Thoát nanh vuốt chúa sơn lâm

VÕ VĂN TẠO 16/02/2010 19:02 GMT+7

TTCT - “Con cọp nhai nhả”, “đồ cọp chê”, “con đạp cọp chạy”... là các “biệt danh” mà đồng đội, đồng chí ở chiến khu 185 (thuộc tỉnh Khánh Hòa) trêu cô y tá nhỏ bé Kiều Thị Tô sau tai nạn hi hữu bị hổ vồ ở chiến khu ngày trước.

Bà Kiều Thị Tô, thương binh 3/4, với vết sẹo để đời - Ảnh: V.V.T.

Bốn thập niên đã trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng vẫn hiện rõ như cuốn phim quay chậm trước mắt bà Kiều Thị Tô hôm nay:

“Năm đó tôi 25 tuổi, tuổi con gà, đang làm y tá của Trường Chính trị tỉnh có hơn 100 cán bộ, học viên. Bữa đó là một ngày đông buốt giá cuối năm 1969, trên khu rừng Chà Liên 2 (Liên Sang), huyện 185 (mật khẩu thời chống Mỹ của huyện Khánh Vĩnh), tỉnh Khánh Hòa. Tôi thức giấc, xuống võng khoảng 4g sáng. Hôm đó tới phiên cô Mai và cô Pi Năng Thiếu nấu bữa sáng nhưng tôi nói Mai cứ ngủ thêm chút để tôi nấu. Hôm trước trời mưa to quá, nhà bếp không đi lấy rau rừng được. Cô Mai nhờ tôi đặt nước uống và kho nước ăn. Nước ăn được chế từ muối, ớt, sả, tí bột ngọt và một ít thịt băm nhuyễn để chan ăn với bắp, củ mì hầm từ đêm.

Trời tối thui. Bật lửa hết dầu. Tôi quẹt khan để có chớp sáng thấy đường ra ngoài vệ sinh. Quay vào bếp, vừa ngồi lum khum nhen lửa bỗng thấy đau nhói, tê dại hết người. Đau nhất ở vai và cánh tay trái. Từng nghe kể có nhiều người ở chiến khu này bị cọp vồ, cọp thường rình bắt heo của đồng bào dân tộc, dọc đường công tác cũng mấy lần thấy dấu chân và có khi thấy cả cọp, tôi thoáng hiểu ra: mình bị cọp vồ! Bị nó quắp chặt bả vai và cánh tay trái, lôi giật lùi trong tối, quơ tay chân trì níu bất cứ thứ gì xung quanh, la thất thanh: “Cọp! Cọp! Các anh ơi cứu em với! Cọp bắt em...”.

Bị nó lôi đi chừng 6-7m, bám víu rồi tuột bốn lần, thiệt may, tay phải tôi ôm được bụi lồ ô. Tôi thọc hai chân khoèo níu, ráng sức giữ chặt. Lúc đó, bản năng tự vệ át cảm giác đau và nỗi hoảng sợ, tôi la tới tấp. Con vật vẫn không buông. Nghe tôi la, cô Mai cũng la lớn: “Chị Tô bị cọp bắt! Chị Tô bị cọp bắt... anh em ơi!”.

Nghe động, từ lán ngủ phía trên, anh Long (học viên, người Bình Định, giỏi võ) hét: “Đứa nào? Đứa nào?”. Cô Mai la: “Chị Tô, chị Tô!”. Nhìn hướng anh em, tôi thấy anh Long đang rọi đèn pin lần theo dấu máu, gọi liên hồi: “Tô! Em ở đâu? Tô! Em ở đâu?”. Thấy đèn, nghe động, con vật bất ngờ ngoạm chặt cánh tay tôi. Miệng nó phả mùi hôi thối nồng nặc. Mặc, tôi vẫn ráng giữ chặt bụi lồ ô. Thấy khó lôi tôi đi, chắc nó tính “xơi” tại chỗ.

Máu ra nhiều, mệt lả, tôi nghĩ mình khó sống nổi. Thấy thời gian sao lâu quá, chậm quá... May sao, anh Long cầm rựa tới được. Anh hỏi nhỏ: “Sao, em có mệt không? Cố gắng nằm im để anh đuổi nó đi...”.

Ở chiến khu, chúng tôi nghe phổ biến kinh nghiệm bị hổ quắp thì chớ giằng lại mạnh, thịt sẽ bị xé toác, máu ra nhanh, khó cứu sống. Hướng về phía con cọp, anh “cảnh cáo”: “Bây giờ mày có thả ra hay không? Tao còn sống thì mày không thể ăn được cái mồi này”. Chờ một chập, anh lại nhắc câu “thần chú” đó. Cứ vậy, ba bốn bận. Máu tuôn thành vũng, đau muốn choáng nhưng thấy anh Long “nói chuyện” với cọp, tôi cố thều thào: “Em tức cười quá. Anh làm giống xinê quá!”. Anh nạt: “Cái con nhỏ này!”. Anh Long quay sang “nhắc” con cọp: “Mày lì hả? Tao nói mày không nghe hả?”. Nó vẫn không nhúc nhích.

Bất ngờ, anh Long đứng tấn, quai một vòng rựa, móc trúng nách nó, giật mạnh. Bị đau bất ngờ, con cọp gầm lên, đập đuôi cái bộp, nhả tôi ra rồi xoay ngược thân phóng vọt. Anh Long lập tức nhảy qua người tôi, chạy lên chừng 5m, cầm rựa đứng tấn thủ thế “khuyên”: “Nếu mày nhắm mày thắng thì mày đến, mày thua thì mày đi đi. Tao còn sống thì mày không bao giờ ăn được cái mồi này”.

Qua ánh đèn rọi tới phía trước, hai mắt con cọp đỏ như hai cục lửa, cách chỗ chúng tôi chừng chục mét. Vẫn đứng đó canh chừng, anh Long gọi lớn: “Các đồng chí ơi, xuống cấp cứu Tô. Nó bị thương nặng lắm”. Nghe kêu, mọi người lục tục kéo xuống. Anh Hùng (cũng người Bình Định) dẫn đầu mấy người gan dạ nhất, đứng trên cái sạp lớn chất hàng trăm giạ bắp tăng gia, bảo tôi đưa tay để họ kéo lên.

Tôi chỉ đưa được tay phải lên. Mọi người nói đưa cả tay kia mới kéo được. Tôi rên đứt quãng: “Tay em gãy rồi... Mai ơi, tao lạnh quá. Mang biđông nước nóng ra đây... tao sưởi”. Một chập sau, cô Mai bò xuống chỗ tôi nằm, ủ tôi bằng chiếc biđông nước nóng quấn khăn bông, nâng cánh tay trái giập nát của tôi lên cho mấy người trên sạp kéo lên. Say mồi, con thú dữ đứng gầm gừ hồi lâu rồi mới vọt mất. Tôi mê man không biết gì nữa.

Anh em khiêng tôi đi bệnh xá tỉnh ở huyện 175 (nay là huyện miền núi Khánh Sơn) mất hai ngày đường. Đến bệnh xá, sau ba ngày cấp cứu tôi mới tỉnh. Anh chị em ở bệnh xá kể trong cơn mê sảng tôi cứ la: “Các anh ơi! Các anh ơi!”. Các vết thương sâu hoắm, nát bấy, làm mủ, sinh dòi, bảy tháng không chịu liền miệng.

May sao có bác sĩ Hoàng Đình Quý, trưởng ban y tế tỉnh, đi công tác đến huyện 175. Xem vết thương, bác sĩ dặn bồi dưỡng cho tôi một tuần với khẩu phần ưu tiên hai lon bắp rang/ngày (hồi đó chiến khu đói lắm). Biết tôi có sức, bác sĩ Quý bảo sẽ thử lấy da đùi tôi đắp lên các vết thương. Do không phải chuyên môn ngoại khoa nên bác sĩ chưa bao giờ đắp da cho ai cả, tôi là ca đầu tiên.

Thật may, “thí nghiệm” thành công. Tuy nhiên do không cố định xương đòn gánh bị gãy nên vết thương dù lành nhưng về sau hai đầu xương gãy cứ nhô lên. Sau ca của tôi, bác sĩ Quý trở thành “chuyên gia” đắp da, còn “truyền nghề” cho một số bác sĩ khác.

Xuất viện, tôi về Ban Dân y nằm điều trị thêm mấy tháng mới đỡ. Từ đó trở đi, việc giã bắp, phát rẫy, chặt cây... tôi làm bằng tay phải, tay trái bị cọp vồ liệt hẳn. Sau giải phóng, khám thương tật, tôi được xếp hạng thương binh 3/4.

Lại nói chuyện con cọp. Chập tối sau hôm tôi bị vồ, con cọp còn trở lại lùng sục nhưng trong ngày đơn vị đã cho chặt lồ ô rào các khu lán trại. Nó đến khu bếp không rào, bếp vẫn để lửa đỏ để nó sợ. Thấy nó lảng vảng rình rập, mọi người hô hoán xua đuổi, gõ xoong nồi rầm rầm.

Nó quay xuống suối, trúng lựu đạn gài phục địch gục tại chỗ. Đơn vị được dịp cải thiện hoành tráng, lại còn nấu được nồi cao nữa! Tấm da nguyên lông, ruột cùng cái đầu cọp anh em đem phơi qua đêm trên gộp đá ven suối, sáng ra không còn thứ gì. Mọi người bảo có lẽ cọp vợ đã “lấy trộm” trong đêm rồi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận