Thử nghiệm của Slim V

ĐỘC CẦM THỰC HIỆN 24/04/2013 23:04 GMT+7

TTCT - Vịnh đưa cho tôi chiếc headphone để nghe thử. Một bản nhạc dễ chịu được viết với hòa thanh chậm rãi nhưng trong trẻo.

Phóng to
DJ Cao Văn Vịnh - Ảnh nhân vật cung cấp

Mặc dù đây là một bản prelude (dạo đầu) ngắn cho piano nhưng đâu đó có thể nhận ra một cảm giác gần gũi rất Việt Nam. “Đúng là thế vì khi viết tác phẩm này tôi có sử dụng hòa thanh ngũ cung của người Việt mình” - Vịnh giải thích.

Đây là một trong những sáng tác đầu tiên của Vịnh khi anh bước vào năm đầu tiên bậc đại học khoa sáng tác của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Bản nhạc này từng khiến nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo rất ấn tượng và quyết định trao ngay cho Vịnh một học bổng trong năm đó. Tới đây, khúc dạo đầu này sẽ đứng đầu trong sản phẩm âm nhạc đầu tay của chàng nhạc sĩ 25 tuổi với nghệ danh SlimV.

* Người ta chỉ mới biết một SlimV rất “chắc tay” trong các màn trình diễn kỹ thuật DJ chứ chưa hề biết tới một Cao Văn Vịnh chơi piano cũng rất hay.

- Vâng, thật ra tôi đã bắt đầu học nhạc từ năm 7 tuổi và theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia là ngành piano. Nhưng càng học tôi càng cảm thấy mình không hợp với con đường trở thành một người chơi piano chuyên nghiệp. Tôi yêu âm nhạc nhưng có lẽ “cách yêu” của mình là sự tò mò, ham muốn khám phá một thứ nghệ thuật khiến mình rung động hơn là khát khao trở thành một người chơi nhạc thật hay. Nói cách khác, tôi luôn muốn hiểu người ta đã viết ra những giai điệu đó như thế nào và muốn viết ra những giai điệu của mình hơn là chơi được giai điệu đó. Chính vì thế sau mấy năm học piano tôi quyết định chuyển sang học ngành sáng tác.

Nhạc sĩ/dj SlimV tên thật là Cao Văn Vịnh, hiện theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia và sẽ tốt nghiệp ngành sáng tác trong năm nay. Năm 2006 SlimV bắt đầu chơi nhạc điện tử với vai trò một dj tại liên hoan nhạc điện tử Hanoi Sound Stuff. Trong sáu năm liền anh là đại diện của nghệ sĩ Việt Nam tại liên hoan này. SlimV cũng tham dự một số sự kiện âm nhạc lớn như CAMA Festival, Rockstorm... Tháng 10-2012, Cao Văn Vịnh nhận giải Bài hát phối khí hiệu quả với ca khúc Thu nhớ của nhạc sĩ Việt Thắng.

* Nhưng nói thật là cũng khó hiểu tại sao một môi trường hàn lâm như thế lại tạo ra một nghệ sĩ theo đuổi nhạc điện tử?

- Không phải chỉ một đâu. Chúng tôi có một nhóm tên là Master Fader gồm mấy anh em trẻ cùng học tại khoa sáng tác. Chúng tôi chia nhau ra theo thế mạnh của từng người. Người lo hòa âm, người viết bài, người ghi âm... Chúng tôi chủ yếu thực hiện các sản phẩm mang màu sắc âm nhạc điện tử.

Còn về câu hỏi của anh, phải trở lại một chút vào khoảng năm 2006. Khi đó mặc dù trong trường chỉ tiếp xúc với âm nhạc cổ điển hoặc các thể loại có thể gọi là chuẩn mực, nhưng tôi lại rất thích hip hop và chắc anh cũng biết DJ là điển hình về âm nhạc hip hop. Đầu tiên tôi tìm đến các DJ đàn anh để học hỏi, rồi tự mua thiết bị và tự mày mò nghiên cứu cách chơi, dựa trên nền tảng âm nhạc cơ bản của chính mình, dần dần tôi làm chủ được bộ turntable (mâm đĩa nhựa xoay được hai chiều) và mixer (chỉnh âm), rồi bắt đầu biểu diễn và tự viết nhạc của mình.

