Ta sẽ nói gì khi ẩn danh?

HOA KIM 20/08/2022 06:45 GMT+7

TTCT - Trong thế giới online, rất dễ dàng để giấu mình sau màn hình và bàn phím. Vậy mà người ta còn có cả nhu cầu mời bá tánh gửi "thư nặc danh" cho mình. Nghe đã thấy sai sai, và đúng là có quá nhiều điều không ổn.

Ta sẽ nói gì khi ẩn danh? - Ảnh 1.

Ảnh: Medium

Từ ASKfm năm 2010 đến gần đây nhất là NGL, dường như cứ vài năm một lần, một nền tảng nhắn tin ẩn danh mới lại xuất hiện trên thị trường, khai thác tâm lý của con người muốn biết người khác thật sự nghĩ gì về mình. Họ kỳ vọng rằng khi được tỏ bày giấu mặt, những lời chân thành nhưng khó nói nhất sẽ dễ dàng tuôn ra hơn. Các nền tảng, ứng dụng hỏi đáp ẩn danh đều nhân danh sự tốt đẹp đó, song cuối cùng chúng lại khuyến khích con người bộc lộ phần xấu xa của mình.

Mở cửa trải lòng?

NGL, ghép từ 3 chữ cái đầu của "not gonna lie" (hổng xạo đâu), là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ 10 trên cả Apple Store và Google Play trong tháng 6, theo thống kê của công ty phân tích dữ liệu Sensor Tower. Người dùng NGL có thể kêu gọi bạn bè và người theo dõi trên mạng xã hội gửi "thư nặc danh" cho mình, đơn giản chỉ với thao tác chia sẻ một đường dẫn trên Instagram, Twitter hoặc Facebook.

"Tính ẩn danh vẫn luôn là yếu tố chính quyết định tính thành công (của những ứng dụng như NGL)" - Sherry Turkle, giáo sư chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và công nghệ tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT), nói với báo The New York Times. Bản thân sự ẩn danh chưa phải là cái đích cuối cùng của mong muốn được che giấu danh tính trên mạng. "Ẩn danh là một cách để mở cánh cửa… đến điểm giao thoa giữa các thế giới nơi bạn có thể bày tỏ hoặc nói điều đúng sự thật mà trong cuộc sống bình thường bạn không thể" - giáo sư Turkle giải thích.

Harold David (34 tuổi), quản trị viên một công ty thể dục ở New York, gần đây đã thử dùng NGL và thú nhận cảm thấy "thật thú vị khi xem mọi người sẽ nói gì khi họ ẩn danh". "Ai lại không muốn biết những suy nghĩ thầm kín của ai đó về mình cơ chứ?" - David nói với The New York Times. Biết đến ứng dụng qua một số bạn bè, Harold đã chuẩn bị tinh thần để nhận về những bình luận "thô thiển hoặc tục tĩu" nhưng thực tế đã làm anh ngạc nhiên xen lẫn thú vị: phần lớn phản hồi là những chia sẻ chân thành về cảm nhận của mọi người về anh.

Trải nghiệm của Haras Shirley (26 tuổi), nhân viên một trường học ở bang Indianapolis nước Mỹ, thì không được khả quan như vậy. Những gì anh nhận được qua NGL chỉ là các câu hỏi nhàm chán và nông cạn như màu sắc ưa thích hay món gần nhất mà anh ăn - những chủ đề mà chính Haras cũng không hiểu tại sao tác giả lại phải ẩn danh mới dám hỏi. 

"Các ứng dụng này gieo vào đầu bạn ý tưởng rằng mọi người quan tâm bạn là ai và muốn biết thêm về bạn. Điều này rõ ràng hướng đến bọn trẻ cấp II, cấp III thì đúng hơn" - anh nói.

Ta sẽ nói gì khi ẩn danh? - Ảnh 2.

Một câu hỏi nhạt nhẽo, lẽ ra chẳng cần phải ẩn danh trên NGL

Vì sao ta thích ẩn danh?

Jo Adetunji, nhà xã hội học và biên tập viên công nghệ trang The Conversation, cho rằng có nhiều cách để lý giải việc người ta thích ẩn danh trên mạng. Khi dùng mạng xã hội, ta quản lý những gì mình tiết lộ với người khác thông qua thủ thuật hiểu nôm na là "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" - nghĩa là một người sẽ biểu lộ bản thân trước mặt cha mẹ khác với trước đồng nghiệp hay bạn bè đồng trang lứa.

"Văn hóa kỹ thuật số từ lâu đã sử dụng lớp ẩn danh trực tuyến để tách biệt danh tính trong thế giới thực với nhân cách trực tuyến, nhằm bảo vệ quyền riêng tư và cũng là để ứng phó với sự giám sát trên mạng" - Adetunji giải thích. 

Đối với người trẻ, việc có không gian trên mạng để biểu lộ bản thân mà không phải chịu sự soi xét của người lớn là rất quan trọng, và các ứng dụng đặt câu hỏi ẩn danh đã đánh trúng vào tâm lý này với việc tạo ra một không gian như thế. "Chúng hứa hẹn mang đến những điều mà giới trẻ tìm kiếm: cơ hội thể hiện bản thân và những cuộc gặp gỡ đích thực" - Adetunji viết cho The Conversation.

Một yếu tố khác khiến các ứng dụng này mỗi khi xuất hiện lại thành trào lưu là bởi bản tính tò mò khó bỏ của con người: chúng ta không thể ngừng thắc mắc ai là chủ nhân của những tin nhắn ẩn danh. Trước đây, nền tảng Secret (ra đời năm 2014) cũng thu hút người dùng bằng việc kích thích trí tò mò: với giao diện thiết kế giống bản tin của Facebook, các bài đăng hiển thị như một mạng xã hội thông thường, chỉ khác ở chỗ khuyết danh người đăng và để người dùng mặc sức phán đoán xem mình đang đọc chia sẻ của ai trong số bạn bè mình.

Chủ đề được chia sẻ trên Secret thường là những chuyện thâm cung bí sử mà chỉ khi ẩn danh người ta mới dám viết ra, đơn cử như một chủ doanh nghiệp thừa nhận đã từng ngủ với cả 2 người đồng sáng lập công ty, hay một người tự xưng là nhân viên một startup đình đám tiết lộ thông tin nội bộ cho thấy công ty này sắp sửa bị thâu tóm, theo Bloomberg.

Nhắc đến ẩn danh trên mạng, không thể không kể trào lưu các trang "thú tội" (confession) trên Facebook, bắt đầu từ đầu thập niên 2010 ở các trường học và đến nay vẫn còn sống khỏe. Các trang confession cho phép học sinh, cựu học sinh, và thật ra là bất kỳ ai có thể chia sẻ những điều thầm kín nhất mà không sợ lộ tên tuổi. Các lời "thú tội" sẽ được đăng tải công khai để mọi người cùng vào bàn tán xôm tụ. Nội dung của các hội nhóm này dĩ nhiên có cả tốt lẫn xấu, nhưng cũng không tránh được các vấn đề như bị lợi dụng để đưa tin vu khống, phỉ báng, hoặc sa vào tám chuyện nhảm.

Vết xe đổ khó tránh

Như nhiều ứng dụng tương tự đi trước, NGL vấp phải chỉ trích cũng nhanh như cách nó trở nên nổi tiếng. Các nền tảng nhắn tin ẩn danh như ASKfm, Yik Yak, Yolo và LMK từ lâu đã phải vật lộn để ngăn chặn hành vi bắt nạt, quấy rối và đe dọa bạo lực xuất hiện nhan nhản trên nền tảng của họ.

Tin nhắn nặc danh trên Yik Yak từng khiến một số trường học phải sơ tán học sinh để xử lý các đe dọa đánh bom và xả súng. Yolo và LMK thì đang là bị đơn trong vụ kiện của mẹ một thiếu niên được cho là đã tự tử sau khi đọc các tin nhắn ẩn danh dành cho mình. 

Mạng xã hội Snapchat sau đó đã phải cấm tiệt các ứng dụng nhắn tin ẩn danh trên nền tảng của mình trong nỗ lực hạn chế nạn bắt nạt và quấy rối. Ứng dụng Secret thì đã đóng cửa vào năm 2015 sau chỉ hơn 1 năm ra đời bất chấp khoản đầu tư từ những ông lớn ở Thung lũng Silicon. Trong một bài blog thông báo về việc đóng cửa công ty, người đồng sáng lập David Byttow thừa nhận tính ẩn danh là "con dao hai lưỡi".

Giám đốc khoa học Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (APA) Mitch Prinstein lý giải rằng trên Internet mọi người có xu hướng nhầm lẫn ý kiến của số ít là đại diện cho đa số. "Tính ẩn danh khiến vấn đề này càng trầm trọng hơn" - ông Prinstein nhận xét. Chẳng hạn nếu ai đó để lại một bình luận ẩn danh nói rằng kiểu tóc của bạn trông thật xấu xí, bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng tất cả mọi người đều thấy tóc bạn xấu.

Trang web của NGL cho biết ứng dụng sử dụng "phương pháp kiểm duyệt nội dung bằng AI đẳng cấp thế giới" được cung cấp bởi một bên thứ 3. Tuy nhiên, đôi khi một nhận xét gây tổn thương không nhất thiết phải sử dụng ngôn từ miệt thị, và việc lọc nội dung bẩn bằng từ khóa chỉ là giải quyết bề nổi. 

"Thật khó để vạch ra ranh giới xung quanh những nhận xét hủy hoại cách bạn nghĩ về bản thân" - tiến sĩ Pamela Rutledge, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về tâm lý truyền thông, giải thích.

Khi Reggie Baril (28 tuổi), một nhạc sĩ ở Los Angeles, chia sẻ đường dẫn NGL đến hơn 12.000 người theo dõi mình trên Instagram, anh mong đợi những câu hỏi về công việc mình làm. "Tôi đã sai bét" - anh cay đắng nhận ra khi trong số khoảng 130 câu trả lời nhận về thì số lượng nhận xét tiêu cực chiếm đa số. Dù bất ngờ với năng lượng tiêu cực của những phản hồi này, Reggie quyết định cách phản ứng tốt nhất là không để tâm đến chúng. "Tôi đọc được sự tự ti đằng sau những lời lẽ này" - anh nói.

Johan Lenox, một nhạc sĩ khác được The New York Times phỏng vấn, thì không hiểu rốt cuộc mục đích của những ứng dụng kiểu như NGL là gì. Anh thấy rất ngạc nhiên khi mọi người muốn che giấu danh tính khi hỏi những câu hỏi đại loại như anh thường làm gì sau khi biểu diễn hoặc cảm giác khi trở thành một nhạc sĩ.

"Nếu bạn muốn nói chuyện với ai đó, làm sao bạn đạt được mục đích đó bằng cách gửi các tin nhắn ẩn danh chứ?" - Johan thắc mắc. Anh cho rằng NGL rồi sẽ chịu chung số phận với các ứng dụng tương tự đã biến mất cũng nhanh chóng như khi chúng xuất hiện. "Chỉ một tháng nữa thôi sẽ không ai còn nói gì về nó" - anh quả quyết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận