Thấp bé nhẹ cân? Có sao đâu!

TRƯỜNG HUY 29/07/2023 17:02 GMT+7

TTCT - 32 đội tuyển dự VCK World Cup nữ 2023 đã xuất trận. Những đội bóng có chiến thắng đậm đà ngay trận đầu là Brazil, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản.

32 đội tuyển dự VCK World Cup nữ 2023 đã xuất trận. Những đội bóng có chiến thắng đậm đà ngay trận đầu là Brazil, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản. Trong số này, gây ấn tượng mạnh nhất với tôi chính là các cô gái Nhật, với thể hình khá là mình hạc xương mai.

Huỳnh Như và đội trưởng tuyển Mỹ Lindsey Horan (phải). Ảnh cắt từ clip

Huỳnh Như và đội trưởng tuyển Mỹ Lindsey Horan (phải). Ảnh cắt từ clip

Phút 37 trận Mỹ - Việt Nam, từ giữa sân, Thu Thảo chuyền bóng cho Huỳnh Như. Đội trưởng của tuyển Việt Nam nhận bóng trong tư thế quay lưng về phía khung thành tuyển Mỹ. Cô chặn bóng bằng lòng bàn chân phải, rồi rê nó qua một nhịp phía trái, hướng ra biên. 

Đoán ý đồ của Như là sẽ dốc bóng dọc biên phải để tạt vào, tiền vệ đội trưởng tuyển Mỹ Lindsey Horan lao đến từ phía sau. Như lập tức dùng má ngoài chân phải ngoặt bóng qua phải 180 độ, thế là Horan, cao 1m75 và nặng 75kg, lỡ trớn, như một chiếc xe tăng chổng xích lên trời!

Từ pha bóng của Huỳnh Như

Huỳnh Như thấp hơn Horan 17cm, nhẹ hơn 10kg và "già" hơn 3 tuổi. Đó cũng chính là tình huống mà tôi ấn tượng nhất trong trận nữ Việt Nam thua Mỹ 3 bàn, chứ không phải cú đỡ phạt đền của Kim Thanh. Tại sao? 

Kim Thanh hay, điều đó không phải bàn; nhưng cũng có may, khi Alex Morgan sút nhẹ và quá đơn giản. Trong khi đó, tình huống của Huỳnh Như "bẻ lưng" Horan khiến tôi nghĩ đến cả một chiến lược cho bóng đá nữ Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung: Làm sao để thấp bé nhẹ cân vẫn chiến thắng được các đối thủ cao lớn?

Dĩ nhiên, chỉ với một số môn thôi, chứ những môn mà chiều cao chiếm ưu thế quá lớn kiểu bóng chuyền hay bóng rổ thì đành chịu! Vì Thanh Thúy có kỹ thuật đến mấy, nhưng nếu không có chiều cao 1m93 thì cũng không thể trở thành tay đập chủ lực như hiện nay của bóng chuyền nữ Việt Nam.

Trở lại với câu chuyện bóng đá, Johan Cruyff là một nhân vật rất dị ứng với kiểu bóng đá chiếm ưu thế bằng cơ bắp. Chính vì thế, ông đã cùng lò La Masia (Barcelona) gầy dựng nên lối chơi dành cho những người thấp bé nhẹ cân để khắc chế các đối thủ cao lớn. 

Lối chơi đó là di chuyển liên tục, đập nhả bóng trong phạm vi hẹp để "bẻ lưng" đối thủ. Chính lối chơi đó đã khiến một nhà báo Tây Ban Nha liên tưởng đến cái tiếng của đồng hồ quả lắc, và từ đó cái tên tiqui-taca ra đời. Những cầu thủ thấp bé nhẹ cân như Xavi, Iniesta, Messi… đã đưa Barcelona (và cả tuyển Tây Ban Nha) lên ngôi số 1 thế giới.

Người Nhật xem ra đã lĩnh hội và áp dụng khá thành công chuyện này, bằng chứng là đội hình thấp bé nhẹ cân của họ đã quật ngã Mỹ tại chung kết nữ World Cup 1995. 

Gần đây, chúng ta cũng thấy U17 Nhật Bản mỏng manh như lá lúa, nhưng đã quật ngã những người khổng lồ như Iran tại giải châu Á thế nào. Hay màn ra quân tại World Cup nữ 2023 thắng đậm Zambia 5 bàn cũng bằng lối chơi uyển chuyển, di chuyển và đập nhả bóng liên tục.

Từ gốc đến ngọn

Tại sao thể thao Việt Nam không áp dụng triết lý đó để phát triển?

Có một căn bệnh tồn tại dai dẳng ở thể thao Việt Nam hàng chục năm qua, đó là hệ thống HLV các cấp, từ nhỏ đến lớn, từ phong trào đến đỉnh cao, đều mạnh ai nấy huấn luyện theo kinh nghiệm bản thân là chính. Ở lứa nhập môn dạy một kiểu, lên năng khiếu nâng cao dạy một kiểu, và đến đỉnh cao lại phải uốn nắn những điều cơ bản là chuyện thường ngày!

Chúng ta từng có một Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức khởi đầu hết sức bài bản bằng HLV Guillaume, người uốn những búp măng Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Thanh… Nhưng lẽ ra khi đến tầm 17 tuổi, lứa này phải được "lên lớp" cho những ông thầy khác phù hợp hơn, thì ở đây Guillaume vẫn cứ phải đi theo cho đến khi dự V-League. 

Chính vì thế, lứa cầu thủ này có kỹ thuật cơ bản rất ổn, nhưng lại quá sức hồn nhiên, khi lớn lên vẫn còn giữ cung cách bóng đá thời năng khiếu.

Mới đây, khi trò chuyện với cựu danh thủ bóng bàn Việt Nam Vũ Mạnh Cường, tôi đề nghị anh phân tích tại sao bóng bàn Việt Nam không phát triển đỉnh cao, dù trong lịch sử chúng ta đã có những con người ở đỉnh cao thế giới? Mạnh Cường trả lời: Bệnh của bóng bàn cũng là bệnh chung của thể thao Việt Nam, đó là không có được hệ thống đào tạo bài bản, khoa học từ thấp đến cao!

Thật ra, nói lý thuyết thì dễ, nhưng muốn thay đổi vô cùng khó, khi mà ai cũng biết hệ thống giáo dục, đào tạo trong thể thao cũng rối beng, dù đầy rẫy thạc sĩ, tiến sĩ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận