Thể thao Việt: Hụt hơi trong cuộc đua công nghệ

HUY ĐĂNG 19/05/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Không thể phủ nhận thể thao VN đã tiến bộ rất nhiều ở các giải đấu quốc tế, qua chính những môn thể thao Olympic. Nhưng cũng có những khoảng lặng cần phải nhìn thẳng vào để thay đổi…

Chỉ nói riêng trong làng bơi lội, khoảng 50 năm trước, tấm HCB SEAP Games 1973 (tiền thân của SEA Games) của ông Đỗ Như Minh đã được xem là một kỳ tích. 

Nhiều năm sau đó, thế hệ những kình ngư nổi tiếng như Kiều Oanh thậm chí không cách nào với tới tấm huy chương SEA Games. Từ những năm tháng gian khó đó cho đến thời đại “cứ xuống nước là lấy vàng” của Ánh Viên là một quãng đường rất dài, phản ánh rõ sự tiến bộ của thể thao VN.

Ông Lê Văn Tiết bên cạnh những giải thưởng, danh hiệu tầm cỡ thế giới mà thế hệ bóng bàn VN sau này chưa bao giờ với tới được. Ảnh: H.Đ.

 

Nỗi nhớ bóng bàn

Chỉ hơi tiếc một chút, thể thao VN ngày nay phát triển khá đều và rộng nhưng lại thiếu đi phần đỉnh cao. Người hâm mộ chúng ta vẫn thèm thuồng cảm giác được cổ vũ cho VĐV nước nhà tranh tài với các đối thủ hàng đầu thế giới. 

Tấm HCV ở Olympic Rio de Janeiro của Hoàng Xuân Vinh cực kỳ giá trị, nhưng xạ thủ người Sơn Tây lại sa sút quá nhanh chóng (anh thậm chí thất bại ngay kỳ SEA Games kế đó). 

Và dẫu sao, môn bắn súng vẫn chứa đựng khá nhiều may rủi. Khoảnh khắc lóe sáng của Xuân Vinh trên đất Brazil năm đó vì thế đáng ca ngợi ở nỗ lực cá nhân, chứ không hẳn phản ánh trình độ của bắn súng VN.

Còn nói đến cảm giác đỉnh cao, người dân mê bóng bàn ở miền Nam hiểu hơn ai hết. 

Một thời Sài Gòn sở hữu những tay vợt làm điên đảo làng banh nhựa thế giới như Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu... từng hạ đội vô địch thế giới Nhật Bản trong trận chung kết đồng đội nam ASIAD 1958. 

Họ thậm chí đưa bóng bàn VN vươn đến vị trí thứ 3 nội dung đồng đội ở Giải vô địch thế giới năm 1959.

Riêng ông Tiết từng đánh bại tay vợt số 1 thế giới người Nhật Teruo Murakami, kỳ tích giúp ông được Liên đoàn Bóng bàn quốc tế (ITTF) xếp hạng 6 thế giới, có lẽ là thứ hạng cao nhất trong lịch sử mà một tay vợt bóng bàn Việt từng vươn tới. 

Nếu viết về lịch sử bóng bàn thế giới, không thể không nhắc đến ông Tiết, được xem là khai sinh lối đánh đôi công; hay ông Hòa được ví là “bức tường đồng”. Bộ đôi này đã vinh dự được khắc tên trên cán vợt của Hãng Butterfly lừng danh và được xem như những người khởi đầu của nghề quảng cáo thể thao tại VN.

Bóng bàn VN vào những năm thập niên 1950 - 1960 có lẽ là “ngọn núi” cao nhất trong sử sách thể thao Việt. Buồn một nỗi, ngày nay bóng bàn lại trở thành một trong số những môn tụt hậu nhất so với khu vực, chứ đừng nói đến châu lục. 

Tất nhiên, nền thể thao nào cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng để chỉ ra nguyên nhân bóng bàn VN sa sút đến như vậy có lẽ cũng là đại diện cho câu hỏi “Vì sao VN không có VĐV đạt đẳng cấp thế giới?”.

Câu trả lời là chúng ta không theo kịp các nước trong cuộc đua công nghệ, khoa học thể thao. 

Lấy ví dụ, thế hệ ông Tiết, ông Hòa giỏi như thế nhưng không lâu sao đó đã bị khắc chế, bởi người Nhật đã kỳ công nghiên cứu từ bộ chân di chuyển của hai ông để hiểu thế mạnh là gì nhằm tìm ra cách khắc chế lối chơi của họ. Những chuyện ấy khá là xa lạ với bản tính người Việt vốn chỉ thích làm việc theo kiểu ngẫu hứng!

Số hóa mọi thứ

Trước thềm Olympic Tokyo, làng bóng bàn Nhật Bản đang bắt đầu chuyền tay nhau một loại thiết bị hoàn toàn mới mẻ. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay cung cấp những thông số về các cú giật, bạt hoặc cắt của tay vợt đối thủ.

Dùng robot để tập đánh, một công nghệ hàng đầu ở môn bóng bàn hiện nay. Ảnh: Geekwire

 

Chuyện những thiết bị công nghệ có thể đo được chỉ số cơ thể khi tập luyện đã trở nên quá phổ biến trong làng thể thao ngày nay. Nhưng đo được cả cây vợt lại là chuyện khác. 

Bằng một môđun cảm biến 3 trục đặc biệt, thiết bị do Tập đoàn công nghệ Kyocera Corp sản xuất này có thể cung cấp cho HLV những thông số về góc độ của mặt vợt, độ vòng cung, tốc độ xoay của cán vợt và thời gian mặt vợt tiếp xúc với bóng.

“Số hóa cuộc chơi” là xu hướng của thể thao ngày nay. Với sự phát triển của công nghệ, tất cả các môn thể thao đều có thể đặt lên bàn phân tích, và ai nắm được nhiều dữ liệu hơn cũng có cơ hội cao hơn trở thành người chiến thắng.

Chỉ tính riêng trong bóng bàn, những cường quốc như Nhật, Trung Quốc, Thụy Điển... đã liên tiếp trình làng các loại công nghệ tối tân. Như ở Giải Trung Quốc mở rộng 2019, nước chủ nhà khiến các đối thủ phải nể phục khi giới thiệu phần mềm ball-tracking (truy vết bóng) mới nhất. 

Bằng cách sử dụng những camera đặc biệt, đội ngũ công nghệ của Trung Quốc cung cấp các thông số chính xác nhất về điểm rơi khi bóng chạm bàn, chẳng khác gì mặt bàn được gắn bộ phận cảm biến. Bằng cách đó, các HLV Trung Quốc có thể phân tích thói quen của mọi đối thủ và đưa ra chiến thuật hợp lý cho học trò của mình.

Công nghệ đánh bại công nghệ

Nhưng chỉ một năm sau đó, Zhong Lin Wang (Vương Trung Lâm) - một nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc ở Viện Công nghệ Georgia - giới thiệu phát minh có thể biến công nghệ truy vết bóng của chính Trung Quốc trở thành thứ lỗi thời. 

Mục đích của Wang tương tự, nhưng chẳng cần đến chiếc camera nào cả, ông tạo ra chiếc bàn có thể cảm biến mọi hoạt động của trái bóng dù không cần gắn thiết bị cảm biến nào vào bàn thi đấu cả.

Năm nay 60 tuổi, Wang là chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu tự tạo năng lượng. Ông làm ra một loại mặt bàn bằng gỗ nhiều lớp đặc biệt, với mặt trên cùng sẽ bị kích thích tạo nên dòng điện nhỏ khi quả bóng chạm vào. 

Cơ chế cảm biến từ đó sinh ra, giúp đo được những thông số về quả bóng. Chỉ cần loại mặt gỗ này được chấp nhận và sản xuất hàng loạt, cách thức dùng camera trở nên lỗi thời.

Trong tất cả các hình thái công nghệ được áp dụng vào bóng bàn, miếng dán mặt vợt và cốt vợt là yếu tố cơ bản nhất. Các hãng sản xuất vợt đã trải qua cuộc chiến hàng chục năm để tạo ra những sản phẩm mới nhất, phù hợp nhất với xu thế thi đấu của từng giai đoạn. 

Tất nhiên, những cường quốc bóng bàn cũng sở hữu những thương hiệu làm vợt phổ biến nhất, đó là Butterfly của Nhật, Yinhe của Trung Quốc, Xiom của Hàn Quốc, Stiga của Thụy Điển, hay Donic của Đức...

Chỉ một miếng dán mặt vợt đã là cuộc chiến công nghệ khốc liệt giữa các hãng sản xuất, như Butterfly của Nhật thu thập đến 44 loại thông số kỹ thuật về sản phẩm này. 

Việc phát triển các loại hệ thống dữ liệu như truy vết bóng rất quan trọng với các hãng làm vợt. Nó giúp họ có thể cung cấp những cây vợt phù hợp hoặc khắc chế một lối đánh thông dụng nào đó.

Nói đến đây, có lẽ chúng ta phải thừa nhận sự thật rằng dù người Việt có tố chất đặc biệt ở một số môn thể thao đến đâu đi nữa - thường là những môn đòi hỏi khéo léo, nhanh nhạy như bóng bàn, có giàu ý chí khổ luyện đến mức nào đi nữa, thì ở thời buổi này, cuộc chơi đỉnh cao thế giới vẫn là quá sức với các VĐV VN nếu thiếu công nghệ và khoa học.■

VN vật vã tìm đường đến Olympic

Chỉ còn 3 tháng nữa là đến Olympic, nhưng hiện VN mới chỉ giành được 6 vé tham dự kỳ Thế vận hội trên đất Nhật, bao gồm Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Văn Đương (boxing), Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). 

Rất nhiều VĐV được kỳ vọng tham dự Olympic đã cạn hi vọng, gồm Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn cùng các đội tuyển vật và điền kinh.

Từng giành 23 vé tham dự Olympic Rio de Janeiro 2016, nhưng với đà này, thể thao VN khó lòng đạt được con số tương tự ở kỳ Olympic sắp tới. Ảnh hưởng của đại dịch cũng tạo ra những khó khăn khách quan, khi các VĐV không thể lên đường tham dự các giải đấu vòng loại Olympic như kế hoạch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận