TTCT - Từ năm nay, sau khi Luật giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực, các trường ĐH đều hoạt động tự chủ, nghĩa là sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở “tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo”. Điều này có thể được diễn đạt đơn giản hơn là: tăng học phí. Minh họa Tự chủ = tăng học phí Trong vòng một tháng qua, hàng loạt trường ĐH công lập công bố mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020 với mức tăng đột biến so với các khóa trước, điều khiến nhiều thí sinh và phụ huynh choáng váng. Mức học phí hiện tại của Trường ĐH Y dược TP.HCM của tất cả các ngành là 13 triệu đồng/năm. Nhưng học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020 của trường này lên mức 30-70 triệu đồng/năm, có ngành tăng gấp 5 lần (bình quân học phí của trường là 48 triệu đồng), dự kiến mức học phí này sẽ tăng thêm 10% mỗi năm tiếp theo. “Vì trường không được Nhà nước rót kinh phí nên phải thu học phí mới cao hơn cho khóa tuyển năm 2020. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo nhà trường, giải thích. PGS.TS Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho biết: “Đề xuất tăng học phí của trường dự kiến áp dụng chung cho tất cả sinh viên. Riêng sinh viên có hộ khẩu TP.HCM sẽ được TP hỗ trợ”. Tương tự, tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), chương trình đại trà dự kiến tăng thêm 9,4 triệu đồng, chương trình chất lượng cao tăng 5 triệu đồng. Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng, mức học phí mới này “là dự kiến trong trường hợp trường được phê duyệt tự chủ”. Trên thực tế, nhiều năm qua, hàng loạt trường áp dụng cơ chế tự chủ đã có mức thu học phí cao cách biệt so với các trường bình thường khác. Tiền đâu mà đi học ? Lẽ dĩ nhiên, ngân sách của các gia đình có con bước vào ĐH từ năm nay sẽ phải tính toán lại một cách gay cấn. Và nếu không tính tới chuyện các địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ sinh viên của mình, cánh cửa còn lại cho sinh viên là đi vay. 13 năm trước, chương trình tín dụng học sinh - sinh viên (HSSV) bắt đầu được triển khai (với quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) là cơ quan đại diện Chính phủ thực hiện chính sách này. Mục tiêu của nó được đánh giá là “có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước” nhưng hơn một thập niên triển khai, chính sách này bộc lộ những hạn chế lớn. Theo quy định tại quyết định 157, mức cho vay tối đa đối với một HSSV là 800.000 đồng/tháng (8 triệu đồng/năm học - năm 2007) và từ ngày 1-12-2019, mức cho vay tăng lên 2,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, NHCSXH căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức cho vay cụ thể đối với từng HSSV, nhưng tối đa mỗi HSSV được vay không quá 2,5 triệu đồng/tháng. Thời gian HSSV trả nợ cố định trong một số năm nhất định sau khi tốt nghiệp; số tiền trả nợ hằng tháng cố định theo quy định của từng chương trình tín dụng nhưng không dựa trên mức thu nhập của người vay nợ. Theo NHCSXH, tính đến ngày 31-12-2019, có gần 450.000 HSSV đang vay tiền theo chính sách tín dụng này (dư nợ cho vay đạt 11.020 tỉ đồng). Với mức cho vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV, khi đối chiếu với chuyện học phí nhiều trường ĐH tăng từ 2-5 lần, sẽ thấy chính sách tín dụng này rõ ràng không theo kịp tốc độ “tự chủ” của các trường hiện nay. Lê Thủy Lợi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết em ở Long Thành (Đồng Nai) lên TP.HCM trọ học. Chưa nói tới học phí, em đã cần 4,5-5 triệu đồng trang trải các chi phí sinh hoạt mỗi tháng. Gia đình Lợi được vay vốn tại địa phương với mức hơn 10 triệu đồng/năm học. “Kể từ khi nhập học, tôi đã đi làm thêm nhiều việc để bù vào tiền học phí và trang trải cuộc sống” - Lợi nói. Các trường sẽ làm gì ? “Mức cho vay và số tiền cho vay của chương trình được xác định để trang trải cho các chi phí như học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở đi lại. Tuy nhiên, mức cho vay hiện nay không đủ chi trả toàn bộ chi phí học tập. Do đó, cần phải đổi mới mạnh mẽ chính sách này và có sự chung tay của toàn xã hội để đa dạng hóa các quỹ tín dụng, hỗ trợ sinh viên” - ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - marketing, nhận xét. Còn ở nơi mà mức học phí tăng “khủng” nhất là Trường ĐH Y dược TP.HCM, PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng trường - nói rằng khi đưa ra mức học phí mới, nhà trường cũng xây dựng chính sách học bổng, dự kiến trao 800 suất (25-100% học phí) với tổng số tiền 15,4 tỉ đồng. Nhưng ông cũng cho rằng một mình trường sẽ “làm không xuể” và “cần có vai trò điều phối của Nhà nước”. Theo đó, để đảm bảo các sinh viên nghèo, học giỏi có thể theo học và trở thành thầy thuốc, Nhà nước cần có chính sách cụ thể, “ví dụ như cấp kinh phí và đặt hàng cho nhà trường đào tạo, nhà trường sẵn sàng nhận nhiệm vụ Nhà nước đặt hàng”. Vấn đề là “hiện chưa thấy Nhà nước có kế hoạch đặt hàng gì”, ông cho biết. Ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng - cho biết trường ông đã xây dựng “Quỹ học bổng cựu sinh viên”, hiện có được hơn 500 triệu đồng. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết sau 3 năm tự chủ, quỹ học bổng của trường tăng từ 12 tỉ lên 36 tỉ đồng. Trường cũng tích cực vận động tài trợ học bổng từ các cựu sinh viên và các doanh nghiệp, đồng thời giao tất cả các công việc mang tính thời vụ cho sinh viên làm để các em có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Tuy nhiên, chính sách tín dụng sinh viên vẫn chưa theo kịp giai đoạn tự chủ. Sinh viên cần phải được vay đủ để đóng học phí và trang trải chi phí chứ không phải như hiện nay” - ông nói. Thỏa thuận hợp tác với ngân hàng thương mại để xây dựng quỹ tín dụng cho sinh viên vay vốn không lãi suất là một xoay xở khác. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - giám đốc ban điều hành Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM, trường ông vừa đạt được một thỏa thuận như vậy, hiện nguồn quỹ đã vận động được khoảng 5 tỉ đồng/năm, dành xét cho sinh viên từ năm thứ nhất thuộc diện khó khăn của các trường thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM được vay. Sinh viên thuộc diện được hỗ trợ vay vốn từ quỹ này để đóng học phí cần làm đơn gửi hội đồng xem xét, không phải trả lãi vay khi còn đang học và việc trả nợ vay được tính tương ứng với số thời gian vay sau khi tốt nghiệp. “Ví dụ, sinh viên vay từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, sau khi ra trường 1 năm bắt đầu trả nợ và trả trong vòng 3 năm. Tổng thời gian tính từ khoản vay đầu tiên của sinh viên năm nhất đến thời điểm phải trả hết nợ tối đa là 8 năm” - ông Tứ cho biết.■ Sơ lược mức tăng học phí một số trường khu vực phía Nam Trường ĐH Y dược TP.HCM (hiện áp dụng cho tất cả các ngành là 13 triệu đồng/năm), song học phí khóa 2020 tăng từ 30-70 triệu đồng/năm. Cụ thể: ngành răng hàm mặt 70 triệu đồng, y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng… Các ngành có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng. Mức học phí này sẽ tăng 10% mỗi năm tiếp theo. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: đề xuất tăng học phí các ngành y khoa, dược học và răng hàm mặt lên tối đa 30 triệu đồng/năm. Hiện nay, sinh viên có hộ khẩu TP.HCM theo học ba ngành trên đóng ở mức 13 triệu đồng/năm, sinh viên các tỉnh thành khác đóng mức 22 triệu đồng/năm. Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) đào tạo tất cả các ngành theo chương trình chất lượng cao. Học phí mới của ngành răng hàm mặt là 88 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng), y khoa 60 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng) và dược học 55 triệu đồng. Trường ĐH Y dược Cần Thơ: mức học phí bình quân tối đa theo đề án tự chủ của chương trình đại trà tăng lên 24,6 triệu đồng. Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM): 20 triệu đồng/năm học phí dự kiến theo chương trình đại trà; 35 triệu đồng theo chương trình chất lượng cao, 40 triệu đồng cho chương trình tiên tiến. Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm đối với chương trình đại trà năm học 2021-2022 là 22 triệu đồng, 2022-2023 là 24 triệu đồng và 2023-2024 là 26 triệu đồng. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM): học phí 35 nhóm ngành/ngành chương trình đại trà, dạy bằng tiếng Việt, khoảng 6 triệu đồng/học kỳ ( tối đa 17 tín chỉ, tăng 700.000 đồng so với khóa tuyển sinh năm trước). Chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết quốc tế (chưa kể học kỳ Pre-University) 30 triệu đồng/học kỳ. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: học phí dự kiến chương trình đại trà 17,5 – 19,5 triệu đồng/năm (tăng 1 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Việt 28 – 30 triệu đồng/năm (tăng 1 – 2 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Anh 32 triệu đồng/năm (tăng 2 triệu đồng), chất lượng cao Việt Nhật 32 triệu đồng/năm. Trường ĐH Luật TP.HCM: mức học phí năm học 2020-2021: lớp đại trà 18 triệu đồng, lớp Anh văn pháp lý 36 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành luật và ngành quản trị kinh doanh: 45 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành quản trị - luật: 49,5 triệu đồng. (mức tăng từ 500.000 đồng đến 5,75 triệu đồng). Trường ĐH Tài chính – marketing: học phí năm học 2020-2021 theo chương trình đại trà: 18,5 triệu đồng/năm học; chương trình đặc thù: khoa du lịch 22 triệu đồng, khoa công nghệ thông tin: 19,5 đồng; chương trình chất lượng cao: 36,3 triệu đồng; chương trình quốc tế: 55 triệu đồng. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Học phí đại học - cuộc thử lửa mới Tags: Tăng học phíTự chủLuật giáo dục đại học sửa đổiTín dụng sinh viên
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Anh trai vượt ngàn chông gai đến Hưng Yên, có người gửi tiết kiệm 1,5 tỉ để săn vé ĐẬU DUNG 14/12/2024 Xem concert ở TP.HCM chưa đã, nhiều người lập hội ra Hưng Yên ‘theo’ các Anh trai vượt ngàn chông gai lần nữa. Nhiều mẹ U50 cũng đi cùng các con...
Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol THANH HIỀN 14/12/2024 Ngày 14-12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến tuyên bố thiết quân luật hôm 3-12.
Người dân TP.HCM mát lòng với trụ nước uống tại vòi LÊ PHAN 14/12/2024 Các trụ nước uống tại vòi do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco lắp đặt ở các điểm công cộng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân.
'Nghẹt thở' giải cứu 4 người gần một ngày mắc kẹt ở cồn đất khi lũ cuồn cuộn LÊ TRUNG 14/12/2024 4 người dân ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam trong lúc đi làm về thì bị nước lũ cuồn cuộn dâng cao mắc kẹt ở cồn đất giữa sông gần một ngày, sau đó được cơ quan chức năng giải cứu an toàn.