Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Một khởi đầu

TƯỜNG ANH 20/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Kết quả lớn nhất của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6-2021 liên quan đến vấn đề kiểm soát vũ khí chiến lược.

Thông cáo chung nói hai bên “tái khẳng định sự tuân thủ nguyên tắc không thể có kẻ thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và [cuộc chiến hạt nhân này] không bao giờ được nổ ra”. 

Cuộc gặp ở Geneva chỉ là một khởi đầu thận trọng. Ảnh: NBC News

 

Đồng thời, hai nước dự định khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện về vấn đề này. Ngoài ra, hai bên sẽ giải quyết một số vấn đề quá khứ như đưa các đại sứ trở lại làm việc. 

Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoli Antonov được triệu hồi về Matxcơva hồi tháng 3-2021 để “tham vấn”, trong khi đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan cũng được gọi về Washington hồi tháng 4, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ sát nhân”. 

Các cuộc gặp cấp chuyên viên về những vấn đề liên quan đến ổn định chiến lược, tấn công mạng, trao đổi tù nhân, Bắc Cực... cũng sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

Những nội dung như thế cho một cuộc gặp thượng đỉnh của hai cường quốc là có phần khiêm tốn, khiến nhiều người nêu câu hỏi nó có cần phải diễn ra, nếu không có một đột phá nào?

Lằn ranh đỏ và danh sách của ông Biden

Trên nền mối quan hệ hai nước xuống thấp nhất chưa từng thấy, có hai lý do cho cuộc gặp: (1) Để hai nguyên thủ làm quen với nhau ở một cấp độ mới; và (2) để thoát khỏi tình hình chồng chất lâu nay trong quan hệ Mỹ - Nga.

Nhưng về cơ bản, hai bên tiếp tục giữ lập trường của mình và chỉ nhắc lại những quan điểm đó. Về phía Mỹ, Tổng thống Biden chỉ trích những cuộc tấn công của các hacker, mưu toan can thiệp vào bầu cử và việc đàn áp phe đối lập Nga. 

Ông Biden cho hay đã trao cho ông Putin danh sách 16 địa điểm hạ tầng trọng yếu của Mỹ không được xảy ra tấn công tin tặc và lưu ý Washington sở hữu “năng lực lớn lao” để đáp trả những đòn tấn công mạng.

Theo đài Đức DW, đây là một trong những “lằn ranh đỏ” mà ông Biden từng đề cập trước cuộc gặp thượng đỉnh. 

Trong khi đó, “vấn đề Ukraine” - từng được ông Putin cho là “lằn ranh đỏ” với Nga - chỉ được ông Biden giới hạn ở phát biểu ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, không đề cập gì đến chuyện quân đội Nga gần đây được bố trí sát biên giới Ukraine. 

Cả hai tổng thống đều thống nhất việc giải quyết xung đột ở Donbass dựa trên cơ sở thỏa thuận Minsk (mà Kiev hiện từ chối thực hiện).

Có một đề tài không được nói ra, nhưng các bên có thể ngầm hiểu: Trung Quốc. 

Khi được hỏi về nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Nga, ông Biden nói, theo ông, ông Putin không muốn điều đó xảy ra bởi một cục diện địa chính trị phức tạp: “Cho phép tôi đặt một câu hỏi tu từ: Các ông có hàng nghìn cây số biên giới với Trung Quốc. Trung Quốc đang tiến lên phía trước với mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự và kinh tế mạnh nhất thế giới”, sau đó ông nhắc về tình hình kinh tế khó khăn của Nga mà theo ông, đang cần phải phát triển nhanh.

Với ông Biden, quan trọng là phải ổn định những lĩnh vực nguy cơ tiềm năng: hạt nhân và chiến tranh, không để Matxcơva ngả về phía Bắc Kinh, dẫu chỉ là trao đổi công nghệ và vũ khí. Chỉ sau đó tổng thống Mỹ mới rảnh tay để nói về nhân quyền và sức ép cấm vận, vốn là những đề tài truyền thống với giới tinh hoa Mỹ.

“Những chớp lóe thấp thoáng”

Về phần người Nga, họ rõ ràng không ảo tưởng gì về cuộc gặp. Họ hiểu các biện pháp cấm vận vẫn tiếp tục, sự đối kháng sẽ không chấm dứt, thậm chí sức ép có thể lớn hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng giọng điệu của Mỹ ở thượng đỉnh Thụy Sĩ đã bớt gay gắt.

Đến lượt mình, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ ủng hộ phe đối lập Nga và so sánh tổ chức “Quỹ đấu tranh chống tham nhũng” (của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalnyi đang bị giam giữ) với cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội và sự bất ổn trên nền bạo lực chống người Mỹ gốc Phi. Ông Putin cứng rắn: “Chúng tôi không muốn những chuyện như vậy xảy ra ở đất nước chúng tôi”.

Trả lời câu hỏi liệu ông và ông Biden có đạt đến một cấp độ mới của sự hiểu biết lẫn nhau không, tổng thống Nga nhắc lời đại văn hào Lev Tolstoy: “Tolstoy có lần đã nói “không có hạnh phúc trong đời, chỉ có những chớp lóe của nó. Hãy trân trọng chúng”. Tôi có cảm tưởng, trong tình hình hiện nay không thể nói về một niềm tin thân thiết nào đó, nhưng những chớp lóe của nó, dường như đã thấp thoáng”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận