Tắt đi một gene…

PHAN XUÂN LOAN 30/09/2024 15:58 GMT+7

TTCT - Thế giới vô vàn tươi đẹp, nhưng nhân loại đã không chọn sống để thưởng ngoạn nó. Họ cứ lặn hụp trong vòng xoắn ốc hủy diệt - hồi sinh không biết đến bao giờ.

1. "Đại học Khoa học và Công nghệ Sirius (Nga) là nơi đầu tiên trên thế giới chỉnh sửa bộ gene của nho Merlot".

Dòng tin đọc được trên một kênh Telegram ngày 24-9 chẳng hiểu sao có thể làm ta xúc động. Không hoàn toàn vì nội dung của nó: Để tăng khả năng kháng bệnh cho giống nho Merlot, các nhà khoa học phát hiện rằng cần phải "tắt" một trong các gene của nó. Nhưng làm thế sẽ khiến nho Merlot mất đi mùi hương và vị ngọt thông thường của nó.

Giờ đây, Sirius đã tìm ra công nghệ nuôi cấy tế bào nho kháng mầm bệnh với khả năng bảo tồn tối đa hương vị, màu sắc và mùi đặc trưng của giống nho màu xanh đậm này.

Tắt đi một gene… - Ảnh 1.

Không chỉ vậy, công nghệ này còn giúp các loại cây có khả năng kháng bệnh phấn trắng, giảm đáng kể tỉ lệ thuốc trừ sâu được dùng trong cuộc chiến chống lại bệnh nhiễm nấm của nho.

Mà kháng truyền nhiễm rất quan trọng đối với chuyện sản xuất rượu vang. Các nhà nhân giống trước đây đã cố tạo ra các giống kháng bệnh phấn trắng bằng cách lai các giống châu Âu với các giống Bắc Mỹ có khả năng kháng bệnh cao hơn.

Nhưng từ các giống lai thu được, không thể tạo ra rượu vang có hương vị thông thường. Với công nghệ mới, hương vị của rượu nho vẫn được giữ trọn, cùng lúc đẩy nhanh quá trình tạo ra những cây thân gỗ được chỉnh sửa gene để có khả năng kháng bệnh…

2. Ở một kênh khác cùng ngày, đọc được một tin có phần khôi hài khi Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố hải ly là một trong những thủ phạm chính gây ra trận lũ lụt lớn nhất đất nước này trong 30 năm qua. Vì trận lũ lụt này mà tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại 28 huyện thuộc các tỉnh phía nam, tây nam, và Ba Lan phải huy động hơn 26.000 nhân viên quân sự khắc phục hậu quả.

Bản tin cho biết các quan chức địa phương tố cáo loài gặm nhấm đang phá hủy các con đập và làm xói mòn bờ kè. "Đôi khi bạn phải lựa chọn giữa tình yêu động vật và sự an toàn của các thành phố, làng mạc cũng như sự ổn định của những con đập", Thủ tướng Donald Tusk nói, như một lời hiệu triệu!

3. Trong kỷ nguyên mà AI không chỉ cày luận án, mà còn múa văn, họa thơ thay người; những hân hoan kiểu này - khống chế một mầm bệnh cho thực vật, tìm cách đối phó với loài gặm nhấm - trông ngô nghê và nông dân làm sao. Vậy mà những tin tức cỏn con đó vẫn trở thành niềm vui đủ làm lay động.

Phải chăng vì ta đọc được những tin này vào những ngày thế giới u ám quá. Những dòng tin trên lóe lên tia sáng giữa suối tin tức tối đen tuôn ạt ào về chiến sự Nga - Ukraine, về những thiết bị "ngựa thành Troy" ở Lebanon, những ám sát hụt ứng viên tổng thống lẫn cái chết thật của thủ lĩnh kháng quân… Đâu đó vang tiếng khóc than, nhưng đâu đó lại vang lời tung hê "cứ buồn đau đi, bọn ta sẽ ăn mừng"…

Trong cuốn Những nhân chứng cuối cùng của tác giả đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich, một nhân chứng - trẻ em đã kể: ký ức về người cha mình đã mất trong chiến tranh là những lời thơ của A. S. Pushkin: "Thế giới tuyệt vời/ Ngắm mãi chưa thỏa". Cô không nhớ về cái chết của cha, mà là những lời thơ mà ông luôn xướng lên vào những khoảnh khắc tốt lành…

Thế giới vô vàn tươi đẹp, nhưng nhân loại đã không chọn sống để thưởng ngoạn nó. Họ cứ lặn hụp trong vòng xoắn ốc hủy diệt - hồi sinh không biết đến bao giờ… Để rồi phải trở lại nhặt nhạnh những niềm vui trẻ thơ như thuở hồng hoang…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận