TTCT - SEA Games 30 đã khép lại hơn hai tuần. Với đa số các nhà vô địch, giờ là lúc họ nhận tiền thưởng và nghỉ ngơi để chuẩn bị đón tết. Thế nhưng với võ sĩ kurash (môn võ gần giống Judo) Trần Thị Thanh Thủy, cô lại bắt đầu bước vào một cuộc chiến mới. Trong những ngày diễn ra SEA Games 30, chúng tôi đã có dịp nói tới sự hi sinh đáng kính nể của một số VĐV nữ cho sự nghiệp thể thao. Riêng với Thanh Thủy, chúng tôi thấy cần phải quay lại với cô để có một cái nhìn sâu sắc hơn một trường hợp phải nói là phi thường trên đường đến vinh quang. Ở SEA Games, Thanh Thủy đã gây ấn tượng mạnh khi chỉ mất 5 giây để đánh bại đối thủ Thái Lan trong trận chung kết. Để có được 5 giây chói sáng trên võ đài đó, cô đã trải qua bao tháng ngày mồ hôi chan nước mắt, khi phải tăng 20kg để đảm bảo những lợi thế trước khi tham dự SEA Games 30. “Tôi cũng xót cho bản thân mình” Trần Thị Thanh Thủy, 23 tuổi, là võ sĩ Judo của Hà Nội. Cô bắt đầu tập Judo từ năm 14 tuổi khi đang là học sinh Trường cấp II Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Do tính cách mạnh bạo, Thanh Thủy được bố mẹ cho đi tập võ từ nhỏ. Cô theo đuổi thể thao từ đó tới nay, hành trình đã mang đến cho cô nhiều vinh quang nhưng cũng không ít hi sinh và gian khổ. Thanh Thủy chia sẻ: “Lúc đi tập Judo, tôi hơn 14 tuổi, nặng 70kg và cao 1,68m. Đến thời điểm này, sau chín năm tập luyện, tôi cao 1,70m và nặng 96kg. Tôi là người có thân hình bình thường, nhưng vì yêu cầu tập luyện và thi đấu, tôi liên tục phải tăng và giảm cân cấp tập nên cơ thể biến đổi. Nhiều lúc bố tôi nói: “Thôi con giảm cân đi chứ như thế này thì mập quá”. Những lúc đó, tôi đang trong quá trình tăng cân để chuẩn bị thi đấu. Tôi cũng xót cho bản thân mình lắm”. Nhà vô địch 96kg Thanh Thủy đang nỗ lực tìm lại sự thon thả, xinh đẹp của ngày xưa. Ảnh: NVCC - Quý Lượng Khi có thông tin môn kurash được đưa vào chương trình thi đấu chính thức SEA Games 30, một số võ sĩ Judo như Thanh Thủy được tuyển chọn sang đội tuyển kurash. Vì các hạng cân nhẹ đều đã có VĐV đăng ký, Thanh Thủy được chọn cho hạng cân cao nhất. Cô buộc phải tăng cân để đạt được ưu thế trước các đối thủ. Cho đến ngày bước lên võ đài, Thanh Thủy đã tăng xấp xỉ 20kg sau 6 tháng. Cô tâm sự: “Là VĐV thể thao, tôi không có sự lựa chọn, HLV nói đánh ở hạng nào thì VĐV phải thực hiện như vậy, còn không rất khó có cơ hội tranh huy chương. Để chuẩn bị cho SEA Games 30, từ đầu năm 2019, tôi và đội tuyển đã bước vào quá trình chuẩn bị chuyên môn. Việc tăng cân của tôi diễn ra trong 6-7 tháng, đến khi thi đấu tôi đạt được cân nặng 96kg. Ở hạng cân tôi đánh là trên 70kg, ban tổ chức không giới hạn cân nặng, nên VĐV nào càng nặng thì lực đánh càng mạnh và ưu thế càng lớn. Tôi đã tăng gần 20kg và giành được HCV đầu tiên trong sự nghiệp ở đấu trường SEA Games”. So với những bức ảnh của lúc 70kg, Thanh Thủy đã đổi khác rất nhiều. Cô chia sẻ: “Do cân nặng thay đổi liên tục, tôi phải mua rất nhiều quần áo, vì đồ của tháng này đến tháng sau đã không mặc được. Tăng cân cũng khiến cơ thể nặng nề, tập luyện chậm chạp và rất xấu, nhưng vì mục tiêu giành HCV, tôi chấp nhận”. Hạ 18kg trong 4 tháng HLV Đỗ Ngọc Hùng - trưởng bộ môn Judo Hà Nội, đồng thời là HLV trưởng đội tuyển kurash VN dự SEA Games 30 - cho biết đây không phải lần đầu Thanh Thủy thay đổi trọng lượng cơ thể đến gần 20kg. Trước đó tại Asiad 18 năm 2018 tại Indonesia, Thanh Thủy đã phải hạ 18kg để thi đấu! Ông Hùng chia sẻ: “Việc ép - tăng cân trong các môn võ là chuyện hết sức bình thường. VĐV bình thường có thể phải tăng, giảm 5-10kg để thi đấu ở hạng cân mà ban huấn luyện đã đăng ký. Để chuẩn bị cho mỗi giải đấu, trước đó vài tháng đến cả năm, ban huấn luyện và VĐV đã phải họp, trao đổi và thống nhất phương án huấn luyện, đăng ký hạng cân. Mục đích là làm sao để VĐV và đoàn thể thao VN đạt thành tích tốt nhất. Để kiểm tra cân nặng của VĐV, các VĐV phải cân hàng ngày trước và sau khi tập. Riêng trường hợp Thanh Thủy, cô phải tăng - giảm cân với biên độ rất lớn nên vô cùng vất vả. Những ngày ép cân, sau giờ tập chính, cô sẽ phải mặc ba bộ quần áo, tiếp tục tập chạy ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia nhằm ép cân. Thanh Thủy là VĐV có ý chí kiên cường hiếm có, nhưng ngay cả như vậy, người làm HLV như tôi cũng thấy rất xót xa”. Là cô gái cao ráo và có khuôn mặt xinh đẹp, việc tăng cân đã ảnh hưởng nhiều đến nhan sắc của Thanh Thủy. Thanh Thủy cho biết tăng cân dù béo ra nhưng vẫn dễ hơn rất nhiều với việc phải giảm gần 20kg trong 4 tháng. Nhà vô địch 96 kg Thanh Thủy đang nỗ lực tìm lại sự thon thả, xinh đẹp của ngày xưa. Ảnh: NVCC-Quý Lượng Cô chia sẻ: “Giai đoạn ép cân chuẩn bị cho Asiad 18, buổi sáng tôi được ăn uống bình thường và sau đó tập rất nặng. Buổi trưa tôi chỉ ăn rau và vài miếng thịt, rồi chiều tiếp tục tập nặng. Tối đến tôi phải nhịn hoặc chỉ uống thuốc giảm cân và tiếp tục mặc ba bộ quần áo để chạy bộ khoảng một tiếng. Những buổi tập nặng đó, tôi có thể giảm đến 2kg/ngày. Tuy nhiên để ép được bấy nhiêu cân nặng là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, ngày nào chạy ép cân tôi cũng vừa chạy vừa khóc vì cực nhọc, chán nản. Những cân cuối cùng là khó nhất, không thể nào xuống được, dù có khi chỉ còn 0,5-1kg. Thế nhưng thay vì nhịn ăn, không có sức tập, tôi cho phép mình ăn một chút rồi tiếp tục tập thật nặng. Đến giờ, nghĩ tới việc ép cân, tôi vẫn vô cùng sợ hãi”. Thích kinh doanh nhưng quyết không mở quán ăn! Sau khi SEA Games 30 kết thúc, các đội tuyển quốc gia tạm thời giải tán và VĐV được trở về địa phương. Đa số đang thảnh thơi chuẩn bị đón tết. Nhưng riêng Thanh Thủy thì tiếp tục bước vào quá trình ép cân gian khổ. Cô cho biết mục tiêu của mình từ giờ đến khi nghỉ Tết Nguyên đán là phải giảm 10kg. Thanh Thủy chia sẻ: “Năm 2020 không có đại hội thể thao nào lớn cho kurash nên tôi chưa có kế hoạch tăng hay giảm cân để thi đấu. Dù vậy, tôi cũng chủ động phải giảm cân để cơ thể bớt nặng nề, lấy lại nhan sắc. Giảm dần dần sẽ đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe, đỡ sợ hơn là trong 5-6 tháng phải giảm 18-20kg”. Nói về mơ ước trong tương lai, Thanh Thủy nói cô mong giành huy chương Asiad để sau này có tiền mở một cửa hàng kinh doanh. Bố mẹ ly hôn, Thanh Thủy ở với bố và ông có một cửa hàng bún cá ở Hà Nội. Thanh Thủy nói sau khi giải nghệ, cô mơ ước có thể mở một cửa hàng để kinh doanh nhưng nhất định không bán đồ ăn vì… sợ không kiềm chế được tính thích ăn, dẫn đến việc tăng cân!■ Đến thời điểm ngày 24-12, Thanh Thủy cho biết cô, cũng như nhiều thành viên khác của đoàn thể thao VN, mới nhận được 25 triệu đồng tiền thưởng nóng của Ủy ban Olympic VN cho tấm HCV SEA Games. Số tiền thưởng còn lại theo quy định của Nhà nước là 45 triệu đồng/HCV từ Tổng cục Thể dục thể thao và 55 triệu đồng/HCV của UBND TP Hà Nội, Thanh Thủy chưa nhận được. Cô cho biết hi vọng sẽ nhận được tiền thưởng trước Tết Nguyên đán để có tiền tiêu tết. Con số 125 triệu đồng tiền thưởng cho HCV SEA Games có thể không đáng là bao so với những hi sinh cô đã trải qua, nhưng vẫn sẽ là một sự động viên lớn nếu biết rằng mức lương hằng tháng của cô hiện chỉ là 7 triệu đồng. Tags: Sách trong tủ kínhTăng cânThanh ThủyÉp cânKurass
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?