TTCT - Tôi vẫn muốn kể về đoạn đường hằng ngày tôi qua, chỉ vài trăm thước từ bãi gửi xe đến văn phòng làm việc mà thấy được hết cái gánh nặng mưu sinh nặng oằn trên vai người. Minh họa: Kiều Hải Hồi tôi mới đi làm nơi này, mỗi sáng luôn ghé lại xe bánh ướt nóng của cô Năm đậu bán ngay trước cổng. Cô Năm đẩy cái xe từ hẻm đối diện qua phía bên này đường để bán cho thuận chiều xe. Hộp bánh ướt giá 12.000 đồng với ba miếng chả quế chiên. Chả nóng, bánh nóng, nước mắm cô tự pha, thơm lừng mùi tỏi ớt. Hộp bánh ướt của cô Năm không bao giờ đậy nắp lại vừa, vì miếng chả cô cắt lúc nào cũng to đùng dày cui, nên luôn phải ràng thêm cọng thun. Có người nói thói quen cắt miếng chả to đùng vậy là do khi xưa cô dân kháng chiến, chuyên phục vụ bếp ăn nên luôn cắt miếng thịt to cùi cụi, kiểu ăn miếng nào đáng miếng nấy. Tôi không biết có phải vậy không vì cũng không tiện hỏi nhưng lần nào mua, đề nghị cô cho ít bánh, cắt miếng chả nho nhỏ, cô luôn cười hiền: “Kệ con, bán ít coi không được, ăn ít không đủ no”. Xe bánh ướt bán buổi sáng của cô Năm rất nhanh hết, bởi đúng chỉ tiêu: ngon - rẻ - chất lượng. Cái xe đó, cái người đó, cái kiểu bán đó làm ta quen đi, thì một bữa không thấy cô đâu nữa. Khách hàng quen đa số chưng hửng, tưởng cô nghỉ đôi ba bữa. Chừng hỏi lại nói cô bị lên cơn tim đột ngột. Cái xe để lại cho anh con trai, anh vẫn ở cái nhà nhỏ xíu đâu đó trong hẻm, nhưng không bán bánh ướt nữa. Cũng cái đoạn đường này, có cô nọ bán xôi bắp lúc sáng và bò bía lúc 3g chiều. Bữa kia ra ngồi ăn, cô khoe con gái cô đậu đại học. Một mình cô nuôi ba đứa con với cái nghề sáng bán xôi chiều bò bía này, đứa lớn học xong nghề đi làm rồi, đứa kế học giỏi nhất và đứa út hơi khờ khờ phụ mẹ buôn bán. Vậy mà một bữa tối, vừa đẩy cái xe bò bía từ bên này đường qua bên kia đường, thì cô bị tai nạn. Sáng hôm sau, khách hàng của con đường ngắn bàng hoàng. Hùn tiền phúng điếu mới ngơ ngẩn vì không biết tên cô là gì, quen gọi cô bò bía. Ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra, chỉ trong một khắc sát na, khi mới chiều còn thấy cô đó, sáng sau chỉ còn thấy ở di ảnh, và ba đứa con còn chưa hiểu kịp chuyện bất hạnh xảy ra với mình. Đoạn đường đời ngắn ngủn, một đêm thức dậy sáng ra đi vào, thì có một câu chuyện khác rồi. Như ở hàng hủ tiếu lề đường của hai vợ chồng anh nọ quê Vĩnh Long lên đây mưu sinh. Hủ tiếu Nam Vang 20.000 đồng một tô, vợ đứng bán chồng chạy bàn. Bán ít lâu chị vợ về quê sinh con, anh chồng vẫn núm níu ở lại. Khách hỏi thăm, anh hiền queo nói vợ về quê cho bà già nuôi, chớ ở đây chật chội chịu sao xiết. Hỏi chừng nào vợ lên bán được, anh nói chắc đợi thằng con lớn chút. Vậy rồi bữa sáng, đến ăn không thấy anh dọn hàng. Ngày hôm sau và hôm sau nữa cũng không. Có người đoán, chắc bán buôn không lời, lại một thân một mình, anh chán về quê luôn. Đoạn đường còn có vợ chồng anh chị Bảy Búa, chồng chạy xe ôm vợ bán nước giải khát kèm áo đi mưa khẩu trang găng tay. Ai cũng nói anh Bảy Búa hay quạu, nên chị vợ sợ lắm. Bữa ghé mua cái khẩu trang, chị kể hồi ảnh chở chị đi về quê, giữa đường gió bay rớt mất khẩu trang mà không dám kêu ảnh ghé lại mua cái khác: “Vì sợ ổng la, chừng tới nơi cái mũi muốn nghẹt luôn vì bụi”. Khách cười nói lần sau chị nhớ kêu ổng dừng nghen, ổng la thì kệ ổng. Chị vợ nói ừ ừ, mà ổng khó lắm cô. Bữa sáng dọn hàng, chị vợ bỗng thấy mệt, ráng hết nổi kêu anh chồng chở đi cấp cứu. Chừng về, bà con cả quãng đường bu lại hỏi thăm, ảnh hiền queo nói tội bả tội bả, bị cái khớp hành rồi thêm thần kinh tọa, chắc tui cho bả nghỉ ngơi ít lâu. Đoạn đường ngắn ngủn còn có chị bán bún bò Huế, trưng cái bảng Bún bò O Ty, ngon mà rẻ. Ăn bún vài lần nghe kể gia cảnh cũng vừa ly dị, chị nuôi hai con nhỏ. Nhưng ít lâu, có anh bảo vệ tòa nhà kế bên thương cảnh đơn chiếc, ngày ngày đến giúp chạy bàn, thấy hạp nhau ưng luôn. Có niềm vui mới, tô bún cho khách thấy cũng chăm chút thêm ít nhiều. Kế bên, ở góc đường có chị bán cà phê cóc, bữa kia ngồi chép miệng, nói biết chị bán hàng này từ hồi nào không, từ hồi con đường còn mang tên Yên Đổ. Chỗ này xưa kia không kẹt xe, con hẻm bên đường còn rộng lắm... Vậy đó, có những thứ dường như chẳng ảnh hưởng gì nhau, nhưng tình cờ lần lượt đi qua ta từng ngày. Như con đường này, như những người này người nọ, như nay mai chỉ một sáng thức dậy thấy một gương mặt không còn, một hàng quán dọn đi, một hàng quán tạm bợ khác dọn về. Hầu hết không ai biết tên nhau, mà thấy nhau hằng ngày, rồi biến mất. Mà có lẽ, đoạn đường nào của thành phố cũng cưu mang những điều như thế. Tags: Tạp bút TTCTMột đoạn đường đời
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.