Thêm bất an vì sự “biết tuốt” của Google

TRƯỜNG SƠN 06/06/2019 12:06 GMT+7

Có một câu có lẽ đã “xưa như Trái đất”: Google hiểu ta hơn chính ta. Có thể ban đầu chính công ty công nghệ khổng lồ này cũng tự hào về điều đó, song khi nhận thức về quyền riêng tư dữ liệu ngày càng cao, người dùng có lý do để e ngại sự “biết tuốt” của Google.

Ảnh: The Herald
Ảnh: The Herald

Google cần phải biết thật nhiều về người dùng để có thể vừa mang đến trải nghiệm cá nhân hóa, phù hợp với họ nhất vừa bán quảng cáo “trúng đích”. Điều này cũng không mới. Sau phút ban đầu xuýt xoa “vì sao Google hiểu mình thế”, người dùng sẽ cảm thấy lo sợ khi hiểu rằng để có được sự thấu hiểu và biết tuốt đó, Google không có cách nào là theo sát họ và lưu lại hết những gì họ đã làm trên thế giới ảo.

Cảm giác đó thật không dễ chịu gì, nhất là khi thỉnh thoảng các nhà nghiên cứu, phân tích lại chỉ ra những thứ Google biết về ta mà chính ta cũng không biết.

Đừng tưởng Google không biết

Bạn có nhớ được tất tần tật những thứ mình đã đặt mua trên mạng, những chuyến bay mình từng đi, khách sạn từng ở khi đi du lịch hay công tác hồi năm ngoái, năm kia hay cách đây 5-10 năm? Rất ít người chịu khó ghi chép lại những thứ này, nhưng điều đó cũng không cần thiết nữa vì đã có Google “lo” giúp.

Theo phát hiện do Đài CNBC công bố hôm 17-5, Google đã âm thầm theo dõi và ghi lại toàn bộ khoản mua sắm online, đặt vé máy bay và phòng khách sạn cùng các khoản thuê bao (báo mạng, web nghe nhạc) của người dùng bằng cách đọc thông tin trên hóa đơn và vé điện tử gửi vào hộp thư Gmail của họ.

Điều bất ngờ hơn là Google tạo hẳn một trang riêng (https://myaccount.google.com/payments-and-subscriptions) để người dùng xem lại danh sách các khoản nói trên. CNBC cho biết công cụ này đã có từ lâu nhưng ít người dùng biết. Và các thông tin này không công khai, mà mỗi tài khoản Google chỉ có thể thấy được lịch sử mua sắm online của chính họ mà thôi.

Duyệt qua danh sách này có thể khiến bạn vừa thích thú - vì thấy được những món ta đã mua từ thời xưa lắc và quên bẵng - vừa e ngại vì Google một lần nữa biết quá nhiều về ta, đã vậy còn phân loại kỹ lưỡng. “Để giúp quý vị dễ dàng xem lại và theo dõi lịch sử mua sắm, đặt chỗ và mua gói thuê bao dịch vụ cùng một lúc, chúng tôi đã tạo ra trang này và chỉ có quý vị mới được thấy mà thôi” - Google nói với The Verge.

Lịch sử mua hàng hay đặt phòng khách sạn của ta có bị bán cho các nhà kinh doanh và cơ sở lưu trú? The Verge cũng đặt những câu hỏi này cho Google và được cam kết “chúng tôi không dùng thông tin từ Gmail của quý vị để phục vụ mục đích quảng cáo”.

Chuyện Google - công ty đang sở hữu Gmail, bản đồ Google Maps, máy tìm kiếm Google Search, mạng xem video lớn nhất thế giới YouTube và hệ điều hành di động 2,5 tỉ người dùng Android - nắm giữ lịch sử mua hàng, lưu trú và đi lại của người dùng chỉ thêm vào danh sách vốn đã rất dài gồm những thứ khác mà đại gia Internet này biết về người dùng.

Những sản phẩm chủ đạo kể trên của Google ngày nay được truy cập mọi lúc mọi nơi trên nhiều thiết bị, đồng nghĩa với việc theo sát người dùng diễn ra gần như liên tục và Google không bỏ sót một mẩu dữ liệu nào dù là nhỏ nhất. Google theo dõi lệnh tìm kiếm của ta, các video ta xem trên YouTube, các địa điểm ta dò tìm trên Google Maps, các câu lệnh ta nói với trợ lý ảo Google Assistant. Thậm chí việc ta đi đâu cũng được Google theo dõi qua smartphone.

Nếu một người đăng nhập tài khoản Google của mình vào smartphone và laptop cá nhân, cùng với máy tính ở cơ quan, thì không một hoạt động nào của họ từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ lọt khỏi mắt Google.

Trao niềm tin hay riêng tư là điều xa xỉ?

Nếu chuyện Google biết quá nhiều về ta là chuyện “biết rồi khổ lắm” thì lý do vì sao Google lại làm thế cũng là chuyện đã cũ: Google cần thông tin người dùng để phục vụ tốt hơn, không chỉ mang đến quảng cáo phù hợp với người dùng mà còn đưa ra những gợi ý vừa hợp ý vừa hợp lý khi họ tìm kiếm hay xem YouTube.

Công bằng mà nói, ta không thể bắt một người trợ lý phục vụ ta tốt nhất mà không cho họ biết tí gì về ta. Như chuyện Google đọc mail để nắm tình hình chuyến bay, các hóa đơn sắp đến kỳ cũng là để Google Assistant có thể nhắc nhở người dùng đúng lúc.

Tuy nhiên, nhân chuyện công cụ của Google cho phép người dùng xem lại lịch sử mua sắm hay đặt vé máy bay, phòng khách sạn được “phanh phui”, tác giả Nick Statt của The Verge cho rằng dù Google khẳng định những thông tin này “của ai thì chỉ người ấy được xem”, nó cũng cho thấy có chút gì đó không thật sự minh bạch trong cách gã khổng lồ Internet này xử lý thông tin người dùng.

Tác giả có lý do để nghi ngại khi thông tin lịch sử mua sắm của mình được Google ghi nhận gồm cả các khoản chi offline - tức thanh toán tại cửa hàng trong đời thật, nhưng Google vẫn nắm được nhờ các hệ thống thanh toán có liên kết với Google. Điều đáng nói là thông tin Google có một công cụ thu thập và lưu giữ một lượng lớn dữ liệu về hành vi cả online lẫn offline của người dùng lại mâu thuẫn với quan điểm gần đây của CEO Sundar Pichai.

Trong một bài viết đăng trên tờ New York Times thời điểm diễn ra hội nghị lập trình viên I/O của Google hồi cuối tháng 5, Pichai nhấn mạnh “quyền riêng tư dữ liệu không thể là thứ hàng xa xỉ” với người dùng. Quyền riêng tư thật ra vẫn còn là điều xa xỉ, nhất là khi người dùng thỉnh thoảng lại ngạc nhiên biết được các công ty công nghệ biết được thêm thông tin gì về mình. Và đương nhiên Google không phải là kẻ thu thập dữ liệu duy nhất.

Từ Chúa trời tới Google, biếm họa của The English Blog. Ảnh: The English Blog
Từ Chúa trời tới Google, biếm họa của The English Blog. Ảnh: The English Blog

Hơn 2 tỉ người dùng Android khó tránh khỏi việc để Google thu thập dữ liệu, nhưng người dùng iPhone có thoát? Câu trả lời của cây bút Geoffrey A. Fowler trên tờ The Washington Post ngày 26-5 là không. Trong bài viết ngày 26-5, Fowler cho biết dù Apple hứa giữ quyền riêng tư dữ liệu, các ứng dụng iPhone lại chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba.

Fowler đã dùng một phần mềm đặc biệt theo dõi các app cài trên iPhone của mình xem chúng có gửi dữ liệu đi đâu không. Kết quả, chỉ trong một tối thứ hai nọ, các dữ liệu cá nhân như số điện thoại, email, vị trí của tác giả... được gửi tự động cho hơn chục công ty tiếp thị, hãng nghiên cứu và các tay “buôn dữ liệu”. “Chỉ trong vòng một tuần, tôi phải đối mặt với hơn 5.400 kẻ theo dõi dữ liệu” - tác giả viết.

Phần mềm Fowler dùng để nghiên cứu do công ty có tên Disconnect cung cấp. Giám đốc công nghệ của Disconnect là Patrick Jackson, nhà nghiên cứu từng làm việc cho Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ. “Dữ liệu là của bạn, tại sao chúng lại rời khỏi điện thoại của bạn? Tại sao chúng lại được ai đó thu thập trong khi bạn không biết họ sẽ làm gì với chúng?” - Jackson đặt câu hỏi.

Cũng như nỗ lực không “xa xỉ hóa” quyền riêng tư dữ liệu người dùng của Google chỉ mới là lời nói, Apple dù xây dựng được hình tượng tốt, vì người dùng với khẩu hiệu “Thứ gì có trên iPhone thì ở yên trên iPhone” trong một chiến dịch quảng cáo gần đây, với ngụ ý không “bán” thông tin người dùng cho bên thứ ba, cũng không thật sự “thanh cao”.

Vấn đề ở đây là sự minh bạch. Các hãng công nghệ muốn người dùng tin tưởng, giao dữ liệu cho mình thì phải chứng minh được mình sẽ dùng chúng với trách nhiệm cao nhất. Google đọc mail người dùng để theo dõi hóa đơn mà không cho người dùng biết, Apple để các app tuồn dữ liệu ra ngoài mà người dùng chẳng hay. Khó có thể gọi đó là minh bạch.

“Nếu chúng ta không biết dữ liệu của ta đi về đâu thì làm sao dám hi vọng có thể giữ chúng riêng tư?” - Jackson nói.■

Khi đã online, không thể tránh khỏi chuyện để dữ liệu bị thu thập và người dùng có ba lựa chọn: tin tưởng Google sẽ sử dụng chỗ dữ liệu của ta “có trách nhiệm”, nói không với Google để khỏi bị theo sát, hoặc cách tốt nhất mà ta có thể làm: hạn chế thông tin mà Google có thể thu thập về mình.

Google cũng đã nỗ lực cung cấp thêm nhiều công cụ cho người dùng quản lý những gì mà Google đã biết về mình. Phần Activity Controls trên trang quản lý tài khoản Google Account cho phép người dùng bật tắt tính năng thu thập dữ liệu theo 6 mục, bao gồm hoạt động trên web và app, lịch sử vị trí, thông tin trên thiết bị di động, khẩu lệnh cho trợ lý ảo, loa thông minh, lịch sử YouTube.

Trong khi đó, người dùng iPhone có thể vào Settings -> Privacy (Cài đặt -> Quyền riêng tư) để quản lý quyền riêng tư, đặc biệt là bật tính năng hạn chế theo dõi để quảng cáo (Limit Ad Tracking). Một tùy chỉnh quan trọng là tắt tính năng “cập nhật ngầm” (background refresh) của các app (Settings -> General) vì đây là cơ chế để app gửi dữ liệu ra ngoài khi điện thoại ở chế độ nghỉ (chẳng hạn lúc người dùng đi ngủ).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận