TTCT - Khác với thái độ kiên nhẫn và có phần mềm mỏng những lần trước, với sắc thuế đánh vào hàng nhập khẩu mới của Mỹ lần này, Trung Quốc đã lập tức có phản ứng "đối ứng", các sắc thuế tương đương, kiện Mỹ ra WTO, kèm theo nhiều lập luận gay gắt. Ảnh: NewsweekChiều 2-4 giờ Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế đối ứng toàn diện gây rúng động thị trường chứng khoán toàn thế giới, thì sáng 3-4 giờ Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng sáu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tham dự lễ trồng cây cùng các thiếu niên ở quận Phong Đài, Bắc Kinh.Ông Tập nói với thế hệ trẻ rằng hãy cùng xây dựng Trung Quốc tươi đẹp hơn, và không đề cập gì tới chính sách của Washington. Bất chấp việc ông Trump áp thuế quan mới 34% lên hàng xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ, phong thái ung dung của ông Tập thể hiện sự bình tĩnh có kiểm soát trước Washington. Thông điệp được truyền tải: chúng tôi không quá lo lắng với sự "bắt nạt" của anh. Các anh cứ làm việc của mình, chúng tôi sẽ đáp trả sau.Đáp trả6h chiều thứ sáu 4-4 giờ Bắc Kinh, tức chưa tới hai ngày sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo "biện pháp đối phó kiên quyết" với mức thuế mới nhất của ông Trump bằng cách áp thuế chung 34% với tất cả hàng hóa Mỹ, tương đương mức thuế mới nhất mà ông Trump áp với Trung Quốc. Thời gian áp dụng cũng tương đương. Phạm vi trả đũa của Trung Quốc rộng lớn khi bao gồm cả các biện pháp thuế quan và phi thuế quan.Một thông điệp khác được truyền tải rất rõ ràng: anh gây đau đớn cho tôi, tôi cũng sẽ gây đau đớn cho anh. Mọi thứ sẽ đau đớn cho cả hai, nhưng chúng tôi sẽ chịu được.Trong các biện pháp trả đũa, Bắc Kinh còn áp lệnh hạn chế xuất khẩu với các kim loại đất hiếm quan trọng - vật liệu được sử dụng trong sản phẩm công nghệ cao như chip máy tính và pin xe điện, cấm xuất khẩu mặt hàng lưỡng dụng, tức cả quân sự và dân sự, cho hàng chục pháp nhân Hoa Kỳ, chủ yếu là trong ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ. Ngoài ra, Bắc Kinh đưa thêm 11 công ty Mỹ vào "danh sách các thực thể không đáng tin cậy", khiến họ phải chịu các hạn chế rộng hơn khi hoạt động tại Trung Quốc.Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với lý do thuế quan mới của ông Trump "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên WTO và làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và trật tự kinh tế và thương mại quốc tế". Tờ Independent của Anh ngày 7-4 nhận định rằng ông Trump đã trao món quà cho Trung Quốc khiến Bắc Kinh trở thành người bảo vệ thương mại tự do.Thông điệp của Trung Quốc không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là chính trị: đòn trả đũa của họ sẽ giáng đòn mạnh vào nông dân Mỹ, vốn là những cử tri trung thành của Đảng Cộng hòa và ông Trump. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 27 tỉ đô la sản phẩm nông nghiệp vào năm 2024, chiếm 14% tổng lượng nông sản xuất khẩu của Mỹ, gồm 13 tỉ đô la đậu nành, hơn 1 tỉ đô la mỗi loại các mặt hàng bông, lúa miến (cao lương), thịt bò, thịt heo và hải sản.Ảnh: ReutersMức thuế 34% được công bố vào thứ sáu là mức bổ sung cho các mức hiện hành, khoảng từ 10-15% mà Trung Quốc áp dụng vào tháng trước. Hiệp hội Đậu nành Mỹ lưu ý đậu nành sẽ phải đối mặt mức thuế 60% tại Trung Quốc bắt đầu từ ngày 10-4, gấp đôi mức thuế được áp dụng trong cuộc chiến thương mại năm 2018. Hiệp hội này ước tính nông dân trồng đậu nành của Mỹ sẽ mất 5,9 tỉ USD mỗi năm. Mức giá cao sẽ đẩy hầu hết nông dân Mỹ ra khỏi thị trường Trung Quốc. Brazil và Mexico sẽ nhanh chóng thế chỗ.David Ortega, giáo sư kinh tế và chính sách thực phẩm tại Đại học bang Michigan, cho tờ The New York Times biết: "Nếu các mức thuế này có hiệu lực trong một thời gian đáng kể, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự gián đoạn rất nghiêm trọng và tồi tệ hơn cuộc chiến thương mại năm 2018". Còn Ian Sheldon, giáo sư về tiếp thị nông nghiệp, thương mại và chính sách tại Đại học bang Ohio, cũng trả lời phỏng vấn tờ NYT: "Chúng ta sẽ mất thêm thị phần ở Trung Quốc", và "khả năng chuyển hướng đó sang những nơi khác trên thế giới sẽ bị cản trở bởi thực tế là mức thuế được áp dụng ngày hôm qua quá rộng và trên rất nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng".Một Trung Quốc quyết đoánBắc Kinh thể hiện sự kiềm chế trong hai tháng qua để tham gia các cuộc đàm phán cấp cao với chính quyền Trump nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa ông Trump và ông Tập, nhưng bây giờ sự kiên nhẫn của Bắc Kinh có lẽ cũng đã cạn. Gabriel Wildau, giám đốc điều hành công ty tư vấn Teneo, nhận định với đài CNBC rằng phản ứng của Bắc Kinh "kém kiềm chế hơn đáng kể" so với hai đợt áp thuế 10% gần đây với hàng hóa Trung Quốc. Điều đó "có thể phản ánh hy vọng giảm sút của giới lãnh đạo Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại với Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn"."Trời vẫn chưa không sập dù việc Mỹ lạm dụng thuế quan sẽ gây ra một số tác động đến chúng ta", tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong một bài xã luận trang nhất vào thứ hai 7-4. "Trung Quốc là một nền kinh tế siêu cường. Chúng ta mạnh mẽ và kiên cường trước sự bắt nạt về thuế quan của Mỹ".Bài báo cũng nêu rõ cuộc đối đầu thương mại không phải là bất ngờ và giới lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch ứng phó. "Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ trong tám năm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến này". Theo đó, hàng xuất khẩu sang Mỹ đã giảm và chiếm chưa đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, so với mức hơn 19% vào năm 2018. Bài viết cảnh báo Washington có thể bị tổn thương nhiều hơn bởi cuộc chiến thương mại vì họ "phụ thuộc rất nhiều" vào nhiều loại hàng tiêu dùng và sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Bài xã luận nói Trung Quốc "không đóng cánh cửa đàm phán", nhưng "sẽ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".Tuy quan hệ thương mại Trung - Mỹ thật sự rất mất cân đối, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chịu mức thuế quan mới chỉ chiếm khoảng 2,3% GDP Trung Quốc, con số tương ứng với Mỹ còn ít hơn: xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,5% GDP Mỹ. Tác động của thuế quan Mỹ với Trung Quốc sẽ lớn hơn Trung Quốc với Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế 20.000 tỉ đô la của Trung Quốc vẫn hấp thụ được, qua thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, và chính sách nới lỏng tiền tệ.Ảnh: ReutersAndy Tạ, nhà kinh tế độc lập tại Thượng Hải, nói với đài Mỹ CNBC: "Việc tăng thuế với tất cả hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ... cho thấy quyết tâm của Trung Quốc là Mỹ tới đâu Trung Quốc sẽ tới đó".Đồng quan điểm, nhóm nhà phân tích ở Eurasia Group cho biết trong báo cáo công bố tuần này rằng: "Thái độ quyết đoán của Bắc Kinh báo hiệu các biện pháp trả đũa trong tương lai sẽ mạnh mẽ hơn, gây ra vòng xoáy leo thang và làm tăng khả năng phân tách Mỹ - Trung không được kiểm soát vào năm 2025".Thị trường phản ứngDù các nhà lãnh đạo hai bên vẫn cứng giọng và tỏ vẻ bình thường, nhưng triển vọng mờ nhạt về một thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thúc đẩy đợt bán tháo trên thị trường tài chính. Chỉ số chứng khoán Bắc Kinh 50 đã giảm hơn 20% vào sáng thứ hai 7-4.Điều này làm dấy lên suy đoán trong giới đầu tư rằng Trung Quốc có thể dùng đến biện pháp phá giá mạnh đồng nhân dân tệ so với USD để bù đắp cho thuế quan. Chỉ số Hang Sang China Enterprises theo dõi cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đã giảm hơn 10% vào ngày 7-4. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm 8 điểm cơ bản, xuống còn 1,63%. Không chỉ ở Trung Quốc và Mỹ, thị trường chứng khoán khắp châu Á và châu Âu tuần qua tiếp tục lao dốc khi cú sốc từ thuế quan của Trump tiếp tục được cảm nhận trên toàn thế giới.Nếu như trước kia, Bắc Kinh tỏ ra vẫn mong muốn có một thỏa thuận và sẵn sàng đàm phán, thì hiện giờ, theo Eurasia Group, Trung Quốc đã tự định vị theo cách rất khác, và không chịu xuống thang. Trong vài tháng nữa, khi tác động của thị trường tài chính lan sang nền kinh tế, ta sẽ rõ giữa Trung Quốc và Mỹ, ai đang có những lá bài mạnh hơn, theo ngôn ngữ của ông Trump.■ Giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã họp vào cuối tuần qua để thảo luận về việc ổn định nền kinh tế và thị trường, đồng thời cân nhắc thúc đẩy một số biện pháp đã được lên kế hoạch từ trước khi Trump áp thuế. Tuần trước nữa, họ đã ngồi lại với giám đốc điều hành các tập đoàn quốc tế lớn - bao gồm nhiều tập đoàn châu Âu - với thông điệp rõ ràng: Trung Quốc luôn hướng tới ổn định, thương mại tự do và hợp tác toàn cầu.Chủ nhật 6-4, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã gặp 20 công ty Mỹ, bao gồm Tesla và GE, để đảm bảo với họ về sự hỗ trợ của Bắc Kinh với công ty Mỹ. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Lăng Kích cho biết hành động trả đũa của Bắc Kinh nhằm đưa Washington trở lại con đường đa phương và kêu gọi các công ty Mỹ lên tiếng và hành động thiết thực để duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng. Ông Lăng cũng cam kết rằng Trung Quốc sẽ vẫn là "miền đất hứa" cho đầu tư nước ngoài. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mỹ áp thuế các nước Tiếp theo Tags: Thuế quanThương mạiMức thuế Trung QuốcMỹ
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Chủ tịch nước Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nội Bài DUY LINH 14/04/2025 Trưa 14-4, chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 14 và 15-4.
Công khai tên gọi, nơi đặt 'thủ phủ' tỉnh thành sau sáp nhập là phương pháp lấy ý kiến nhân dân THÀNH CHUNG 14/04/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay việc báo chí công khai tên gọi và nơi đặt 'thủ phủ' các tỉnh, thành sau sáp nhập là phương pháp lấy ý kiến nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội: Lượng công việc quá lớn, có thể phải làm cả đêm THÀNH CHUNG 14/04/2025 Chủ tịch Quốc hội cho hay Trung ương Đảng đồng ý sáp nhập đơn vị cấp xã đảm bảo cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị so với hiện nay.
Bộ Nội vụ đề xuất nguyên tắc đặt tên tỉnh, xã sau sáp nhập THÀNH CHUNG 14/04/2025 Bộ Nội vụ đề xuất tên đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập được đặt theo tên của một trong các đơn vị trước sắp xếp phù hợp định hướng được cấp thẩm quyền phê duyệt.