"Thất bại" của ông Troussier

NGUYỄN NGUYÊN 26/01/2024 07:57 GMT+7

TTCT - Ấn tượng trong 90 phút với đương kim á quân Asian Cup Nhật Bản, nhưng trận thua trước Indonesia lại lộ ra nhiều mặt trái.

Nhiều người quy đó là "thất bại" của ông Troussier trước đối thủ mà suốt năm năm qua chưa bao giờ thắng được Việt Nam.

Đội trưởng Đỗ Hùng Dũng chơi tốt trong trận gặp Nhật Bản nhưng lại không được ra sân khi gặp Indonesia, đó là điều khó hiểu nhất về HLV Troussier. Ảnh: Hoàng Tuấn

Đội trưởng Đỗ Hùng Dũng chơi tốt trong trận gặp Nhật Bản nhưng lại không được ra sân khi gặp Indonesia, đó là điều khó hiểu nhất về HLV Troussier. Ảnh: Hoàng Tuấn

Hai chữ thất bại trong ngoặc kép ở tựa bài báo cũng giống với lời tự thú của cố HLV Alfred Riedl khi đứng mục "Góc nhìn Alfred Riedl" đăng nhiều kỳ trên một tờ báo chuyên về thể thao kể lại việc ông "thất bại" trong những ngày đầu mang chất chuyên nghiệp áp vào đội tuyển Việt Nam.

Sau đỉnh cao Park Hang Seo

Ông Philippe Troussier chính thức làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam từ 1-3-2023, nhưng chiến lược gia người Pháp đã gắn bó với bóng đá Việt Nam từ năm 2018 với vai trò giám đốc kỹ thuật cho Trung tâm đào tạo trẻ PVF.

Ông Troussier đến với bóng đá Việt Nam chỉ sau ông Park Hang Seo vài tháng, đủ để HLV người Pháp chứng kiến tất cả những thành công của HLV người Hàn Quốc. Thậm chí hai ông Troussier và Park cũng đã không ít lần ngồi với nhau nói chuyện về bóng đá Việt Nam, dù hai người thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau.

Ông Park rất thực tế với những bản hợp đồng ngắn kèm từng năm gia hạn và chắc chắn là liên quan đến thành tích. Ông hiểu nếu không có thành tích thì sẽ không có chuyện tiếp tục gắn bó với nhau. 

Và ông đã gom tất cả những phần đỉnh của một nền bóng đá với một thế hệ vàng nổi bật là các lò Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel, PVF. Phần đỉnh đủ để đi trọn một chu kỳ năm năm và gặt hái biết bao thành tích ứng với sự thực tế của ông.

Sau năm năm của ông Park và cũng là một chu kỳ của thế hệ vàng đã qua ngưỡng đỉnh, ông chủ động chia tay và cũng không gặp phải sự níu kéo từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), vốn đã có thành tích và muốn làm mới, gặt hái những điều mới.

Người mới được lựa chọn là ông Troussier sau những thương thảo, cân nhắc, trong đó cái đích lớn là vòng chung kết World Cup 2026, tức phải hơn những gì ông Park đã kéo lên đến thu hoạch cao nhất là top 100 thế giới và vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á.

Ông Troussier bắt tay vào xây một thế hệ mới gồm nhiều cầu thủ ông đã nhào nặn ở lò PVF, chứ nhất quyết không kế thừa phần sau đỉnh ở cuối chu kỳ của ông Park. 

Cái lý của ông Troussier đưa ra là tính xa cho mục tiêu vòng chung kết World Cup 2026 thì phải là thế hệ mới cả về cách chơi lẫn tư duy, dựa trên kinh nghiệm đã thành công với bóng đá Nhật Bản 24 năm trước của ông. 

Ông cũng không chấp nhận thứ bóng đá rình rập chờ đối thủ sơ hở như ông Park, mà muốn phải đi lên từ bóng đá tấn công, lối chơi chủ động và kiểm soát được tình huống.

Cũ người, mới ta và bản thu hoạch 24 năm của người Nhật

Nói Việt Nam đi sau bóng đá Nhật Bản 24 năm thì khó biết đúng sai, nhưng nói những nhà điều hành bóng đá Việt Nam muốn thành công như Nhật Bản hơn hai thập niên trước thì có lẽ hợp lý. 

Tất nhiên để được như Nhật Bản thì không phải cứ bê nguyên HLV từng giúp Nhật thành công là đủ, mà phải là nền tảng với những chất liệu đáp ứng được thay đổi. Điều mà HLV Riedl từng trải nghiệm đầy đủ với bóng đá Việt Nam có lẽ đến giờ vẫn không thừa với ông Troussier.

Ông Riedl từng thú nhận qua những bài báo ở mục "Góc nhìn Alfred Riedl": "Tôi đã thất bại khi muốn các tuyển thủ Việt Nam phải thực hiện trong một môi trường chuyên nghiệp trên đội tuyển khác xa với những gì họ sống ở CLB". 

Ông Riedl kể cả câu chuyện ở Tiger Cup 1998 ông đã gặp phản ứng của chính các cầu thủ than thở rằng họ không thể đá với cặp trung vệ giăng ngang khi mà tất cả các CLB Việt Nam đều quen với lối chơi có trung vệ thòng. 

Cuối cùng ông Riedl buộc phải thay đổi sau khi tham khảo với trợ lý Phạm Huỳnh Tam Lang. Ông cho rằng mình đã thất bại khi đưa cái mới lệch pha rất nhiều so với thói quen và sự cũ kỹ của cả một nền bóng đá.

Trở lại với HLV Troussier, sau trận thua Indonesia, ông thầy người Pháp đã đứng trước làn sóng chỉ trích rất mạnh về sự thay đổi, sự trẻ hóa và quyết tâm bỏ lại phía sau di sản của người tiền nhiệm Park Hang Seo.

Dư luận không sai trước những phần nổi của một trận đấu. Khi mà sự xuất hiện của Vũ Văn Thanh dù rất ngắn nhưng đủ để đọng lại một cú sút nguy hiểm nhất khiến thủ môn Indonesia phải vất vả cứu thua; hay 90 phút trước đó của đội trưởng Đỗ Hùng Dũng trong trận đấu rất hay với Nhật Bản thể hiện được vai trò thủ lĩnh, đồng thời kết nối được với các cầu thủ trẻ thì trận gặp Indonesia lại không một phút ra sân. 

Dư luận cũng không sai với kiểu hâm mộ cuồng nhiệt và yêu chiến thắng như lời ông Park từng nhận xét, nên khi thua một đối thủ mà năm năm chưa biết thắng, khó trách người hâm mộ nghĩ ngay đến một thế hệ và một HLV từng làm mưa làm gió đến mức gần như khiến thầy trò ông Shin Tae Yong bị ám ảnh.

Thành công ở Nhật, thất bại ở Qatar, Việt Nam thì sao?

Trong bóng đá, để đi đến đích không phải lúc nào cũng phải chiều theo dư luận, theo những nhà chuyên môn, nhưng cũng không thể bỏ ngoài tai tất cả và đặt họ vào thế đối đầu. 

Con số 80% cộng đồng mạng không ủng hộ không biết ông Troussier lấy từ đâu, nhưng thốt ra điều đấy trước một giải đấu thì rõ ràng ông đang tự làm khó mình và muốn tách cầu thủ thứ 11 trong sơ đồ phát triển của FIFA ra.

Trong bóng đá đúng là không nên so sánh hai HLV ở hai thời điểm khác nhau, nhưng khi thua một đối thủ từng dưới cơ ta thì hoàn toàn có thể đặt câu hỏi tại sao thua? Thua vì ta kém đi hay bởi đối thủ tiến bộ quá nhanh?

Trong bóng đá càng không thể suy nghĩ rằng thành công trong trẻ hóa ở quốc gia này thì sẽ thu hoạch tương tự ở quốc gia khác. Bởi với suy nghĩ giản đơn như thế thì Qatar đâu có sa thải ông Troussier sớm sau khi ông rời Nhật Bản về với quốc gia này.

Ông Troussier là người đã thay đổi rất nhiều bóng đá Nhật Bản, nhưng nền tảng để ông bắt đầu làm mới bóng đá quốc gia này thì người Nhật đã thực hiện từ chục năm trước, lúc họ bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp từ năm 1990.

Với bóng đá Việt Nam, việc ông Troussier tin dùng thế hệ trẻ, đặc biệt là những cầu thủ trưởng thành từ lò PVF mà ông có thời gian làm giám đốc kỹ thuật xét cho cùng chỉ là phần ngọn của một trung tâm đào tạo đầu tư rất lớn nhưng giờ cũng "sang" cho đơn vị khác quản lý rồi. Nó khác hẳn cách làm đồng bộ của bóng đá Nhật trước khi mời ông Troussier về.

Thế nên trách nhiệm của những thất bại với bóng đá Việt Nam, ông Troussier có phần nhưng VFF còn có phần nhiều hơn. Họ cần nhiều phương án hỗ trợ thay vì khoán hết cho HLV người Pháp, rồi chờ hoàn thành chỉ tiêu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận