Ta làm gì để nhận biết và giúp đỡ nếu con bị trầm cảm

TRẦN VIỆT HOÀNG 28/10/2019 16:10 GMT+7

TTCT - Làm sao ta biết con đang trầm cảm? Làm sao để con tự thổ lộ? Và làm sao ta có thể giúp con?

Mùa hè năm nào chúng tôi cũng về biển H.M. Bãi vắng vẻ nên sạch sẽ. Ngày ngày chúng tôi ăn ở một quán ăn nhỏ. Một bà mẹ vừa nấu vừa hút thuốc, một cô con gái chuyên các món chiên xào, một ông bố chỉ nằm võng xem tivi, và một cậu thiếu niên chuyên soạn ly, lấy đá. Tất cả hoạt động diễn ra ăn ý, hầu như chẳng ai trao đổi với ai điều gì ngoài những mệnh lệnh. Khi chúng tôi ăn, cả nhà họ cũng vẫn không ai nói với ai. Thời ấy còn chưa có điện thoại thông minh, nên trừ ông bố nhìn vào tivi, tất cả nhìn ra biển.

Một năm nọ chúng tôi quay lại, thấy vắng cậu thiếu niên. Hỏi bà mẹ, “Cháu đâu rồi?”, bà bảo “Nó chết rồi. Nó thắt cổ ở đây (bà chỉ xà nhà). Nó buồn gì không biết nó thắt cổ”.

Vắng cậu thiếu niên, mọi hoạt động có vẻ không thay đổi, khác chăng ông bố giờ làm việc lấy đá, soạn ly. Lý do của cái chết bị quy về bốn chữ “buồn gì không biết” tầm thường. Hỏi người chị gái trước đó cậu có buồn gì không; cả nhà nhìn nhau, “Bình thường mà. Có nói gì đâu mà biết!”.

MINH HOA CCCS 41
 

TỰ TỬ KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC NỔI HỨNG

Người ta thấy tự tử xảy ra ở người lớn tuổi nhiều hơn là người trẻ. Với người lớn tuổi, đó thường là những lý do bế tắc thực sự: nợ nần, bệnh nan y, thất vọng về con cái hoặc bản thân, mắc vòng lao lý... Thanh thiếu niên ít tự tử hơn, với những lý do thường là “không đáng” dưới con mắt người lớn, nhưng thế lại càng đáng lo, vì chết thế thì phí phạm quá.

Các nhà nghiên cứu tin rằng cứ 5 thanh thiếu niên dưới 18 tuổi thì có một kẻ phải trải qua trầm cảm; và cứ 100 thanh thiếu niên thì có 4 - 8 em đang bị trầm cảm nặng, có thể dẫn đến tự tử.

Ông trời không cho người ta mọi thứ. Tuổi già từng trải, bình an thì không còn sức khỏe, sắc đẹp. Tuổi trẻ mạnh mẽ và căng mọng thì sểnh ra là buồn, là thất vọng. Người lớn coi việc buồn bã, thậm chí trầm cảm này ở thiếu niên là một thứ vẩn vơ, trầm trọng hóa. Theo các chuyên gia, trong khi chỉ cần giúp người trẻ vượt qua một lần trầm cảm thì có thể ngăn nó quay lại trong tương lai. Đáng buồn thay, ít phụ huynh nào chịu bỏ thời gian quan tâm cho đúng mức.

VÌ SAO NGƯỜI TRẺ TRẦM CẢM?

Có nhiều lý do để một người thấy buồn bã. Đại khái, các chuyên gia thấy có những lý do phổ biến sau, đơn lẻ hay kết hợp:

- Gia đình có “gen” trầm cảm.

- Bố mẹ lục đục. Bản thân bố mẹ đang có chuyện căng thẳng hay trầm cảm.

- Đi học bị bắt nạt. Cãi nhau với bạn hoặc bị các bạn tẩy chay.

- Học kém trong trường. Áp lực phải học tốt mà không làm được.

- Bị người yêu bỏ.

- Xấu hổ vì thua kém bạn bè.

Trên cái nền trầm cảm, bất kỳ một biến cố vớ vẩn nào cũng có thể khiến một thanh thiếu niên có quyết định dại dột. Là phụ huynh thì phải biết “hoãn binh chi kế”, dìu con qua những khúc cua tăm tối thể-nào-cũng-gặp, ra đến con đường sáng sủa là cầm chắc an toàn. Nhưng làm sao ta biết là con cái đang trầm cảm, và làm sao để con tự thổ lộ là đang đi trong hầm tối?

BỘ BA BÁO ĐỘNG ĐỎ

Theo bác sĩ tâm lý Bobbi Wegner, bố mẹ cần để mắt tới thứ mà bà gọi là “bộ ba thần thánh của sức khỏe” ở con: ngủ, ăn, và năng lượng. Nếu có bất kỳ thay đổi nào trong ba điều ấy (ăn quá nhiều, ăn quá ít, ngủ li bì, ngủ quá ít, quá tăng động, quá ủ rũ...) đều là báo động đỏ, và bạn phải chủ động hỏi con.

Nhiều bố mẹ rất khó thực hiện bước hỏi han này, do lâu nay không nói chuyện với con. Nhưng cứ giả sử có một gia đình mà mọi người vẫn hay trao đổi với nhau đi, theo các nhà tâm lý, phụ huynh cần:

- Cho con biết bạn thấy con “khang khác”.

- Cho con hiểu bạn lo lắng về con.

- Hỏi xem có thể giúp gì cho con, nhưng không dồn ép.

- Dành thời gian ở cạnh con nhiều hơn nhưng đừng quá soi mói, sốt sắng. Tốt nhất là có việc gì đó làm chung.

TRONG LÚC CON CHƯA CHỊU NÓI RA

Việc của bố mẹ lúc này là cứ chăm cho con ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ, vận động đủ. Thể chất tốt thì tinh thần tốt theo.

- Đầu tiên là ngủ đủ. Ngủ kém khiến càng thêm trầm cảm. Dĩ nhiên một người buồn sẽ trằn trọc hơn một người vui, nhưng bố mẹ cứ phải tìm cách làm sao cho con mình dễ ngủ nhất.

- Kế là ăn các thức ăn lành mạnh với nhiều trái cây và rau. Các nghiên cứu cho thấy thiếu các acid béo Omega 3 sẽ làm trầm cảm thêm nặng. Tránh tuyệt đối bia, rượu, thuốc lá.

- Hoạt động nhiều lên. Các chuyên gia khuyên bố mẹ phải cho con có ít nhất một tiếng tập thể thao, tốt nhất là ở ngoài trời. Người ta thấy một giờ tập aerobic mỗi ngày có thể làm giảm trầm cảm.

- Cho con tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời. Thiếu vitamin D có thể khiến nhiều người nhạy cảm rơi vào “trầm cảm do thời tiết”. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời mang đến nhiều “dương khí”. Tránh rúc mãi trong phòng tối.

- Bố mẹ phải chăm sóc bản thân mình, đừng để con thấy mình yếu đuối, tiều tụy đi vì chúng.

NẾU NHẬN RA TÌNH YÊU, CON SẼ NÓI

Trong lúc chờ đợi con nói ra, bố mẹ phải luôn sẵn sàng, duy trì một “đường dây nóng”. Đó không phải cứ chốc chốc lại điện cho con, mà chỉ cần cho con hiểu rằng bạn luôn có sẵn đó, con cần là có. Thật kiên nhẫn nhưng cũng thật bình thường. Rồi bọn chúng sẽ thôi giương vi giương vảy, mềm lòng xuống và đổ gục vào người mà chúng thấy yêu chúng nhất.

Khi đó bố mẹ phải làm gì?

CHỈ CẦN NGHE CHĂM CHÚ

Đây chính là lúc nhiều phụ huynh làm hỏng việc nhất: họ sẽ nói nhiều hơn con mình nói, một phần vì họ hoảng sợ, một phần vì họ cậy mình nhiều kinh nghiệm.

Theo các bác sĩ tâm lý, khi con cái đã phải tìm đến bố mẹ lúc khó khăn, ấy là chúng tìm về một ổ rơm che chở chúng vô điều kiện. Trong thâm tâm chúng biết chúng sai ở đâu, nhưng trước mắt, chúng cần một đồng minh chứ không phải một người phản biện. Do đó, việc đầu tiên là nghe con nói ra hết các cảm xúc mà không tìm cách vùi dập, phản bác. Thí dụ đứa con nói “Con chỉ muốn chết, anh ấy không yêu con nữa!”. Phản ứng tức thì của bố mẹ thường là: “Thằng ấy không đáng để con phải thế!”, hoặc tệ hơn, nói một câu “cào bằng” đại loại: “Ai thất tình mà chẳng nghĩ thế!”.

Bạn cứ nghe thôi, gật gù một cách thật lòng, và dùng một chiến thuật của các bác sĩ tâm lý là đặt câu hỏi; những câu hỏi ấy là để nhấn mạnh vào thứ mà chính con bạn đang hoang mang. Ví dụ, với trường hợp trên, bố mẹ sẽ hỏi lại: “Nghe buồn quá, nhưng theo con nghĩ vì sao anh ấy bỏ con?”. Trong lúc trả lời cho bố mẹ, đứa con cũng đang đưa ra kết luận, bào chữa hoặc kết tội cho chính mình. Cứ thế đã.

Những phiên tâm sự sẽ diễn ra có khi một ngày vài lần, lặp đi lặp lại một câu chuyện, một câu hỏi “Vì sao?”. Bạn chỉ cần kiên nhẫn nghe và nâng cấp dần các câu hỏi, cho đến lúc vấn đề cụ thể mà đứa con đang gặp vượt lên, trở thành đại diện cho một hoàn cảnh khó khăn nào đó trong đời (bị từ chối chẳng hạn), và bài học xử trí rút ra từ đó trở thành một thứ “vũ khí” để con bạn mang theo mà ung dung đi tiếp, vừa đi vừa rút kinh nghiệm.

TUYỆT ĐỐI TRÁNH GÌ?

Khi sợ hãi cho con cái, phụ huynh thường phạm phải một số sai lầm.

Đầu tiên, họ làm cho con thấy có lỗi vì đã trầm cảm hoặc muốn chết (“Bố mẹ nuôi con đến thế này con nỡ lòng nào chỉ vì thằng ấy...”). Đứa con càng thấy mình bơ vơ, đối xử với ai cũng thất thố. Nó thu mình lại, không nói nữa, và bố mẹ nghĩ là con mình đang hối hận.

Một sai lầm khác là coi con tựa chiến binh (“Quên nó đi con. Vui lên cho nó thấy mình không tiếc”). Trong khi đó, phải quay về tâm sự với bố mẹ là đứa con đã rất rã rời. Bạn là ổ rơm cuối cùng, chỉ cần bạn êm ái để nó ngủ một giấc chấp nhận thua cuộc đầy khoan khoái, tỉnh dậy đâu lại vào đó, vui sống đời thanh thiếu niên.

Một điều cần tránh nữa là coi đứa con trầm cảm là vô dụng, không thể tự quyết việc gì. Bạn tha hồ lôi con đi từ phòng khám này sang phòng tư vấn khác. Bạn đem câu chuyện của con đi hỏi công khai những người quen. Bạn nhân danh tính mạng con mà ồn ào tìm các phương thuốc.

Trong khi đó, đứa con trầm cảm như người ốm nặng, chỉ cần một điều dưỡng tận tụy và im lặng ở bên cạnh, với tay là có, mở mắt là thấy, rồi tự nó sẽ khỏi một cách yên bình.

CÓ NHỮNG THỨ BỐ MẸ PHẢI NHỜ CHUYÊN GIA

Tuy nhiên không phải trường hợp nào bố mẹ cũng xử lý được êm đềm dù đã đi đúng mọi bước. Nếu có phải đưa con đến cơ sở chữa trị vì trầm cảm nặng, việc đầu tiên là bố mẹ không được... trầm cảm, thấy mình bất lực. Bác sĩ tâm lý Wegner dặn: “Bạn đừng nghĩ chuyện này sẽ kéo dài mãi mãi. Đôi khi chỉ cần vài đợt trị liệu là ổn thỏa”.

Nhưng khi nào thì cần đưa con đi trị liệu? Các chuyên gia cho rằng bố mẹ là người hiểu con mình nhất. Nếu nhận thấy điều gì đó quá bất thường (tự nhiên nói gở, bàn về cái chết; đang buồn tự dưng vui bất thường...), bố mẹ phải cẩn thận, đó là dấu hiệu nguy hiểm.

Ngoài ra, nếu đứa con dùng tới chất kích thích, bia rượu, thì đó là lúc bố mẹ phải nhờ đến chuyên gia can thiệp cương quyết. Trấn an con rằng giai đoạn này rồi sẽ hết, con cứ bình tĩnh vượt qua để lấy kinh nghiệm mà dạy... con của con.

***

Có con là chấp nhận đi biển. Có những ngày tươi đẹp và có những ngày giông gió. Bố mẹ khi quyết định có con là phải ngầm cam kết mỗi ngày mất đứt ít nhất một tiếng đồng hồ chỉ-để-cho-con, cho dù nó đã lớn, cho dù nó có “ngoan”. Với những người quá yêu công việc, nếu thấy tiếc thì giờ khi phải bầu bạn với con, thì thôi hãy nghĩ rằng, đó là con của thủ trưởng, và đó là một sự nghiệp!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận