Tập tiết kiệm từ năm 31 tuổi

BÌNH MINH 04/04/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Những người trẻ vì hoàn cảnh phải tính đến chuyện tiết kiệm, theo dõi chi tiêu từ sớm có thể sẽ duy trì thói quen đó đến khi đi làm và cuộc sống khá giả hơn. Nhưng cũng có người khởi đầu muộn hơn, bởi áp lực cơm áo gạo tiền chỉ đến khi họ đã qua tuổi trưởng thành.

 
 Ảnh: morningconsult.com

“Cha mẹ mặc định là khi mình đi làm, mình sẽ tự biết để dành và quản lý tiền bạc cá nhân. Thỉnh thoảng, họ hỏi mình tiết kiệm được bao nhiêu và mình không thể có câu trả lời, vì mình thật sự không tiết kiệm được gì cả” - Lê Quỳnh (32 tuổi) chia sẻ thật lòng.

Sinh ra trong gia đình có cha mẹ làm kinh doanh, trong một thời gian dài Quỳnh không bị các áp lực về tài chính. Quỳnh chia sẻ tuy không thuộc nhóm những gia đình quá khá giả, cô vẫn không thiếu thốn thứ gì và luôn được cha mẹ xây dựng sẵn môi trường khiến Quỳnh cảm thấy an toàn, không phải quan tâm quá nhiều đến vấn đề tiền bạc.

Bên cạnh đó, bản thân là người không thích các vấn đề liên quan đến tính toán, “đụng” phải những con số. Ngay từ thời đi học, Lê Quỳnh đã có xu hướng né tránh những môn về kế toán, tài chính. Cô chỉ học đủ để biết và sau khi kết thúc môn, Quỳnh gần như không đọng lại kiến thức nào.

“Nhiều khi đi làm, mỗi tháng mình cũng chỉ nhận lương chứ không quan tâm gì mấy. Nói về kiến thức để quản lý tài chính cá nhân bài bản thì gần như mình không có. Thỉnh thoảng mình biết về những kiến thức cơ bản như vàng, ngân hàng là thông qua các cuộc trò chuyện với cha mẹ, bạn bè. Tuy nhiên, mình không để tâm đến việc đầu tư kiếm lời, phát sinh lợi nhuận. Nhìn chung, mình khá thờ ơ và tính tự lập về tài chính không cao” - Quỳnh nói.

Từ khi bắt đầu đi làm, Quỳnh cũng không thể để dành tiền tiết kiệm từ tiền lương hằng tháng. Dù không phải là người đua đòi nhưng thỉnh thoảng Quỳnh cũng “vung tay quá trán” khi chi tiêu vì không có ý thức và kỹ năng tiết kiệm.

Mọi thứ vẫn ổn cho đến năm ngoái, khi cha mẹ cô không còn kinh doanh nữa, đồng thời gia đình gặp biến cố về tài chính khiến hầu hết số tiền tiết kiệm bị thâm hụt. Em gái của Quỳnh đang học cấp III và chưa thể tự đi làm để phụ giúp cha mẹ.

“Mình đối diện với áp lực lớn về cân đối tiền bạc. Lúc đó mình mới thật sự phải học cách tiết kiệm. Đó là năm mình đã 31 tuổi. Mình cũng thay đổi nơi làm việc, và may mắn hiện nay lương mình ở mức có phần dư dả hơn trước kia để hỗ trợ gia đình” - Lê Quỳnh cho biết.

Tuy nhiên, để thay đổi toàn bộ thói quen và nâng cao kỹ năng quản lý tài chính một cách đột ngột, gấp rút không phải là điều dễ dàng. Đến nay, Quỳnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng cho bản thân. Cô tự nhận mình cũng khá lười tìm tòi để đọc thêm từ các nguồn thông tin và vẫn có xu hướng tránh né những chủ đề liên quan đến tính toán, tài chính.

“Mình hiểu rằng đây là điểm yếu rất lớn, nên thời gian gần đây mình cũng đã tập dạy cho em gái để em biết quan tâm hơn về vấn đề quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, hiện tại mình nhận thấy cả em gái mình cũng không hề để tâm đến kỹ năng này, dù nhiều lúc mình tìm mọi cách để trau dồi cho em” - Quỳnh trải lòng.

Nợ vẫn là nợ

Lê Hoàng Vũ (34 tuổi) có ý thức về việc tiết kiệm từ khi còn bé vì hiểu hoàn cảnh khó khăn tài chính của gia đình. Anh cũng đi làm từ sớm và tích cóp, chi tiêu rất cẩn thận. Không chỉ học cách quản lý tiền bạc, Vũ còn học quản lý cảm xúc khi đối diện với các vấn đề trong chi tiêu.

Những kiến thức về tài chính, quản lý chi tiêu cá nhân được Vũ mày mò tự học thông qua các trang về kỹ năng, từ các câu chuyện thất bại mà anh nghe được từ những người xung quanh và bạn bè và kể cả của bản thân. Sau khi tự áp dụng và thấy được tác dụng tích cực của cách quản lý tiền mà anh học được từ Internet, Vũ tiếp tục mua sách về đọc.

“Mình có xu hướng lựa chọn sự ổn định và vững chắc, cộng với sự giáo dục từ cha mẹ nên luôn tìm cách bảo toàn đồng vốn và tuyệt đối không vay nợ, kể cả đối với các khoản vay tín dụng có ưu đãi. Mình quan niệm, nợ vẫn là nợ” - Hoàng Vũ chia sẻ.

Dù biết mục tiêu mua nhà là xa vời, Vũ nói anh vẫn đưa mơ ước này lên kế hoạch, thậm chí chấp nhận mất từ 15 đến 20 năm để thực hiện vì mong muốn chuẩn bị cho con cái sau này một tương lai tốt hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận