TTCT - Khoa học đã chứng minh hóa ra có thể suy ra mức độ tham nhũng của một nước từ vòng eo của giới quan chức. Một nghiên cứu mới hết sức nghiêm túc đăng trên chuyên san uy tín của Hà Lan, Kinh tế học hành vi & tổ chức (xuất bản lần đầu năm 1980) khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt ở Trung Quốc cũng đã góp phần giảm bớt vòng eo cho giới quan chức chính quyền.Nghiên cứu tựa đề "Chính quyền "gọn nhẹ"? Tác động từ chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc với cân nặng và sức khỏe nhân viên lĩnh vực công" của ba tác giả Xun Li, Wensi Pan và Gang Xu công bố đầu tháng 12-2023 kết luận rằng cuộc chiến chống tham nhũng mấy năm qua đã khiến giới chức nhà nước Trung Quốc giảm được nguy cơ béo phì gần 12%.Dù làm gì cũng phải ăn trước một bữaThước đo cơ sở là một nghiên cứu năm 2009 cho biết tới hơn 40% viên chức Trung Quốc đang thừa cân, và quan chức cấp càng cao thì càng gặp nhiều vấn đề sức khỏe do béo phì. Các nhà nghiên cứu giải thích cho tình trạng này là họ ăn nhậu nhiều, với những bữa yến tiệc ê hề, và nhất là uống thứ rượu trắng cực nặng độ của Trung Quốc.Ảnh: The New York TimesRồi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012 và mở chiến dịch truy quét tham nhũng lớn nhất ở nước này trong thời hiện đại. Kết quả là "giới quan chức không chỉ bị suy giảm thu nhập trực tiếp từ tham nhũng mà có, mà còn ít ăn nhậu hơn, thậm chí có những số liệu cho thấy thời gian không yến ẩm tiết kiệm được này, họ đã dành ít nhiều cho tập thể dục". "Chúng tôi thấy rằng chiến dịch chống tham nhũng đã giảm đáng kể BMI (chỉ số sinh khối cơ thể, để đánh giá xem một người có thừa cân không) và tỉ lệ thừa cân của các nhân viên lĩnh vực công", các nhà nghiên cứu viết.Quan chức béo phì từng là một vấn nạn với Trung Quốc. Ngay từ năm 2006, nhà báo khá nổi tiếng của nước này Nghê Dương Quân đã viết một bài dài trên sina.com.cn nhan đề: "Tại sao lại có nhiều quan chức béo". Ông chỉ ra ba lý do. Một là ăn uống quá độ: "Việc ăn uống trong giới quan chức là chuyện bình thường, ăn uống bằng công quỹ lại càng phổ biến... Dù có làm gì cũng phải ăn một bữa trước đã, nên nhiều quan chức suốt ngày say sưa, mỡ máu cao, huyết áp cao, đường huyết cao, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan, mà vẫn không chừa. Tại sao như vậy? Là vì họ không tự mình bỏ tiền, chưa kể có luật bất thành văn, cán bộ nào vượt qua được kỳ thi "tửu tinh" (ngôi sao nhậu) thì cơ hội thăng tiến sẽ khá hơn". Hai là do lười biếng: "Lãnh đạo càng lớn thì nhận được mức độ phục vụ càng cao, cơ hội vận động càng ít, sức khỏe sa sút, ngày càng béo hơn". Ba là "thói quen", bao gồm hiện trạng "trên xướng dưới theo" trong quan trường.Tháng 12-2012, sau một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bản quy định 8 điều đã được công bố, trong đó có nhiều quy định trực tiếp hoặc gián tiếp chặn bớt nhiều hoạt động yến ẩm: khi đi công tác, cấm băng rôn, thảm đỏ, bày hoa, tiếp tân lớn (điều 1); ủy viên Bộ Chính trị muốn dự các loại lễ cắt băng khánh thành, động thổ, lễ mừng, kỷ niệm... phải được phép của Trung ương Đảng (điều 2); chỉ công tác nước ngoài khi tuyệt đối cần thiết (điều 4); những người giữ cương vị lãnh đạo phải thực hành tiết kiệm, tuân thủ nghiêm quy định về xe cộ và nhà ở (điều 8)... 10 năm sau, những quy định đó đang khiến chính quyền trở nên thực sự gọn nhẹ hơn.Bụng phệ và tham nhũngĐiều thú vị là mối liên hệ giữa tình trạng thừa cân và tham nhũng từng được tìm hiểu trước đây, không chỉ ở Trung Quốc. Nghiên cứu năm 2020 của tác giả Pavlo Blavatskyy thuộc Trường Kinh doanh Montpellier (Pháp) thấy rằng mức độ tham nhũng của chính quyền có thể liên quan trực tiếp tới chỉ số BMI của các vị bộ trưởng. Nghiên cứu này phân tích 15 nước Liên Xô cũ và thấy rằng các nước có nội các thon thả hơn cũng ít nhũng lạm hơn. Estonia, Lithuania, Latvia và Gruzia đỡ tham nhũng nhất, và cũng có những bộ trưởng gọn nhẹ nhất. Trong khi Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đứng cao nhất về chỉ số tham nhũng với các bộ trưởng có vòng eo cũng quá khổ nhất."BMI của các bộ trưởng trong nội các có tương quan cao với các thước đo tham nhũng thông thường - Blavatskyy viết trong nghiên cứu - Kết quả này cho thấy BMI của giới quan chức chính trị có thể dùng làm biến thay thế cho tham nhũng khi ta không có được số liệu cần thiết, ví dụ ở mức địa phương". Cần lưu ý, hai chỉ số này chỉ có tính "tương quan", chứ không phải "nhân quả". Nhiều quan chức bụng phệ thì khả năng chính quyền tham nhũng là cao, nhưng quan chức béo phì không phải là nguyên nhân dẫn tới tham nhũng!■ Tags: Tham nhũngChống tham nhũngVấn đề sức khỏeTập Cận BìnhKinh tế học
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris, bắt đầu chuyến thăm Pháp DUY LINH 04/10/2024 Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đã đến Pháp, bắt đầu các hoạt động từ ngày 4-10 với nhiều nội dung quan trọng.
Tin tức sáng 4-10: Giá USD ngân hàng bất ngờ bật tăng; 'Ém' loạt giao dịch, một công ty bị phạt nặng TUỔI TRẺ ONLINE 04/10/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm ở nhiều kỳ hạn; Xu hướng doanh nghiệp dùng AI tìm nhân sự, sàng lọc hồ sơ xin việc; Chủ tịch một doanh nghiệp nhà nước xin nghỉ sau chưa đầy nửa năm...
Mỹ bất lực, đau đầu với Trung Đông THANH BÌNH 04/10/2024 Những câu chuyện hậu trường được tiết lộ cho thấy: Sau một năm cố gắng, có lẽ Mỹ đang ngày càng bất lực và không thể ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông.
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về cây trồng tại Hà Nội còn bọc nguyên vỏ bao xi măng ở rễ PHẠM TUẤN 03/10/2024 Liên quan tới việc cây xanh tại Hà Nội không tháo bầu cây khi trồng bị bật gốc sau bão số 3, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ truy tìm chủ đầu tư.