TTCT - Những ngày cuối tháng 11, khi Trường viết văn Nguyễn Du (nay là khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học trường Đại học Văn hóa Hà Nội) kỷ niệm 30 năm thành lập, đoàn nhà văn Nga của Trường đại học văn chương mang tên A.M.Gorki đã đến Hà Nội chung vui với các đồng nghiệp VN. Phóng to B.N.Tarasov - Ảnh: Cù Zap Dịp này, TTCT đã có cuộc trao đổi với ông B.N.Tarasov - hiệu trưởng và ông V.P.SMIRNOV - chủ nhiệm bộ môn văn học đương đại của trường Gorki. Nối lại tình cảm và sự tin cậy lẫn nhau * Thưa hai ông, sau vài ngày ngắn ngủi tại VN, các ông có cảm nhận gì về đất nước này và về cuộc sống nơi đây? - B.N.Tarasov: Đây là lần đầu tiên tôi đến VN. Sau những ngày ở Hà Nội, tôi có cảm tưởng chung đây là một thành phố hiện đại nhưng vẫn có những nét rất riêng của nó. Trước khi đến đây tôi cứ nghĩ VN có gì đó giống Hàn Quốc hoặc mang đôi nét của Singapore chẳng hạn, nghĩa là hình dung về VN, về Hà Nội của tôi rất nhạt nhòa. Bây giờ tôi đã biết rồi. Hà Nội là hồ Gươm, là Văn Miếu Quốc Tử Giám với những câu chuyện lịch sử sâu sắc. Hà Nội còn là những đường phố rất đông người khiến chúng tôi, thú thật, ban đầu cũng hơi hoảng một chút... - V.P.Smirnov: Năm 1987 tôi từng sang giảng dạy ở Trường viết văn Nguyễn Du. Giờ đây, cuộc sống ở Hà Nội đã khác rất nhiều. Con người có vẻ khẩn trương hơn, nhưng tình cảm giữa người và người vẫn giữ được những nét hồn hậu như trước. Tôi đã dùng từ “tovarish” để thể hiện mức độ tình cảm ấy. Đó là một từ đặc biệt: “đồng chí” - trong đó có tất cả: tình bạn, tình anh em, sự tin cậy, gần gũi. Từ này trong văn học Nga người ta đã dùng rất lâu rồi, chứ không phải chỉ từ thời Xô viết. Qua những cuộc trao đổi văn học giữa chúng tôi và các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình VN, tôi cảm nhận được sự quan tâm cụ thể, sâu sắc của các bạn đối với văn học nói chung và văn học Nga nói riêng. Rất vui là có nhiều người say mê văn học Nga, văn hóa Nga. Hi vọng tới đây chúng tôi được đón nhiều học viên VN sang học tập tại Trường Gorki. * Trong chuyến đi này của hai ông, giữa hai trường đã có ký kết gì về vấn đề hợp tác song phương trong thời gian tới? - B.N.Tarasov: Vào những năm 1970, trường chúng tôi và Trường viết văn Nguyễn Du từng trao đổi các đoàn đại biểu, giảng viên và học viên, từng có mối liên hệ gắn bó trong hợp tác đào tạo. Nay chúng tôi chỉ nối lại mối liên hệ đã bị gián đoạn ấy kể từ thập niên 1990 đến nay. Cả hai bên đã thống nhất được bốn nội dung hợp tác trong tương lai rất gần, trong đó có hai nội dung cụ thể quan trọng là gửi học viên của khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học ĐH Văn hóa Hà Nội sang Trường Gorki học tập và tiến hành thành lập lớp (bộ môn) tiếng Nga tại khoa, làm nền tảng cho việc học tập về dịch thuật văn học Nga trong tương lai. * Như hai ông đã nói, bạn đọc VN có mối quan tâm sâu sắc tới văn học Nga không chỉ của những năm tháng qua. Các ông có thể phác họa sơ nét nhà văn Nga giờ đây đang viết gì, nghĩ gì, quan tâm điều gì? - B.N.Tarasov: Đây là một câu hỏi khó. Cuộc sống bây giờ đa chiều, biết bao vấn đề người cầm bút có thể quan tâm. Ngoài ra, chính cuộc sống cũng gây cho người viết sự lúng túng. Viết cái gì khi xung quanh là những câu chuyện về kinh tế thị trường, là tính toán lời lãi, là cuộc sống hướng đến vật chất nhiều hơn. Văn chương cũng không thoát khỏi sự phân cấp. Nhiều người viết chạy theo những đề tài “thị trường” ấy, và nhiều người đã trở thành nhà văn rất ăn khách hiện nay. Tác phẩm của họ được kết hợp các chiêu PR, quảng cáo rồi phim truyền hình, màn ảnh hóa các tác phẩm ấy... Thế nhưng những tên tuổi lớn, những tác giả khiến ta phải quan tâm như một hiện tượng đặc biệt thì không có. - V.P.Smirnov: Rất nhiều tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết trinh thám dễ đọc, dễ quên... Tôi không nói những tác phẩm ấy là xấu, nhưng tiếc thay chưa có những tác phẩm xứng tầm với những người đi trước. * Có không những cách tân trong văn chương, thơ ca, thưa hai ông? - B.N.Tarasov: Đây đó cũng có những manh nha cách tân trong sáng tác, chưa thành trường phái, khuynh hướng cụ thể nhưng có những tác giả muốn viết khác cách viết truyền thống. Đó cũng là điều tốt nhưng chưa có kết quả rõ nét. - V.P.Smirnov: Tôi cho rằng cách tân, sáng tạo là cần thiết, nhưng những người làm điều đó phải là các nhà tiên phong trong văn học. Chứ như những gì chúng tôi đang thấy ở cuộc sống văn học Nga đương đại, trong những cái gọi là cách tân thì chưa có hiện tượng tiên phong như thế. Dù cách tân thế nào người viết cũng phải là một người làm nghệ thuật thực thụ, nghĩa là họ phải truyền tải trong tác phẩm của mình những tình cảm rất người, những đau khổ, vui sướng của con người. Điều này tôi chưa thấy. Nay người ta kêu to lên một từ, chẳng hạn “Công an!”, và cũng gọi đó là thơ! Hoặc thậm chí cải biên cách đọc Evgheni Oneghin, biến trường ca của Pushkin thành một kiểu tiếng vo ve của ruồi muỗi và gọi đó là cách tân về hình thức! Thật không chấp nhận nổi. Bi kịch một thời lại là chất liệu tuyệt vời Phóng to V.P.Smirnov - Ảnh: Cù Zap* Như vậy chẳng lẽ các ông cho rằng nhà văn Nga bây giờ sống và viết khó hơn các nhà văn Nga thời trước, như thời Xô viết chẳng hạn? Thời bây giờ cuộc sống không dễ chịu hơn sao? - B.N.Tarasov: Đúng vậy. Thời trước cuộc sống còn khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều, nhưng chính quá trình vượt qua những khó khăn, thậm chí là những đau khổ, những bi kịch của một thời lại là chất liệu tuyệt vời cho quá trình sáng tạo của nhà văn. Từ đó mới có thể ra đời những tác phẩm có giá trị. - V.P.Smirnov: Tôi cho rằng những “thế kỷ vàng, thế kỷ bạc” trong văn học Nga có được là do nhà văn cùng dân tộc trải nghiệm những nỗi đau: cái đói, cái rét, cái chết, con người phải lưu vong... Tất cả những điều ấy, nói như Gertsen, đều mang ý nghĩa văn học nghệ thuật. Bây giờ, nhà văn đôi khi viết để ca ngợi việc một người đã kiếm tiền được nhiều hơn, hay tả quá trình tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại bằng văn phong thô nhám, nhầy nhụa. Những cái đó không làm cho văn học sống được. Tất nhiên đó là ý kiến của cá nhân tôi. * Đã có rất nhiều trường hợp nhà văn, nhà thơ Nga chủ động rời bỏ cuộc đời, đến với cái chết, trong quá khứ cũng như ở hiện đại. Có những người trẻ có chút tên tuổi cũng đã tự tử như Ryzhi, Turbina... Các ông giải thích hiện tượng này như thế nào? Có phải do những ức chế từ phía thể chế, xã hội hay còn nguyên nhân nào khác? - B.N.Tarasov: Nhà văn, nhà thơ vốn là những người phải chịu áp lực rất lớn, không chỉ từ bên ngoài, từ xã hội, thể chế... mà lớn hơn cả là áp lực từ chính bản thân mình. Những áp lực nội tâm. Không được viết sự thật, hoặc không viết được sự thật đều có thể là những nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhà văn. Ở thời nào cũng thế. Riêng với những hiện tượng các nhà thơ trẻ của Nga gần đây tự tử, theo tôi, cũng là một hiện tượng xã hội. Họ hoặc là không tìm được ý nghĩa cuộc sống, hoặc là cực đoan với chính thơ ca và bản thân mình (như trường hợp Ryzhi). * Các ông dạy gì cho sinh viên của Trường đại học Văn chương Gorki trong bối cảnh này? Quan điểm về đào tạo của thời Xô viết có còn được áp dụng và có còn hợp lý đối với thời bây giờ? - B.N.Tarasov: Về cơ bản, triết lý giáo dục, quan niệm đào tạo của trường qua những thời kỳ không mấy thay đổi. Việc của chúng tôi là tạo cho sinh viên một môi trường tri thức tốt, cho họ một kiến thức nền vững chắc về văn hóa, triết học, xã hội... để họ có điều kiện phát triển tài năng của mình, nếu thật sự họ có tài. Như tôi có nói trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm Trường viết văn Nguyễn Du, tôi rất tâm đắc với câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” được ghi trên văn bia của Văn Miếu các bạn. Và sứ mệnh của các trường đại học nói chung, đặc biệt là trường đại học văn chương, là phải giữ và phát triển được “nguyên khí” ấy. Cho dù hiện nay giới trẻ thực dụng hơn nhiều, điều ấy dễ hiểu, nhưng những bạn trẻ theo học ở trường chúng tôi đều rất đặc biệt. Họ là những tài năng của đất nước. Không thế, họ không chọn trường này, không chọn nghiệp này. Trường có nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh lẻ (có thể nói họ chiếm nửa số học viên của trường). Chúng tôi đã chủ động liên hệ với những vùng xa để tìm kiếm sinh viên có năng lực văn học rồi tổ chức các cuộc thi tuyển tại chỗ. Nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của một trường gọi là đại học văn chương, hoặc nhiều người không tự tin vào bản thân. Nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện ra họ, động viên và hỗ trợ họ phát triển tài năng của mình. * Xin cảm ơn hai ông. Nhân đây xin được chúc mừng nhà văn B.N. Tarasov nhân dịp ông được trao tặng giải thưởng Bunin cao quý năm 2009. Giáo sư - tiến sĩ ngôn ngữ học Boris Nikolaevich Tarasov (sinh năm 1947), nhà văn, nhà triết học, nhà chính luận, nhà phê bình văn học, hội viên Hội Nhà văn Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc tế (IAS), hiệu trưởng Trường ĐH Văn chương Gorki từ năm 2006. Tác phẩm: Paskal, Chaadaev trong loạt sách về Cuộc đời của những con người tuyệt vời, Chaadaev không được đọc, Dostoevski không được nghe... N hững tác phẩm của B.N.Tarasov hướng sự chú ý của độc giả đến bối cảnh lịch sử đã sản sinh ra những nhân vật vĩ đại và vai trò của từng nhân vật ấy trong lịch sử phát triển nền văn hóa thế giới. Mới đây ông được trao tặng giải thưởng văn học toàn Nga mang tên Bunin năm 2009 vì sự đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà. Giáo sư - phó tiến sĩ ngôn ngữ học Vladimir Pavlovich Smirnov (1941), nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Nga, thành viên hội đồng thư ký Hội Nhà văn Nga, chủ nhiệm bộ môn văn học Nga đương đại Trường ĐH Văn chương Gorki. Giải thưởng Hội Nhà văn Nga năm 1998, giải thưởng văn học toàn Nga Bunin năm 2000, giải thưởng văn học sân khấu “Bông hoa pha lê” năm 2001, người soạn thảo và dẫn chương trình truyền hình và radio về văn học Nga thế kỷ 19-20.
Số người bị ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu tăng lên hơn 200 ĐÔNG HÀ 27/11/2024 Công an TP Vũng Tàu đang truy xuất nguồn gốc bánh mì, thịt heo, giò chả cung cấp cho một tiệm bánh mì sau khi hơn 200 người nhập viện do bị ngộ độc.
Thay vì là 'chiến thần' trên đường, tôi muốn trở thành người lái xe bình tĩnh, hòa nhã PHƯƠNG PHƯƠNG 27/11/2024 Những người dễ bị kích động cần chú trọng hơn đến việc duy trì sự cân bằng cảm xúc khi tham gia giao thông.
Lại tai nạn, tạm đóng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại nút giao quốc lộ 1 ĐỨC TRONG 27/11/2024 Đến 22h30 ngày 27-11, cảnh sát giao thông vẫn đang giải quyết hiện trường vụ tai nạn giữa 2 xe tải trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Giá vàng thế giới bật tăng trở lại ÁNH HỒNG 27/11/2024 Giá vàng thế giới tối nay 27-11 bất ngờ tăng trở lại 20 USD/ounce, có lúc chạm 2.653 USD/ounce.