Tấm áo mới cho TP.HCM: Khả tri hay khả thi

TRUNG TRẦN 26/06/2023 05:26 GMT+7

TTCT - TP.HCM đã gần như luôn đóng vai trò đi trước trong các cải cách thể chế suốt từ khi đổi mới tới nay. Làm sao để điều đó xuất hiện trở lại?

TP.HCM đã gần như luôn đóng vai trò đi trước trong các cải cách thể chế suốt từ khi đổi mới tới nay. Làm sao để điều đó xuất hiện trở lại?

Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những hành động xé rào táo bạo của Dệt Phước Long và các công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM đầu những năm 1980 trong việc giữ lại ngoại tệ từ bán hàng (một cách trái luật lúc đó), rồi quay vòng nhập máy móc và nguyên vật liệu, đã trở thành động lực tiên khởi cho công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam. 

Và sự bứt phá kết hợp ngoạn mục giữa chính sách và thực thi mà chỉ có TP.HCM làm được đó đã dẫn tới sự ra đời và vươn lên của động lực công nghiệp đúng nghĩa đầu tiên trong cả nước: Khu chế xuất Tân Thuận.

Ôn lại chuyện cũ

Đầu những năm 1980, mô hình khu chế xuất được triển khai cho cả TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng, trong đó An Đồn ở Đà Nẵng còn được đánh giá là có vị trí và điều kiện tốt nhất để trở thành kiểu mẫu. Nhưng sau vài năm, cả Nomura ở Hải Phòng lẫn An Đồn của Đà Nẵng đều sa lầy và nhanh chóng biến thành một khu công nghiệp bình thường.

Cùng một chính sách nhưng Tân Thuận có được chất xám và các hình thức quản trị "tư bản" bấy giờ còn mới mẻ từ các chuyên gia Việt kiều và đối tác Đài Loan chuyên nghiệp, thạo việc. Tất cả, cùng những quyết đoán khác của những người lãnh đạo lúc đó, đã giúp khu chế xuất này nhanh chóng vượt lên trở thành biểu tượng cho sự năng động vượt trội của TP.HCM trong 10 năm đổi mới đầu tiên.

Nhưng lịch sử đi đầu mở đường của TP.HCM cũng ghi nhận những phụ phẩm đau đớn, như quá trình mở rộng của Công ty Epco dẫn đến kỳ án Tăng Minh Phụng, người mà bất động sản có được trước khi bị kết án tử hình nhiều không kém bất kỳ tập đoàn lớn nhất nào ở Việt Nam hiện giờ. 

Hay dự án đại lộ Đông Tây mở ra không gian mới về phía đông cho thành phố, tạo điều kiện cho khu đô thị Thủ Thiêm ra đời, đồng thời cũng là một đại án và cho đến giờ còn nhiều vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết. Gần đây hơn là sự đình trệ cả thập niên của tuyến metro số 1.

Mỗi công trình lớn của thành phố trong 30 năm qua đều kèm theo những bất cập, mất mát. Có thể vì thế, 10 năm gần đây thành phố không còn cho thấy động năng đột phá ngày nào. Bầu không khí chung hiện là e dè và thiếu đi sự tin cậy. 

Tấm áo chật của cơ chế áp dụng cho một đại đô thị cần phải thay, do đó cũng khó khăn hơn. Thay vì tự tin đột phá, xé rào, thành phố ngập ngừng chờ một cơ chế phù hợp hơn, theo kiểu "chắc cú rồi mới làm".

Những chính sách về một cơ chế mới cần có cho TP.HCM, sau 30 năm đổi mới, đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Chưa thể lạc quan

Vẫn còn nhiều đánh giá chưa lạc quan của các chuyên gia và giới nghiên cứu chính sách về nghị quyết gần đây thay thế nghị quyết 54 - văn bản được hy vọng là để chính quyền đô thị lớn nhất nước đủ khả năng thực thi những chính sách cởi mở và giải phóng nhiều nút thắt do chồng chéo quy định và cấp quản lý.

Điểm dễ dàng nhận thấy nhất thể hiện ngay ở hình thức văn bản. Cơ chế mới cho thành phố chỉ là một nghị quyết của Quốc hội - tức một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực dưới luật, nên trên nguyên tắc, không thể dùng để giải quyết các vấn đề đang vướng bởi… luật. 

Tỉ như chuyện bán tài sản công để thu thêm tiền cho ngân sách thành phố. Đa số tài sản công ở những nơi đắc địa của thành phố đang thuộc quyền quản lý của một bộ, thậm chí vài bộ trung ương.

Nghị quyết thay thế nghị quyết 54 chưa giúp tạo ra hành lang pháp lý đủ rộng để thực thi - dù văn bản này cho phép TP.HCM, trong trường hợp có sự trái ngược giữa các văn bản áp dụng thì sử dụng nghị quyết này trong tinh thần sẽ cao hơn luật. 

Hoặc trái bóng sẽ được đẩy lên… Hội đồng nhân dân thành phố. Trao quyền không đủ mạnh sẽ dẫn đến vòng luẩn quẩn đã lặp đi lặp lại: Hàng trăm văn bản trao qua đổi lại giữa chính quyền thành phố và các bộ trưởng nhưng không ai ra quyết định cuối cùng, và không ai có lỗi.

Như một chuyên gia trong nhóm tư vấn của Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đánh giá: Nghị quyết mới vẫn ở mức ngập ngừng - chỉ trao quyền nhưng không tạo cơ sở thực thi để thành phố có khả năng hành động mạnh mẽ. 

Hệ quả có thể tiên lượng được, là để thực thi một chính sách đột phá, thành phố lại phải xây dựng đề án, rồi xin phê duyệt áp dụng thí điểm, mà đôi khi được diễn dịch dưới cái tên thời thượng là "sand box". Thời gian, thứ đã bị phí phạm một thập niên qua, rất có thể sẽ lại tiếp tục bị lãng phí.

Chúng ta luôn hy vọng vào tinh thần đột phá của chính quyền TP.HCM, nhưng cũng có những thực tế làm hy vọng đấy ít nhiều phai nhạt. Một câu chuyện cụ thể là gần 4.000 căn hộ khu tái định cư Bình Khánh suốt 10 năm qua bỏ không, mà công dụng lớn nhất là làm khu thu dung cho bệnh nhân Covid trong đợt đại dịch năm 2021.

Công trình này là tài sản công của Nhà nước, xây lên cho người dân tái định cư nhưng đã bỏ không cả hơn thập niên, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không bán được cho ai vì là tài sản công - không thể bán thương mại, theo quy định của pháp luật. 

Ngay cả khi đấy là vị trí chỉ cách khu đất ngàn tỉ của khu đô thị Thủ Thiêm tầm hơn 1km, hàng ngàn căn hộ vẫn mặc nhiên bị bỏ hoang, vì theo Bộ Xây dựng, "Pháp luật hiện hành không có quy định chuyển nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thành nhà ở thương mại để bán đấu giá". Ai cũng thấy sai, ai cũng thấy lãng phí nhưng thấy bất lực, bởi luật không cho phép.

Trong bối cảnh sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý chưa đạt được, văn bản luật còn chồng chéo thì hành lang pháp lý không đứng về những người dám làm. Cách của thành phố để có hướng đi lên đột phá có lẽ không nên trông cậy quá nhiều vào những chính sách văn bản. 

Bởi nó mang tính lưỡng nan: Ai cũng nhận thấy nhưng làm thế nào để nó khả thi thì lại không chỉ thuộc về ý chí. Bài học về sự ra đời và thành công của Khu chế xuất Tân Thuận 30 năm trước đây có lẽ cần được nhớ lại. ■

"Đổi mới là cuộc đại uốn nắn lộ trình, tìm lại được xa lộ của quy luật, từ đó cỗ xe của chúng ta đi thênh thang hơn, nhanh hơn, vất vả hơn. Còn các cuộc đột phá chính là việc nhổ dần những biển cấm và biển báo sai quy luật, để đưa chúng ta về lại đường đi đúng quy luật".

Đặng Phong

(Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới - NXB Tri Thức, 2009)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận