Tấm lòng Việt Nam của người soạn thảo UNCLOS

HIẾU TRUNG 03/08/2014 17:08 GMT+7

TTCT - Ở tuổi 90 với những bước chân đã run rẩy, thẩm phán Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) Alexander Yankov vẫn lặn lội từ Bulgaria đến Việt Nam để dự hội thảo về tranh chấp trên biển Đông tại TP.HCM.




Gs.Ts Alexander Yankov (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các đại biểu sau hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến việc sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” - Ảnh: T.T.D.

Bởi như ông nói, “Việt Nam cũng là tổ quốc của tôi”.

Tại cuộc hội thảo do Hội Luật gia VN và Đại học Luật tổ chức ngày 26-7 ở TP.HCM, giáo sư - tiến sĩ Alexander Yankov là một trong những chuyên gia quốc tế đáng chú ý nhất.

Là người cao niên nhất có mặt tại hội trường Thống Nhất, ông phải chống gậy và có người đỡ mới có thể đi lại được. Nhưng “cụ” (như người phiên dịch tiếng Bulgaria Phạm Văn Toàn của ông vẫn gọi) vẫn phát biểu rất mạnh mẽ bằng tiếng Anh tại hội thảo và trả lời cặn kẽ, tỉ mỉ từng câu hỏi của các phóng viên trong và ngoài nước.

Khác với các học giả quốc tế có mặt tại hội thảo, giáo sư Yankov có một vị trí rất đặc biệt. Đó là chức vụ thẩm phán của ITLOS từ tháng 10-1996 đến năm 2011. Ông cũng từng là thành viên Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan), nơi Philippines đâm đơn kiện “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, giáo sư Yankov có lẽ còn là một trong những chuyên gia luật biển có uy tín nhất, được tôn trọng nhất thế giới. Bởi ông là người duy nhất trong nhóm chuyên gia soạn thảo Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) còn sống.

“Người cứng đầu” ở UNCLOS

Giáo sư Yankov sinh ra tại thành phố Burgas bên bờ biển Đen, thành phố lớn thứ tư ở Bulgaria. Năm 1995 ông đã được tôn vinh với danh hiệu công dân danh dự của thành phố Burgas. Cha ông lấy cái tên Alexander của ông nội - một thủy thủ từng viễn du qua nhiều đại dương thế giới - để đặt cho ông. Chính vì thế, giáo sư Yankov yêu biển từ khi còn rất nhỏ. Đó là lý do ông luôn đặc biệt quan tâm đến luật biển khi bắt đầu theo học ngành luật rồi lấy bằng tiến sĩ luật quốc tế ở ĐH Sofia.

Là một học giả, nhưng giáo sư Yankov từng có thời kỳ theo đuổi sự nghiệp chính trị. Ông từng là đại sứ Bulgaria tại Vương quốc Anh từ năm 1972-1976. Sau đó ông đảm nhận chức thứ trưởng ngoại giao Bulgaria và đại diện thường trực Bulgaria tại Liên Hiệp Quốc từ năm 1976-1980. Ông cũng từng là nghị sĩ Quốc hội Bulgaria.

Tuy nhiên niềm đam mê lớn nhất của ông vẫn là luật biển. Đó cũng là lĩnh vực mà ông có đóng góp to lớn nhất cho thế giới: soạn thảo UNCLOS.

Năm 1956, Liên Hiệp Quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về luật biển (UNCLOS) đầu tiên ở Geneva (Thụy Sĩ) và đạt được bốn hiệp định. Bốn năm sau UNCLOS II diễn ra trong sáu tuần ở Geneva nhưng không có bất cứ tiến triển nào mới được ghi nhận. Năm 1973, UNCLOS III khai mạc ở New York (Mỹ). 

Với hơn 160 quốc gia, hội nghị kéo dài ròng rã tới tận năm 1982. Tại UNCLOS III, có ba ủy ban được thành lập để giải quyết hàng loạt vấn đề như vùng biển chủ quyền, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), bảo tồn môi trường biển...

Giáo sư Yankov là chủ tịch của ủy ban thứ ba. “Trong suốt thời gian đó đã có rất nhiều chuyên gia quốc tế tham gia sứ mệnh soạn thảo UNCLOS. Thời gian kéo dài, có nhiều trắc trở nên không ít người đã bỏ ngang. Nhưng tôi là một kẻ cứng đầu. Tôi là mẫu người đã làm gì thì phải làm cho tới cùng” - ông kể lại.

Nhờ nỗ lực của giáo sư Yankov và những người khác, cuối cùng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đã ra đời với những khái niệm hết sức quan trọng như nội thủy, lãnh hải, EEZ, thềm lục địa...

GS-TS Alexander Yankov

Cái tình với Việt Nam

Giáo sư Yankov lần đầu đến Việt Nam vào năm 1976, một năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. “Khi đó Việt Nam là nguồn cảm hứng của tôi và rất nhiều người khác tại Bulgaria. Người Pháp muốn lập ra thế giới riêng của họ tại đây nhưng bất thành. Sau đó người Mỹ đến nhưng cũng thất bại. Đất nước của các bạn đã tự mình vượt qua tất cả những khó khăn thử thách lớn lao đó. Tôi rất tự hào khi được đến Việt Nam. Tôi cảm thấy Việt Nam cũng là tổ quốc của tôi” - ông kể.

Giáo sư Yankov vẫn nhớ như in cái ngày 38 năm trước khi ông đặt chân tới TP.HCM và nghỉ ở khách sạn Majestic bên bờ sông Sài Gòn. “Thành phố sau chiến tranh còn nghèo nàn, mất điện tối om, xác tàu la liệt trên sông Sài Gòn. Đường phố vắng ngắt, đâu đó chỉ có vài người bán hàng trên đường. Nhưng giờ đây TP.HCM đã lột xác hoàn toàn, trở thành một thành phố hiện đại, sôi động và thịnh vượng. Tôi vô cùng hạnh phúc khi được chứng kiến sự thay đổi đó” - giáo sư bồi hồi.

Sự gắn bó của giáo sư Yankov với Việt Nam không chỉ là những lần đến TP.HCM. Ông từng giảng dạy một số nghiên cứu sinh Việt Nam đến học tập tại Bulgaria. Giáo sư Yankov không quên một học trò Việt Nam thông minh, hiểu biết, từng viết luận án tốt nghiệp về thềm lục địa dày hàng trăm trang bằng tay với nét chữ “đẹp hơn cả sách in”. Người học trò đó là tiến sĩ Phạm Ngọc Chi, tác giả cuốn Thềm lục địa - Những vấn đề pháp lý quốc tế do NXB Pháp Lý - Viện Quan hệ quốc tế Hà Nội phát hành năm 1990.

Tiến sĩ Chi cho biết thời thập niên 1980, ông được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch giao nhiệm vụ nghiên cứu về thềm lục địa, một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam. Khi đến Bulgaria làm nghiên cứu sinh, ông đã biết về danh tiếng của giáo sư Yankov và đến gặp xin giáo sư hướng dẫn nghiên cứu. Vấn đề là khi đó ở ĐH Sofia có quy định một giáo sư chỉ hướng dẫn năm nghiên cứu sinh, mà giáo sư Yankov đã có đủ năm học trò.

“Nhưng khi tôi đến gặp cụ, cụ lập tức đồng ý và nói: Tôi có tình cảm sâu sắc với đất nước Việt Nam. Tôi có nghĩa vụ phải giúp đỡ đồng chí” - tiến sĩ Chi kể.

Càng tiếp xúc và học tập từ giáo sư Yankov, tiến sĩ Chi càng cảm phục người thầy uyên bác, giàu kiến thức, giỏi cả tiếng Anh, Nga và Pháp. Không chỉ là học trò, tiến sĩ Chi còn trở thành một thành viên gia đình giáo sư Yankov.

“Giáo sư đã hỗ trợ tôi rất tận tình. Cụ thường mời tôi đến nhà và cả gia đình giáo sư đều rất yêu quý tôi. Khi tôi bảo vệ luận án thành công, cả gia đình giáo sư đã đến chúc mừng” - tiến sĩ Chi kể. Khi tiến sĩ Chi viết cuốn Thềm lục địa - Những vấn đề pháp lý quốc tế, chính giáo sư Yankov đã viết phần tựa đề.

Việt Nam đúng, Trung Quốc sai

Có mặt ở TP.HCM, giáo sư Yankov luôn mang theo bên mình cuốn sách Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà ông đã góp công soạn thảo.

“Đây là tài liệu quan trọng nhất đối với Việt Nam vào lúc này. Việt Nam cần nghiên cứu nó thật kỹ và tuân thủ một cách tuyệt đối. Đó là cách quan trọng nhất để đấu tranh trước Trung Quốc” - giáo sư Yankov nhấn mạnh. Và trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, giáo sư Yankov cho biết ông ủng hộ Việt Nam một cách tuyệt đối bởi lẽ phải và chính nghĩa hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

“Tôi cũng có tình cảm sâu nặng đối với đất nước Trung Quốc. Nhưng trong tranh chấp trên biển Đông, là một thẩm phán ITLOS và người soạn thảo UNCLOS, tôi khẳng định Việt Nam đúng và Trung Quốc đã sai. Là một nước lớn nhưng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam cần phải đấu tranh mạnh mẽ để phản đối hành động của Trung Quốc” - giáo sư Yankov khẳng định mạnh mẽ.

Tại hội thảo biển Đông ngày 26-7, mỗi khi nghe thấy có học giả nước ngoài nào biện minh cho hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, ông đều phản ứng bằng những phát biểu trực tiếp trước báo giới.

Với vai trò “ngôi sao Bắc Đẩu của ngành luật pháp quốc tế”, như từ mà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế dùng khi nói về giáo sư Alexander Yankov, các nhận định của giáo sư Yankov có ý nghĩa quan trọng ở chỗ ông là người đặt nền móng cho hệ thống luật biển quốc tế và là người quan sát việc thực thi luật biển quốc tế trong những năm qua.

Giáo sư Yankov khuyên Việt Nam cần chuẩn bị thật kỹ càng mọi vấn đề pháp lý theo hướng dẫn của UNCLOS khi quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, bởi việc kiện tụng sẽ rất tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. “Vấn đề là Việt Nam cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia trong ngành luật biển để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý này. Việt Nam cũng cần học hỏi kỹ càng kinh nghiệm của Philippines” - ông nói.

Giáo sư Yankov cũng muốn gửi gắm một lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ Việt Nam: “Các bạn trẻ phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, luôn phấn đấu học tập để phục vụ Tổ quốc, đừng bao giờ sa ngã trước cám dỗ của kẻ thù”. Ở tuổi 90, người giáo sư già đáng kính vẫn chưa hề vơi đi lửa nhiệt tình đối với “tổ quốc thứ hai” của ông.

Giáo sư Alexander Yankov là chuyên gia luật quốc tế hàng đầu thế giới ở nửa cuối thế kỷ 20, một nhân vật có tầm cỡ rất lớn trong ngành luật pháp quốc tế. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh ông còn là một nhà ngoại giao được khối các nước XHCN đặc biệt tín nhiệm. Việc giáo sư Yankov được bổ nhiệm là chủ tịch ủy ban 3 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Luật biển III (UNCLOS III) cho thấy sự tin tưởng lớn mà nhiều quốc gia trên thế giới dành cho ông.

Các ủy ban của UNCLOS có chức năng xử lý các vấn đề kỹ thuật và pháp lý của luật biển, giúp xây dựng nên Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vai trò của giáo sư Yankov còn được thể hiện ở vị trí thẩm phán Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) cũng như hàng loạt tổ chức luật pháp quốc tế khác.

Đại sứ NGUYỄN BÁ SƠN(nguyên vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế)

 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận