Tăng viện phí và chuyện quá tải

BS VÕ XUÂN QUANG 20/11/2015 00:11 GMT+7

TTCT - Một trong những yếu tố quan trọng để chống quá tải là phân bố nguồn lực hợp lý, tận dụng mọi tài nguyên về vật chất và nhân lực để phục vụ toàn xã hội. Trên lý thuyết, việc ấy hẳn rất tốt nếu như chúng ta có một mạng lưới y tế mạnh và cân đối.

Bệnh nhân đổ về tuyến trên vì mất lòng tin vào chất lượng điều trị của tuyến dưới -Hữu Khoa
Bệnh nhân đổ về tuyến trên vì mất lòng tin vào chất lượng điều trị của tuyến dưới -Hữu Khoa

Về lý thuyết, chúng ta có mạng lưới từ các trạm y tế phường - xã, bệnh viện (BV) quận - huyện, tỉnh - thành phố đến trung ương. Vấn đề là khả năng điều phối bệnh nhân của cả hệ thống không được như mong đợi.

Bộ trưởng Bộ Y tế từng nói 30 - 60% bệnh nhân điều trị ở những BV tuyến cuối hoàn toàn có thể được điều trị tốt ở tuyến dưới với kỹ thuật tương đương và điều kiện chăm sóc tốt hơn. Tại sao người ta vẫn đổ dồn lên tuyến cao nhất bất chấp chen lấn và chi phí cao để... được nằm ghép?

“Tiền nào của đó”, nên hay không?

Có thể thấy, việc quá tải ở một số cơ sở là hậu quả trực tiếp của việc tập trung lượng bệnh nhân không hợp lý. Việc xây dựng và mở rộng cơ sở tuyến trên, tăng cường hoạt động tuyến dưới và rút ngắn thời gian nằm viện sẽ giúp giải quyết được nạn quá tải. Trên thực tế, dù mở rộng đến đâu đi nữa nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát nguồn bệnh nhân dồn về thì chúng ta vẫn chỉ sẽ nhận được những cơ sở quá tải với một kích thước lớn hơn mà thôi.

Ở các nước phát triển, việc nằm ghép không được chấp nhận. Hệ thống y tế vận hành theo quy luật cung cầu và chịu sự tác động của hai yếu tố chủ đạo: chi phí y tế và hệ thống thanh toán bảo hiểm.

Người dân vẫn có quyền chọn lựa bác sĩ cũng như BV nhưng sự chọn lựa đó sẽ đi kèm với sự khác biệt rất lớn về số tiền họ phải bỏ ra. Vì thế, bệnh nhân luôn phải cân nhắc trước khi quyết định.

Người bệnh chọn BV vì nhiều lý do như thái độ phục vụ, cảnh quan môi trường, hay nhiều khi đơn giản chỉ vì chỗ đậu xe. Mặt khác, bệnh nhân đương nhiên không đồng ý nằm ghép khi đã trả tiền sòng phẳng và bác sĩ cũng sẽ không đồng ý nhận bệnh nhân nếu... không có giường!

Ở ta, cái tên dường như là yếu tố duy nhất mà người bệnh cân nhắc mỗi khi cần trị bệnh - bác sĩ nổi tiếng hay BV nổi tiếng là những thỏi nam châm cực mạnh hút khách kể cả từ những làng quê hẻo lánh.

Mặt khác, chi phí y tế ở ta chưa đến mức để bệnh nhân phải đắn đo suy nghĩ giữa một trạm y tế phường và một BV tuyến trung ương. Vì thế, khi vận dụng đúng vai trò của bảo hiểm y tế, việc tăng viện phí sẽ không làm tăng gánh nặng cho người dân mà có thể giúp phát huy vai trò điều phối và kiểm soát các khuynh hướng khám chữa bệnh của cá nhân và tập thể tham gia bảo hiểm.

Sự hài lòng là yếu tố quyết định

Chúng ta vẫn hô hào người bệnh đến khám và chữa bệnh ở các cơ sở tuyến dưới. Thế nhưng, thực tế vẫn là câu trả lời thuyết phục nhất để người bệnh đưa ra chọn lựa của mình. Tâm lý đám đông cũng là hiện tượng phổ biến trong y tế khi người bệnh vẫn nghĩ đông là tốt, lớn là giỏi!

Cần thay đổi một cách toàn diện nhận thức về chất lượng dịch vụ y tế, bao gồm thái độ phục vụ cộng với cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ. Cần chứng minh cho người bệnh thấy là BV lớn không phải bao giờ cũng tốt và BV nhỏ không phải bao giờ cũng kém.

Các tổ chức đánh giá chất lượng BV hiện nay không cho điểm dựa trên kỹ thuật cao, máy móc mới... mà sự hài lòng của bệnh nhân là yếu tố chi phối lớn nhất việc xếp hạng.

Tình trạng quá tải và nằm ghép ở các BV lớn không hẳn chỉ có các mặt xấu. Một BV quá tải không khác gì một chiếc xe vận tải chở quá số khách với các nguy cơ và rủi ro gia tăng đáng kể. Thật đáng ngạc nhiên, các bác tài chở lố khách thì bị công an phạt nhưng BV quá tải được khen vì tinh thần phấn đấu vượt khó để phục vụ nhân dân.

Hành khách đi xe quá tải hay ngồi ghế xúp có thể được giảm tiền vé, nhưng có bệnh nhân nào nằm ghép ba người được duyệt trả 1/3 viện phí?

Xét về mặt kinh tế và hiệu quả hoạt động, việc nằm ghép giúp khai thác tối đa hệ thống giường bệnh, nhân lực và toàn bộ các thiết bị hỗ trợ. Cuối năm, BV có thể báo cáo phục vụ vượt chỉ tiêu, nhân viên có thêm thu nhập.

Nói chung, ai cũng vui vẻ trừ các bệnh nhân đang phải nằm chen lấn nhau trên chiếc giường chật hẹp. Chỉ đến khi nào chúng ta xem việc “vượt chỉ tiêu” là điểm trừ và ý kiến phản hồi của người bệnh được đưa lên hàng đầu trong đánh giá một cơ sở y tế thì có lẽ tình trạng này mới được giải quyết dứt điểm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận