TTCT - Thời gian này, người ta vẫn sống trong “âm lịch”, vẫn tiếc nuối tháng giêng đã trôi qua, thảng thốt khi tháng hai đã quá rằm chứ chẳng cần biết quý 1 của năm dương lịch sắp hết. Đấy bởi vì người ta đang ngây ngất trong hương hoa bưởi nồng nàn, ướp thơm cả một thành phố đang lãng đãng dưới màn mưa phùn huyền ảo. Hoa bưởi Người Hà Nội yêu hoa bưởi một cách thật thà. Chẳng phải vì cái tên của loài hoa này mộc mạc, chân chất như hoa ngâu, hoa mõm sói, hoa dành dành mà bởi vì sự gắn bó mật thiết bao đời nay với một loại cây thân thuộc, đã hiến dâng toàn bộ thân thể mình cho con người.Chẳng bộ phận nào của cây bưởi mà không hữu dụng với con người hết, thậm chí cả cái gai bưởi sắc nhọn cũng được dùng để nhể ốc. Không hiểu sao, thịt những con ốc vặn, ốc mít khi được nhể bằng gai bưởi già lại thơm ngon hơn hẳn so với dùng kim hoặc mảnh sắt tây cắt nhọn.Nói đến món ốc luộc ở Hà Nội, nếu thiếu lá bưởi luộc cùng thì thật là sái. Lá bưởi có vị cay, tính ấm, chứa nhiều tinh dầu nên khi luộc cùng ốc, nó vừa tăng hương vị của ốc, lại vừa giảm bớt tính hàn của ốc. Nhờ dược tính và hàm lượng tinh dầu nhiều mà lá bưởi cũng không thể thiếu được trong mớ lá xông cảm. Những lúc giao mùa thế này, người thường bị ươn vì hàn nhập, thế nên lại phải hái lá bưởi đem xông để tiêu lạnh, khu hàn. Công dụng của lá bưởi đâu chỉ có thế. Lá bưởi non xanh mềm lại được dùng để cuốn thịt ba chỉ hay thịt băm rồi đem nướng trên than hồng để tạo thành món chả lá bưởi.Quả bưởi là thứ trái cây chủ đạo để bày cỗ trông trăng vào Tết Trung thu hay mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên vào ngày Tết. Những tép bưởi hồng hào hoặc trắng ngà, căng mọng chứa đầy vitamine vốn rất hợp miệng của người Việt bất kể ăn ngay hay đem chế biến thành món salad. Phần cùi bưởi cũng chẳng “cùi bắp” chút nào bởi được dùng để làm món chè bưởi ngon bùi. Vỏ bưởi tươi được đun với bồ kết tạo thành thứ nước gội đầu vừa làm mượt, làm thơm mái tóc, còn vỏ bưởi phơi khô lại là thứ nguyên liệu dùng để xông vì nó cũng chứa rất nhiều tinh dầu. Hạt bưởi là một loại thuốc chữa nhiều bệnh chứ không chỉ để kết thành đèn cho trẻ em đốt rước hôm rằm.Nhưng người Hà Nội lại thích hoa bưởi nhất bởi vì trót yêu say đắm hương thơm nồng nàn của loại hoa này. Thế nên, khi những vườn bưởi ở mạn Phú Diễn bung trắng vườn, trắng làng là lúc những chiếc xe đạp lại chở mẹt hoa bưởi vào phố thị để bán cho người yêu hoa bưởi. Những cánh hoa trắng tinh khôi theo chân những người bán hàng len lỏi khắp các tuyến phố Hà Nội trên những chiếc xe đạp cũ. Ảnh: Trọng ChínhHoa bưởi đẹp đơn sơ, nụ hàm tiếu màu xanh nhạt, khi bung nở thì xòe năm cánh hoa mập mạp, trắng ngần, vây quanh nhụy hoa màu vàng. Nếu hoa bưởi nở trắng như mây giăng thành thì hương thơm của hoa bưởi cũng biến ảo như mây vậy, lúc rực lên mãnh liệt, xâm chiếm toàn bộ không gian, cũng có khi thầm kín, dịu dàng, chỉ đợi cơn gió bay qua mới nồng nàn tỏa.Bạn sẽ hỏi, hoa bưởi quý thế, sao không để hoa trên cây để thưởng thức rồi đợi kết trái thì có phải toàn vẹn hơn không? Nhưng không phải cây bưởi nào cũng cho ra những trái bưởi ngọt, còn có cả những trái chua hay the đắng. Những người trồng bưởi biết rất rõ điều này, nên họ lựa lấy hoa của những cây cho trái chua để vừa có hoa bán, lại không phải mất công chăm sóc. Và hoa cần tỉa bớt để những bông sung sức nhất đậu thành trái khỏe.Nhưng dẫu cái cây cho trái bưởi chua, hoa của nó vẫn ngất ngây mùi thơm thanh tân ấy. Vậy nên, đem bán hoa bưởi sẽ có lợi hơn nhiều. Ở thời giá bây giờ, mỗi lạng hoa bưởi giá 20.000 đồng, bao gồm cả cành và lá. Đầu mùa, mỗi lạng hoa bưởi còn lên tới 40.000 đồng. Đắt hơn nhiều loại hoa khác, lại không thể cắm lâu vì hoa bưởi lìa cành rất chóng tàn rụng, không thể nở nhưng gánh hoa bưởi chẳng mấy khi bị ế. Loài hoa bình dị ở các nông trại trên đất Diễn nở thành chùm, bông trắng tinh khôi chen chúc trên nhành hoa mảnh với sắc trắng ngọc ngà, năm cánh dịu dàng ôm nhẹ hàng trăm chiếc nhị bọc nhung vàng thơm, bao bọc chiếc nhụy xanh. -Ảnh: Trọng ChínhMùa hoa bưởi tháng hai nở trùng nhiều dịp lễ quan trọng đầu năm. Thế nên, còn gì chân thành bằng việc dâng những đĩa hoa bưởi thơm ngát, thanh khiết lên ban thờ của trời, Phật, thánh, các vị thần linh và tổ tiên. Đây cũng là dịp tốt nhất để chưng cất nước hoa bưởi - một thứ phụ gia quan trọng trong việc làm bánh khảo, bánh dẻo. Xưa kia, vào những ngày này, trên phố Hàng Đường tấp nập những thúng hoa bưởi gánh đến bán cho các nhà hàng bánh kẹo. Nay phố Hàng Đường không còn nhiều nhà làm bánh kẹo nữa, cảnh hối hả thắp lò bắc chõ để cất nước hoa bưởi quy mô lớn cũng biến mất.Nhiều người thích tự tay lưu giữ hương hoa bưởi để cất đi dành cho nhu cầu gia đình. Hoa bưởi mua về phần để cúng, phần để cắm cho thơm nhà, phần lớn sẽ dành để... ăn hương. Hoa bưởi lựa bông nở to, không chọn nụ xanh, thả vào lòng bát ăn cơm, khéo léo úp bát xuống mâm đồng để nhốt hương. Chưa hết, còn phải đem mâm đó ra ngoài trời phơi sương qua đêm, nhiệt độ chênh lệch khiến hoa bưởi tỏa hương thơm tới tận cùng, thứ hương thanh khiết ấy ngưng tụ trong lòng bát. Hôm sau, nấu chè hoa cau hoặc chè đậu, khi ăn sẽ ngửa bát ướp hoa lên, nhặt hết hoa ra rồi múc chè vào. Mùi hương hoa bưởi lẩn khuất vào trong từng miếng chè nhưng không làm biến đổi vị chè như cách rưới tinh dầu hoa bưởi trực tiếp vào bát chè. Mía ướp hoa bưởi. Ảnh: An LêHoặc giả, mua mía về ướp hoa bưởi cũng là một món ăn hương hoa bưởi phổ biến của người Hà Nội. Lựa loại mía tím trồng trên đất đồi Hòa Bình về róc vỏ, chẻ khẩu bày vào một cái liễn rộng miệng. Sau đó bóc từng cánh hoa bưởi thả vào trong liễn, không thả cả bông hoa vì phấn hoa bưởi có vị đắng sẽ làm hỏng miếng mía, lại khiến nó lem nhem không còn sạch mắt. Đậy kín liễn để mía hút mùi thơm của cánh hoa bưởi trong khoảng 1 giờ rồi đem ướp lạnh hoặc hấp nóng tùy thời tiết hay sở thích. Sau bữa cơm, bưng liễn mía ra tráng miệng, miếng mía mềm, cắn nhẹ cũng tứa ra mật ngọt, thứ mật ấy lại thoảng mùi hoa bưởi, còn gì thú vị bằng.Ăn xong liễn mía, răng miệng lẫn những ngón tay đều sạch thơm, thực là tiêu sái. Nhấp thêm một ngụm trà được pha bằng thứ trà khô đã thả một dúm cánh hoa bưởi vào ướp từ sáng thì lại càng đắc ý.Thế rồi, khi dư âm hương hoa bưởi vẫn còn đấy, lại mơ màng nghĩ đến cái tết mùng 3 tháng ba với món bánh trôi, bánh chay. Chao ôi, lọ nước đường phèn ngâm cánh hoa bưởi giờ đây mới có đất để dụng võ. Tào phớ (đậu hoa) hay trà hoa quả, thảy đều hợp duyên với thứ hương hoa này. Có quá nhiều cách để chết mê chết mệt với hương hoa bưởi, thứ hương không biết vì ai mà thơm ngát cả tháng hai, khiến “lòng bối rối” trong một ngày mưa phùn bay bay. Ảnh: An Lê Tags: Hà NộiTạp bútHoa bưởiHương bưởiTháng 2
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Chuyện của những ‘bà đỡ’ doanh nhân đưa nông sản ra nước ngoài THẢO THƯƠNG 11/10/2024 Ngày doanh nhân VN đang đến gần, đứng sau những thành tích xuất khẩu và sự khởi sắc của nhiều gia đình nông dân, nhiều doanh nhân vẫn đang nhiệt thành với “nghiệp” nâng danh tiếng và chất lượng nông sản VN khi ra thế giới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là ngôi sao của ASEAN QUỲNH TRUNG 11/10/2024 Đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11-10 tại Lào. Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo một số nước dự hội nghị ASEAN.
Doanh nhân Việt có đang “giàu” lên? BÌNH KHÁNH 11/10/2024 Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 3 này được một tờ báo ngoại ví như “tên lửa”. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt, người Việt đang "giàu" lên một cách tương xứng?
Giá điện tăng lên 2.103 đồng/kWh, người dùng điện phải trả thêm bao nhiêu? NGỌC AN 11/10/2024 Việc tăng giá điện tác động thế nào đến các hộ tiêu dùng điện, khách hàng nào phải trả tăng tiền điện nhiều nhất?