Tâm sự một bà mẹ có con học lớp 7...

MINH NHIÊN 31/03/2012 22:03 GMT+7

TTCT - 1. Con tôi là một thiếu niên 13 tuổi, đang học lớp 7 và cực kỳ mê bóng đá. Tuần rồi, cháu theo dõi sát tình hình sức khỏe của Fabrice Muamba - cầu thủ đội Bolton bị đột quỵ trên sân bóng khiến trọng tài quyết định dừng trận.

Phóng to
Học yêu thương và quan tâm bằng nhiều hoạt động thực tiễn. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) thăm và tặng quà bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Xuân Dịu

Nó ấn tượng với cái quyết định đó lắm, nhất là cảnh các cầu thủ trên sân thất thần, lo lắng nhìn Muamba.

Chưa hết, sau đó nó đọc được ở đâu để kể lại trong bữa cơm rằng ngôi sao bóng đá lớn David Beckham đã gửi lời chúc Muamba mau hồi phục, rồi các cầu thủ Real Madrid mặc áo thun có in dòng chữ “Phục hồi nhanh Muamba” (Get well soon Muamba). Hay chuyện cầu thủ Gary Cahill của Chelsea sau khi ghi bàn trong trận gặp Leicester City đã kéo áo thun lên để người hâm mộ thấy lời kêu gọi in trên chiếc áo trong của anh “Hãy cầu nguyện cho Muamba” (Pray 4 Muamba).

Khi ba nó giảng giải bóng đá không chỉ có đua tranh hay fair-play mà còn có tinh thần đồng đội và cả tình người, nó có vẻ thấm thía lắm. Bởi ngay sau đó nó bảo vậy mà hôm trước, thằng bạn ngồi kế bị bệnh nghỉ mất mấy ngày, con không biết hỏi thăm hay chúc bạn mau lành bệnh.

2. Nghe nó nói, tôi chợt ngẩn ra. Ừ, sao điều tối giản đó mà con không biết. Nó đã bao nhiêu lần đi thăm ông bà bị bệnh, sao lại không biết một lời hỏi thăm người bạn ốm của mình. Có lẽ vì nó chỉ thấy mà chưa hiểu. Có lẽ vì mẹ nó chưa lần nào chỉ con cách hỏi thăm người ốm. Mà con có học giáo dục công dân không, sao cái “lễ” đơn giản này con không biết?

Tôi nhớ lại những bài học của con, có chứ, giáo dục công dân lớp 7 có dạy về lòng khoan dung, về tình yêu thương, bên cạnh những điều to tát từ quyền trẻ em tới tôn giáo, tín ngưỡng. Chúng chỉ chưa được dạy nên cư xử ra sao trong cuộc sống này.

3. Một chị bạn tôi có con học đại học ở nước ngoài kể chị đã “toát mồ hôi” chat với con ra sao khi bài tập về nhà của con là phân tích phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”, lý giải vì sao phong trào này không giành được chiến thắng dựa trên học thuyết của chủ nghĩa Marx.

Có lần con chị còn hỏi mẹ coi phim chống chủ nghĩa tư bản của đạo diễn Michael Moore chưa (phim có cái tên khá thú vị: Chủ nghĩa tư bản, một chuyện tình), vì lớp con đang phải coi phim này để phân tích cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ dưới trào Tổng thống Barack Obama.

Khi quyển truyện Mẹ Hổ của Amy Chua làm mưa làm gió dư luận xã hội, lớp nó phải phân tích cách dạy con ở phương Đông khác phương Tây thế nào, chọn cách nào, vì sao. Mới thấy học lý thuyết mà vận dụng, đối chứng ngay với thực tiễn thì lý thuyết mới trở nên hữu ích, không còn “là màu xám”. Mới thấy vì sao giới trẻ nước ngoài tự tin và có chính kiến trước nhiều vấn đề sát sườn, thực tế không chỉ của đất nước mà cả toàn cầu.

4. Mấy ngày nay, tôi và những người bạn, những bà mẹ khác, không khỏi suy nghĩ chuyện ba cô bé ở Đắk Nông bằng tuổi con trai chúng tôi rủ nhau tự tử. Chúng tôi hỏi nhau những cô bé đó nghĩ gì vào giờ phút cuối, có nghĩ đến nỗi đau của cha mẹ các em không, tại sao các em lại hành động dại dột, đáng thương như thế.

Chỉ hỏi thôi chứ biết câu trả lời ra sao vì các cô bé đâu còn để giãi bày. Rồi chúng tôi tự hỏi sao ta không đưa những câu chuyện này, từ cách hỏi thăm người bạn ốm, biết quan tâm đến những người xung quanh tới câu chuyện dại dột của ba cô bé rủ nhau tự tử… vào tiết học giáo dục công dân?

Một chi tiết trong bản tin về đám tang ba cô bé làm chúng tôi không khỏi thắt lòng, khi trên bàn thờ của một em là bài kiểm tra giáo dục công dân 9,5 điểm. Nó giúp được gì cho em?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận