món họ tự mua. Do đó, không những không có khoản mất trắng vô ích mà ngược lại, có thể nói giá của món quà có xu hướng tăng theo thời gian.

Các nghi lễ diễn ra hằng năm đều cung cấp phương tiện để chuyển đổi hàng hóa thông thường thành quà tặng nhằm thể hiện tình cảm của người tặng đối với người nhận, tức là chuyển đổi vốn kinh tế thành vốn xã hội thông qua tập tục lễ nghi văn hóa, tạo nên “giá trị thặng dư” từ các loại vốn vô hình này. Trong nền kinh tế quà tặng, thay vì tích lũy của cải vật chất, chúng ta tham gia và sử dụng nó để tích lũy của cải xã hội.

Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình từ phương xa quay về kết nối, đoàn tụ và củng cố tình cảm gia đình hay ngược lại, biến thành nỗi lo quà cáp khiến có người tha phương làm ăn không dám quay trở về khi khó xoay xở đủ tiền bạc để mua các món quà. Tết trước hết là ngày của gia đình, sau đó mới là xã hội.

Nên có thể nói, việc dịp Tết biến tướng thành cái lệ lẫn gánh nặng “chạy” quà cho sếp với đủ thể loại quà độc đẹp lạ, các địa phương đua nhau sử dụng tiền ngân sách tặng, thưởng lẫn nhau... là một sự sa đọa nảy sinh từ một nền kinh tế méo mó và khiếm khuyết. Không can đảm cưỡng lại nó, chúng ta sẽ chỉ còn là những xúc xắc vô hồn của thị trường tiêu dùng có đi có lại sống sượng thay vì những cá nhân có lý trí và xúc cảm.

Tất cả hoạt động của chúng ta vẽ nên hình dạng thế giới xã hội xung quanh. Vốn xã hội và vốn văn hóa sẽ tạo nên giá trị “thặng dư” hay “thâm hụt” qua thời gian thông qua tục lệ tặng quà, tất cả đều tùy thuộc vào lựa chọn hành xử của mỗi cá nhân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận