Thượng đỉnh G20: Chỉ còn là một diễn đàn vô dụng?

TRẦN TRỌNG 09/12/2018 18:12 GMT+7

TTCT - Thành lập từ năm 1999, nhóm G20 là một cuộc gặp được thiết kế để thúc đẩy hợp tác giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới hòng tìm câu trả lời cho những vấn đề phức tạp toàn cầu. Nhưng sau gần 20 năm vận hành, cơ chế đa phương này đang ngày càng suy yếu nghiêm trọng.

Ông Trump một mình rời sân khấu bất chấp lời mời lại của Tổng thống chủ nhà Maurico Marci, hình ảnh biểu tượng của hội nghị G20 Buenos Aires. Ảnh: Reuters
Ông Trump một mình rời sân khấu bất chấp lời mời lại của Tổng thống chủ nhà Maurico Marci, hình ảnh biểu tượng của hội nghị G20 Buenos Aires. Ảnh: Reuters

 

Ngay từ đầu, giới học giả đã tin rằng còn một cách nhìn khác về cuộc tụ tập G20: một diễn đàn để siêu cường duy nhất, ít ra là cho tới giờ - Hoa Kỳ - thuyết phục các nước khác về cuộc đại thí nghiệm Mỹ của chủ nghĩa tư bản, nền dân chủ tự do và sự phá hủy sáng tạo đang tiếp tục thúc đẩy động lực kinh tế thế giới.

Chỉ có điều tình hình đã thay đổi nhiều trong hai thập kỷ qua, kể từ khi G20 ra đời. Năm 1992, nền kinh tế Mỹ chiếm gần 31,96% tổng GDP của 20 nền kinh tế dự hội nghị, trong khi Trung Quốc chỉ là 2,09%. Tới năm 2017, Mỹ vẫn dẫn đầu dù tỉ lệ có giảm một chút, 30,90%, nhưng Trung Quốc đã vươn lên là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với 19,50%, tạo thành hai lực lượng áp đảo nổi bật.

Trật tự thay đổi

Quan sát đơn giản này kể hai câu chuyện quan trọng. Thứ nhất, Hoa Kỳ đã giữ được vị thế tay chơi quan trọng nhất toàn cầu từ năm 1992 tới giờ. Tức mọi chuyện kể về sự sa sút của vị thế Hoa Kỳ chỉ là ngộ nhận. Thứ hai, Trung Quốc là câu chuyện lớn ở đây.

Tất nhiên, GDP còn xa mới là một phương pháp so sánh hoàn hảo, nhưng đó là công cụ dễ dàng nhất hiện nay. Trong một quan sát thứ hai, về cơ bản không có gì xấu trong sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Đó có lẽ là điều thần kỳ kinh tế lớn nhất trong 40 năm qua, nhưng ngay cả như thế không có lý do gì để tin rằng những hệ giá trị kiểu Trung Quốc sẽ sớm lan ra, như hệ giá trị Mỹ đã lan nhanh khắp toàn cầu từ sau Thế chiến II.

Khi giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng sự giàu có mới tìm được để độc quyền hóa thông qua các chiến dịch ý thức hệ, xuất khẩu tham nhũng và gây mất ổn định khu vực - tác giả Clay Fuller viết trên Aeideas - Một vấn đề sẽ sớm nổi lên khiến thế giới phải giải quyết: sự sa sút của Trung Quốc”.

Phản ánh điều đó, tuyên bố cuối cùng của hội nghị năm nay “là một tài liệu khá mất cân bằng”, theo giáo sư Stanislav Tkachenko của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính trị ở các nước đang chuyển đổi thuộc Đại học Liêu Ninh, viết trên valdaiclub.com, một diễn đàn do Nga tài trợ.

Tkachenko giải thích cho nhận xét của ông bằng ví dụ về việc xem xét lại hạn ngạch đóng góp ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở điều 23 của tuyên bố cuối cùng.

Trung Quốc, Ấn Độ và Nga rất nghi ngờ về các hoạt động của IMF, coi quỹ này là một công cụ cho chính sách của Mỹ; bởi thế Trung Quốc đã chủ động xây dựng Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á, và Nga đã thiết lập một số ngân hàng phát triển ở các nước thuộc Liên Xô cũ - Tkachenko viết - Vì thế, việc G20, bao gồm Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, ủng hộ viết tái thiết IMF là điều mới mẻ ở đây”.

Các ưu tiên cũng đã khác nếu so với G20 mười năm về trước ở Washington, cả với khối - đại diện cho toàn cầu - và với hai nền kinh tế lớn nhất. 10 năm trước G20 Buenos Aires, nền kinh tế toàn cầu vừa trải qua một cuộc đại khủng hoảng và suy thoái lịch sử.

Những ưu tiên lúc đó là đảm bảo ổn định tài chính quốc tế, kiềm chế cuộc chiến phá giá đồng tiền và kiểm soát những nơi trốn-tránh thuế.

Năm nay, nghị trình chính được nhấn mạnh từ điều 2 của tuyên bố cuối cùng là các vấn đề phát triển bền vững với bốn trụ cột: “Tương lai của công ăn việc làm - Cơ sở hạ tầng cho phát triển - Một tương lai lương thực bền vững hơn - Một chiến lược về giới cho toàn bộ khối G20”.

Tất cả các vấn đề đó thật rõ ràng không của riêng nước nào, nhưng đồng thời ít mang tính chính trị hơn hẳn so với những hội nghị thời kỳ đầu, và quá chung chung để có thể hiện thực hóa theo bất kỳ nghĩa gì.

Cơ chế đa phương suy yếu

Năm 2008, về cơ bản nghị trình G20 là nghị trình của tổng thống vừa đắc cử của Mỹ khi đó, ông Barack Obama, với trọng tâm đặt vào việc phục hồi kinh tế và bảo đảm ổn định tài chính toàn cầu, hạ các rào cản thương mại cũng như thành lập những khối thương mại mới.

Năm 2018 này tình hình hoàn toàn khác. Nước Mỹ giờ có một tổng thống mới, Donald Trump, với một nghị trình gần như trái ngược: chủ nghĩa bảo hộ tập trung vào các lợi ích đơn phương của Washington để tiếp tục duy trì vì thế thống trị của Mỹ với kinh tế và chính trị thế giới.

Trong ba năm qua, hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu đã tràn ngập những bất trắc vì sự có mặt của ông Trump ở Nhà Trắng. Điều đó khiến nội dung các tuyên bố G20 Hàng Châu 2016 hay Hamburg 2017 và cả Buenos Aires 2018 trở nên mơ hồ hơn, giống hơn với một bài ôn luyện cho các học trò đang gặp khó khăn trước một kỳ thi quan trọng.

Điều đó càng khiến cuộc gặp đầu tiên được chờ đợi rất lâu giữa ba nước RIC (Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) ở Argentina nhiều ý nghĩa hơn.

Tkachenko nhận xét: “Dần dần, trước mắt chúng ta, những cơ sở được hình thành cho một trật tự lưỡng cực mới của nền kinh tế toàn cầu: Hoa Kỳ và rất nhiều vệ tinh của họ một bên, và RIC, cùng các đối tác BRICS (thêm hai nước Brazil và Nam Phi) và SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải) bên kia”.

Ông tiên đoán rằng điều đó khiến trong tương lai, các diễn đàn G20 có thể được thay thế bằng những cuộc gặp thường niên nơi hai khối quốc gia lớn, dù không phải trên danh nghĩa công khai thì cũng là trên thực tế sẽ thảo luận cùng những vấn đề toàn cầu.

Nhưng cuộc mặc cả kiểu đó sẽ là mối đe dọa lớn cho chủ nghĩa đa phương và cả một hệ thống pháp lý quốc tế đủ sức răn đe, vốn là điều tối quan trọng với lợi ích của các nước nhỏ hơn. Trên thực tế, vai trò của G20, giống như các định chế đa phương khác thời gian qua - Liên Hiệp Quốc hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - đã xói mòn nghiêm trọng.

Những vấn đề lớn toàn cầu, mà các nhà lãnh đạo những nước công nghiệp lẽ ra phải cùng giải quyết, giờ được giải quyết trên cơ sở tay đôi. Việc gạt bỏ các cấu trúc đa phương như thế sẽ là bối cảnh nguy hiểm để các nước lớn mặc cả bằng/trên lưng lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn.

Báo chí, trong quá trình đưa tin về các hội nghị lớn, đã phản ánh đầy hình tượng sự chia rẽ đó. Tháng 6 năm nay ở hội nghị thượng đỉnh G7, bức ảnh nổi tiếng là ông Trump ngồi khoanh tay sau một chiếc bàn, xung quanh là các nhà lãnh đạo thế giới khác, tất cả đều có vẻ bực dọc và muốn chất vấn.

Một năm trước nữa ở G20 Hamburg, một máy quay đã bắt được cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel đảo con ngươi một vòng tròn khi đang nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Còn ở Buenos Aires, hình ảnh ấn tượng là Trump lầm bầm: “Để tôi ra khỏi đây” với những trợ lý của mình khi ông rời đi, bỏ mặc Tổng thống Argentina chủ nhà trên sân khấu, và cảnh tượng hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman đập tay với ông Putin.

Chính vì thế, vấn đề lớn nhất và ảnh hưởng tới kinh tế thế giới nhiều nhất thời gian qua, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đã không được giải quyết qua G20 hay bất kỳ cơ chế trung gian nào, mà qua một cuộc gặp mặt đối mặt Trump-Tập Cận Bình.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí với nhau một “thỏa thuận ngừng bắn” chỉ sau khi hội nghị đã kết thúc. Bản tuyên bố cuối cùng, vì thế, cũng không nhắc gì tới cuộc chiến thương mại mà chỉ có vỏn vẹn một dòng hờ hững “Chúng tôi lưu ý những vấn đề với thương mại hiện giờ” (điều 4).

Tất cả những điều đó khiến các hội nghị như G20 ngày càng trở nên giống một cuộc tụ họp chỉ để tán gẫu của giới tinh hoa: nói về biến đổi khí hậu trong khi dùng máy bay chở hàng nghìn người bay ngang thế giới tới Buenos Aires chỉ trong vài ngày; nói về phồn vinh trong khi nước chủ nhà Argentina chi hàng chục triệu đôla bảo vệ và tổ chức hội nghị, giữa những khu ổ chuột mà dân chúng đang sống cùng quẫn; nói về sự nhất trí và đoàn kết trong khi các siêu cường cãi nhau xuyên đêm để ra một tuyên bố cuối cùng dài đúng tám trang (cả phần phụ lục) - chỉ toàn những từ ngữ đao to búa lớn và vô nghĩa. Và cuối cùng, nói về trật tự đa phương và pháp lý quốc tế, trong khi những quyết định lớn được thực hiện song phương và dựa chủ yếu trên việc kẻ nào mạnh hơn hoặc giàu có hơn.

Thật khó hi vọng một thế giới tốt đẹp hơn nếu như hội nghị quan trọng nhất, với những nhà lãnh đạo được cho là sáng láng nhất của chúng ta, lại chỉ có thể diễn ra và kết thúc thế này.■

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một khoảnh khắc mã thượng tuyệt vọng khi lên tiếng bảo vệ cho chủ nghĩa đa phương ở G20. Máy quay cũng đã bắt được việc ông lời qua tiếng lại với hoàng thái tử Saudi Arabia về những quan ngại nhân quyền ở nước này. Nhưng đồng thời ông Macron quá đơn độc. Truyền hình Nga RT thậm chí bắt được cảnh ông chẳng được ai chào đón khi bước ra khỏi sân bay ở Buenos Aires và đành bắt tay một nhân viên sân bay mặc áo... gilê vàng!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận