Tâm lý học của mùa dịch

DANH ĐỨC 05/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Hình ảnh Giáo hoàng Francis lững thững một mình trên các con đường không một bóng người của Vatican cả tháng qua có thể tóm tắt nỗi đau thương của châu Âu nói riêng, nơi ông đang sinh sống, và cả thế giới nói chung, vào lúc số nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19 đã lên đến gần 40.000 người. Cho dù Công giáo hay không Công giáo, có thể cảm nhận được cây thập giá mà ông Francis vác mùa chay này quá thật và quá nặng!

Ông Putin nai nịt tận răng cũng trong một chuyến thăm bệnh viện có bệnh nhân COVID-19 ở Matxcơva (ảnh chụp ngày 24-3). Ảnh: aa.com
Ông Putin nai nịt tận răng cũng trong một chuyến thăm bệnh viện có bệnh nhân COVID-19 ở Matxcơva (ảnh chụp ngày 24-3). Ảnh: aa.com

Các biểu đồ tổng số ca nhiễm và ca tử vong ở châu Âu mấy ngày qua vẫn là một góc α gần như là thẳng đứng từ sau 10 ngày đầu tháng 3. Sự tăng vọt này có thể thấy qua các số liệu của bốn nước châu Âu, vừa là những nước phát triển nhất song cũng là những nước bị nhiễm bệnh và thương vong nhiều nhất ở lục địa này, và cả ở tầm thế giới, theo dữ liệu của WHO trong tuần lễ từ 16-3 đến 22-3, tức tuần thứ 12 của đại dịch. Cộng với nước Mỹ, ta có một “bảng phong thần” kinh khủng.

Càng phát triển càng rối?

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào những nước phát triển nhất lại bệnh nặng nhất. Hãy bắt đầu từ trường hợp Mỹ. Trang chủ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) sáng 30-3 ghi rõ: tổng số ca: 140.904; tổng số tử vong: 2.405, và rồi vọt lên hơn 3.000 một ngày sau đó.

CDC có chú thích rõ nguồn gốc số liệu cũng như cách sử dụng: “Dữ liệu bao gồm cả các ca dương tính COVID-19 được xác nhận và giả định được báo cáo cho CDC hoặc được xét nghiệm tại CDC kể từ ngày 21-1-2020, ngoại trừ kết quả xét nghiệm cho những người hồi hương về Hoa Kỳ từ Vũ Hán (Trung Quốc) và Nhật Bản. Các sở y tế nhà nước và địa phương hiện đang xét nghiệm và báo cáo công khai số ca”. Bằng cách sử dụng dữ liệu đó, số liệu của CDC coi như công khai và chính xác.

Trên biểu đồ của CDC, lại thấy biểu thị sự gia tăng theo đường thẳng đứng từ thượng tuần tháng 3, hầu như đồng thời với châu Âu. Người Mỹ, người châu Âu đã làm những gì và không làm những gì để cùng chịu hầu như cùng hậu quả trong hầu như cùng khoảng thời gian? Có nhiều cách giải thích, song cách giải thích của tạp chí chuyên ngành tâm lý học Psychomedia của Canada ngày 16-3 dựa trên nền tảng khá thấu đáo.

Tựa đề của bài báo cho thấy có thể sử dụng tiếp cận tâm lý học để giải mã hiện tình phát tán dịch Covid-19: “Phản ứng với khủng hoảng coronavirus: Những định kiến nhận thức cản trở việc nhận chân mức độ nghiêm trọng của tình hình”.

Theo đó, do đã có sẵn một số định kiến trong nhận thức, người ta thường giở các định kiến đó ra rất nhanh, giống những phím tắt trong đầu, để xử lý các tình huống nhất định. Các định kiến được tâm lý học gọi tên bao gồm chuẩn mực bình thường, lạc quan hão, thành kiến tín ngưỡng, ảo giác hiểu biết, ảo giác kiểm soát...

Ông Macron trong một chuyến thăm Bệnh viện Necker, tuyến đầu phòng chống COVID-19 ở Pháp. Ông vẫn rất thân tình và thản nhiên, không khẩu trang, không đồ bảo hộ (ảnh chụp ngày 10-3). Ảnh: Reuters
Ông Macron trong một chuyến thăm Bệnh viện Necker, tuyến đầu phòng chống COVID-19 ở Pháp. Ông vẫn rất thân tình và thản nhiên, không khẩu trang, không đồ bảo hộ (ảnh chụp ngày 10-3). Ảnh: Reuters

Định kiến, từ chính quyền tới dân

Đầu tiên là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mẩu tweet của ông ngày 26-2 cho thấy trong đầu ông đã nhiều định kiến ra sao: “CDC và chính quyền của tôi đang làm việc một cách TUYỆT VỜI (nguyên văn ông viết hoa) để xử lý virus corona, bao gồm cả đóng cửa biên giới của chúng ta với một số khu vực nhất định trên thế giới.

Ngay sau đó, quyết định này đã bị phản đối bởi bọn Dân chủ, (bọn họ) cho là quá sớm, nhưng hóa ra đó là một quyết định chính xác. Dù chúng ta có làm tốt đến đâu, Đảng Dân chủ vẫn cho rằng chúng ta đang làm rất tệ. Nếu virus biến mất vào ngày mai, họ sẽ nói chúng ta đã làm việc quá kém cỏi... Thật không công bằng... Nhân tiện, đến nay, chúng ta chưa có ca tử vong nào”.

Xem ra ông Trump vào đầu mùa dịch mải mê chuyện chính trị đấu đá với phe Dân chủ hơn là chống dịch. Đó là định kiến “chuẩn mực bình thường” (le bias de la normalité), tức người ta có xu hướng bám lấy những gì đã quen thuộc, tin rằng “đâu sẽ vào đó”, để rồi đánh giá thấp hiện tình cũng như nguy cơ, để rồi không tự chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ hay không tuân thủ đầy đủ các biện pháp chính quyền đưa ra. Do suy nghĩ rồi thì “đâu cũng sẽ vào đó” mà cả ông Trump lẫn một số người dân ngay cả rất lâu sau này vẫn không đánh giá khách quan được tình hình, mà xem nhẹ vấn đề.

Nhưng đấy không hẳn là đặc điểm riêng của ông Trump và dân Mỹ. Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho tới chủ nhật 15-3 vẫn còn tin “đâu cũng sẽ vào đó” để yên ổn tổ chức bầu cử địa phương vào cùng ngày. Thêm vào đó là “định kiến lạc quan hão” (le biais d’optimisme) dẫn đến tin tưởng, hoặc đặt cược vào khả năng tình huống xấu sẽ chỉ xảy ra ở nơi khác, với người khác, chứ không phải với mình.

Đúng là vào ngày trước khi Pháp quyết bầu cử vòng một ở các hội đồng địa phương cho bằng được, đại dịch đã là hiển hiện: hôm 12-3, sau khi tổng giám đốc WHO gọi đây là đại dịch toàn cầu, ông Macron đã ra lệnh đóng cửa nhà trẻ, trường học, các xí nghiệp được miễn đóng thuế, người lao động được khuyến khích làm ở nhà.

Qua hôm sau, cấm tụ tập trên 100 người. Nhưng qua hôm sau nữa thì toàn dân được mời đi bỏ phiếu! Chỉ 24 giờ sau kết quả bầu cử với tỉ lệ vắng mặt trên 50%, ông Macron ra lệnh cách ly toàn quốc, hoãn bầu vòng hai, ngưng mọi cải cách, kể cả cải cách hưu trí mà cả năm qua gây nhiều tranh cãi dữ dội. Chủ nhật đó, nước Pháp của ông đã mất hơn 1.000 người vì Covid-19.

Hai tuần sau, nội trong ngày chủ nhật 29-3, đã có 418 người Pháp qua đời vì dịch, nâng số tử vong lên trên 3.000 người, theo Le Monde 31-3. Vậy mà chủ nhật 16-2, Bộ trưởng Y tế Agnès Buzin còn từ chức để ra tranh cử thị trưởng Paris.

Làm thế nào mà những “tai to mặt lớn” cỡ đó lại đánh giá sai tình hình? Bởi cả một lô định kiến và đến ảo giác kiểm soát lừng lững trong đầu họ. Đừng trách tại sao dân Pháp hôm đó không thèm đi bầu cử, song lại đi dã ngoại, đi dạo cho bõ ghét.

Mấy ngày sau, khi đã cách ly toàn quốc rồi, họ vẫn còn đi, mặc cho có bị gọi là “thiếu tinh thần công dân”! Cũng từ góc nhìn tâm lý học như trên Psychomedia, có thể thử giải thích tại sao người Âu - Mỹ nhất định không chịu đeo khẩu trang, thậm chí tẩy chay những ai đeo (thường là người châu Á).

Chẳng qua họ đã quen với nhận thức có bệnh mới đeo, không bệnh đeo làm chi? Quen đến mức khi nhìn thấy ai đeo khẩu trang là “bấm nút tắt”, giở ngay định kiến và tự động cảm thấy khó chịu. Ở đây, ảo giác hiểu biết (l'illusion de savoir), dựa trên những tin tưởng sai lệch mà không tìm kiếm thêm thông tin khác, dẫn tới đánh giá sai tình hình, cho rằng cũng sẽ giống mấy lần trước thôi.

Nhưng việc đeo khẩu trang đúng hay sai? Cách đây hai tuần, một nữ công chức Mỹ gốc Việt ở California nhất định đi làm với cái khẩu trang. Một trong những người công kích cô nhiều nhất lại là một đồng nghiệp gốc Việt khác, mới về nước qua trở lại, vô đi làm lại sau hai tuần ở nhà tự cách ly.

Người này không đeo khẩu trang giống các đồng nghiệp Mỹ tạm gọi là “bản xứ”. Cuộc tranh luận diễn ra, cô công chức dứt khoát: “Anh bảo rằng chỉ có bệnh mới đeo. Anh hãy chứng minh anh không bệnh đi”. ■

Nước nghèo hơn phải tự biết thân?

Sáng thứ ba 31-3, ông Macron đến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp vừa và nhỏ Kolmi-Hopen ở ngoại ô Angers (Maine-et-Loire), hãng lớn nhất trong bốn nhà sản xuất khẩu trang ở Pháp, giữa những tranh cãi gay gắt về đeo hay không đeo khẩu trang trong mùa dịch. Người đứng đầu Nhà nước Pháp muốn “thể hiện sự huy động đặc biệt ngành công nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu liên quan đến cuộc khủng hoảng Covid-19”, Điện Elysee bình luận.

Ở Matxcơva, khác ông Macron, hôm 25-3 trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo hoãn tổ chức trưng cầu ý dân toàn quốc về việc sửa đổi Hiến pháp do đại dịch đang lây lan mạnh ở nước này.

Ông Putin, đã trải qua bao thăng trầm từ năm 1999 tới giờ và vốn là dân KGB, có vẻ không để các định kiến tâm lý lấn át như các lãnh đạo Tây phương, nên đã chỉ đạo làm theo khuyến cáo chính thống của WHO: Tiến sĩ Melita Vujnovic, đại diện WHO tại Nga, thừa nhận Nga đã thực hiện đúng những lời khuyên của tổ chức này ngay từ cuối tháng 1.

Trong số các khuyến cáo có việc Bộ Y tế Nga quyết liệt xét nghiệm để tránh phân loại sót. Đến trưa 30-3, ở Nga đã có 263.888 người được xét nghiệm. Một khuyến cáo khác mà ông Putin đã tỏ ra vô cùng dứt khoát: đóng cửa biên giới với các nước có dịch. Một khác biệt dễ thấy nữa: ông không ngần ngại mặc trang phục chống dịch khi đi thăm những khu có bệnh nhân. Việc gì phải tỏ vẻ, để rồi mắc bẫy định kiến ảo giác kiểm soát!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận