Tân, nhưng mà... kỳ!

NGUYỄN NGỌC HÙNG 08/04/2012 09:04 GMT+7

TTCT - Tôi mới có dịp trở lại quê mình - thủ đô Hà Nội - khi tiết xuân sao mà giá rét! Hà Nội vẫn đang mùa cưới...

Phóng to

Với phương châm văn minh, tiết kiệm và đơn giản, nhiều bạn trẻ đã chọn đám cưới tập thể. Trong ảnh: Niềm vui ngày cưới của các cặp đôi tại trung tâm TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Tôi được mời dự đám cưới con trai lớn của một người bạn thân thiết. Người Hà Nội vẫn giữ tục lệ “chia trầu cau” đám hỏi khi trao thiệp mời dự đám cưới. Bởi thế đám hỏi phải cách ngày cưới khá xa để có thời gian đi trao thiệp mời cùng chút trầu cau, trà mạn và mứt hạt sen.

Đám hỏi vẫn có lễ vật như truyền thống, nhưng cách trưng bày đã tân kỳ hơn xưa. Không còn dùng những “quả” hộp hình trụ dẹt sơn son vẽ rồng phượng nữa. Bây giờ là những “kim tự tháp” cao tới nửa mét, với mọi thứ lễ vật đều... lộ thiên. Mọi người có thể thấy ngay lễ vật gồm những thứ gì, thậm chí cả số lượng và chất lượng cũng bộc bạch ra hết; không còn giấu kín dưới nắp “quả” như xưa.

Cái giỏ được thiết kế khéo léo để đáy vồng lên khiến phần lễ vật phía trên trông “hoành tráng” hơn là thực chất. Đại diện gia đình hai bên trai gái vẫn trao đi đổi lại những câu lễ nghĩa rất trịnh trọng và khuôn phép, thể hiện ý muốn “hỏi” và “nhận lời” để đôi bạn trẻ có thể chính thức thành vợ thành chồng.

Nhưng đến khi xong phần thủ tục chính thức, bỗng nhiên ông bạn tôi - bố của chú rể - đứng lên tiếp lời vị đại diện nhà trai. Ông cũng trịnh trọng và khuôn phép, nhưng nội dung lời “thưa thốt” khiến tôi không khỏi kinh ngạc: Xin phép được rước cô dâu về nhà mình ngay hôm nay, để sáng mai “trả” lại nhà gái chờ đến ngày cưới! Tôi cũng thấy vài người cả đôi bên gia đình ý tứ nhìn nhau, chẳng rõ họ cảm thông hay khó hiểu nữa. Rồi ông thông gia đứng lên đáp lời, bày tỏ rằng “thể theo nguyện vọng của hai cháu”, bên gái đồng ý để nhà trai đưa cô dâu về ngay nhà chồng.

Tôi bày tỏ thắc mắc thì mới vỡ lẽ: chính cô dâu đòi phải được như vậy bởi vì đi hỏi “thày”, được phán là “cao số”, phải “hai lần đò” nên phải “hóa giải” bằng cách về nhà chồng ngay ngày ăn hỏi, “ở” lại đêm hôm ấy. Sáng hôm sau làm bộ hờn dỗi “bỏ đi” luôn, về nhà mẹ đẻ. Thế là coi như “đã xong một lần đò”!

Tôi còn được biết khi cô dâu đưa ra đề nghị này với bố mẹ mình, cả hai vị thân sinh đều phản đối. Hai vị thân sinh của cô dâu đều là bác sĩ còn đang làm việc, cuối cùng cũng phải chấp nhận yêu cầu quá đỗi lạ lùng của cô con gái độc nhất. Bên nhà trai cũng xảy ra bất đồng tương tự. Nhưng cuối cùng phụ huynh đều phải chấp nhận bởi chú rể tuyên bố xanh rờn: Nếu không như thế thì thà không cưới còn hơn!

Đến ngày cưới, đoàn xe đi rước dâu cũng hoành tráng như phải thế. Cứ đến ngã ba, ngã tư đường lại thấy xe chở cô dâu dừng lại chút xíu, một tờ giấy nhỏ được tung ra. Rồi khi xe qua một cây cầu cũng vậy. Tôi quan sát thấy chính tay cô dâu tung tờ tiền giấy 500 đồng mỗi khi xe dừng.

Tôi lại phải hỏi các vị cùng trên xe thì được giải thích thế này: đó cũng là theo lời “thày bảo thế”. Rằng mỗi ngã ba, ngã tư đường là “một ngã rẽ cuộc đời”; rồi mỗi cây cầu lại là “một lần đò”. Phải rải tiền để “giải” chuyện “rẽ ngang rẽ tắt” và “qua đò nọ đò kia”!

Hai bạn trẻ đã kết bạn tâm giao từ khi cùng du học ở bên Pháp, cùng có bằng thạc sĩ tại Paris, rồi về nước cùng làm việc trong ngành ngân hàng... Thật đúng là một đôi trai tài gái sắc được tiếp thu văn minh tân tiến mà lại... kỳ thế nào ấy!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận