Tiềm năng từ kết nối hàng không ASEAN - EU

VIỆT PHƯƠNG 27/02/2014 20:02 GMT+7

TTCT - Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa đưa ra đề xuất nâng cao hợp tác hàng không giữa hai khối lên một tầm cao mới bằng việc đàm phán một thỏa thuận vận tải đường không toàn diện.

Máy bay của các hãng hàng không ASEAN tại sân bay Changi, Singapore - Ảnh: Reuters

Ý tưởng này được hai khối cùng công bố trong bản thảo chung ở Singapore hôm 12-2, sau hai ngày Hội nghị cấp cao hàng không EU - ASEAN quy tụ khoảng 300 lãnh đạo chính trị, kinh tế và bộ trưởng giao thông các nước EU và ASEAN. 

Hội nghị này, như Hãng tin Bernama của Malaysia nhận định, là dịp để các bên thảo luận những cơ hội giàu tiềm năng trong thị trường hàng không EU và ASEAN cũng như lợi ích có thể đạt được từ một thị trường rộng mở hơn, có tính tích hợp hơn trong ngành công nghiệp và dịch vụ hàng không. Đó là chưa kể đến sự hợp tác để tăng cường quản lý giao thông đường không, nâng cao tiêu chuẩn về an ninh, an toàn và giảm giá vé.

Thỏa thuận hàng không liên khối đầu tiên

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Siim Kallas, người chuyên trách về giao thông vận tải, thông báo tại hội nghị rằng ông sẽ đề xuất với EC để việc đàm phán về thỏa thuận trên có thể bắt đầu vào thời điểm sớm nhất có thể. “Nếu châu Âu hợp tác với ASEAN ở quy mô rộng nhất, chúng ta có thể mở rộng các lợi ích từ những thị trường hàng không đơn nhất ra một thị trường liên vùng rộng lớn hơn” - ông nhấn mạnh.

Giới quan sát nhìn nhận ngoài các lợi ích mà đôi bên sẽ có được khi kết nối hai thị trường hàng không, thỏa thuận liên khối cũng sẽ giúp việc hình thành thị trường hàng không chung ASEAN (bầu trời mở ASEAN) vào năm 2015 dễ dàng hơn. Khi đó, ASEAN có thể học tập được kinh nghiệm từ thị trường hàng không đơn nhất ở EU được hình thành từ những năm 1990.

ASEAN từng có thỏa thuận hàng không đầu tiên với tư cách là một khối với Trung Quốc, có hiệu lực từ năm 2011, và đang khởi động đàm phán tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, EU cũng đã có các thỏa thuận hàng không với Mỹ, Canada, Morocco, Moldova, Israel... và tháng 3 tới sẽ ký một thỏa thuận tương tự với Ukraine.

Một nửa tăng trưởng giao thông của thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ xuất phát hoặc đến từ châu Á - Thái Bình Dương, khu vực sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực giao thông đường không vào năm 2030 với 38% thị phần toàn cầu. Tờ Business Mirror của Philippines cho biết với thu nhập và tốc độ phát triển kinh tế đang tăng nhanh, ASEAN sẽ là trung tâm của sự tăng trưởng giao thông đường không kể trên.

Sức ép cạnh tranh từ vùng Vịnh

Châu Âu và ASEAN có một lịch sử lâu đời về các mối quan hệ kinh tế bền chặt. Không chỉ vì EU là nhà đầu tư lớn nhất vào các nước ASEAN, mà còn vì ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế là các đường bay thẳng giữa hai khu vực này lại không tăng nhanh như kỳ vọng.

Báo The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng giao thông Singapore Lui Tuck Yew cho biết số lượt khách bay giữa hai khối thông qua các điểm trung chuyển ngoài khu vực đang tăng lên. Các điểm trung chuyển ở đây chủ yếu nằm tại khu vực Trung Đông.

Hiện nay, các hãng hàng không ở ASEAN đang bị sức ép cạnh tranh dữ dội, với mức độ cạnh tranh tăng lên không nằm ở các đường bay ngắn. Financial Times cho biết các hãng tập trung vào các tuyến đường dài trong khu vực đang chịu nhiều sức ép. Ví dụ như Singapore Airlines đề cập đến “sự cạnh tranh khốc liệt” khi đưa ra báo cáo nói hãng đã giảm 3,5% giá vé trong nửa đầu năm tài chính 2013-2014 so với năm trước đó.

Những năm gần đây, các hãng hàng không ở Trung Đông liên tục mở rộng mạng bay và quảng bá hình ảnh ra khắp các châu lục trên thế giới. Có thể kể đến Emirates với điểm đầu mối là Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE), Etihad với Abu Dhabi (cũng của UAE) hay Qatar Airways với Doha (Qatar).

Các hãng hàng không Trung Đông này đều có đường bay tới các nước ASEAN và đưa hành khách đến các châu lục khác, trong đó có châu Âu, thông qua điểm trung chuyển ở nước mình.

Nhà phân tích Andrew Lobbenberg thuộc Ngân hàng HSBC nói Singapore Airlines chịu thiệt hại nặng nhất trước các hãng của Trung Đông ở miếng bánh ngon là đường bay kết nối châu Đại Dương và châu Âu. Thai Airways hay Malaysia Airlines cũng được xếp vào nhóm “dễ bị tổn thương” trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

The Malaysia Insider cho biết các hãng ở châu Âu cũng chịu sức ép tương tự trước sự cạnh tranh của các hãng Trung Đông, nhất là trên các tuyến bay đường dài đến châu Á. EU cần thâm nhập tốt hơn vào các thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn như ASEAN nên việc có một thỏa thuận hàng không sẽ giúp có thêm nhiều chuyến bay giữa hai khu vực.

Bộ trưởng Lui Tuck Yew khẳng định việc hợp tác để tăng cường kết nối hàng không trực tiếp EU - ASEAN có rất nhiều tiềm năng và cũng để nâng cao sự thuận tiện và lợi ích cho hành khách. Hiện nay, một số đường bay giữa các thành phố ở EU và ASEAN, như London - Singapore, nằm trong số các đường bay đông khách nhất thế giới.

Các hãng trong khu vực được lợi

Một số nước trong khu vực đang kỳ vọng về thỏa thuận hàng không giữa EU và ASEAN, đặc biệt khi các tiêu chuẩn an toàn sẽ được nâng cao cũng như giá vé máy bay sẽ hợp lý hơn. Ngoài ra, thỏa thuận cũng sẽ mở ra viễn cảnh về tăng trưởng cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, phát triển du lịch và tăng cường kết nối giữa hai khu vực với những phần còn lại của thế giới.

ABS-CBN News dẫn lời Bộ trưởng giao thông Philippines Joseph Emilio Abaya nói ASEAN trước tiên cần hoàn thiện thị trường hàng không chung (một phần của sự hội nhập kinh tế ASEAN vào năm 2015), sau đó mới hợp tác toàn diện với EU. “Đường vẫn còn rất dài.

Hiện chúng ta vẫn đang trong thời kỳ trứng nước. Mục tiêu trước mắt là hoàn thiện thị trường hàng không chung ASEAN” - ông Abaya nói và nhấn mạnh rằng việc hội nhập hàng không EU - ASEAN sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh cao hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn, nhiều lựa chọn về chuyến bay hơn và giá cả sẽ hợp lý hơn cho người dân khu vực.

Giới chức hàng không Philippines cũng cho biết EU đang giúp ASEAN hoàn thiện thị trường hàng không chung thông qua một dự án có tên Hội nhập giao thông đường không ASEAN (AATIP), trong đó có việc trao đổi thông tin giữa hai khối.

Còn đối với châu Âu, khu vực này đang theo sát các diễn tiến ở ASEAN trong việc thành lập một thị trường chung. Theo The Malaysia Insider, sự tăng trưởng liên tục ở ASEAN sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong tương lai đối với giao thông hàng không toàn cầu (bao gồm cả vận tải hành khách và hàng hóa).

Với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao và những lợi ích từ hội nhập và tự do hóa kinh tế, ASEAN là một thị trường có nhiều cơ hội hấp dẫn đối với các hãng hàng không, sân bay và ngành công nghiệp sản xuất của châu Âu. Đây cũng là lý do chính khiến EU muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở ASEAN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận