TTCT - Gói giải pháp kiềm chế lạm phát mà Thủ tướng mới ban hành có cho phép mở rộng biên độ dao động tỉ giá USD/VND lên +/-2%, trong bối cảnh VND lên giá mạnh so với USD, điều này có thể xem như một động thái chính thức cho phép VND tăng giá so với USD. Hậu quả của chính sách này sẽ ra sao? VND lên giá là điều có thể chấp nhận được trong bối cảnh USD hiện đang mất giá nghiêm trọng và dòng vốn nước ngoài chảy ào ạt vào nước ta. Nhưng với những diễn biến gần đây, việc để VND “mạnh” như dụng ý của Chính phủ cần phải xem lại tính thực tế của giải pháp này. Tiền đồng lên giá thì sao? Ví dụ như giá một chiếc máy 1.000 USD, nếu tỉ giá là 1 USD ăn 16.000 VND sẽ có giá là 16 triệu đồng, nhưng nếu VND tăng giá lên 1 USD đổi 15.000 VND thì giá chiếc máy chỉ còn 15 triệu, giảm 1 triệu đồng. Nhờ vào việc các nguyên liệu nhập khẩu đầu vào trong nền kinh tế giảm thì khi VND lên giá, giá đầu ra sẽ giảm đi, do đó chỉ số giá tiêu dùng cũng giảm theo từ việc VND tăng giá. Nhưng thực tế có đúng như vậy? Thử nhìn sang Trung Quốc, họ cũng đang đối mặt với lạm phát nóng đến cỡ nào. Chỉ riêng trong tháng 1-2008, tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc đã là 7,1%, mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Quá nguy hiểm như thế nhưng Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu làm chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,8% trong năm nay. Trung Quốc có xem việc định giá cao đồng tiền của mình là chiếc đũa thần cho bài toán chống lạm phát? Hoàn toàn không. Trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần 11 mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố “sẽ để đồng nhân dân tệ biến động linh hoạt hơn, đồng thời giảm chi phí nhập khẩu và nâng giá xuất khẩu”. Như vậy đã rõ, Trung Quốc không ứng xử với đồng tiền của mình một cách phiến diện mà để nó linh hoạt chứ không cực đoan hay cực mạnh. Với cách tiếp cận này, tỉ giá USD/VND có thể tăng, cũng có thể giảm giá trong từng thời điểm và được tính toán sao cho hàng nhập khẩu tuy có tăng lên nhưng vẫn đảm bảo xuất khẩu không bị thiệt hại. Hơn nữa, tiền tệ chỉ là một trong nhiều công cụ khác cho bài toán chống lạm phát, các công cụ của chính sách vĩ mô phải luôn hài hòa để không gây sốc cho nền kinh tế và cho bất kỳ bộ phận nào, nhất là đối với người nghèo. Không thể làm chính sách theo kiểu “dò đá qua sông” Hơn lúc nào hết, người dân muốn nghe một cách dứt khoát quan điểm của Chính phủ về việc VND tăng giá. Với hệ thống phân phối trong nước còn nhiều bất cập và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là khi các tập đoàn kinh tế nhà nước - nơi tạo ra những quả đấm thép cho nền kinh tế - chỉ chuyên đầu tư tài chính và bất động sản, thì chưa hẳn hàng nhập giá rẻ sẽ làm giảm lạm phát trong nước, nhất là khi có một số ý kiến mạnh mẽ từ một hiệp hội cho rằng nếu để VND lên giá 5% thì giá xăng trong nước cũng giảm theo 5%? Phải chăng nếu vậy thì theo đà này, lạm phát cũng giảm đi 5%? Hoàn toàn không có lý thuyết và thực tiễn nào ủng hộ kết luận này. Nói cách khác, các nhà hoạch định chính sách hiện chưa công bố bất kỳ thông tin nào từ hiệu ứng truyền dẫn của việc VND lên giá lên xuất nhập khẩu và lạm phát mà đã vội cho VND lên giá mạnh là chưa thuyết phục. Báo chí hằng ngày đều đăng tải tiếng kêu cứu của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản do giá xuất khẩu tăng cao từ VND lên giá. Những thế mạnh của nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ thua lỗ và công nhân có khả năng rơi vào thất nghiệp. Khi thị trường chứng khoán và bất động sản đi xuống, lập tức có ngay tiếng kêu cứu và được cứu. Khi người nước ngoài than không mua được cổ phiếu bằng ngoại tệ, ngay tức thời họ được mua. Còn khi nguy cơ hàng nước ngoài giết chết sản xuất trong nước, thì chưa thấy Nhà nước có giải pháp cụ thể nào ứng cứu mà chỉ là gói giải pháp chung chung. Chính phủ chưa trả lời được tiền đã góp phần bao nhiêu vào lạm phát Ở các nước, muốn chống lạm phát có hiệu quả thì chính phủ phải xác định được tương đối cung tiền tăng thêm đã góp phần bao nhiêu vào lạm phát, chẳng hạn bao nhiêu lượng phần trăm cung tiền tăng thêm ứng với bao nhiêu phần trăm lạm phát tăng thêm. Khi được hỏi về điều này, rất nhiều quan chức nhà nước trả lời là không thể tính được. Chưa biết đích xác con số này là bao nhiêu mà đã vội qui tất cả nguyên nhân lạm phát do tiền tệ, từ đó thắt chặt tiền tệ quá mức là liều thuốc đắng quá mạnh. Điều quan trọng trong lúc này chính là tránh trường hợp chi tiêu công nhanh quá mức trong điều kiện giá dầu (sắp tới là giá điện) và giá lương thực tăng cao để không tạo ra hiệu ứng hai tầng (second round effect) lên lạm phát: tầng thứ nhất là lạm phát tiền tệ, tầng thứ hai là lạm phát do đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách không hiệu quả và lãng phí liên tục nhiều năm liền. Mà tầng ngầm thứ hai thì khó phá hơn nhiều do đã tích lũy trong nhiều năm liền. Nhìn lại, ta thấy các nước này không xem chính sách tiền tệ là quan trọng nhất hay mượn hàng hóa giá rẻ của thế giới nhập về để chống lạm phát. Argentina là một trường hợp điển hình của chính sách mua hàng hóa giá rẻ của thế giới bằng cách mượn sức đồng USD (định giá cao đồng tiền của mình) để chống lạm phát. Hệ quả là Argentina sau đó đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện vào năm 2001, kho dự trữ ngoại hối trước khủng hoảng của nước này bằng 0 do hậu quả của nhiều năm liền nhập siêu. Việc để VND lên giá có những tác dụng phụ không mong muốn và có thể chấp nhận phần nào để đối phó với tình trạng dư thừa USD tạm thời. Giống như Trung Quốc, cần phải giải thích rõ để VND lên giá chỉ là giải pháp tình thế hay do chủ trương chính thống của Chính phủ trong bài toán chống lạm phát? Hai cách hiểu này khác nhau hoàn toàn và sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.