Thu hẹp nền kinh tế có cứu được hành tinh?

LÊ MY 09/10/2024 15:53 GMT+7

TTCT - Liệu thế giới, nếu xem mình là một khối thống nhất, có thể ưu tiên chống biến đổi khí hậu mà kìm hãm sự tăng trưởng của các quốc gia đó hay không?

Thu hẹp nền kinh tế có cứu được hành tinh? - Ảnh 1.

Ảnh: Lenzen Keysser/Sydney Business Insight

Phong trào "phi tăng trưởng" (degrowth) vẽ ra một tương lai nhân văn để chiến thắng cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhưng sau 561 bài nghiên cứu, lời kêu gọi "đừng làm giàu" này vẫn còn yếu ớt.

Ta nhận được gì từ một thế giới ngày càng giàu có? Các phương pháp điều trị ung thư, vắc xin sởi và insulin cho người bị tiểu đường. Ở nhiều nơi trên thế giới, các gia đình có nước sạch và điện, có xe hơi và máy điều hòa. Nhưng cùng lúc, chúng ta thải ra nhiều khí nhà kính làm Trái đất nóng lên, đánh bắt cá quá mức và phá rừng. Người tiêu dùng mua sắm nhiều và cũng vứt bỏ nhiều.

Phong trào phi tăng trưởng cho rằng con người không thể tiếp tục làm giàu mà không đẩy nhân loại đến thảm họa biến đổi khí hậu. Với mức tiêu thụ hiện tại, đi kèm mức phát thải, thế giới khó mà kiềm hãm sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Các nhà khoa học đã đạt được những tiến bộ ấn tượng về công nghệ để giảm thiểu biến đổi khí hậu, như điện mặt trời, xe điện hay thịt nhân tạo. Nhưng theo nhà nhân chủng học Jason Hickel, khi các quốc gia còn tập trung vào phát triển kinh tế, những thành quả đó sẽ được dùng để kiếm nhiều tiền hơn. Việc sản xuất nhiều thứ hơn mà không làm tăng dấu chân sinh thái, tức là không thực sự giảm thiểu tác động tiêu cực của con người lên môi trường.

"Vấn đề không nằm ở trình độ công nghệ của chúng ta. Mà ở việc tăng trưởng" - Hickel viết trong quyển Less Is More: How Degrowth Will Save the World (Ít hơn là nhiều hơn: Cách phi tăng trưởng sẽ giải cứu thế giới).

Giải pháp duy nhất, theo phe phi tăng trưởng, là sự thay đổi 180 độ: tăng trưởng kinh tế không còn là ưu tiên, chấp nhận GDP giảm là điều kiện tiên quyết để cứu lấy hành tinh. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách nên cố gắng xây dựng một thế giới đáng sống mà không dựa trên sự tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu về phi tăng trưởng lại thật não lòng. Một bài lược sử nghiên cứu (literature review) đăng trên tạp chí Ecological Economics hồi đầu tháng 9 đã tổng hợp những hạt sạn, dường như luôn chiếm đa số, trong các nghiên cứu trước đó về phi tăng trưởng.

Nhóm tác giả đã phân tích 561 bài báo khoa học về "degrowth" nhằm cố gắng mô tả lĩnh vực này đang ở đâu ngày nay. 

Những điểm chính họ rút ra: "phần lớn (gần 90%) các nghiên cứu là ý kiến chứ không phải phân tích… hầu hết các nghiên cứu đều đưa ra lời khuyên chính sách mang tính chủ quan và tùy tiện, thiếu đánh giá chính sách và tích hợp với những hiểu biết sâu sắc từ các tài liệu về chính sách môi trường/khí hậu… 

Phân tích dữ liệu thường hời hợt và không đầy đủ… các nghiên cứu có xu hướng không đáp ứng các tiêu chuẩn thường dùng để xác định một nghiên cứu tốt".

Xét thấy chủ nghĩa phi tăng trưởng bắt nguồn từ báo cáo năm 1972 mang tên "Giới hạn của tăng trưởng" của tổ chức phi chính phủ Club of Rome, nghiên cứu trên kết luận: "Cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy mọi thứ đang cải thiện theo thời gian". Các nghiên cứu gần đây cũng không đạt tiêu chuẩn khoa học như các nghiên cứu trước kia.

Vì vậy, nếu muốn "chủ nghĩa" phi tăng trưởng đủ chín muồi để trở thành những đề xuất chính sách khả dĩ, những người ủng hộ nó cần bắt đầu cho ra những nghiên cứu nghiêm túc hơn, và thật nhanh vì mùa hè năm 2024 đã là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu.

Tạm ngưng câu chuyện nghiên cứu khoa học, chúng ta hãy thử suy nghĩ về tăng trưởng và phi tăng trưởng với tư cách là một công dân của một quốc gia đang phát triển.

Có một ý tưởng chia rẽ phe phi tăng trưởng và những người chỉ trích họ: đó là khái niệm "tách đôi" (decouple) tăng trưởng kinh tế và tác động môi trường, nghĩa là giàu hơn nhưng vẫn xanh hơn, điều mà Hickel và những người cùng chí hướng tỏ ra hoài nghi.

Ở sân bên này, vào năm 2021, nhà khoa học khí hậu Zeke Hausfather tại Breakthrough Institute đã công bố bằng chứng về "sự tách đôi tuyệt đối" (khí thải giảm, GDP tăng) tại 32 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Đức. 

Tuy nhiên, ngay cả khi một số quốc gia đã "tách đôi" thành công, các nước khác vẫn phát thải và tổng lượng carbon trong khí quyển đã lên mức cao nhất từng được ghi nhận vào năm 2023.

Ngoài ra, trong các thập kỷ tới, hầu hết lượng khí thải carbon sẽ không đến từ các quốc gia giàu có kể trên, mà từ các nước mới đạt mức thu nhập trung bình, như Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Indonesia. Hiện nay, các quốc gia đang phát triển đã chiếm 63% lượng khí thải toàn cầu, dự kiến sẽ còn tăng khi họ phát triển hơn nữa.

Phong trào phi tăng trưởng đối mặt với câu hỏi hóc búa: Liệu thế giới, nếu xem mình là một khối thống nhất, có thể ưu tiên chống biến đổi khí hậu mà kìm hãm sự tăng trưởng của các quốc gia đó hay không? Báo cáo đã dẫn trên Ecological Economics hẳn hữu ích cho những ai còn phân vân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận