Tiếng Anh: Càng "phải đạo" càng gây quạu

XÊ NHO 03/01/2023 06:10 GMT+7

TTCT - Thành ngữ "kill two birds with one stone" (nhất tiễn hạ song điêu, tức một công đôi việc) bị loại vì như thế là ... bạo lực với thú vật!

Tiếng Anh: Càng phải đạo càng gây quạu - Ảnh 1.

Một góc Stanford. Ảnh: Alamy

Từ ngữ vốn đâu tội tình gì mà giờ đây người ta nhìn đâu cũng thấy bóng dáng phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới, kích động bạo lực, gợi nhớ quá khứ đau thương, rồi từ đó đề xuất những cách nói "phải đạo" vừa dài vừa dở, thậm chí xa rời nghĩa các từ nó muốn thay thế.

Tháng 7-2022, Hiệp hội Giáo dục quốc gia, một tổ chức nghiệp đoàn của giáo chức Mỹ, đề nghị không dùng từ mother (mẹ) nữa, thay vào đó là birthing parent (người viết cũng không biết nên dịch sao cho đúng, có lẽ là "bậc cha mẹ có khả năng sinh nở" chăng?). Ý của đề xuất này là dùng từ bao trùm mọi giới, cả nam chuyển giới hay người phi giới tính nay sinh con, vì gọi họ là "mẹ" thì không đúng với giới tính tự nhận của họ!

Cứ tưởng đó là chuyện cá biệt, ai ngờ ngay chính Đại học Stanford vừa biên soạn hẳn một tài liệu dài, liệt kê hẳn các từ cấm dùng và đưa ra từ thay thế.

Người Mỹ nay không được tự gọi mình là American nữa mà phải viết ra đầy đủ U.S. citizen vì họ cho rằng dùng American e những người dân khác trên đất châu Mỹ sẽ tị nạnh. Trong nghiên cứu y học, có loại nghiên cứu mù (blind study), tức người thực hiện hoặc người tham gia không rõ ai sẽ được nhận liệu pháp điều trị nào trong chương trình nghiên cứu; nay Stanford cấm từ này, buộc thay bằng masked study (nghiên cứu giấu mặt?) vì từ kia mang tính tiêu cực với người mù.

Loại từ bị cấm nhiều nhất là các từ được xem là xác định tính cách của một người chỉ dựa vào một đặc điểm. Cái này nhiều lắm, nên dân Stanford sẽ không được dùng các từ như crazy (điên), immigrant (người nhập cư), prisoner (tù nhân), homeless person (người vô gia cư) mà phải dùng các cụm từ dài dòng để nói cho rõ như kiểu person without housing. Có lẽ những người biên soạn không hiểu được khi người ta dùng các từ miêu tả kể trên, họ đang đề cập đến khía cạnh nổi bật của người đó liên quan đến ngữ cảnh đó (chẳng hạn "nghệ sĩ nhập cư").

Nỗ lực của Stanford nằm trong sáng kiến loại bỏ ngôn ngữ độc hại (Elimination of Harmful Language Initiative) ra khỏi các tài liệu trên các trang web của đại học này. Ngôn ngữ độc hại theo họ là từ ngữ gợi nhớ đến sự phân biệt chủng tộc, hay thiên kiến trong giới tính, xu hướng tình dục, khuyết tật… 

Danh sách này theo họ phải mất đến 18 tháng bàn luận, cân nhắc để hoàn chỉnh. Có lẽ vì vậy mà theo tờ Wall Street Journal, Stanford hiện có 16.937 sinh viên nhưng tuyển dụng đến 2.288 người trong đội ngũ giảng dạy và 15.750 người trong đội ngũ hành chính của trường. Để rà soát, bảo đảm ai nấy đều sử dụng từ đúng, tránh xa từ sai, ắt Stanford phải tuyển thêm người nữa.

Cứ theo Stanford, nhiều thành ngữ thường dùng trong tiếng Anh sẽ biến mất. Chẳng hạn, "bury the hatchet" (chôn rìu) thường dùng để chỉ hành động giảng hòa, làm lành vì hành động này được người Mỹ da đỏ dùng như một biểu tượng hòa bình. 

Thế mà thay vì cổ xúy nên dùng để tôn vinh một nét văn hóa của thổ dân, Stanford lo ngại chuyện "chiếm đoạt văn hóa" khi dùng cụm từ này. Thành ngữ "kill two birds with one stone" (nhất tiễn hạ song điêu, tức một công đôi việc) cũng bị loại vì… bạo lực với thú vật!

Cụm từ "long time no see" (lâu ngày không gặp) cũng bị cấm luôn vì Stanford cho rằng chúng thoạt tiên được dùng để chọc quê người da đỏ hay dân Tàu vì nói tiếng Anh bồi.

Các từ phổ biến như ladies (quý bà), gentlemen (quý ông), freshman (sinh viên năm nhất), mankind (nhân loại), manmade (làm bằng tay)… cũng biến mất vì phân biệt giới. Buồn cười nhất là lời dặn dò khi dùng từ she: tốt hơn hết là bắt đầu bằng từ they rồi hỏi xem người đó muốn dùng đại từ nhân xưng nào. Hay lời giải thích cho việc cấm dùng từ abort (hủy bỏ) thay bằng từ cancel hoặc end là vì từ này vô tình gợi ra sự bứt rứt liên quan đến chuyện phá thai (abortion).

Một loạt từ bị loại chỉ vì chúng có kèm theo từ black như black hat (tin tặc mũ đen), black sheep (cừu đen, thành viên tai tiếng trong một nhóm), blackbox (hộp đen), blacklist (ghi sổ đen)… Họ lo ngại dùng như thế là gán nghĩa xấu cho từ đen, làm phiền lòng dân da đen. Nói cho đúng, họ cũng cấm luôn các từ có chữ white vì hàm ý "trắng là đẹp" như whitelist (danh sách được phép), kể cả white paper (bạch thư).

Điều đáng ngạc nhiên là sau khi giới thiệu danh sách các từ gây hại như thế, Stanford lại khóa tài liệu này lại, chỉ những ai có mật khẩu mới mở được. Có lẽ vì sự chế giễu, chê trách quá nhiều chăng? 

Bởi thế, Wall Street Journal nói phải có mật khẩu truy cập mới biết Stanford cấm dùng từ stupid (ngu ngốc) thay bằng boring/uncool (tẻ/nhạt), thiệt tình không liên quan gì cả. Tương tự, vì ép thay bằng từ khác nên Stanford đánh mất tính chính xác của từ miêu tả, ví dụ thay crazy bằng surprising/wild (bất ngờ/hoang dại) thật vô nghĩa.

Chuyện Stanford "kiểm duyệt" tiếng Anh là chuyện của một trường đại học nhưng có lẽ chúng ta cũng cần biết để sau này nếu đọc tài liệu, thấy không dùng handicapped parking như thường lệ (chỗ đỗ xe cho người khuyết tật) mà ghi là accessible space thì cũng không lấy làm ngạc nhiên cho lắm. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận