Tăng thuế, coi chừng hiệu ứng ngược

LÊ THANH THỰC HIỆN 05/09/2017 01:09 GMT+7

TTCT - Thu thuế nội địa ngày càng tăng là điều đương nhiên khi Việt Nam phải đưa các dòng thuế theo cam kết về 0% trong các hiệp định thương mại tự do. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ phải tăng thuế.

Nếu thuế VAT tăng như đề xuất của Bộ Tài chính, theo các chuyên gia, không chỉ người tiêu dùng chịu tác động, mà hàng hóa trong nước cũng thêm yếu tố bất lợi trước hàng nhập khẩu. Ảnh TTD

 

Thậm chí, theo ông Trần Xuân Thắng - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, người tham gia những ngày đầu tiên xây dựng thuế giá trị gia tăng (VAT), đề xuất tăng thuế VAT lên 12% là chưa đúng hướng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Trao đổi với TTCT, ông Trần Xuân Thắng phân tích: Bản chất của thuế VAT là công bằng, trung lập. Việc ban soạn thảo đưa ra nhiều lý do để tăng thuế là không đúng định hướng của Quốc hội và Chính phủ.

Còn nếu tăng thuế này lên thành nhiều mức thuế suất như đề xuất của ban soạn thảo thì sẽ làm thuế VAT thêm phức tạp, khiến hiệu quả của sắc thuế này giảm và mất dần bản chất của thuế VAT là công bằng.

Đúng và sòng phẳng

Bộ Tài chính cho biết việc đề nghị tăng thuế VAT lên là để cơ cấu lại ngân sách. Nhưng tại sao cơ cấu thì phải tăng thuế, thưa ông?

- Hiểu như vậy là chưa hết. Cơ cấu lại nguồn thu không phải là để tăng thuế mà là sắp xếp lại để mở rộng đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế.

Đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, còn đối tượng chịu thuế là doanh thu để thu thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân...

Hay như hiện nay, loại hình kinh doanh mới áp dụng công nghệ như bán hàng qua Facebook... cũng đòi hỏi phải có cơ chế quản lý thuế phù hợp để đảm bảo tính công bằng giữa các hoạt động kinh doanh, tức là phải có nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách.

Đây chính là quy định tại nghị quyết 25 năm 2016 của Quốc hội mà tôi diễn giải ra thôi. Nghị quyết yêu cầu cần phải mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế nhằm từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.

Điều quan trọng cơ cấu lại nguồn thu ngân sách là cả thu và chi chứ không phải chỉ có thu. Về thu, cơ cấu lại là phải xem xét thu đã đúng chưa, bất hợp lý ở chỗ nào phải cắt điều chỉnh.

Chi cũng thế, Bộ Tài chính xem xét chi chỗ nào chưa đúng, lãng phí thì sửa ngay. Hiện nay nguy hiểm chính là cái chi.

Chi nhiều chỗ không trúng, lãng phí, chưa hiệu quả. Như việc Nhà nước đã đổ tiền vào một loạt DN nhà nước làm ăn kém hiệu quả như Vinashin, Vinalines hay 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng của Bộ Công thương...

Nước ta đang trong quá trình phát triển, cần đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng như cầu, đường, trường học... Nên số chi có thể vẫn phải tăng nhưng rót tiền vào những dự án nợ nần đầm đìa là gay go rồi.

Ông cho rằng đề xuất tăng thuế chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ, nghĩa là thế nào?

- Theo đề xuất của Bộ Tài chính, giữ một số mặt hàng thuế suất 5%, còn lại là đưa lên 6%, thứ hai là đưa thuế suất từ 10% lên 12%. Đề xuất này chưa phù hợp với định hướng Chiến lược cải cách thuế của VN đến năm 2020.

Bởi trong văn bản này, Chính phủ nhấn mạnh: thuế VAT sửa đổi bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng mặt hàng không chịu thuế; giảm bớt nhóm hàng hóa chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định xác định đúng cơ chế thu đối với một số mặt hàng mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường;

đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế (không tính mức thuế 0% áp dụng với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu).

Không nói mức thuế là bao nhiêu nhưng rất rõ ràng Chính phủ chỉ đạo đến năm 2020 chỉ có một mức thuế suất VAT.

Đây là văn bản Nhà nước đã ban hành. Nhưng không thấy Bộ Tài chính đưa nội dung này vào. Để thực hiện định hướng cải cách thuế VAT của Chính phủ, tôi đề nghị bỏ thuế suất 5% và áp dụng đồng loạt một mức thuế 10%.

Nên giữ một mức thuế

Ông giải thích thế nào khi cho rằng nếu áp dụng một mức thuế 10% thì sẽ hiệu quả hơn?

- Nói cho đầy đủ thì từ lúc ta xây dựng thuế VAT năm 1997, bối cảnh đó phải có thuế suất 5% áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm, nông sản... Bởi lúc đó các mặt hàng này đang chịu thuế suất doanh thu 0,5-1%.

Đây là mức rất thấp. Nên nếu lúc đó áp dụng ngay thuế VAT 10% cho dược phẩm, thực phẩm, nông sản... thị trường sẽ bị sốc. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng do giá hàng hóa tăng, còn DN sản xuất các mặt hàng này sẽ khó khăn.

Mặt khác, Nhà nước muốn có thuế suất 5% với các mặt hàng thiết yếu này là để khuyến khích người tiêu dùng mua được giá rẻ.

Nhưng qua 20 năm thực hiện thấy rằng vì thuế suất 5% mà người tiêu dùng được mua giá hợp lý đối với các nhóm mặt hàng thiết yếu này không? Hoàn toàn không phải!

Đối với thực phẩm, cụ thể là thịt heo, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 có rẻ một chút không phải là do thuế thấp mà do nguồn cung quá dư thừa. Còn đặc biệt dược phẩm, giá hầu hết các mặt hàng chỉ thấy lên, riêng dược phẩm tăng giá rất nhiều so với mức tăng giá của các mặt hàng công nghiệp khác.

Tôi xin lấy ví dụ một mặt hàng tân dược rất phổ biến là Becberin. Năm 2000, thời điểm lúc thi hành Luật thuế VAT, một lọ thuốc này có giá 500-700 đồng, nhưng đến nay giá đã lên 15.000 đồng rồi. Như vậy, giá tăng lên đến 30 lần.

Cho nên đừng vin vào 5% là người tiêu dùng được giá rẻ vì thực tế đã cho thấy điều ngược lại.

Tôi đề xuất chỉ nên áp dụng một thuế suất 10% cho các mặt hàng thì tính ưu việt của của thuế VAT sẽ phát huy một cách tối đa.

Vì một mức thuế sẽ đơn giản hơn hai và mức 10% cũng dễ tính toán hơn là 6% và 12%. Đặc biệt là đảm bảo tính công bằng, tính trung lập theo đúng bản chất của sắc thuế này.

Vì khi hàng hóa, dịch vụ cùng một mức thuế, ai cũng như ai đều trả như nhau. Còn khi để nhiều mức thuế sẽ có chuyện ngành này, lĩnh vực nọ xin áp dụng mức thuế suất thấp hơn, dẫn đến bất bình đẳng giữa các ngành nghề sản xuất kinh doanh mà chưa chắc người tiêu dùng được hưởng lợi gì.

Do đó, tôi nhấn mạnh lại là chỉ một thuế suất VAT thì hiệu quả thu của thuế này sẽ rất cao, còn để nhiều mức, hiệu quả thu sẽ ngược lại.

Nhưng với những mặt hàng như nông sản, thực phẩm, nếu tăng thuế lên gấp đôi, chắc chắn giá sẽ bị ảnh hưởng vì đang có thuế suất 5%, thưa ông?

- Trường hợp khó khăn quá đối với một số mặt hàng thì có thể xem xét cho khấu trừ một phần trong một thời gian ngắn nhưng sau đó phải tăng lên đồng một mức như các mặt hàng khác. Vì định hướng cải cách thuế của Chính phủ là đến năm 2020, thuế VAT chỉ có một mức.

Tăng thu nội địa không cứ là tăng thuế

Thưa ông, tăng tỉ trọng thu nội địa lên 75-80% trong thu ngân sách trong khi sức mua còn yếu, phần lớn doanh nghiệp Việt quy mô còn nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu... Liệu có làm họ thêm khó khăn?

- Vì VN đã ký kết hơn 10 hiệp định thương mại đa phương và song phương nên theo cam kết, thuế nhập khẩu của hầu hết hàng hóa về 0%.

Do đó, chúng ta phải tăng thu từ nội địa lên là như vậy. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh: tăng tỉ trọng thu nội địa không có nghĩa là tăng thuế nọ, thuế kia.

Như tôi phân tích ở trên, phải mở rộng cơ sở thuế thêm đối tượng nộp thuế là cá nhân, tổ chức và đối tượng chịu thuế để đảm bảo công bằng.

Mặt khác, ngành thuế cần phải nâng cao năng lực quản lý thuế của mình đảm bảo thu đúng, thu đủ và không được bỏ sót.

Đây là chức năng, nhiệm vụ chính của cơ quan thuế. Cho nên để thực hiện việc này, trước tiên là chống thất thu.

Bên cạnh đó, ngành thuế phải triệt để cải cách thủ tục hành chính thuế, đưa công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Cuối cùng là xây dựng đội ngũ thuế, đảm bảo cán bộ thuế thật sự chuyên nghiệp, tức là họ phải có nghiệp vụ; công tâm tức là họ phải có đạo đức và nhiệt tình trong công việc.

Bộ Tài chính có đẩy khó cho dân khi chọn việc tăng thuế VAT lên là cách dễ nhất để tăng thu?

- Nói cách dễ nhất là không phải. Cách dễ nhất là chỉ một mức thuế thôi. Thứ hai, nếu nói tăng thu thì chưa hẳn. Bởi khi tăng lên 2% thì có thể tăng thu nhưng đừng quên rằng còn phải khấu trừ đầu vào nữa.

Hàng xuất khẩu lại phải hoàn thuế, nên nhớ ở VN tổng xuất khẩu gần bằng giá trị GDP. Cho nên, tăng thuế có thể ngân sách sẽ ảnh hưởng.

Xin cảm ơn ông!■

Nếu tăng thuế VAT lên 12%, hàng hóa của chúng ta sẽ chết ngay với hàng hóa của các nước trong khu vực, nhất là hàng Thái Lan. Vì tăng thuế thì giá cả hàng hóa sẽ đội lên. Hàng nước ta sẽ không thể đi đâu được, mà ngay tại thị trường nội địa sẽ bị hàng Thái Lan đè bẹp. Hiện VN đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới rồi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận