TTCT - Tháng 9-2018, tờ báo nổi tiếng nước Mỹ The Washington Post sửng sốt giật tít: "Một thiếu niên Nhật Bản thực hiện 881 cú ném giao bóng chỉ trong hai tuần, liệu đây có phải sự ngược đãi?". Huyền thoại về Daisuke Matsuzaka - cựu ngôi sao của đội bóng chày Boston Red Sox và là tác giả cú ném "gyro" (con quay, bóng được ném đi vặn theo hình xoắn ốc) huyền thoại - bắt đầu từ một trận đấu xuất thần vào mùa hè năm 1998, nơi cậu đã thực hiện đến 148 lần cú ném giao bóng.Bộ truyện Captain Tsubasa đã góp phần giúp bóng đá phổ biến hơn ở Nhật Bản. Ảnh: ImdbKhông chỉ là thú vuiĐấy là một trận đấu thuộc khuôn khổ vòng 16 đội giải bóng chày các trường trung học toàn Nhật Bản, được gọi là mùa hè Koshien. Một ngày sau, Matsuzaka, khi ấy mới 17 tuổi, tiếp tục ném giao 250 lần trong 17 lượt (inning) ở trận tứ kết.Ngày thi đấu tiếp theo, cậu xuất phát ở phần sân trái ngoài (left field), nhưng cuối cùng vẫn phải đảm nhiệm vị trí ném bóng khi đội nhà bị dẫn 0-6. Đội của cậu giành 7 điểm trong hai lượt cuối để chiến thắng chung cuộc. Ở trận chung kết, Matsuzaka ném giao bóng xuất sắc đến nỗi đối thủ không vụt trả nổi quả nào, và đội của cậu lên ngôi vô địch.Điều làm The Washington Post sửng sốt là con số 500 lần ném bóng trong một giải mùa hè Koshien của một huyền thoại cỡ Matsuzaka giờ đây đã trở thành chuyện bình thường ở giải bóng chày trung học toàn quốc Nhật Bản.Masahiro Tanaka - sau này là ngôi sao của đội bóng chày chuyên nghiệp Mỹ New York Yankees - đã ném giao bóng 742 lần qua sáu trận đấu vào năm 2006, và đó vẫn chưa phải kỷ lục giải hè năm đấy. Kỷ lục thuộc về Yuki Saito, người đã ném 948 lần và được truyền thông đặt cho biệt danh "Hoàng tử khăn tay" sau khi máy quay phim truyền hình chụp được cậu lau mồ hôi bằng khăn màu xanh nhạt trong giờ nghỉ.Tại giải Koshien mùa hè năm 2018, Kosei Yoshida dẫn dắt Trường trung học Kanaashi vào trận chung kết với 881 lần ném bóng trong 50 lượt qua sáu trận đấu, tất cả trong vòng hai tuần. Con số này bị coi là vượt quá giới hạn thể chất của một thiếu niên, vốn được khuyến cáo là chỉ nên ném bóng khoảng 100 lần/ngày và cần được nghỉ ngơi bốn ngày để hồi phục.Ở Mỹ, bóng chày bắt đầu trở thành môn thể thao chuyên nghiệp vào giữa thế kỷ 19, trước khi hệ thống giải bóng chày nhà nghề Major League (MLB) hiện đại ra đời vào đầu thế kỷ 20. Suốt lịch sử, các trận đấu nghiệp dư ít khi thu hút sự chú ý, và hiện tại hoàn toàn lu mờ trước sức hấp dẫn của MLB, giải đấu có 70 triệu người hâm mộ và doanh thu hằng năm 10 tỉ USD.Ở Nhật Bản thì ngược lại. Bóng chày du nhập vào đất nước này ban đầu với tư cách một môn thể thao dành cho sinh viên, được các giáo sư người Mỹ giới thiệu vào đầu thời Minh Trị, sau khi Nhật Bản mở cửa với phương Tây vào năm 1868, kết thúc 250 năm bế quan tỏa cảng. Đây là môn thể thao tập thể đầu tiên của Nhật Bản, nó nhanh chóng giành được vị trí ngang hàng với những môn thể thao truyền thống lâu đời như kiếm đạo và sumo.Cầu trường Koshien mỗi mùa hè không thua gì bất cứ sân đấu thể thao chuyên nghiệp nào. Ảnh: WIkipediaNhật Bản đã "nội hóa" bóng chày, vốn chỉ là thú vui giải trí và giết thời gian ở Mỹ, vào văn hóa của họ, biến đó thành con đường rèn luyện thể lực, phát triển tinh thần và cả hy sinh bản thân. Theo Masaru Ikei - giáo sư Đại học Keio và là tác giả một số sách về besuboru (bóng chày, theo tiếng Nhật): "Bóng chày học đường là một phần của di sản thể thao của chúng ta... Nó đã được sử dụng làm công cụ giáo dục để truyền dạy kỷ luật, tinh thần làm việc nhóm và tính chiến đấu cho học sinh sinh viên".Giải bóng chày trung học toàn quốc, được khởi xướng năm 1915 bởi nhật báo Asahi Shimbun, lần đầu diễn ra với quy mô 10 đội tại sân vận động giờ đã thành huyền thoại Koshien (Osaka), trở thành sự kiện thể thao quan trọng bậc nhất trong nền văn hóa Nhật Bản: hàng trăm ngàn khán giả đến sân theo dõi và các trận đấu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc. Các đội bóng trung học trở thành những siêu sao đích thực mỗi mùa Koshien. Xuất hiện tại Koshien một lần sẽ là câu chuyện được kể cả đời với bất cứ ai - và nhiều trường hợp được tuyển vào các đại học danh tiếng ngay cả khi không đủ tiêu chuẩn học vấn.Sở dĩ như vậy là vì thể thao nói chung, thể thao học đường nói riêng, và hẹp hơn nữa là bóng chày đã trở thành một phần cốt lõi của hệ thống giáo dục Nhật Bản. Koshien đã trở thành thánh đường của các giá trị vô hình, như sự trung thành, ý chí và tự hào về màu áo. Nhiều vận động viên bóng chày Nhật Bản nổi tiếng hiện nay đều từng chơi ở Koshien, bao gồm cả các tượng đài như Ichiro Suzuki và Hideki Matsui.Manga và những giấc mơKhông chỉ bóng chày, thể thao học đường Nhật Bản nói chung không chỉ là các hoạt động phụ trợ trong nền thể thao, mà đã trở thành "sân khấu" chính thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng không kém gì các giải chuyên nghiệp. Các trận bóng đá và bóng rổ trung học cũng có thể thu hút hàng chục ngàn khán giả đến sân và bán được bản quyền truyền hình.Cái nôi của những giải đấu với sức cạnh tranh không kém gì thể thao chuyên nghiệp ấy là "Bukatsudō" (câu lạc bộ ngoại khóa) - đặc điểm lâu đời của giáo dục trung học Nhật Bản. Các CLB này có mô hình học tập tương tự đồng nghiệp học việc, nhấn mạnh các giá trị và hành vi được yêu cầu trong xã hội người lớn, phản ánh qua một hệ thống cấp bậc tương tự, với các học sinh đàn anh (senpai) có vai trò dẫn dắt những đàn em là học sinh mới (kōhai).Ở câu lạc bộ thể thao, các giá trị liên quan đến "rèn luyện tinh thần" (seishin kyōiku) thường được nhấn mạnh. Tham gia câu lạc bộ thúc đẩy kỷ luật của nhà trường, với các nghi thức, thói quen, sự kết nối mạnh mẽ và tinh thần tập thể. Hiểu "bukatsudō" giúp hiểu rõ hơn tinh thần kỷ luật, quan điểm với chủ nghĩa cá nhân, cũng như sự phát triển con người và học tập ở Nhật Bản.Các bộ manga (truyện tranh) nổi tiếng của Nhật Bản về thể thao đều phản ánh rất chi tiết khía cạnh này, nhưng cũng cho thấy người Nhật sẵn sàng phá bỏ các giới hạn: mô típ thường thấy sẽ là trong một câu lạc bộ đang vận hành theo lề lối cũ, với kỷ luật và sự tôn trọng dành cho các đàn anh, thì một nhân vật nổi loạn xuất hiện và giúp tập thể đang trì trệ nâng tầm.Slam Dunk, một trong những manga nổi tiếng nhất lịch sử, kể về một kẻ nổi loạn như thế: Hanamichi Sakuragi, một gã đầu gấu chỉ giỏi đánh nhau ở trường trung học, một ngày tham gia CLB bóng rổ chỉ để làm le với cô gái cậu ta thích. Dần dà, Hanamichi khám phá ra niềm đam mê thực sự dành cho môn thể thao này và quyết tâm của cậu thúc đẩy đội bóng vốn chỉ có chất lượng trung bình của mình trở thành một thế lực đáng gờm.Sự lan tỏa của văn hóa manga trong học đường nói riêng và toàn nước Nhật nói chung cũng đã góp phần tiếp thị các giải đấu thể thao học đường, tạo ra những làn sóng lớn kéo dài nhiều thập niên. Slam Dunk của tác giả Takehiko Inoue là một trong những bộ sách nổi tiếng nhất Nhật Bản, đã được dựng thành phim bốn lần và tính đến nay đã bán được hơn 157 triệu bản trên toàn thế giới. Slam Dunk cũng đã giành giải Manga Shogakukan năm 1994 và thậm chí giúp Inoue nhận bằng khen đặc biệt của Hiệp hội Bóng rổ Nhật Bản vì giúp quảng bá môn thể thao này đến với công chúng.Cũng quen thuộc không kém với độc giả nhí Việt Nam có lẽ là bộ manga Captain Tsubasa, được Yoichi Takahashi bắt tay vào vẽ vì ông quá ấn tượng với chiến thắng của Argentina tại World Cup 1978, khi mà bóng đá chưa thực sự được biết tới ở Nhật Bản. Slam Dunk có lẽ là bộ truyện tranh bóng rổ nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: SCMPLúc bấy giờ sumo và bóng chày đang chiếm ưu thế và bóng chuyền đang bắt đầu khẳng định vị thế. Nhưng kể từ năm 1981, với sự xuất hiện của Captain Tsubasa, bóng đá phát triển mạnh mẽ, biến Nhật Bản thành một cường quốc môn này ở châu Á và đang vươn mình mạnh mẽ ra thế giới.Đấy cũng là quãng thời gian manga thể thao tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản, với bóng chày trong Kyojin no Hoshi (Noboru Kawasaki), quyền Anh trong Ashita no Joe (Asaki Takamori), judo trong Tiểu thư nhu đạo (Naoki Urasawa), và kiếm đạo trong Ore wa Teppei (Tetsuya Chiba). Trong mọi bộ truyện, thể thao luôn được coi là phép ẩn dụ cho cuộc sống, thông qua đó nhân vật chính học được những bài học cơ bản cho sự phát triển cá nhân về kỷ luật, ý chí và sự hy sinh.Điểm chung xuyên suốt vẫn là thể thao học đường. Mọi nhân vật đều đi lên từ các trận đấu ở trường trung học, nơi mà quá trình rèn luyện, vươn lên và cạnh tranh phản ánh một xã hội Nhật Bản thu nhỏ - kỷ luật và thứ bậc đến hà khắc, nhưng vẫn chừa chỗ đủ để cho cái tôi xuất hiện, đi theo những giấc mơ tưởng như hão huyền, cho đến khi chúng trở thành sự thật.■ Những người chỉ trích giải Koshien mùa hè vì cho rằng nó quá khốc liệt từng đưa ra nhiều đề xuất làm cho giải trở nên dễ chịu hơn với học trò tham dự, như chuyển địa điểm thi đấu đến nơi mát mẻ hơn để thoát cái nóng kinh hồn của mùa hè Osaka. Tuy nhiên, mọi đề xuất kiểu đó đều nhanh chóng rơi vào quên lãng. Điều khiến thể thao học đường ở Nhật Bản hấp dẫn chính là sự chân thật của nghi thức trưởng thành: phải chiến đấu hết sức mình để vượt qua nghịch cảnh. Với người Nhật, thể thao học đường không chỉ là một trò chơi, mà là nơi một thiếu niên 17 tuổi sẽ không coi việc phải ném bóng gần 1.000 lần trong hai tuần là sự ngược đãi, mà là niềm vinh dự. Tags: Xã hội Nhật BảnThể thao học đườngTrường trung họcThế kỷ 20Sức hấp dẫnNgười hâm mộBóng đáTsubasaManga
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.