TTCT - Theo kết quả nghiên cứu, ĐBSCL là vùng có số dân di cư cao nhất nước. Lao động trẻ trong độ tuổi di cư thường làm công nhân cho các nhà máy, phần nhiều là lao động phổ thông. Lao động làm thuê trong vùng là phụ nữ, đàn ông đều trên 40 tuổi -T.Trang Nhiều người sau 40 tuổi, không thể tiếp tục làm công nhân may, nghề nặng nhọc, trở về nông thôn và trở thành sức ép lớn về kinh tế, chăm sóc y tế cho địa phương, trong khi họ tích lũy rất ít tài sản. “Di cư trong nước” và “di cư quốc tế” Chưa kể, trong 10-20 năm sống bấp bênh, các thế hệ trẻ con của các cặp vợ chồng nhập cư không được chăm sóc y tế, giáo dục đàng hoàng hay phải ở lại quê trong điều kiện thiếu thốn vật chất, tinh thần của cha mẹ. Điều này khó tránh những di chứng tâm lý, xã hội cho tương lai. Ngoài ra, cần phải tính đến hiện tượng “di cư quốc tế” do phụ nữ miền Tây lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc... tăng bất thường. Nhiều phụ nữ sau khi ly hôn, họ mang con về quê hương đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được giải quyết. Thực trạng di dân, di cư ở Tây Nam bộ cần được nhìn nhận trên cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Xét trên bình diện chung thì sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển là tất yếu. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong mối quan hệ giữa các đô thị và khu vực nông thôn trong vùng, giữa miền Tây Nam bộ - một vùng nông nghiệp lớn nhất nước - với TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh. Cũng phải thừa nhận mặt tích cực của sự dịch chuyển lao động nông thôn ra thành thị. Ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống gia đình nông thôn, đáp ứng nhu cầu lao động tập trung, khan hiếm ở các đô thị, nó còn giúp nông dân có thêm nghề mới, hình thành và phát triển thêm các loại hình dịch vụ nông thôn. Song, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng di cư bị động. Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động. Trong khi đó, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông thôn là nguyên nhân “đẩy” lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống một cách chông chênh. Trong bối cảnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với những tác động tiêu cực hằng ngày của đời sống xã hội như những “cú đấm hội đồng” lên “thân thể” các gia đình nông dân, nông thôn ở ĐBSCL. Doanh nhân hóa nông dân Việc di cư tự do, tự phát sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường, tác động xấu đến khu vực đô thị đón nhận dòng nhập cư ồ ạt. Đồng thời cũng tác động xấu trở lại khu vực nông thôn, làm tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc, lối sống không lành mạnh. Ba phần tư số dân di cư từ đây đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đáng lo ngại là họ di cư trong điều kiện thiếu kiến thức, chủ yếu là lao động phổ thông, một bộ phận lao động nữ hành nghề nhạy cảm... Thực trạng đó đang đặt ra bài toán cần lời giải căn cơ, không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành chính hay chỉ xem xét, giải quyết về mặt xã hội, mà cần lời giải tổng thể. Phải tính đến các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới; các giải pháp, cách thức thực thi hiệu quả, thiết thực hơn. Theo đó, cần có nhiều hơn các chương trình đầu tư ưu tiên cho cơ sở hạ tầng nông thôn miền Tây phục vụ song song hai mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, đáp ứng nhu cầu về cải thiện sinh kế nông dân nhằm giảm nghèo bền vững. Bên cạnh, cần nâng cao vị thế nông dân và tạo cơ hội cho họ tham gia quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn. Cần lồng ghép hiệu quả hơn nữa giữa phát triển nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và nghề nghiệp nhằm giải quyết việc làm nông thôn. Giải quyết lực lượng lao động nông thôn, trong đó trọng tâm là đào tạo nghề thực chất. Cần những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác. Chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua. Người nông dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành trồng lúa, đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn. “Doanh nhân hóa nông dân” ĐBSCL phải được diễn ra trong không gian của nông thôn đồng bằng, trong những đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn ĐBSCL. Giải được bài toán căn cơ đó mới mong chữa lành di chứng do hạn mặn để lại và nâng cao sức chống chịu của người dân trước thiên tai, biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khốc liệt hơn.■ Chỉ dấu để rà soát chính sách tam nông Nên xem di dân, di cư tự phát, bị động từ vùng nông nghiệp miền Tây Nam bộ được mệnh danh trù phú hiện nay như một thách thức, một biểu hiện quan trọng để rà soát lại kết quả triển khai các chính sách lớn về tam nông, về xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để từ đó có những hoạch định, thực thi chính sách và hệ thống giải pháp thích hợp cho vùng này. Tags: Di dânĐBSCLDi cưBỏ ruộng ra phố
Khi nào được dùng hình ảnh người khác? TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (GIẢNG VIÊN ĐH KINH TẾ - LUẬT, ĐHQG TP.HCM) 29/05/2023 708 từ
Dịch vụ nước sạch: Phải chọn được giá đúng PHẠM KHÁNH NAM (Đại học Kinh tế TP.HCM) 29/05/2023 1862 từ
Tin tức sáng 31-5: Tỉnh nào cấm dạy thêm hè này? TUỔI TRẺ ONLINE 31/05/2023 Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm để bị động trong cung ứng điện; Cần Thơ tổ chức cuộc thi cải lương.
Tin tức thế giới 31-5: Triều Tiên phóng vệ tinh do thám, nghi tên lửa nổ trên không TRẦN PHƯƠNG 31/05/2023 Nga chỉ trích tấn công 'khủng bố' vào Matxcơva; Mỹ hối thúc NATO kết nạp Thụy Điển ngay lập tức.
Du lịch Mũi Né - Phan Thiết và nỗi lo kinh doanh chụp giựt Đức Trong - Như Bình 31/05/2023 Lượng du khách đổ đến Mũi Né - Phan Thiết sau khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là có nhưng đã sớm xuất hiện những điều đáng lo.
Yêu cầu cho ngừng bắn của Nga đã giản lược hơn? BÌNH PHƯƠNG 31/05/2023 Sau chính xác một năm ba tháng chiến sự, nhiều quan chức Nga lại bắn tiếng về các điều kiện cho ngừng tiếng súng.