Thể thao Việt Nam ở SEA Games 32: Hưởng lợi cùng chủ nhà

HUY ĐĂNG 19/05/2023 10:56 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên tại một kỳ SEA Games không diễn ra trên sân nhà, đoàn thể thao Việt Nam đã chiếm ngôi số 1 trên bảng tổng sắp huy chương.

Đây là lần đầu tiên đoàn thể thao VN đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại một kỳ SEA Games không diễn ra trên sân nhà. Phải chăng thể thao VN đã có bước tiến thật sự? Nếu bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật, phải nói rằng Campuchia năm nay không khác nào sân nhà của thể thao VN.

Thi đấu môn kun Khmer ở SEA Games 32. Ảnh: Nam Trần

Thi đấu môn kun Khmer ở SEA Games 32. Ảnh: Nam Trần

Đôi bạn cùng lợi

Khoảng 40% các nội dung thi đấu ở SEA Games 32 là những môn chưa bao giờ xuất hiện tại Olympic. Đó thường là cơ sở cho những cuộc "bạo phát huy chương" của đoàn thể thao chủ nhà. Cụ thể, 90% số HCV chủ nhà Campuchia giành được là từ các nội dung thi đấu này, và nhờ đó họ vươn lên vị trí cũng chưa từng có trên bảng tổng sắp huy chương.

Nhưng họ không phải đoàn thể thao duy nhất hưởng lợi từ những môn thể thao "hiếm thấy" của kỳ đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á. Không hề kém Campuchia, thậm chí còn hơn, thể thao VN đã gặt hái rất nhiều HCV từ các nội dung đó, chiếm tới khoảng một nửa tổng số HCV của chúng ta. 

Danh sách cụ thể bao gồm 5 HCV của môn võ kun Khmer, 6 HCV bokator (một môn võ Campuchia truyền thống khác), 7 HCV vovinam (Campuchia đứng đầu môn võ Việt này với 10 HCV), 6 HCV wushu, 14 HCV môn lặn…

Không chỉ vậy, VN còn có lợi thế nhờ chủ nhà đặc biệt "tốt bụng" với các môn thể thao Olympic mà họ có cơ hội giành huy chương, điển hình là môn vật. Ở Olympic và Asiad, vật thường chỉ có 18 nội dung. 

Tại SEA Games 2019, Philippines chỉ đưa vào chương trình môn vật 14 nội dung tranh huy chương. Nhưng SEA Games năm nay, chủ nhà Campuchia tăng số bộ huy chương môn này lên đến 30. VN là đoàn có lợi nhất bởi xưa nay các đô vật của chúng ta vốn thống trị sàn đấu khu vực.

Vovinam lại là một trường hợp đặc thù khác, cho thấy nước chủ nhà Campuchia thực sự ưu ái phía VN. Với 30 nội dung, môn võ mang thương hiệu Việt là môn thi đấu lớn thứ ba ở SEA Games này xét số huy chương, chỉ kém điền kinh (47 nội dung) và bơi lội (39 nội dung), và thậm chí nhiều hơn cả những môn thể thao truyền thống của người Khmer như kun Khmer hay bokator.

Với tất cả những thông tin vừa kể, thật khó để cho rằng nước chủ nhà Campuchia cố tình xử ép VN ở một số nội dung thi đấu. Sau chủ nhà, VN thực sự là quốc gia có lợi nhất với chương trình thi đấu năm nay.

Điểm sáng ít hơn khoảng tối

Nhưng ai cũng biết số huy chương SEA Games không thể nói lên đầy đủ bức tranh chung của thể thao thành tích cao. Nếu chỉ nhìn ở góc độ các nội dung thi đấu quan trọng của Olympic thì thể thao VN có thực sự tiến bộ ở SEA Games năm nay?

Đầu tiên, môn thể thao được quan tâm nhiều nhất ở các kỳ đại hội thể thao là điền kinh, VN đã giảm từ 22 HCV ở SEA Games 31 xuống còn 12 HCV ở Campuchia. Con số này cũng thấp hơn thành tích ở SEA Games 2019 (16 HCV). Kế đến là bơi lội, VN cũng giảm từ 11 HCV còn 7 HCV. Và hiển nhiên, thất vọng càng lớn với đội bóng đá nam.

Bóng rổ trở thành điểm sáng trong nhóm các môn thể thao nhà nghề khi giành được HCV nội dung 3x3. Dù vậy, thành tích này có được một phần bởi nội dung thi đấu đặc thù đó được tạo ra chủ yếu với mục đích kích thích các nước chưa phát triển bóng rổ. 

Trong khi đó, các môn thể thao đại chúng khác như quần vợt, cầu lông và bóng chuyền vẫn không ghi nhận tiến bộ đáng kể nào. Đặc biệt ở môn bóng chuyền nữ, dù trẻ hơn, cao hơn, nhưng VN vẫn không vượt được Thái Lan đang trong quá trình chuyển giao lực lượng.

Ở môn quần vợt, Lý Hoàng Nam không thể nối dài chuỗi chiến thắng ở kỳ SEA Games thứ hai liên tiếp, nội dung đơn nam. Điều đáng nói là ngoài Lý Hoàng Nam, quần vợt VN cũng không còn ai đủ khả năng cạnh tranh huy chương.

Tệ hơn cả là cầu lông. Các đội tuyển Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều không mang đội hình mạnh nhất tới SEA Games vì ưu tiên cho Sudirman Cup, nhưng các tay vợt VN vẫn trắng tay.

Ngay cả các chiến thắng của chúng ta cũng còn nhiều điều đáng phải suy nghĩ. Thành tích của các ngôi sao hai môn bơi lội và điền kinh đa số đều sa sút so với chính họ ở các giải đấu trước. 

Ngay cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh, cả 3 nội dung giành vàng ở SEA Games trước là 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật, cô đều chạy chậm hơn hẳn ở kỳ này. Chỉ là do các đối thủ trong khu vực đều ở dưới tầm khá xa, nên Oanh vẫn không để sẩy HCV nào. 

Cụ thể ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, từ kỷ lục 9 phút 52,44 giây ở SEA Games 31, Oanh hiện chỉ chạy được 10 phút 34,37 giây.

Đội kiếm nữ giành HCV. Ảnh: Nam Trần

Đội kiếm nữ giành HCV. Ảnh: Nam Trần

"Đặc sản" SEA Games

Ngoại giao thể thao ở SEA Games là câu chuyện mà tất cả các nhà báo thể thao đều biết, và đương nhiên, người trong cuộc còn biết rành hơn.

Theo quy định của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, một môn thể thao đặc thù địa phương, không nằm trong hệ thống Olympic, khi muốn được tổ chức thi đấu tại SEA Games phải có ít nhất 3 quốc gia tham dự.

Thế là để cho các môn ấy xuất hiện được, đã phải có những cuộc ngoại giao theo tinh thần các bên cùng có lợi. Một ví dụ: ở hạng cân 45kg môn kun Khmer, có tổng cộng 3 võ sĩ tham gia, của Campuchia, VN và Lào.

Bốc thăm thì võ sĩ VN đi thẳng vào chung kết, còn võ sĩ Lào và Campuchia đấu bán kết. Võ sĩ chủ nhà thắng trong chung kết đoạt HCV. Võ sĩ VN thi đấu 1 trận, tuy thua nhưng cũng có HCB và võ sĩ Lào nhận HCĐ. Vậy là ai cũng vừa lòng!

Ở bơi lội, tay bơi Huy Hoàng, từng là cỗ máy gặt huy chương của thể thao VN, cũng sa sút thành tích ở các cự ly sở trường. Đà sa sút đấy thật ra đã thấy từ SEA Games 2019 đến nay. Đây là điều rất đáng tiếc bởi Huy Hoàng là kình ngư từng vươn lên tầm cỡ châu lục khi có 1 HCB và 1 HCĐ tại Asiad 2018 (trong khi Ánh Viên chỉ có 2 HCĐ).

VN nhất toàn đoàn SEA Games 32, nhưng bóng đá nam và cầu lông thuộc về người Indonesia, bơi lội trong tay Singapore, và bóng rổ vẫn là môn của Philippines. May mà các cô gái đá bóng vẫn ổn định, giành HCV lần thứ tư liên tiếp.

Vì vậy, có vui với vị trí số 1 bảng tổng sắp huy chương thì cũng chỉ nên vui vừa vừa.■

Nhỏ mà to

Có những chuyện tưởng nhỏ mà to…

Một vị HLV đội tuyển điền kinh Việt Nam kể rằng "mang tiếng đi Campuchia thi đấu SEA Games, chứ bọn mình có biết Phnom Penh là gì đâu. Ngày 6-5 lên đường, đến Campuchia nhận phòng xong thì cũng đã chiều. Hôm sau ra làm quen sân, đến 8-5 là thi đấu. Ngày 12-5 kết thúc môn điền kinh, tối chạy ù ra phố chụp cái ảnh lưu niệm trước Hoàng cung và sáng hôm sau 13-5 thì lục tục đi về"!

Sao không đi sớm hơn? Vị HLV cho biết chủ nhà Campuchia chỉ lo ăn ở cho mình hai ngày trước khi thi đấu thôi…

Campuchia mùa tháng 5 này nóng khô cả người, lẽ ra phải tung quân đi qua sớm để làm quen chứ sao lại qua muộn thế. Không lẽ chỉ vì chuyện họ bao ăn ở miễn phí mà bất chấp sức khỏe VĐV? Chả trách sao phần lớn thành tích các VĐV điền kinh đều thấp hơn SEA Games 31.

Và nghĩ cũng lạ, đã bớt khoản tiền được chủ nhà bao ăn ở rồi, sao không chi cho các VĐV đi sớm hơn vài ngày? Chả lẽ nghèo đến thế sao?

Chung quy cũng tại cái chuyện "bao ăn ở miễn phí"!

Kết thúc cuộc giao lưu với giới trẻ TP.HCM, cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh bận tíu tít chụp hình lưu niệm với mọi người. Thế là cô gởi tôi giữ hộ 4 tấm HCV SEA Games 32.

Thú thật, cầm chiếc HCV SEA Games 32 mà giật mình. Nó đẹp sắc sảo và nặng trịch. Ca sĩ Đức Tuấn cũng tò mò cầm thử mà thốt lên: Ôi, không lẽ là vàng ròng thật hay sao mà nặng thế? Và cũng quá đẹp nữa…

Hỏi hai thầy trò Sỹ và Oanh rằng, so với huy chương của mình hồi năm ngoái tại SEA Games 31 thì sao? Cả hai cùng đồng thanh: Của họ đẹp hơn, nặng hơn nhiều!

Cái huy chương là một vật nhỏ. Nhưng nó là biểu trưng cho tài năng, nghị lực, ý chí phấn đấu của VĐV. Tôi từng đến nhà rất nhiều VĐV, và thấy huy chương là thứ mà họ treo ở nơi trang trọng nhất. Như huyền thoại bóng bàn Lê Văn Tiết, ông cất huy chương trong một tủ kính trang trọng cạnh bàn thờ gia tiên. Khi ông giới thiệu cho tôi xem chiếc HCV bóng bàn ASIAD 1958 sau khi đội Nhật Bản là số 1 thế giới hồi ấy, ông đã khóc. Nó tuy là vật vô tri vô giác, nhưng trong đó là cả cuộc đời của chủ nhân…

Vậy nên, làm cái huy chương, một vật tuy nhỏ thôi, nhưng phải làm sao cho xứng. Campuchia đã làm được điều đó.

H.T.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận