Thứ nhất là hỏng bugi… (*)

PHẠM GIA HIỀN 24/12/2021 02:05 GMT+7

TTCT - Tôi yêu Vespa theo cách của mình, ngây ngô và không khi nào hết hào hứng. Trên chiếc Vespa cổ này, con tôi đã lớn lên...

Tôi ngồi phịch xuống vỉa hè, mồ hôi ướt đẫm áo, nhỏ tong tong xuống mặt đường rồi nhanh chóng bốc hơi. Mùa hè Hà Nội nắng tới 40 độ C, nhiệt độ mặt đường thì cứ cộng thêm 10 độC nữa. 

Tôi thì ngồi đây lúc giữa trưa, bên một đoạn đường rẽ vào khu đô thị mới không mấy ai qua lại, không một bóng cây to, không hàng quán, không một tiệm sửa xe. Tất cả chỉ vì chiếc Vespa cổ đang đi bỗng giở chứng.

Mỗi khi xe chết máy - anh Tùng dặn tôi - mà việc ấy với những người mới đi Vespa cổ là rất thường nhé, thì đừng có mất bình tĩnh. 

Về cơ bản thì dù bình tĩnh hay không em cũng chẳng sửa được đâu. Hãy dựng xe, ngồi nghỉ một lúc, sau đó kiểm tra xăng và điện. Kiểm tra xăng, tức là xem xăng còn không, có xuống không. Kiểm tra điện, tức là tháo bugi ra lau. Thế thôi.

Thế nếu không phải hết xăng hay hỏng bugi thì sao hả anh?

Thì tức là xe em hỏng nặng, phải thợ mới sửa được.

Đấy là bài học đầu tiên về sửa xe Vespa cổ của tôi, mà sau này thời gian thực chứng hoàn toàn chính xác. Không như những chiếc xe máy hiện đại với nhiều linh kiện điện tử, Vespa cổ là những cỗ máy cơ khí chính xác, đơn giản nhưng hiệu quả. 

Sở hữu một chiếc Vespa cổ, nghĩa là bạn bắt đầu khóa học chuyên sâu về Vespa, do chính chiếc xe của bạn đứng lớp.

“Xe này có thường hỏng vặt không?” - nhiều người hỏi tôi như thế. Không, thực ra một chiếc Vespa nếu đã chạy được, thì không hỏng vặt. 

Nếu nó lăn quay ra đường, đó là bởi người chủ không biết sử dụng. Hay nói cách khác, những trục trặc của Vespa cổ là cách mà chiếc xe dạy chủ nhân về thái độ chăm chút với nó hoặc với chính người lái.

Ảnh: Phạm Gia Hiền

Tôi mất khoảng 6 tháng để tốt nghiệp lớp sơ cấp Vespa cổ. 6 tháng với vô số lần chết máy, chảy xăng, cháy bugi, đứt dây côn hoặc dây số, rơi yên, rụng pô, pha dầu quá nhiều hoặc quá ít… Rồi tự nhiên hết. 

Tất cả các “bệnh tật” ấy biến mất. Chiếc xe cứ chạy pành pành ngon lành, chả bao giờ làm sao, cứ như thể nó là một chiếc Vespa mới cáu vừa đưa ra từ showroom của Hãng Piaggio vậy.

Đi một chiếc Vespa cổ, bạn là hoàng đế ngự trên ngai vàng. Thật kỳ lạ là như thế. Cảm giác chinh phục và điều khiển một thứ không đơn giản nhưng hoàn hảo, khiến những ai đã biết đi Vespa cổ như say mê một quyền lực (tự phong) và trọn đời không dứt được nữa.

Mùa mưa, những chiếc Vespa cổ chấp hết các con đường ngập nước, cứ để số 1 đều tay ga, vững tay côn thì chiếc xe lừng lững mà tiến không khác gì tê giác. Bùn lại không bao giờ bắn đến gót chân.

Mùa thu, mùa xuân, khoác chiếc áo dạ, diện chiếc quần đũi, quàng thêm khăn mỏng, ngồi trên Vespa cổ mà thong dong dạo phố, thì hồn bay lơ lửng chín tầng trời. 

Tôi lại phát hiện ra nếu quàng thêm một chiếc khăn hợp màu cho Vespa nữa, thì thực là tri kỷ (cái này bạn có thể thử, không loại xe nào hợp hơn Vespa cổ để quàng khăn ấm).

Chỉ có mùa hè thì đi Vespa cổ có phần cơ cực. Vỏ xe toàn bằng kim loại nóng bỏng tay dưới nắng. Mà vạn nhất nó lăn ra giữa đường, thì khổ không bút nào tả xiết.

Ngồi nghỉ một lúc, tôi nhớ lại hai bài học sửa xe vỡ lòng: xăng và điện. Tháo cốp mở bugi ra kiểm tra, thì điện vẫn tốt. Vậy là xăng. Nhưng xăng mới đổ tối qua cơ mà? 

Nghiêng nhẹ chiếc xe một góc 45 độ cho xăng chảy xuống, tôi thử đạp, máy nổ. Nhưng đi được vài chục mét lại chết máy. Cuối cùng lý do hết sức ngớ ngẩn: Tôi không gạt hẳn khóa xăng sang cơ chế vận hành nên xăng xuống không đều. Đó, vấn đề là ở tôi chứ không phải chiếc xe.

Lần chết máy đó là lần cuối cùng tôi cho phép mình để chiếc Vespa hỏng vặt. Chiếc Sprint 150 sau đó nếu có vào tiệm sửa, thì luôn là vì tôi chủ động dắt tới bảo dưỡng, hai lần mỗi năm.

 
 Con trai của tác giả Phạm Gia Hiền cùng chiếc xe Vespa cổ mà cháu sẽ được nhận từ bố. Ảnh: Phạm Gia Hiền

Tôi đồng tình với niềm tin của người Việt rằng đồ vật dùng lâu có linh tính. Đã nhiều lần khi cảm thấy chiếc Vespa có dấu hiệu bất thường, tôi phóng tới tiệm bảo dưỡng thì vừa phi vào tiệm là xe chết máy hay đứt cọng dây côn cuối cùng. 

Vụ này còn thật hơn, mỗi lần chở một cô bạn gái mới, tôi phải vỗ nhẹ đầu xe và thì thầm vài lời giới thiệu ngọt nhạt. Nếu không thì sao? Cảnh một cô xinh xinh váy áo thướt tha phải lếch thếch đi bộ cạnh một gã mồ hôi nhễ nhại vừa dắt vừa đẩy chiếc Vespa màu xanh cánh chả đã từng xảy ra vài lần rồi.

Người đi Vespa hay dùng từ “chơi” để giới thiệu về mình, về những người đồng điệu. “Tôi chơi Vespa được 10 năm rồi”, kiểu thế.

Cá nhân tôi không dám nhận mình là người sành về Vespa. 16 năm qua tôi dùng chiếc Vespa Sprint làm phương tiện di chuyển hằng ngày, nhưng đến lúc này cũng không biết gì hơn là kiểm tra xăng và bugi. 

Nhưng tôi yêu Vespa theo cách của mình, ngây ngô và không khi nào hết hào hứng. Trên chiếc Vespa cổ này, con tôi đã lớn lên, từ lúc hai chân còn co lên cốp như con ếch, nay đã thõng xuống gần đặt được vào phía trước.

Bố sẽ để lại cho con chiếc Vespa này - tôi nói với con, năm nó tròn 10 tuổi.

Rồi con sẽ để lại cho con của con nữa. ■

(*) "Thứ nhất là hỏng bugi / Thứ nhì là hỏng cái gì bên trong" (ca dao Vespa)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận