Thích nghi thế nào trong một "xã hội lỏng"?

ĐẶNG HƯƠNG GIANG 26/02/2020 07:02 GMT+7

TTCT - Khi thầy và trò là đại diện cho hai thế hệ trước và sau sự lên ngôi của kỹ thuật số, việc “bỗng dưng” phải dạy học qua mạng làm bộc lộ khoảng cách thế hệ, nhưng cũng là dịp để học cách chung sống cùng nhau.

 

 Ảnh: Davide Bonazzi

Suốt ba tuần vừa qua, khi học sinh cả nước đồng loạt được nghỉ học giữa mùa cúm dịch, xã hội mới có dịp quan sát kịch bản dạy học “trăm hoa đua nở” giữa các hệ thống trường và tỉnh thành trên cả nước.

Điểm chung giữa những kịch bản này chính là quyết định lựa chọn kênh online như một phương cách hữu hiệu nhất để tương tác với học sinh, giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn các em tự học, đúng như chỉ thị của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Tùy thuộc vào điều kiện dạy học của mỗi trường, ở mỗi cấp bậc, học sinh được tiếp cận những nền tảng công nghệ khác nhau. Có trường vốn đã đầu tư một hạ tầng công nghệ từ sớm nên rất tự tin với kịch bản này, nhưng đa số các trường nhận công văn mới bắt đầu “cây nhà lá vườn” hình thành những phương án ứng phó gấp rút.

Có nơi học sinh được duy trì bài vở đúng với tiến độ học tập, nhưng phần lớn học sinh chỉ nhận bài tập ôn lại kiến thức cũ. Giáo viên liên lạc với phụ huynh thông qua các kênh mạng xã hội.

Những giáo viên sốt sắng vì học sinh sắp thi cuối cấp nhanh chóng lựa chọn các hình thức livestream để dạy và sửa bài. Thầy giáo tôi, giảng viên đại học ngành sư phạm ngữ văn, than thở trên Facebook: nhìn những công văn khẩn về dạy học online liền thấy bản thân rơi vào tâm thế của công nhân thời kỳ đầu cách mạng công nghiệp, sợ hãi mọi công nghệ máy móc.

Không riêng gì thầy tôi, có không ít giáo viên cảm thấy lóng ngóng, vụng về với việc ứng dụng công nghệ đôi khi vẫn nặng tính rườm rà hình thức, thậm chí còn tự hỏi đến bao giờ “trend” dạy học này mới chấm dứt.

Khoảng cách thế hệ

Trước những tranh cãi xoay quanh việc dạy học online, tôi tự hỏi mấu chốt vấn đề thực chất nằm ở đâu? Một người bạn đang giảng dạy tại một trường tư chia sẻ với tôi: trở ngại lớn nhất đối với cô không nằm ở việc làm quen với nền tảng số, mà chính là việc giao tiếp với học sinh thông qua màn hình. 

Trăn trở của cô có lẽ cũng chính là bản chất của việc dạy học, nơi mối quan hệ thầy trò cần được khởi phát từ khả năng có thể giao tiếp với nhau trong bất kể phương pháp dạy học nào.

Chúng ta vẫn thường nói thế giới đã đi quá xa so với những thay đổi nhỏ giọt trong giáo dục. Nếu nhận định này vẫn còn rất mơ hồ, hãy thử thực hiện một phép so sánh sự khác biệt của giáo dục những năm 1950, khi số lượng máy tính trên thế giới vẫn là con số đếm được, cho đến nền giáo dục những năm 1990, khi phần lớn học sinh tiếp xúc với máy tính thông qua phòng lab nhà trường, và giáo dục thời nay đang có một thế hệ khó mà nhớ được thời điểm nào không dùng đến máy tính, điện thoại, trò chơi điện tử và Internet.

Ở Việt Nam, khi các giáo viên vẫn đang loay hoay với việc thay đổi hướng tiếp cận trung tâm từ người dạy sang người học, tôi tin rằng chỉ cần cho phép tất cả học sinh được sử dụng điện thoại và máy tính trong giờ học, thầy cô sẽ cảm thấy bối rối với vai trò “truyền kiến thức” của mình.

Giữa thời đại chỉ cần Google ta sẽ có hàng tỉ thông tin trong chưa đầy một giây, học sinh ngày nay nhạy bén với công nghệ hơn cả thầy cô và bố mẹ chúng, nhìn lại các kịch bản giáo dục trong trường học là cách dễ dàng nhất để hiểu ra thầy trò đã chung sống và thay đổi cùng nhau ra sao.

Bài học về chung sống cùng nhau

Trong xã hội học, khái niệm “nhập cư thời đại số” (digital immigrant) được sử dụng để mô tả những thế hệ sinh trước năm 1980, luôn cảm thấy hoài nghi về sự tồn tại của các giải pháp công nghệ. 

Các thế hệ về sau được gọi là những công dân “bản địa thời đại số” (digital native), sinh ra giữa thời đại kỹ thuật số lên ngôi và họ sống gần như không thể thiếu các thiết bị và ứng dụng công nghệ.

Để so sánh về hai thế hệ, trước và sau sự lên ngôi của kỹ thuật số, năm 2006, giáo sư Howard Gardner (Đại học Harvard), người được mệnh danh là cha đẻ của lý thuyết đa trí tuệ, tiến hành một nghiên cứu đánh giá những tác động của công nghệ đối với trẻ em sinh ra giữa kỷ nguyên số.

Bảy năm sau đó, Gardner cùng học trò của ông, Katie Davis, đã chắt lọc những kết luận sơ bộ và quyết định gọi tên những người trẻ thời đại số là thế hệ app: một thế hệ tư duy về thế giới như tổng thể hiện diện của các ứng dụng điện thoại và đặc biệt, không thể sống thiếu các thiết bị công nghệ nói chung.

Trong bối cảnh “bỗng dưng” phải dạy học trực tuyến, thách thức ở đây là phần lớn giáo viên đứng lớp hiện nay đều là những công dân nhập cư, còn người học là công dân bản địa thời đại số.

Theo Gardner, thế hệ học sinh thời app có cách thức hình thành bản sắc hay mọi quan hệ thân mật cũng như cách giải phóng năng lượng sáng tạo hoàn toàn khác biệt với người dạy mình, thuộc thế hệ trước đó.

Không loại trừ những ngoại lệ giao thoa giữa hai kiểu công dân, các nhà xã hội học kết luận rằng để chung sống cùng nhau, việc duy nhất cần làm chính là học hỏi lẫn nhau. Ở Việt Nam, thế hệ 9X chúng tôi vẫn đứng giữa ranh giới của người nhập cưngười bản địa thời đại số, với không ít những giáo viên thế hệ này vẫn chưa ý thức rõ những tác động của công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Do vậy, chuẩn bị tâm thế cho giáo viên là khâu vô cùng quan trọng và nên bắt đầu từ việc các trường sư phạm cần đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu một tầm nhìn bao quát về tích hợp công nghệ trong giáo dục.

Việc lựa chọn một phương pháp giảng dạy để có thể giao tiếp hiệu quả với học sinh ngày nay cần xuất phát từ việc nhận thấy, đối với các em, mọi công cụ công nghệ hữu ích và gần gũi một cách bản năng thế nào.

 

 "Hãy kể cho cô nghe những điều em đã làm trong mùa hè vừa qua? - Ý cô là cô không hề theo dõi em trên Twitter suốt cả hè qua?" (Biếm họa của Herseyden Bizard)

Thích nghi trong xã hội lỏng

Xã hội lỏng (liquid society) là một khái niệm được nhà xã hội học người Ba Lan Zygmunt Bauman sử dụng để gọi tên thời đại những năm 1980, nơi mọi kết cấu đều không chắc chắn và mọi thứ vận hành bất quy tắc nhưng con người lại không được trang bị đầy đủ công cụ để đối mặt với nó. 

Mô tả của ông hoàn toàn hợp lý nếu quy chiếu vào thời đại ngày nay, khi kỹ thuật số phát triển với tốc độ chóng mặt.

Cuộc sống giờ đây không chỉ cần đến công nghệ như một tiện ích, hãy quan sát cách công nghệ đã thay đổi, định hình sâu sắc lối sống cũng như thói quen tư duy và cấu trúc xã hội của chúng ta. 

Vậy nhưng vào thời điểm nỗi sợ về dịch cúm SARS-COVID-2 bao trùm, các trường học đóng cửa nhiều tuần và các công văn về dạy học online ập đến như tin sét đánh với phần lớn giáo viên, học sinh rồi cả phụ huynh, kịch bản học online là một điều đã không được dự tính.

Ta sống giữa một xã hội nơi việc đầu tư một cơ sở hạ tầng công nghệ chỉ là chuyện sớm muộn, nhưng thiếu đi một tâm thế sẵn sàng thích nghi mới chính là trở ngại lớn nhất khiến ta bối rối trong việc ứng phó những tình huống bất ngờ. 

Quay lại với những công văn khẩn cấp, đáp ứng tính chất của một kỳ nghỉ tại nhà nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu học tập, dạy học online biến thành một cuộc chạy đua giữa các trường học, nơi lẽ ra ứng dụng công nghệ nên được nhìn nhận như một hướng tiếp cận phương pháp dạy học hiệu quả. 

Tuy nhiên, tốc độ của một công văn hay một thông báo được gửi đi không tỉ lệ thuận với việc cập nhật các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đối với giáo viên hay phụ huynh, cũng như chính cơ sở hạ tầng để đáp ứng kịch bản dạy học này.

Một mô hình dạy học online hiệu quả không đơn giản là việc thay đổi không gian dạy học, nơi mọi truyền đạt và tương tác diễn ra qua màn hình điện thoại hay máy tính, mà còn đòi hỏi nền tảng công nghệ phù hợp để vận hành lớp học, phần mềm quản lý tiến độ học tập, khung kiểm tra đánh giá kết quả học tập và trên hết là nguồn tài nguyên học tập được xây dựng phong phú, đáp ứng đa dạng những hình thức học tập của học sinh.

Câu chuyện về dạy học online nhìn từ bề sâu là cả một cuộc cải cách về tư duy dạy học, đòi hỏi người thầy ngoài việc chuẩn bị một tâm thế còn cần nỗ lực cập nhật những công cụ công nghệ mà hằng ngày học trò vẫn đang tiếp xúc và thông thạo.

Sống giữa thời đại số, nơi những thay đổi không hề theo quy luật và càng khó để dự báo, không gì hơn chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng một tâm thế cởi mở để đối mặt với thử thách trong mọi tình huống. ■

Với những giáo viên thích nghi được với việc ứng dụng công nghệ, buổi học dù diễn ra qua livestream, thầy một nơi và trò mỗi em một chỗ, vẫn có thể diễn ra sinh động. 

Tại “lớp” học toán lớp 5 của một thầy giáo ở Hà Nội trên Facebook, mọi thứ diễn ra rất bài bản: thầy công bố lịch lên lớp - tức giờ livestream - trên trang cá nhân, trước mỗi buổi học thì đăng link Google Drive tải file pdf bài tập của buổi học sắp tới cho học sinh tải về in ấn. Đúng giờ, thấy sẽ “lên sóng”, sử dụng 2 camera, một hướng vào bài giảng và một góc nhỏ hiện chân dung thầy. Thầy giáo sẽ chào hỏi các học sinh, dễ dàng nhận ra em nào dùng Facebook của bố mẹ hay anh chị để vào học trước khi bắt đầu giảng bài. 

Khi thầy viết lời giải trên giấy, camera cũng được chỉnh góc máy hướng xuống trang giấy để học sinh theo dõi. Tương tác giữa thầy trò vẫn thông suốt dù khác với lớp học thông thường: thầy đọc phản hồi của trò và trả lời bằng giọng nói, trò nghe giảng và gõ bình luận để tương tác. 

Mỗi buổi livestream đều được lưu trữ dưới dạng video trên Facebook để học sinh có thể xem lại bất cứ lúc nào. Thầy cũng đăng status thăm hỏi học sinh có hiểu bài không, có góp ý gì cho buổi học kế tiếp không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận