TTCT - Tự quán chiếu (self-reflection) là một trong những đề tài lớn nhất của triết học, với những người ủng hộ ở cả phương Đông và phương Tây. Tự quán chiếu (self-reflection) là một trong những đề tài lớn nhất của triết học, với những người ủng hộ ở cả phương Đông và phương Tây. Nếu như với Khổng Tử ở Trung Hoa vào thế kỷ 5 trước Công nguyên, "người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người", thì với Socrates ở Athens vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, "đời sống không tự tìm tòi là đời không đáng sống".Ảnh: LinkedinVậy tự quán chiếu mà các triết gia nói tới là gì? Và không phải là gì? Và quan trọng nhất: giá trị của tự quán chiếu vào thời đại này ở Việt Nam đương đại là gì?Những kiểu tự quán chiếuDưới đây là một danh sách, ắt là không đầy đủ, về "những khả năng tự quán chiếu" hay "những kiểu tự quán chiếu", và về cách chúng ta có thể diễn giải ý tưởng đấy và đưa vào thực hành với đời sống thực.Trước hết, tự quán chiếu là điểm giữa của hai quan điểm cực đoan. Ở một phía là những nguy cơ (mà ngày nay được nói tới rất nhiều) của "suy nghĩ quá mức" (over-thinking), một dạng tự quán chiếu tiêu cực. Ở cực bên kia là sự tôn thờ hành động, hoạt động, hay tình trạng bận rộn: cảm nhận được hiểu ngầm trong đời sống của nhiều người ngày nay cho rằng liên tục mưu cầu điều gì đấy mà không cần suy nghĩ quá nhiều về những giá trị sâu sắc hơn, là lối sống vừa hiệu quả, vừa thỏa mãn.Theo diễn giải này, chúng ta có thể coi tự quán chiếu là điểm trung dung hạnh phúc của hai thái cực: tức suy nghĩ thấu đáo về những sắc thái của bản ngã mà không mắc kẹt trong những ám ảnh luẩn quẩn như khi "suy nghĩ quá mức", cũng không đơn giản hóa hay đè nén những nhu cầu của bản ngã - cạm bẫy mà những người mắc kẹt trong nỗi ám ảnh bận rộn thường rơi vào.Một kiểu tự quán chiếu thứ hai cũng là trung điểm của hai thái cực. Vì suy nghĩ thái quá không phải là dạng "tự quán chiếu tiêu cực" duy nhất; xu hướng hoài cổ thái quá cũng thế. Đấy là khi ta nhớ lại quá khứ, thường là của chính mình, như một cách tự nuông chiều cảm xúc, để đắm mình trong quá khứ đấy, hay một phiên bản đã được tô hồng của nó.Còn ở cực đối lập, tôi muốn nói tới điều chúng ta có thể gọi là "tự quán chiếu mang tính công cụ", tức kiểu phân tích một chiều về những ưu nhược điểm của bản thân trong cuộc tìm kiếm thành công. Lối "kiểm toán phẩm chất cá nhân" này, vốn đã trở thành cốt lõi của ngành công nghiệp huấn luyện kỹ năng sống và tự cải thiện bản thân (self-help), là tự quán chiếu thiếu chiều sâu.Ta có thể, và thực ra cần phải, coi tự quán chiếu bản thân nó chính là mục đích, chứ không phải một phép tính thực dụng: "đích đến" của quá trình đó, nếu có một đích đến, thường là nhận ra những nhu cầu, khát khao hay tổn thương vốn là một phần không thể tách rời của bản thể chúng ta, chứ không phải là trở ngại cần phải loại bỏ để phục vụ cho những lợi ích hữu hình ngắn hạn.Kiểu tự quán chiếu thứ ba, theo tôi thấy, không phải là trung điểm của hai thái cực, mà là một ý tưởng có tính bổ sung: tự quán chiếu là trạng thái thiền định kiểu tôn giáo, được mở rộng và thế tục hóa.Thực hành thiền hay phản tư là trọng tâm với hoạt động hành đạo của nhiều tôn giáo, trong Phật giáo (hành thiền) hay Thiên Chúa giáo (tìm kiếm sự giao cảm với Chúa trời khi cầu nguyện). Trong trường hợp Phật giáo, nguyên tắc dẫn đường là loại bỏ những ảo ảnh của cái ngã chấp. Trong Thiên Chúa giáo là gây dựng mối quan hệ giữa bản ngã tội lỗi nhỏ bé với một vị Chúa nhân từ.Những người không tin đạo cũng có thể thấy kiểu tự phản nội quan đấy phù hợp với họ. Như nhiều tác phẩm của Thích Nhất Hạnh đã cho thấy một bộ hướng dẫn thực hành Phật giáo cơ bản có thể áp dụng cho bất kỳ ai muốn tư nghiệm về những cảm xúc ngầm ẩn khó khăn của cuộc đời (đau khổ hay giận dữ chẳng hạn). Tương tự, thực hành cầu nguyện và suy ngẫm trong Thiên Chúa giáo có thể là hình mẫu để những người không theo tôn giáo vẫn tìm thấy một góc để nhìn vào những khó nhọc của bản ngã và vị trí của nó trong vũ trụ rộng lớn hơn.Ảnh: PinterestTự quán chiếu và tự phóng chiếuCách diễn giải thứ tư về tự quán chiếu, tôi xin gọi là "khái niệm tương phản": một đối lập giữa tự quán chiếu (nhìn lại và nhìn vào trong bản ngã một cách sâu sắc) và tự phóng chiếu (ném ta ra bên ngoài và vào trong thế giới hành động, ngôn luận, và các dạng tự khẳng định bản thân khác).Tự phóng chiếu, vốn khác hẳn tự quán chiếu, rất phổ biến trong đời sống hiện đại.Chúng ta thấy điều đó trong tính tham danh vọng: ai ai cũng phải phóng đại lý lịch công việc (CV) của mình lên, tới mức tìm việc đồng nghĩa với biến mình thành một tờ "CV di động". Chúng ta thấy điều đó trong tính thích khoe tiền của: suy nghĩ ngày càng phổ biến rằng tài sản là thứ phải bày ra cho thiên hạ thấy bằng mọi giá (ngay cả nếu ta chẳng có tài sản gì).Một lần nữa, chúng ta thấy rõ nhất sự tự phóng chiếu trên mạng xã hội: cố gắng vẽ ra hình ảnh bản thân thành đạt và thỏa mãn bằng cách "trưng chúng ta ra trước mọi người", những hình ảnh được chăm chút để thể hiện rằng ta năng động, hạnh phúc và đang tận hưởng những thành quả cuộc đời.Đáp lại vô số tiếng nói đòi hỏi chúng ta phải tự phóng chiếu mình "lớn hơn và tốt hơn" - theo quan điểm của tôi, một người muốn cân bằng cần phải vun đắp cảm nhận về chiều sâu của bản ngã. Thực ra tự quán chiếu về cơ bản chính là như vậy.Như đã nói, đấy không nhất thiết là một thực hành mang tính thần bí, trừu tượng hay "triết học". Với những ai gặp khó khăn tâm lý, trị liệu tâm lý là một kiểu tự quán chiếu cùng một người khác. Với những người thích giao thiệp, đấy có thể là những cuộc trò chuyện có ý nghĩa cùng một người quen chia sẻ những mối quan tâm hay ý tưởng của ta.Rồi còn có trải nghiệm với nghệ thuật, như tâm trí được khai mở để đón nhận cái đẹp đơn giản bằng việc đọc một cuốn sách. Một cuốn tiểu thuyết thực sự giàu trí tưởng tượng thường cho chúng ta thấy chiều sâu bản ngã của các nhân vật, và do đó khuyến khích chúng ta vun đắp chiều sâu đấy cho chính mình.Đống đổ nát ở Oybin (kẻ mộng mơ), tranh của Caspar David Friedrich, khoảng 1835. Ảnh: WikipediaTóm lại, tự quán chiếu có vẻ ảm đạm và cô độc nếu chúng ta nghĩ một chiều, cho rằng đó là thứ chúng ta luôn phải tự làm một mình trong một căn phòng trống. Nhưng nhìn rộng ra, cuộc tìm kiếm đấy hoàn toàn có thể thực hiện cùng những người khác, hoặc cùng những cuốn sách hay tác phẩm nghệ thuật.Trong bối cảnh Việt NamThế giới hiện đại, bao gồm Việt Nam, là một nơi cực kỳ bận rộn, không có mấy thời gian và không gian cho tự quán chiếu. Không gian công cộng ở Việt Nam đông đúc theo cả hai nghĩa; nhiều người và ồn ào, nhưng còn chật chội vì những thông điệp cắt ngang dòng suy nghĩ, giảm đi năng lực tự nhìn nhận của ta. Lần gần đây nhất bạn bước vào một tiệm cà phê mà không nghe tiếng nhạc ầm ĩ tới mức đập tan mọi suy nghĩ là khi nào?Chúng ta sống trong một thế giới nhiều yếu tố gây xao nhãng, làm giảm năng lực hồi tưởng, suy ngẫm và trầm tư. Ở các đô thị thì đã luôn là như vậy (như các triết gia đã than phiền từ tận thời Khổng Tử và Socrates!). Nhưng ngày nay còn có thêm các thiết bị công nghệ, vốn ngày càng lấy mất sự chú ý của chúng ta, có thể nói chúng được thiết kế để đập vỡ sự chú ý ra thành nhiều mảnh nhỏ. Do đó, duy trì được không gian tinh thần để tự quán chiếu, hay đơn giản là giữ được sự tập trung, có vẻ ngày càng khó khăn.Cuối cùng là một trở ngại ít rõ ràng hơn với tự quán chiếu: ranh giới mờ nhạt dần của đời sống xã hội và riêng tư, điều đã diễn ra trên khắp thế giới, bao gồm Việt Nam. Ví dụ rõ ràng nhất là tình trạng công việc ngày càng "theo ta về nhà". Ngày nay, có những vị sếp trông đợi chúng ta phải hồi đáp về công việc gần như 24/7. Nhưng chính những người lao động thật ra cũng có xu hướng tự mình như vậy. Nhiều nhân viên văn phòng ở Việt Nam có các nhóm chat công việc trên đó họ vẫn trao đổi với đồng nghiệp nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày, sau khi ngày làm việc đã kết thúc.Tất nhiên chúng ta không thể bày biện lại hết mọi thứ đồ đạc phục vụ cho mục đích kinh tế và tồn tại trong thế giới này. Công việc đó nặng nhọc quá. Áp lực tài chính, xã hội và tinh thần ngoài kia với chúng ta là rất lớn. Chúng ta cũng không có lựa chọn sống trong một thế giới khác. Nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn có thể cố gắng tìm đường đi giữa các thái cực nêu ở trên và có thể thử một trong rất nhiều dạng tự quán chiếu phù hợp với mình.Cần nói rõ: đó là một việc khá là quan trọng với nhiều người chúng ta, chứ không chỉ là chuyện triết học nhăng nhít. Một mặt, duy trì sự cân bằng tâm lý đòi hỏi khả năng tự quán chiếu. Theo nhiều nghĩa, tự quán chiếu có ý nghĩa cũng là chìa khóa để sống một cuộc đời tinh tế, thú vị và thực hơn. Vì những ai thiếu năng lực tự quán chiếu thường trở nên nông cạn: họ dễ bị cuốn vào những thôi thúc nhất thời hỗn loạn mà quá trình tự quán chiếu sẽ cho phép chúng ta sắp xếp vào một trật tự hợp lý hơn.Các triết gia nhấn mạnh "đời sống không tự tìm tòi là đời không đáng sống" có lẽ đã quá thiên vị cho tư duy. Trong số độc giả của bài này, ắt sẽ có người tin rằng cuộc đời thực ra đơn giản, chỉ cần làm đúng là được, rằng tự quán chiếu chỉ làm ta mất tập trung trước những thách thức của thế giới thực xung quanh mình, và mọi suy ngẫm đều là suy nghĩ thái quá.Hơn nữa cũng cần lưu ý rằng còn có những dạng tự quán chiếu đã trở thành tập tục cố hữu trong gần như mọi nền văn hóa của con người. Những nghi thức có tính phản tư ngầm ẩn nơi những người mà với dạng tự quán chiếu triết học, họ thấy không hấp dẫn. Trong văn hóa Việt Nam, Tết là ví dụ kinh điển về tự quán chiếu tập thể. Vài phút im lặng trước một cảnh chùa hay bàn thờ gia tiên vào những lúc giao thừa hay ngày đầu năm mới chắc chắn hàm chứa sự tự quán chiếu trong đó.Tết lại sắp đến rồi, nên có lẽ cũng là phù hợp khi thêm vào đây một kiểu tự quán chiếu thứ năm cho danh sách của tôi: kiểu của Việt Nam.Chúng ta cũng sẽ đặt Tết vào giữa hai thái cực thử xem sao.Một mặt, với nhiều người, Tết là thời gian để xả láng, ăn nhậu, hay chơi bời, tận hưởng chẳng cần quán chiếu gì những niềm vui của mấy ngày thảnh thơi hay được đi du lịch (thường cũng là dịp họ có rất nhiều chuyện để làm trong một thời gian rất ngắn). Trong khi ở cực đối lập, Tết nghiêm túc hơn, là những trách nhiệm gia đình, xã hội, và cả tín ngưỡng, cần được thực hiện cho kỹ lưỡng. Bản chất của Tết, trong lối diễn giải này, là nghi lễ đưa tiễn Táo quân, tưởng nhớ tổ tiên, thăm hỏi bà con, bạn bè, thầy cô giáo, có thể là một chuyến đi chùa đầu năm nữa.Tất nhiên, nhiều người ăn Tết theo cả hai lối ấy. Quan điểm của tôi là giữa hai cách đấy là một cách ăn Tết tự quán chiếu hơn: đâu đó giữa những ngày vui tới bến và đủ thứ phận sự mỗi năm. Cụ thể, lối ăn Tết tự quán chiếu này cần chút điều chỉnh với nghi lễ truyền thống: nói ví dụ, nhớ rằng nghi thức tiễn ông Táo về trời cũng là hành động tự kiểm điểm lại năm qua, nghi thức tưởng nhớ tổ tiên chính là nhìn lại toàn bộ mối quan hệ quá khứ của ta, những chuyến thăm nhà bạn bè không chỉ là để củng cố mối quan hệ xã hội, mà còn là cùng bạn bè ta nhìn lại mối quan hệ chung.Kiểu tự quán chiếu này nhắc nhở chúng ta rằng Tết là thời gian trôi qua, những buồn khổ rồi cũng qua, hai điều thật ra cũng có thể nói chính là nguồn gốc của bản ngã.■H.MINH (dịch) Tags: Triết học phương Đông và phương TâyTự quán chiếuTếtTự phóng chiếuMạng xã hội
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.