Xu hướng chung của âm nhạc thế giới hiện nay đang phá bỏ gần như hoàn toàn những biên giới trong thể loại âm nhạc. Cá nhân tôi cho rằng không có cái gì là hàn lâm hay bình dân cả. Âm nhạc cũng như mọi thứ khác trên đời, nếu nó được đón nhận và tồn tại được tức là nó phải có một giá trị nào đó. Ngay từ khi bắt đầu làm chủ được mảng âm nhạc điện tử, tôi đã muốn kết hợp nó với các thể loại khác. Những thử nghiệm chơi cùng dàn nhạc Rhapsody Philharmonics mấy năm qua là một ví dụ.

Tôi và một số bạn viết những bản nhạc mới hoặc viết lại một số bản nhạc nổi tiếng cho dàn nhạc giao hưởng chơi cùng DJ. Sự đón nhận của công chúng và giới trong nghề với những thử nghiệm đó của Rhapsody Philharmonics là minh chứng cho sự đúng đắn của suy nghĩ đó.

* Hãy nói một chút về sản phẩm âm nhạc của bạn sắp ra mắt vào tháng 5 này. Mặc dù nhạc điện tử không còn quá xa lạ với công chúng trong nước, nhưng một sản phẩm âm nhạc như thế cũng vẫn là “món lạ” với số đông?

- Tôi luôn ấp ủ về một sản phẩm âm nhạc của riêng mình. Mặc dù biết rằng một đĩa nhạc như thế này là rất mới trên thị trường nhạc Việt nhưng tôi vẫn quyết định phải hoàn thành và ra mắt album. Thật ra nó sẽ chỉ là một mini album với khoảng năm bài thôi. Nhưng đây là những bản nhạc do tôi viết và chứa đựng những thử nghiệm mà chắc chắn tôi sẽ còn theo đuổi sau này.

Sẽ có những bản nhạc kết hợp giữa brostep, một dòng mới của nhạc dubstep (cũng là một thể loại điện tử electro nhưng khác ở âm bass và trống rất mạnh mẽ, chưa kể cấu trúc bài cũng khác với những dòng điện tử khác) và dàn nhạc giao hưởng, có bản nhạc tôi đưa vào chất liệu âm nhạc của các dân tộc Tây Bắc hòa trộn cùng electro.

Thật ra giữa âm nhạc phương Tây, âm nhạc đương đại và các chất liệu âm nhạc truyền thống phương Đông, trong đó có nhạc dân gian Việt Nam, vẫn có sự kết nối nhất định về nguyên lý hòa thanh. Chính vì thế, nếu nắm được những nguyên lý này, khi kết hợp các chất liệu với nhau không bị chênh mà vẫn hài hòa và rất thú vị.

Tất nhiên sản phẩm âm nhạc được đông đảo công chúng đón nhận sẽ là điều tưởng thưởng lớn nhất với người nghệ sĩ. Nhưng nếu chỉ vì lo rằng việc mình làm còn mới, còn lạ quá để rồi không dám làm thì không nên.

Tham vọng của tôi là bằng những sản phẩm âm nhạc của mình, hướng người nghe trong nước tới cách thưởng thức và cảm nhận về nhạc điện tử đúng hơn. Đó không đơn giản là trò nghịch ngợm của âm thanh và các thiết bị hiện đại hay là thứ nhạc để “bay lắc”. Nhạc điện tử thật sự là một dòng nhạc có giá trị nghệ thuật.

* Cảm ơn Vịnh và chúc sản phẩm âm nhạc của bạn sớm đến tay người nghe!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận