Tạp bút: Cảm ơn vì đã vượt qua

MINH PHÚC 18/11/2021 03:10 GMT+7

TTCT - Thành phố tưởng chẳng ai chạm vào ai, vậy rồi mà những mối thân quen vô tình, không dưng lại thiết tha, lại thành những vết cắt rời buồn bã khi mất mát.

 
 

Cô chú bán bánh mì không thấy trở lại ở góc đường này nữa. Cái tủ nhỏ được che bụi bằng tấm bạt cũ, cột úp mặt vô mảng tường trống, bên cạnh là cây dù che nắng bám bụi lâu ngày sụp xuống xụi lơ. Đứa nhỏ làm cùng cơ quan, bữa sáng đó đi ngang, đứng thần người ra rồi chép miệng: em chờ mấy bữa nay rồi, phải chi em biết số điện thoại của cô chú, em sẽ gọi hỏi họ thăm liền.

Bao nhiêu người đã nói với tôi cái câu: phải chi biết số điện thoại của một ai đó mà mình từng quen, từng sượt qua nhau... sau mùa gặp mặt khi hết giãn cách. Những người mà ta gặp nhau hằng ngày trên đường, trong đời mà nhiều khi quen thuộc từng cử chỉ nét mặt và giọng nói, hẳn ta chưa từng nghĩ đến lúc mọi thứ bỗng dừng lại, tắt ngóm mà chưa kịp chào tạm biệt lấy một ai. Như bữa ngang qua quầy nước nhỏ của cô cà phê, nước ngọt ngay gần chung cư, tôi cũng tự hỏi sao mình chưa bao giờ lưu số điện thoại của cái người sáng nào cũng đưa mình ly nước cam đầy ứ hự. Hai cái tủ kiếng dựa sát vào cột điện, bên trong đó vẫn lổng chổng những chai nước ngọt xanh đỏ, vẫn cái rổ từng đựng mấy trái cam tươi, đám ly nhựa úp ngược... Sau giãn cách, cô không còn quay lại để lật chúng lên, xếp ngay ngắn lại, người quen nói cô chết rồi, nhẹ bâng như chiếc lá rơi. Như bữa, đứa em gái nhà bên phát hiện người bạn chạy bộ cùng mình mỗi chiều giờ đây không thấy trở lại đường chạy nữa. Hay giống cái lần người anh ghé một tiệm quen, thấy chỗ mình ghé đóng cửa im lìm, anh vẫn kiên trì quay đi quay lại, hy vọng cánh cửa kia mở lại, để anh thấy được những thứ lộn xộn bày bừa và gương mặt của ông già, cần thứ gì cũng nhanh nhẹn đưa cho. Cái ông cụ hay kể những câu chuyện rời rạc mà cảm động.

Sài Gòn sau dịch lộ ra những góc nhỏ bé trống trải, những lặng lẽ vì biết đã mất nhau. Chìa tay ra là chạm vào khoảng trống, với những mảnh ghép lỗ chỗ như cắt lìa mình ra. Thành phố mà ở đó, không phải chỉ để nhớ những điều kỳ lạ, ảo diệu và rực rỡ, mà là nhớ cái chợ quen, có bà Hai bán rau đắng đất, vẫn còn ăn trầu như người lạc từ thế kỷ khác, có anh Tám bán bắp chuối non lột sẵn mà lần nào đi ngang, cũng níu giỏ rồi giơ cái bịch bắp chuối mà bắp nào bắp nấy cỡ cùm tay em bé, trắng tinh tươm, hào hứng như người kỳ công tìm ra một món khó tìm. Có cô bán cá đồng kèm rau thơm vườn mà mọi người hay gọi là cô Thẹp, luôn hỏi hôm nay có ăn cá lóc không, chỉ còn hai con thôi đó. Chợ đã nhóm lại rồi, tôi vẫn chưa dám đi, chỉ bởi vì sợ mấy cái chỗ trống trải, mấy gương mặt quen nọ không còn, như lần hụt nhịp khi biết anh trai hay ngồi cùng má anh trên cái sạp hàng bày đủ thứ trái cây rau quả, miệng dẻo quẹo mời lựa, đã không vượt qua được đợt cúm lần đầu.

Chẳng phải vì thân thiết hay gì cả, mà nhiều lần ghé chợ, tôi đâu biết chính mình cũng được để ý. Như cái hôm quên xách theo chiếc giỏ đệm quê mùa thì chị bán đồ tạp hóa (dù tôi chưa ghé qua mua lần nào) ngó tôi rồi hỏi bữa nay bộ đi gấp hay sao hả em nhỏ, cái giỏ bà ngoại đâu rồi?

Những buổi chiều có lệnh giới nghiêm, ngõ nhà còn không ra được, tôi trèo lên sân thượng để hít chút không khí, sẵn chờ Mặt trời lặn xuống, nhìn đèn phố ngoài kia bừng lên. Thành phố lúc ấy im lìm, bất giác chợt nghĩ, không biết trong bức tranh nhà cửa lô xô ấy, có ngôi nhà nào mà không còn ai nữa để thắp đèn lên. Khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mình đã sống, đã dựa dẫm vào những thân quen, đã gắn những bất an của mình với những điều bận rộn khác. Thành phố này, nơi mà những tử tế xen lẫn không ít những chưa tử tế, kiểu bực bội khi nghe tiếng càm ràm vì dừng đèn đỏ sớm, những tràng còi xe hung hăng, khói và bụi cùng hằng hà những điều bất như ý khác, cũng là nơi có hằng hà sa số những điều vừa chơn chất vừa bạo liệt, khiến thành phố hiện diện gần gụi và thân thiện, và rồi bất cứ ai cũng có thể tìm thấy được những góc nhỏ gắn bó hiền lành. Thành phố tưởng chẳng ai chạm vào ai, vậy rồi mà những mối thân quen vô tình, không dưng lại thiết tha, lại thành những vết cắt rời buồn bã khi mất mát.

Và tôi bỗng thấy mình cần cảm ơn. Cảm ơn vì ai đó đã vượt qua, đã đem lại phần hy vọng, đã tử tế, đã còn bên cạnh. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận