Thành công bước đầu

LAN ANH THỰC HIỆN 02/10/2013 22:10 GMT+7

TTCT - LTS: Trên TTCT số 36 có bài viết về những câu hỏi quanh việc điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc. Xin tiếp tục câu chuyện qua phỏng vấn BS Mai Trọng Khoa, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người có nhiều kinh nghiệm điều trị thực tế...

BS Mai Trọng Khoa giải thích: Hoạt động của tế bào gốc khi vào cơ thể là thâm nhập vào mô, biệt hóa thành nguyên bào sợi hay các tế bào của mô đích (như sụn, xương, cơ trơn, cơ vân, mạch máu, mô mỡ và nang tóc…), đồng thời sản sinh chức năng này rất quan trọng trong việc kháng viêm, tăng viêm, điều hòa miễn dịch hay các chức năng, hoạt động khác nhau của mô/cơ quan đích.

Ngoài ra, tế bào gốc cũng giúp kích thích mạch máu tân tạo đến cơ quan tổn thương hỗ trợ tạo mô mới. Bên cạnh việc biệt hóa thành tế bào mô đích thì tân tạo mạch và mô liên kết góp phần rất quan trọng, nhiều khi quan trọng hơn cả chức năng biệt hóa.

* Có nhiều thắc mắc về việc làm thế nào để tế bào gốc bám dính vào mặt xương dưới sụn và phát triển bởi khi hỗn hợp tế bào gốc bơm vào trong khớp gối, bệnh nhân vẫn đi lại mỗi ngày?

- Tế bào gốc khi được đưa vào ổ khớp sẽ thực hiện một loạt chức năng, không chỉ là bám dính và biệt hóa thành tế bào mô đích. Bản thân bệnh thoái hóa khớp cũng là hệ quả tổng hợp của nhiều quá trình bệnh: viêm, mòn do cơ học, tiêu xương dưới sụn, miễn dịch, đặc biệt mất cân bằng giữa tiêu sụn và sinh sụn...

Tuy nhiên, tế bào gốc biệt hóa thành sụn không nhất thiết phải bám dính trên bề mặt xương. Về kỹ thuật, khi tiêm tế bào gốc, chúng tôi sẽ tiêm kèm chất đóng vai trò giúp tế bào bám dính tốt hơn, đồng thời thay thế dịch khớp bôi trơn, làm lớp “đệm”.

* Thưa ông, khi đã bám dính, tế bào gốc sẽ nhận tín hiệu từ mô xung quanh nào để nó tự biến đổi thành tế bào sụn?

- Bệnh thoái hóa khớp có sự phối hợp các quá trình bệnh lý khác nhau. Do đó tế bào gốc cũng thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Hiện chúng tôi có bằng chứng về việc tăng sinh sụn thông qua chụp cộng hưởng từ và nội soi, còn thực nghiệm việc tế bào gốc sinh sụn sau bơm tế bào gốc điều trị cũng đã có bằng chứng từ lâu.

* Liệu khi biến đổi thành tế bào sụn, các tế bào này có sinh sôi nảy nở hay không? Có thể kiềm chế sự sinh sôi nảy nở của tế bào gốc để nó không biến thành tế bào ung thư hay không?

- Khả năng biệt hóa và tăng sinh sụn của tế bào gốc đã được chứng minh cả trong điều trị thực tế và thực nghiệm. Chúng tôi cũng đã có thử nghiệm về tính an toàn của tế bào gốc trong kiểm soát để tránh biệt hóa thành tế bào ung thư. Hiện nay có phương pháp dùng huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị giảm đau trong thoái hóa khớp gối đã được thế giới ứng dụng nhưng còn nhiều tranh cãi.

Nhiều sản phẩm dùng để lấy huyết tương giàu tiểu cầu đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ công nhận, nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn về việc liệu khớp gối giảm đau là do tế bào gốc biến thành tế bào sụn, hay do tác dụng của huyết tương giàu tiểu cầu.

Theo tôi, huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc cũng có thể được sử dụng phối hợp để tăng hiệu quả điều trị. Huyết tương giàu tiểu cầu đơn thuần có thể sử dụng để giảm viêm, giảm đau khi bệnh còn nhẹ. Huyết tương giàu tiểu cầu trong kỹ thuật của Golden Growth vừa được sử dụng để kích thích tế bào, vừa có tác dụng như liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu đơn độc.

* Nếu chỉ bơm tế bào gốc mà không chỉnh trục chân cho bệnh nhân thì liệu với áp lực đè nặng lên mặt khớp bên trong hay bên ngoài có làm giảm đau được cho bệnh nhân không?

- Đây lại là một ví dụ nữa về phối hợp điều trị. Lệch trục chân cần được chỉnh trục ngoại khoa. Khi có lệch trục, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng, ví dụ giai đoạn IV, lúc này chỉ định chính là thay khớp nhân tạo. Với trường hợp bệnh nhân không muốn thay khớp, có thể cân nhắc dùng phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tế bào gốc để làm chậm quá trình bệnh, giảm đau, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

* Khi lấy tế bào gốc trên người trung niên hay cao tuổi, khả năng sống còn của tế bào gốc như thế nào ?

- Được gọi là tế bào gốc vì nó bảo tồn được khả năng phân chia, biệt hóa. Một cách tương đối, tế bào gốc có lẽ cũng có phân chia để duy trì số lượng nhưng rất ít so với tế bào sinh dưỡng (soma). Người già dinh dưỡng kém, bệnh kèm theo, sử dụng nhiều thuốc, hút thuốc lá... là một số yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tế bào gốc.

Năm 2012, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là hai cơ sở y tế đầu tiên ở phía Bắc thông báo thành công trong điều trị thoái hóa khớp bằng ghép tế bào gốc. Bệnh viện Bạch Mai đã được Bộ Y tế phê chuẩn quy trình điều trị thoái hóa khớp bằng ghép tế bào gốc từ mô mỡ tự thân.

Theo bác sĩ Dương Đình Toàn - khoa chấn thương chỉnh hình 2 Bệnh viện Việt Đức, đã có bệnh nhân bị thoái hóa khớp độ 3 được điều trị bằng phương pháp mới này nhưng cần theo dõi thêm. Ở nước ngoài, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này có thể chơi thể thao sau điều trị 18 tháng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong số tám bệnh nhân đầu tiên điều trị, có sáu người đạt hiệu quả điều trị tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận