Thư gửi bố, hay nỗi ám ảnh của một tuổi thơ

THANH VÂN 17/03/2013 11:03 GMT+7

TTCT - Năm 1919, khi đang ở khu nghỉ dưỡng Stüdl tại vùng Schelesen (thuộc Bohemia, Vương quốc Áo - Hung, nay là Železná thuộc Cộng hòa Czech), Franz Kafka viết cho cha một bức thư tỏ thái độ trước việc người cha phản đối quyết liệt cuộc hôn nhân của ông, hi vọng tìm được sự hòa giải giữa cha và con.

Tuy nhiên, bức thư đã kéo dài thành một dạng tự truyện với nhiều đoạn có giá trị văn chương cao. Chính nhà văn cũng không ngờ bức thư sẽ có số phận riêng, trở thành một cột mốc trong di cảo của ông.

Phóng to

Hermann Kafka, cha của Franz Kafka là người đàn ông mạnh mẽ, từ một gia đình nghèo khó tự vươn lên thành người thành đạt, có cửa hàng riêng trong xã hội trung lưu ở Prague, Cộng hòa Czech. Cuộc sống vất vả hun đúc ở ông tính cách độc đoán, hà khắc, trong đó nỗi sợ hãi phải rơi trở lại cảnh bần hàn khiến ông luôn ngưỡng mộ những công việc có quyền uy, chức tước, mang lại tiền bạc.

Cái bóng quá lớn của ông chủ gia đình đã liên tục tạo nên sự bất mãn, xung đột ngấm ngầm nhưng sâu sắc ở cả bốn người con mà vì là con trai cả, Franz Kafka càng thấy đau đớn hơn hết thảy. Thiên hướng riêng khiến ông không thể hòa hợp với lề luật xã hội để trở thành người như cha ông mong muốn và điều đó trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.

Thư gửi bố (*) đã trở thành nơi ông bóc trần những kỷ niệm cay đắng, u ám, những nỗi ân hận và cảm xúc yêu - ghét khó phân định đối với cha, người khiến ông trở thành một đứa trẻ “rầu rĩ, lơ đễnh, không vâng lời, chỉ nghĩ cách chạy trốn, mà thường là chạy trốn vào nội tâm”.

Đọc Thư gửi bố, người ta không khỏi rùng mình trước những chi tiết căng thẳng, quyết liệt được mô tả một cách rành rẽ, mang đầy đủ tính chất của một tác phẩm văn học, với cả nhân vật, xung đột, tình huống và thủ pháp cường điệu. Trên tất cả, dường như tính chất phi lý đặc trưng trong sáng tác của Kafka vẫn hiển hiện. Ở một gia đình no đủ, có giáo dục, những cảnh sinh hoạt bình thường vẫn trở thành nỗi ám ảnh, và một đứa trẻ có đủ mọi điều kiện - một cách phi lý - vẫn dấn sâu vào việc tự hủy hoại mình.

Trong các tác phẩm lớn của Kafka như Hóa thân, Vụ án, Hang ổ, Lời tuyên án, Lâu đài... luôn xuất hiện nỗi ám ảnh về sự truy đuổi, những biến đổi kỳ bí cùng một thứ quyền lực vô hình, vô lý nhưng không thể dứt bỏ, và con người tự nguyện tuân theo thứ quyền lực toàn trị ấy mà không bao giờ nhìn rõ được bản chất của nó.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Kafka với cha đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông, trở thành một lý do quan trọng khiến ông không thể tự do dừng lại để suy xét xem mình muốn làm gì, thậm chí không thể xây dựng một gia đình riêng. Bức Thư gửi bố mà ông hi vọng “có thể đưa chúng ta đến rất gần sự thật, giúp bố và con có thể được an ủi phần nào, để chúng ta có thể sống và chết nhẹ nhàng hơn” cuối cùng không bao giờ đến được tay người nhận, có lẽ đó cũng là một phần trong sự phi lý luôn gắn chặt với số phận thiên tài.

Franz Kafka là một trong những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử văn học, với những sáng tác hòa trộn hiện thực và siêu thực ở mức độc nhất vô nhị, chưa từng có ai vượt qua được. Thư gửi bố là một phần trong di sản văn học của Kafka và là tác phẩm đầu tiên của ông được dịch trực tiếp từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Ngoài ra, cuốn sách còn bao gồm tiểu sử và gia đình tác giả, một tư liệu quý giúp người đọc hiểu thêm về một trong những nhà văn gây ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Franz Kafka sinh ngày 3-7-1883 trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức tại Prague. Ông mất ngày 3-6-1924 vì bệnh lao phổi. Đương thời ông chỉ xuất bản một số truyện ngắn và tản văn (tổng cộng chưa tới 300 trang sách in) và không gây được tiếng vang đáng kể.

Tuy nhiên di sản ông để lại và được người bạn thân của ông là Max Brod xuất bản sau này - khoảng 3.400 trang gồm bản thảo văn học (trong đó có ba tiểu thuyết, một số truyện ngắn, nhiều tản văn và truyện cực ngắn), nhật ký và trên 1.000 bức thư - đã đưa ông lên hàng những nhà văn thiên tài nhất của thế kỷ 20... Các tác phẩm tiêu biểu: Vụ án, Lâu đài, Nước Mỹ (tiểu thuyết); Hóa thân, Hang ổ, Trại lao cải, Lời tuyên án (truyện)...

___________

(*) Thư gửi bố - Franz Kafka (Đinh Bá Anh dịch, Công ty Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn, 2013).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận