Thụy Điển có thực sự <>“ngược chiều vun vút”?

LÊ KHÁNH DUY 14/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Góc nhìn của một người Việt đang sống và làm việc tại Thụy Điển, về "cách của Thụy Điển" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, vốn gây nhiều tranh cãi.

"Cám ơn bạn đã giữ khoảng cách". Màn hình thông tin trên đường phố Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Châu Âu đã bước vào mùa đông cùng với làn sóng COVID-19 thứ hai. Trong khi người dân Thụy Điển đón nhận số lượng ca nhiễm tăng vọt với sự bình thản vì phần nào họ đã được dự báo trước, tình hình dịch bệnh cũng như cách chống dịch được cho là “không giống ai” của đất nước Bắc Âu này lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ trên các mặt báo nước ngoài.

Thụy Điển chính thức “nổi tiếng” thế giới vào tầm tháng 3 và 4, khi gần như là đất nước duy nhất ở châu Âu không áp dụng các biện pháp mạnh tay như phong tỏa cả nước, đóng cửa trường học, nhà hàng, quán cà phê để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Việc không hành động quyết liệt giống như những nước khác tại thời điểm ngặt nghèo nhất của dịch bệnh lúc đấy đã tạo ra hình ảnh về một chính phủ Thụy Điển chỉ quan tâm kinh tế, không quan tâm mạng người, đem người dân ra thử nghiệm lý thuyết miễn dịch cộng đồng trong mắt nhiều nước trên thế giới. Thậm chí những nước Bắc Âu, thường được xem như anh, chị, em của Thụy Điển như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan cũng đưa đất nước này vào danh sách đen về dịch bệnh tại thời điểm đó.

Nhưng điều gì đã thực sự diễn ra sau những quyết định gây tranh cãi đó của Cơ quan y tế cộng đồng của Thụy Điển, nơi chịu trách nhiệm cao nhất cho vấn đề y tế, sức khỏe và dịch bệnh của người dân?

Lạt mềm buộc chặt

Biện pháp phong tỏa được nhiều nước áp dụng để ngăn đà lây lan của virus, song đi kèm với nó là các câu hỏi quan trọng: phong tỏa trong bao lâu (vài tuần, vài tháng hay một năm) và liệu người dân có thể chịu phong tỏa dài hạn đến khi dịch bệnh kết thúc?

Trong khoa học về y tế cộng đồng và dịch tễ học được dạy ở Thụy Điển, phòng chống dịch không chỉ là vấn đề kiểm soát virus mà còn là kinh tế xã hội và sức khỏe tâm lý người dân. Việc phong tỏa sẽ tạo ra tâm lý nặng nề của người dân, gây ra sự mệt mỏi, ức chế dẫn tới mất kiên nhẫn, sẽ khiến họ có tâm lý muốn được tự do “bung xõa” khi việc phong tỏa kết thúc. Nếu dịch bệnh vẫn còn mà đã “xõa” (vì chịu hết nổi) thì số ca nhiễm sẽ bùng phát đến mức vượt quá sức chịu đựng của hệ thống y tế. Ngoài ra, việc quanh quẩn trong một không gian cố định trong một thời gian và không thấy ai xung quanh mình thực sự nhiễm bệnh sẽ làm phát sinh tâm lý chủ quan.

Vì thế, những người đứng đầu hệ thống y tế của Thụy Điển tin rằng điều quan trọng nhất là không được tạo cho người dân và xã hội tâm lý ức chế vì bị gò bó, trói buộc dẫn đến tình trạng “bùng nổ” cả về tâm lý người dân lẫn dịch bệnh.

Thực tế diễn ra ở các nước phương Tây áp dụng phong tỏa sau đó đã chứng minh cho điều này: từ Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha tới Đức... rất nhiều người dân đã tìm mọi cách lách luật phong tỏa để đi ra ngoài, tụ tập, thậm chí tham gia biểu tình. Và tình hình dịch bệnh ở những quốc gia áp dụng biện pháp mạnh tay này cũng không diễn ra là chiều hướng tốt hơn so với cách làm mềm mỏng của Thụy Điển; tình trạng bùng dịch sau hay thậm chí trong thời gian phong tỏa đã diễn ra.

Còn việc không đóng cửa trường học, một trong những điều làm Chính phủ Thụy Điển bị chỉ trích nặng nề nhất thì sao? Sự thật thì chính phủ đã cho đóng cửa trường đại học, một số bậc của cấp 3, cho phép sinh viên học sinh từ 16 tuổi được học từ xa. Việc không đóng cửa trường học chỉ áp dụng cho học sinh dưới 16 tuổi, những người luôn cần người giám hộ. Nếu học sinh 16 tuổi nghỉ ở nhà, điều đó đồng nghĩa với việc phụ huynh cũng phải nghỉ làm để trông con. Điều này ảnh hưởng năng suất công việc, nhưng quan trọng hơn cả là gây thiếu nguồn nhân lực trong những ngành nghề thiết yếu cho xã hội trong thời gian dịch bệnh như điều dưỡng, y tế vì nhân viên phải nghỉ làm ở nhà với con.

Điều thú vị là khi các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha quay trở lại phong tỏa để kiềm chế làn sóng COVID-19 thứ hai, họ vẫn giữ các trường học mở cửa vì lý do... như những người đứng đầu nền y tế Thụy Điển đã nêu trên. Ngay cả những nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan giờ vẫn đang giữ trường học mở cửa như người hàng xóm Thụy Điển mà họ từng chỉ trích.

Dữ liệu: The Guardian

Tự nguyện tuân thủ

Không phong tỏa, không đóng cửa trường học, phải chăng Chính phủ Thụy Điển thực sự thả nổi việc phòng chống dịch và phó mặc cho cái gọi là miễn dịch cộng đồng? Sự thật là không.

Những khuyến cáo và chỉ dẫn về giữ khoảng cách xã hội luôn được chính phủ đưa ra và áp dụng tốt nhất có thể. Người dân bị cấm đến thăm người thân ở các viện dưỡng lão. Ở những cơ quan công chính nhà nước hay trên tàu xe, việc đánh dấu những chỗ không được phép ngồi để duy trì khoảng cách an toàn luôn được áp dụng nghiêm ngặt ngay cả trong mùa hè, khi đất nước này có những ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Các hãng giao thông công cộng còn làm một điều không dễ dàng gì cho họ: đăng quảng cáo trên tàu xe khuyên người dân đi bộ hay đi xe đạp nhiều nhất có thể, chỉ sử dụng phương tiện công cộng khi thực sự cần thiết. Những nơi công cộng cũng đánh dấu vị trí xếp hàng, có nước rửa tay ở nhiều vị trí khác nhau, có tấm chắn giữa khách hàng và nhân viên.

 Có một điều đáng tiếc là sự khác biệt văn hóa giữa người bản xứ và người nước ngoài đã dẫn đến cách phản ứng với chính sách phòng dịch khác nhau. Người Thụy Điển vốn dĩ hòa vi quý, tránh nặng nề, mang tính áp đặt trong giao tiếp. Đó là lý do trong những chỉ dẫn về giãn cách xã hội của chính phủ, chính phủ thường dùng động từ rekommendera, nghĩa là "đề nghị", thay vì các động từ mạnh hơn. Nếu hiểu văn hóa Thụy Điển, khi thấy động từ này, một người sẽ ngầm hiểu rằng hãy tuân thủ theo, còn người ngoại quốc nghĩ “không làm cũng không sao”.

Ví dụ, một khu vực nhiều người nhập cư ở Stockholm là nơi ghi nhận việc bùng dịch nghiêm trọng nhất Thụy Điển vào mùa xuân. Lý do là vì những người ở đây cho rằng việc chính phủ dùng từ như trong chỉ thị khiến họ nghĩ không nhất thiết phải tuân theo các chỉ thị đó. Chính phủ sau đó đã phải có những điều chỉnh trong cách tuyên truyền những chỉ dẫn giãn cách xã hội với những nhóm dân này.

Bản thân tôi cảm nhận rằng Chính phủ Thụy Điển đã làm hết sức có thể để mỗi người dân được an toàn, ít doanh nghiệp phải đóng cửa nhất và mỗi người dân vẫn có được sự tự do cá nhân nhiều nhất có thể cả về thể xác lẫn tinh thần. Chính vì điều đó mà khi Chính phủ Thụy Điển bị chỉ trích nặng nề từ bên ngoài, bên trong họ lại nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân nơi đây, nhất là những người hiểu và trân trọng những giá trị Thụy Điển.

Cụ thể, một khảo sát do SOM Institute và Đại học Gothenburg (một đại học danh tiếng ở Thụy Điển) công bố hồi tháng 10 cho thấy tỉ lệ người dân tin tưởng chính phủ tăng lên 65% trong mùa xuân 2020 (giai đoạn dịch bệnh) so với 34% vào mùa thu 2019 (khi dịch bệnh chưa xuất hiện). Còn theo Dagen Nyheter, một trang báo lớn và lâu đời, trong suốt giai đoạn dịch bệnh, cơ quan y tế cộng đồng của Thụy Điển vẫn giữ được mức tín nhiệm cao, xoay quanh 65%. Trong khi đó, Anders Tegnell, nhà dịch tễ đứng đầu Thụy Điển và là tổng công trình sư của chính sách chống dịch, nhận được mức tin tưởng cao nhất trong năm qua: 72%.

Ở góc độ cá nhân, những người dân ở đây tôi quen biết trân trọng sự tự do cá nhân mà chính phủ đang cố duy trì cho họ bằng cách tuân thủ nghiêm túc nhất có thể những chỉ dẫn về giãn cách xã hội mà chính phủ đưa ra. Gần một năm nay, việc bắt tay khi gặp nhau đã không còn xuất hiện ở Thụy Điển, thay bằng chạm khuỷu tay hoặc chỉ đứng từ xa và giơ tay chào nhau.

Công ty tôi đã chính thức làm việc từ xa từ tháng 3. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp người bản địa của tôi đều là những người rất ủng hộ những chính sách phòng dịch của chính phủ. Họ xem việc tự giác tuân thủ các khuyến nghị là sự hợp tác và phần nào cảm ơn chính phủ đã tin tưởng vào họ. Và sự tự giác, tin tưởng nhau này cũng chính là cái gọi là “giá trị Thụy Điển” mà cả chính phủ và người dân đều cố gắng không vi phạm trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Trước làn sóng thứ hai

Những bài phân tích từ bên ngoài dựa vào số liệu về kinh tế, tỉ lệ nhiễm hay tỉ lệ tử vong vì COVID-19 để chứng minh cách làm “khác người” của Thụy Điển đã không đưa đến kết quả chống dịch khác biệt. Nhưng các chuyên gia của Thụy Điển chưa bao giờ cho rằng cách làm của họ là ưu việt và sẽ đưa tới kết quả khác biệt. Họ thậm chí còn dự đoán dù các nước phương Tây có áp dụng biện pháp gì thì đến khi dịch kết thúc, số liệu đều sẽ tương tự nhau. Sự “trỗi dậy” gần đây về số ca nhiễm ở các nước Đông Âu, những nước từng được đưa ra làm hình mẫu cho các nước Tây Âu học theo ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, đang phần nào phản ánh dự đoán đó.

Mùa hè vừa qua, ngay cả khi thế giới bắt đầu tán dương cách chống dịch khác người của Thụy Điển, thậm chí còn dự đoán nước này sẽ trải qua một mùa đông yên bình hơn các nước khác, các chuyên gia trong nước vẫn không lạc quan như vậy và vẫn không ngừng cảnh báo người dân về làn sóng thứ hai.

Giãn cách ở một quán ăn ở Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Trong cuộc chiến chống dịch này, tất cả chính phủ các nước kể cả Thụy Điển đều không biết đáp số. Tất cả các chính phủ đều bắt nguồn từ một hướng tiếp cận dựa trên kinh nghiệm, kiến thức tốt nhất họ có và sau đó quan sát tình hình trong và ngoài nước để điều chỉnh. Có những nước áp dụng các giải pháp nghiêm ngặt trong thời gian đầu nhưng sau đó phải nới lỏng để cứu lấy nền kinh tế, dù đánh đổi là dịch bệnh sẽ phát triển mạnh hơn. Cũng có những nước khởi đầu mềm mỏng nhưng sau đó phải thắt chặt để kìm hãm dịch bệnh.

Chính phủ Thụy Điển khi bắt đầu chiến lược chống dịch đã hướng tới một cuộc chiến không chỉ 6 tháng, một năm mà có thể 2-3 năm khi vắc xin được dự đoán bắt đầu xuất hiện (rất may có vẻ sẽ không lâu như vậy). Và để cả xã hội chịu đựng được trong 2-3 năm đó, điều quan trọng là người dân trong xã hội không chỉ khỏe mạnh cả về thể xác, mà còn ở vật chất và tinh thần.

Đó là lý do những chính sách của họ đưa ra không chỉ tập trung ở việc ngăn chặn virus mà còn rất nhiều cân nhắc đến những yếu tố về tâm lý và kinh tế trong cả xã hội. Đã có những động thái thắt chặt các giải pháp giãn cách xã hội, nhưng chính phủ luôn cố tạo cho người dân cảm giác thoải mái, tự do nhất trong tâm trí.

Bản thân tôi thấy sau những điều chỉnh liên tục theo các hướng khác nhau được đưa ra bởi chính phủ các nước, cho tới giờ chính sách giãn cách xã hội của Thụy Điển không có quá nhiều khác biệt so với các nước phương Tây khác. Có chăng là văn hóa giao tiếp có phần mềm mỏng của người Thụy Điển làm cho các chính sách của họ nghe có vẻ vẫn còn khá lỏng lẻo trong mắt người bên ngoài? Hoặc cũng có thể do ấn tượng ban đầu về khác biệt trong cách chống dịch của Chính phủ Thụy Điển vẫn còn in hằn quá sâu đậm trong suy nghĩ nhiều người nên họ không nhận ra rằng thật ra Thụy Điển không còn đi ngược chiều vun vút trong cuộc chiến chống dịch này?■

Tất nhiên con số hơn 5.000 người chết liên quan COVID-19 tính tới trước mùa đông năm nay mà phần lớn là người già thể hiện những sai sót và lỗ hổng trong những nỗ lực chống dịch của chính phủ. Bản thân những thiết kế chính sách chống dịch cũng đã thừa nhận việc họ thất bại trong việc bảo vệ người già trong các viện dưỡng lão. Mùa đông năm nay, Chính phủ Thụy Điển đã thắt chặt hơn việc giãn cách xã hội bằng việc giới hạn việc tụ tập xuống còn dưới 8 người thay vì 50 người như đầu năm.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận