Thần tượng ra tòa công lý, “fan cuồng” đấu tòa dư luận

XUÂN TÙNG 30/05/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Vụ kiện phỉ báng giữa Johnny Depp và Amber Heard đang nổi lên như một bằng chứng thú vị về tranh chấp thật - giả trong thời đại mạng xã hội, nơi các fandom (cộng đồng người hâm mộ) có thể hoạt động ngày đêm, thậm chí sử dụng các chiêu trò độc hại để giành chiến thắng cho thần tượng trên tòa án dư luận.

 
 Ảnh: MSNBC/Getty Images

Trong mấy tuần vừa qua, báo giới đã dành không biết bao nhiêu giấy mực cho vụ kiện tụng giữa Heard và Depp - ngôi sao Hollywood của seri phim Cướp biển vùng Caribe, cũng như một cuộc hôn nhân chóng vánh (2016-2017) và không mấy êm ả ngoài đời thực của họ. Vụ việc được coi là cực kỳ phức tạp, với các màn đôi co “tại ả tại anh” không hồi kết, cùng nhiều cáo buộc bạo lực gia đình khiến dư luận rùng mình. 

Nói ngắn gọn: Depp đưa Heard ra tòa với cáo buộc phỉ báng xoay quanh một bài viết của cô đăng trên tờ The Washington Post, trong đó nhắc đến bản thân như một nạn nhân của bạo hành gia đình và tấn công tình dục (dù không trực tiếp nhắc đến Depp). Phía Heard cũng đã kiện ngược Depp với cáo buộc phỉ báng tương tự. Trước đó vào năm 2016, Heard đã cáo buộc Depp tội bạo hành khi nộp đơn ly dị lên tòa án Los Angeles; tòa sau đó đã nghiêng về phía Heard, ra lệnh cấm Depp lại gần cô để tránh nguy cơ bạo hành.

Mặt trận cuồng tín

Cuộc chiến thực sự giữa hai phe có lẽ đang diễn ra trên mặt trận mạng xã hội. Vụ kiện đã kích động các hành vi cực đoan nhất của người hâm mộ đôi bên, vốn được thuật toán của các mạng xã hội khuyến khích nhằm đẩy cao tương tác và kiếm lợi nhuận. Trên nền tảng streaming Twitch, vụ việc đã trở thành chủ đề nóng nhất cho những người sáng tạo nội dung: Từ những buổi livestream các phiên xét xử, chương trình bình luận, đến các trò đùa lấp đầy khung chat - hệt như một sự kiện thể thao quan trọng. 

Trên TikTok, các video gắn hashtag #justiceforjohnnydepp (công bằng cho Johnny Depp) đã thu về tới 18,1 tỉ lượt xem tính đến 25-5 (hashtag tương tự đòi công bằng cho Amber Heard chỉ thu về 60,1 triệu lượt xem). Top video nổi bật của TikTok hiện tại tràn ngập các tiếng nói ủng hộ Depp trên nền video lung linh, clip lời khai của Depp chỉnh sửa theo hướng đáng yêu, cũng như các lời khai của Heard được cắt ghép theo hướng “tâm thần bất ổn”.

Hiện tượng người hâm mộ cuồng nhiệt vốn không hề mới. Tuy nhiên, trong thời đại Internet, các fandom đạt đến một tầm cuồng tín mới, thậm chí còn hoạt động hết sức quy củ để đạt các mục tiêu chung. Mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cấp các fandom lên một tầm tổ chức tương tự các hội dị giáo hoặc các băng đảng online, nhằm bảo vệ và giám sát lẫn nhau trên các không gian công cộng như Facebook hay Twitter. Trên thực tế, theo tạp chí Polygon, các nền tảng này đã tưởng thưởng hành vi hội đồng của các nhóm fan, thậm chí khuyến khích các fandom đối đầu lẫn nhau để tăng tương tác từ nhiều năm nay.

Emmi Conley, nhà nghiên cứu về tuyên truyền trên không gian mạng, gọi cuộc chiến Heard-Depp trên mạng xã hội là một cuộc “chiến tranh văn hóa ủy nhiệm” (proxy culture war), khi người hâm mộ hai bên sử dụng hai diễn viên như hình mẫu đại diện cho các tranh cãi về phong trào #MeToo. “Có thể nhận thấy các thảo luận [về vụ Depp-Heard] không còn xoay quanh nạn nhân nam giới của bạo lực gia đình, hoặc hỗ trợ các nạn nhân bạo hành nữa” - cô nói với Polygon.

Cuộc chiến nảy lửa này được cho là bắt đầu tại Twitter, khi người hâm mộ Depp kêu gọi tẩy chay Amber Heard, ký tên yêu cầu các nhà làm phim Justice LeagueAquaman loại cô ra khỏi vai diễn, đồng thời lên tiếng ủng hộ Depp trước nguy cơ mất vai mà anh này cũng đang gặp phải. Tuy nhiên, sự việc chỉ được đẩy lên đỉnh điểm nhờ TikTok - một góc khác, trẻ hơn của không gian mạng. “Tôi nghĩ TikTok đã đưa sự việc này lên tầm nhận thức của toàn công chúng Mỹ” - Jessica Lucas, một nhà nghiên cứu và nhà báo người Anh, nói với Polygon.

Trên không gian này, các fan của Depp, còn gọi là “Deppheads”, thuật lại những đoạn khẩu khí của chàng diễn viên trước vợ cũ trên nền nhạc jazz-pop hùng tráng. Đồng thời, họ cũng đóng vai nhà điều tra, phân tích từng cử chỉ nhỏ nhất của Heard (chẳng hạn, việc Heard cắm cúi ghi chép chứng tỏ cô đang hoảng loạn), cũng như đưa ra các luận cứ sinh học để bác bỏ lời khai về các vết bầm mà Heard khai là do Depp gây ra.

 
 #justiceforjohnnydepp

Được nhìn nhận như một nền tảng “hung hãn” hơn các không gian mạng còn lại, TikTok vốn đi theo định hướng đẩy mạnh nội dung liên quan đến các văn hóa ngách và nhóm fandom; một bài blog trên trang web chính thức của công ty năm 2021 đã công bố rằng văn hóa ngách là “đối tượng mục tiêu mới” của nền tảng này. Bên cạnh đó, khả năng tùy biến và cá nhân hóa nội dung của TikTok cũng mạnh hơn bất kỳ đối thủ nào - mỗi mẩu nội dung, từ vài giây video, các cử chỉ, kiểu thời trang trên hình, đến các hashtag và âm thanh đi kèm video cũng có thể được bất kỳ người dùng nào mang về, chỉnh sửa, biến thành nội dung của mình, thậm chí tạo ra trào lưu mới. “Người dùng TikTok có thể lấy một thứ nghiêm túc, phối lại và cắt ghép theo ý mình, thêm nhạc nền và hiệu ứng để thay đổi hoàn toàn không khí trong tòa án. Mỗi người đều có thể soạn ra đơn kiện, lý lẽ và bằng chứng của riêng mình nhằm thỏa mãn ý đồ cá nhân” - Lucas nói thêm.

Đằng sau sự cuồng tín

Rất dễ để cho rằng nhóm Deppheads là tác giả của chiến dịch chống Heard trên mạng xã hội, nhưng thực tế lại không phải vậy. Một số người tham gia trào lưu nhiệt tình nhất lại không phải fan của Depp - họ chỉ đơn giản là không ưa Heard. Hilde Van den Bulck, giáo sư Đại học Drexel (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về yêu và ghét trong văn hóa fandom, cho biết mặc dù fandom thường được xây dựng trên các cảm xúc tích cực (“Tôi yêu diễn viên/nhân vật này”), các nhóm thù ghét (còn gọi là antifan) cũng có thể được xây dựng trên các cảm xúc tiêu cực với một ngôi sao hoặc nhân vật cụ thể.

Cả fan lẫn antifan đều bị ám ảnh với mục tiêu của mình: Họ bám vào từng câu chữ, lý giải từng hành động, quần áo hay kiểu tóc của đối tượng để lý giải sự yêu/ghét của mình. “Anti-fan đôi khi còn biết rõ về một ngôi sao hơn cả fan của họ. Mối quan hệ giữa họ với người họ ghét thường rất sâu đậm và nhiều xúc cảm” - Van den Bulck nói với tạp chí The Atlantic.

Một số antifan cũng từng là fan, nhưng đã vỡ mộng về thần tượng. Số khác không có lý do cụ thể cho sự thù ghét của mình (“Tôi chỉ không chịu nổi anh/chị X này, sao họ vẫn thành công được?”). Trong nhiều trường hợp, nhóm antifan và fan hoàn toàn trùng lắp với nhau: Nhóm fan của nghệ sĩ X có thể đồng loạt trở thành antifan của nghệ sĩ Y sau một cáo buộc Y làm hại X. Đây có vẻ chính xác là trường hợp của Heard trước người hâm mộ Depp.

 
 Ảnh: reason.com

“Vũ khí” được fan và antifan sử dụng thường là các câu chuyện nặng màu sắc thuyết âm mưu; họ cũng thường xuyên sử dụng lối miệt thị cơ thể, các cáo buộc có màu phân biệt giới để hạ bệ đối tượng. Nhân vật nữ trong câu chuyện của họ xảo quyệt và tham vọng, nhưng đồng thời cũng phải ngốc nghếch và không xứng với thần tượng nam. Họ bóng bẩy và quyến rũ, nhưng đồng thời cũng bị cho là đáng ghê tởm.

Dù tấn công các nhân vật nữ, nhưng điều thú vị là các nhóm này vẫn cho rằng mình đang đứng về phía nữ quyền. Nhóm ủng hộ Depp cho rằng Heard đang mượn danh phong trào #MeToo để thực hiện ý đồ xấu, và việc họ chất vấn Heard không có ý đồ phân biệt giới. Heard đang là người phá hoại tiến bộ của #MeToo, và đang khiến cuộc chiến của các nạn nhân “thực sự” trở nên khó khăn hơn.

“Luận điểm cho rằng Amber Heard là kẻ cơ hội tận dụng #MeToo không đứng vững, bởi Heard đã ly dị Depp trước cả khi #MeToo ra đời” - Mary, một blogger 34 tuổi với hơn 20 năm hoạt động trong các fandom nói với The Atlantic. Tuy vậy, văn hóa fandom đương đại lại khuyến khích fan chỉ nhìn vào câu chuyện mà họ muốn thấy. Manh mối ở khắp nơi, và nguyên liệu thổi bùng các thuyết âm mưu là vô hạn. Xu hướng này cũng cho thấy sự mất niềm tin vào truyền thông chính thống của người dùng Internet: Với họ, các nhà báo đang không tìm đúng hướng, và câu chuyện hấp dẫn vẫn còn đang nằm đâu đó, chờ họ tự tay khai quật.

Nói vậy không có nghĩa là Amber Heard hoàn toàn trong sạch - nhiều bằng chứng đã cho thấy những lời khai không đồng nhất từ cả hai bên. Tuy nhiên, các tranh cãi này cần thêm những thẩm định chuyên sâu, chứ không phải những thuyết âm mưu được thổi bùng bởi hiệu ứng đám đông.

Cơn bão thù hằn dành cho Heard chỉ là phẩn tiếp theo trong biên niên sử “chinh chiến” của các fandom, nơi phụ nữ trong hầu hết các trường hợp đều là người có tội. Theo Rebecca, chủ tài khoản Twitter @LeaveHeardAlone (Để Heard yên), người hâm mộ đã bớt hứng thú biện hộ cho Depp từ lâu, và chỉ dùng tên anh như một cái cớ. Họ đã chuyển hứng sự ám thị của mình sang một nhân vật khác, và sẽ không buông cô ra trong một sớm một chiều.■

Vụ Depp - Heard không phải lần đầu tiên giới showbiz chứng kiến một nhân vật nữ kém tên tuổi hơn bị buộc tội thao túng tình cảm của nghệ sĩ nam. Một bộ phận fan của diễn viên “Sherlock” Benedict Cumberbatch tin rằng vợ anh, Sophie Hunter, có dính dáng đến một đường dây tội phạm xuyên quốc gia, và đã giả có bầu để trói chân chàng diễn viên - dù không hề có căn cứ đích xác nào. Nhiều fan (đa số là nữ) của Cumberbatch cho rằng Sophie Hunter “đang đẩy lùi tiến bộ nữ quyền và khiến tất cả mọi người mất mặt”. Một số fan của nhóm nhạc nam One Direction cũng đặt giả thuyết rằng thành viên Louis Tomlinson là người đồng tính, nhưng phải giấu giếm con người thật của mình trong giới giải trí - một âm mưu có dự phần của Brianna Jungwrith, bạn gái cũ đã có con với anh (cũng không đi kèm bằng chứng cụ thể).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận