Tháo mác thao túng tiền tệ, gỡ nút thắt thương mại

NHẬT ĐĂNG 27/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Bằng việc tháo mác “thao túng tiền tệ” với Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ đã tạo thời cơ để hai nước gỡ những nút thắt về vấn đề thương mại.

Trong báo cáo cập nhật tháng 4-2021 gửi Quốc hội Mỹ ngày 16-4, Bộ Tài chính nước này đã rút tên Việt Nam và Thụy Sĩ khỏi danh sách quốc gia “thao túng tiền tệ”, sau khi đánh giá không đủ căn cứ xác định Việt Nam và Thụy Sĩ có chính sách tác động lên tỉ giá hối đoái nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là người có quan điểm cởi mở về thương mại hơn so với chính quyền cũ. Ảnh: ft.com

 

Kết quả hợp lý

Các phân tích trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ dựa trên Mục 3001-3006 của Đạo luật cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus 1988, và Mục 701-702 của Đạo luật xúc tiến và thực thi thương mại 2015.

Đạo luật 1988 yêu cầu Bộ Tài chính xem xét liệu một nền kinh tế có tác động lên giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng hay không. Cụ thể trong trường hợp này, Mỹ xem xét liệu Việt Nam có cố ý định giá thấp đồng tiền so với đồng đôla Mỹ (USD) để dễ dàng xuất khẩu sang Mỹ hơn hay không. Nếu có, hành động này được cho là “thao túng tiền tệ”, gây tổn hại cho doanh nghiệp Mỹ.

Để trả lời câu hỏi này, Bộ Tài chính Mỹ sử dụng ba tiêu chí trong Đạo luật 2015, gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong một giai đoạn 12 tháng tương đương ít nhất 2% GDP.

Vào tháng 12-2020, báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại chính của Mỹ” đã dán mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam và Thụy Sĩ vì vi phạm ba tiêu chí nêu trên. 

Đây là kết quả nhận định trong bốn quý tính tới tháng 6-2020. Điều này dẫn tới một “tiến trình phân tích sâu” (enhanced analysis) để Bộ Tài chính Mỹ đánh giá lần nữa về khả năng Việt Nam và Thụy Sĩ có thao túng tiền tệ không.

Báo cáo cho hay vào đầu năm 2021, Bộ Tài chính Mỹ đã tiến hành hợp tác phân tích sâu với cơ quan chức năng Việt Nam để hiểu thêm về nguyên nhân đằng sau các chính sách tiền tệ Việt Nam trong giai đoạn bốn quý tính tới hết năm 2020. Kết quả tới ngày 16-4, Bộ Tài chính Mỹ ra báo cáo cập nhật tháng 4 xác định không đủ căn cứ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ.

Đây được xem là kết quả tích cực và hợp lý với các nỗ lực làm việc sâu sát, minh bạch của Việt Nam với phía Mỹ trong thời gian qua. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17-4 khẳng định đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao, khẳng định việc điều hành tỉ giá những năm qua không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng, mà chỉ nhắm tới kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo tháng 4 của Bộ Tài chính Mỹ cũng nhìn nhận dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế toàn cầu và tác động không nhỏ tới chính sách của các nước, bao gồm vấn đề dự trữ ngoại tệ, điều chỉnh tỉ giá, và các gói hỗ trợ - kích thích kinh tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giáo sư David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới (Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard), cho rằng nếu Việt Nam in tiền và sử dụng đồng tiền nhằm ứng phó thiên tai, dịch bệnh như COVID-19, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn và giảm thặng dư thương mại.

“Điều này sẽ làm giảm khả năng và nhu cầu can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua USD và bổ sung vào dự trữ ngoại tệ. Vì vậy, các gói ngân sách ứng phó tác động COVID-19 của Việt Nam sẽ đóng góp vào việc thay đổi quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ về vấn đề thao túng tiền tệ”, ông Dapice nói.

Sau “tháo” là “gỡ”

Kết luận của Bộ Tài chính Mỹ giải phóng áp lực và cũng là tín hiệu tích cực với quan hệ thương mại Việt - Mỹ, tạo điều kiện cho những đối thoại và phối hợp sâu sát hơn trong tương lai.

Trước mắt, đây là bước đi mang lại lợi ích cho cả hai phía. Giáo sư Dapice, người từng tham gia buổi điều trần về cuộc điều tra vấn đề gỗ và tiền tệ của Việt Nam theo Mục 301 năm 2020, nhận xét rằng yếu tố chính trị cũng góp phần vào quyết định tháo mác thao túng tiền tệ từ phía Mỹ.

“Tôi cho rằng năm 2020 quá điên rồ, và chính quyền ông Biden quyết định để mọi thứ lắng xuống, đồng thời quan sát các diễn biến xoay quanh ba tiêu chí, và xem xét liệu có phương án nào để giải quyết câu chuyện can thiệp tiền tệ hay không. 

Cũng có thể có yếu tố chính trị trong quyết định này, tôi không biết, nhưng rõ ràng một nhóm nước có mối quan tâm tới hành vi của Trung Quốc có thể kiên nhẫn với nhau”, giáo sư Dapice nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Tuy nhiên sắp tới vẫn là giai đoạn Việt Nam cần cẩn trọng trong chính sách tiền tệ, thương mại, và làm việc sâu sát cùng Mỹ để xử lý các quan ngại phát sinh. 

Bên cạnh minh bạch về chính sách tiền tệ, việc tham vấn liên tục với Mỹ để giảm thặng dư thương mại cũng cần tính tới. Năm 2020, thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ đã lên mức 70 tỉ USD, mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 19,5%.■

“Trên tinh thần coi trọng quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ, một trụ cột của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, Việt Nam sẽ duy trì đối thoại và tham vấn xây dựng với phía Mỹ về vấn đề này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận