TTCT - Bài viết sau của tiến sĩ David Koh, một người Singapore, được viết bằng tiếng Việt gửi riêng cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần, kể lại hành trình một cuộc chuyển đổi không phải không cam go song rất thành công của Chính phủ Singapore - một quốc gia đa sắc tộc - sang áp dụng chính sách cơ bản về ngôn ngữ nhằm phục vụ tốt nhất cho mục tiêu hội nhập quốc tế. Công việc hằng tuần Các cuộc khảo sát cho thấy giới trẻ Singapore lớn lên trong môi trường nói tiếng Anh tự tin hơn và ngôn ngữ trở thành điều cốt lõi trong bản sắc của họ - Ảnh: Today Rất may cho sự phát triển kinh tế của Singapore là từ rất sớm, Chính phủ Singapore đã có nhận thức và đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đặt ra chính sách cơ bản về ngôn ngữ: mọi học sinh phải ưu tiên học tiếng Anh, và tiếng dân tộc của ba dân tộc chính đặt ở vị trí lùi lại. Chuyển đổi chính sách Tôi vẫn còn nhớ ở cấp I, tôi vẫn học hai môn địa lý và lịch sử bằng tiếng Hoa, nhưng khi lên cấp II tôi phải học tất cả các môn bằng tiếng Anh, trừ chính môn tiếng Hoa. Học sinh cấp I sau tôi đều phải chuyển sang hệ tiếng Anh hết. Chính sách này của Chính phủ Singapore có yếu tố kinh tế và chính trị nội bộ. Về đối ngoại, là một nước không có tài nguyên thiên nhiên, Singapore phải dựa vào nguồn nhân lực để thu hút sự quan tâm của quốc tế về kinh doanh. Từ những năm 1950, Mỹ và các nước sử dụng tiếng Anh đã nổi lên như một khối quốc gia phát triển, tiến bộ nhất. Những người ở tầng lớp quan chức thời thuộc địa Anh đều muốn con mình học tiếng Anh để Singapore còn đất làm ăn. Dù hồi đó còn tồn tại một lực lượng xã hội rất lớn, cụ thể là ở nhóm người Hoa, phản đối chính sách học tiếng Anh của chính phủ, vì họ sợ con mình sẽ lờ đi việc học tiếng Hoa và dần dần mất đi nền văn hóa người Hoa của gia đình. Về chính trị nội bộ, chính phủ muốn tiếng Anh trở thành công cụ giao lưu và hiểu biết lẫn nhau, để giao dịch thuận lợi hơn với các dân tộc vốn không có mấy điểm chung về văn hóa. Một điểm lý thú về chính sách văn hóa ở Singapore là tiếng Mã Lai được mệnh danh là tiếng quốc gia (tiếng Anh dùng từ national language), quốc ca cũng được sáng tác và hát bằng tiếng Mã Lai, nhưng hiến pháp quy định dân và chính phủ có thể sử dụng một trong bốn thứ tiếng hành chính (Anh, Hoa, Mã Lai, Tamil) để giao dịch với nhau. Văn bản quan trọng và chính thức của nhà nước, cụ thể là khi cần phổ biến một chính sách nào đó cho mọi người dân, thì phải sử dụng cả bốn thứ tiếng. Người dân có thể sử dụng một trong bốn thứ tiếng đó khi giao tiếp chính thức và yêu cầu chính phủ đáp lại cũng bằng ngôn ngữ đó. Trong Quốc hội Singapore hiện nay, đa số nghị sĩ phát biểu bằng tiếng Anh, nhưng thỉnh thoảng lại có nghị sĩ dân tộc Tamil (một trong các dân tộc thiểu số, gốc Ấn ở Singapore), hoặc Hoa, hoặc Mã Lai phát biểu bằng tiếng dân tộc của họ, bài phát biểu được dịch cabin sang tiếng Anh. Nghị sĩ có quyền làm như vậy, và có lẽ trong thời kỳ khai quốc, số nghị sĩ sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh để phát biểu trong quốc hội nhiều hơn bây giờ. Khi có tranh chấp về ý nghĩa của từ vựng thì nhà nước lấy bản tiếng Anh làm chuẩn. Ngay cả lời tuyên thệ mà các học sinh đọc trong lễ chào cờ quốc gia cũng được nói bằng tiếng Anh là chính. Sau nhiều năm thực hiện chính sách trọng dụng tiếng Anh, bây giờ phần lớn người dân Singapore sử dụng tiếng Anh, dù với thế hệ lớn tuổi vẫn sử dụng thông thạo các tiếng dân tộc, phương ngôn của người Hoa... Song tổng thể việc học, việc đặt chuẩn trong khoa học, luật pháp, giao dịch công thương, hội nhập quốc tế... người Singapore đều phải sử dụng tiếng Anh, bất kể tiếng Anh của họ có đạt chuẩn Nữ hoàng Anh (Queen’s English) hay không. English với Singlish Trong thời kỳ đầu phổ biến việc học tiếng Anh, chất lượng học của các học sinh Singapore dù hơn học sinh ở các quốc gia khác trong khu vực và cũng đủ để đưa ngay một số lượng nhân lực vào thị trường lao động phục vụ đầu tư nước ngoài và kinh doanh, nhưng trình độ dạy và kết quả học của người Singapore còn xa trình độ của nước Anh và Mỹ. Song đến nay đã có thể thấy người Singapore có trình độ tiếng Anh tuy vẫn chưa bằng phương Tây nhưng hơn khu vực Đông Nam Á nhiều. Đây cũng là một lý do khiến rất nhiều công ty ngoài khu vực thích đến Singapore đầu tư và sinh sống. Nhưng khi cần tuyển dụng những người nói tiếng Anh giỏi nhất, ví dụ những người làm trong ngành truyền thông, rất ít người Singapore nếu chỉ học trong hệ thống trường của Singapore đạt được trình độ chuẩn mà các ngành này yêu cầu. Họ đều phải trải qua thêm một số lớp đào tạo và rèn luyện để đạt chuẩn. Vì vậy, những người Singapore xuất hiện trên các đài truyền thông của Singapore làm công việc phát ngôn đều nói tiếng Anh với giọng khác hẳn người Singapore bình thường. Chính họ, trong một thời kỳ, bị người dân cho là có giọng giả tạo, không phản ánh được cuộc sống thật. May mắn là về sau công chúng cũng dần hiểu được rằng để quốc tế hiểu được Singapore thì những người làm truyền thông này đều cần có giọng nói tương đối chuẩn, ít nhất là khi họ nói, quốc tế hiểu được. Vì thế có hai trường phái, hai hiện tượng tiếng Anh ở Singapore: khi người Singapore cần tiếp xúc với quốc tế, họ đều ý thức được rằng họ phải nói rõ hơn, phải để ý phát âm tiếng Anh của mình nếu không muốn quốc tế thắc mắc về nội dung nói chuyện của họ. Còn khi người Singapore nói tiếng Anh với nhau, cuộc nói chuyện đó thường pha trộn rất nhiều từ phát âm theo giọng nói của nhiều dân tộc khác nhau, thậm chí pha trộn cả những từ vựng của rất nhiều ngôn ngữ và phương ngôn khác. Loại thứ nhất có tên gọi đơn giản là English (chứ chưa phải là Queen’s English), loại thứ hai được gọi là Singlish (Singapore English). Kiến nghị cho Việt Nam Gốc gác văn hóa, bối cảnh lịch sử và tình hình quốc gia của Việt Nam rất khác với Singapore, nên rất khó tìm ra một “mô hình Singapore” để áp dụng, để cải cách việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả hơn. Những câu hỏi cần đặt ra là: Học sinh Việt Nam cần học tiếng Anh để làm gì? Nên học đến trình độ vừa đủ hay trình độ cao? Việc tổ chức học tiếng Anh cho tốt có phải là trách nhiệm của Nhà nước? Một sợi chỉ xuyên suốt ở đây là việc cạnh tranh phát triển giữa các quốc gia trong thời kỳ này không thể thiếu kỹ năng tiếng Anh để tiếp thu và trao đổi về công nghệ, khoa học, thu hút vốn đầu tư, cập nhật thông tin hàng hóa của nước mình với thị trường toàn cầu..., nói chung là hội nhập thế giới. Với ước mong kiểm soát được toàn bộ chính sách về giáo dục của quốc gia, dĩ nhiên nhà nước phải thực thi một chương trình học tiếng Anh để dân có thể học và cạnh tranh với thế giới. Nhưng chương trình này không thể giống Singapore bởi Việt Nam có một nền văn hóa thuần nhất hơn và tiếng Anh (cùng nền văn hóa phương Tây kèm theo) rất khó được phép áp đặt bên trên tiếng Việt và văn hóa Việt. Mọi người cũng dễ nhìn thấy những bất cập, trong đó có sự bất lực của các cấp chính quyền trong việc thúc đẩy học tiếng Anh. Đã đến lúc những câu hỏi “học tiếng Anh để làm gì, đến mức độ nào, và nên tổ chức như thế nào?” cần có câu trả lời sòng phẳng và có sự đồng thuận lớn trong xã hội. Bộ Giáo dục - đào tạo Việt Nam nên tổ chức những hội thảo hoặc trưng cầu lớn để tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội, vạch ra những kiến nghị về một kế hoạch lâu dài. Nhìn chung, một kế hoạch như vậy cần có những yếu tố phát triển kinh tế đi kèm việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Nên cho học sinh học tiếng Anh càng sớm càng tốt, mang tính bắt buộc, coi đó là ngôn ngữ thứ hai của nền giáo dục; cho học sinh học các môn khoa học và toán bằng tiếng Anh, nhưng tiếp tục dạy các môn lịch sử, địa lý, văn học bằng tiếng Việt. Nhà nước nên tạo dựng một môi trường thuận lợi hơn, toàn diện hơn, cho học sinh tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn. Cụ thể là nên chiếu nhiều phim tiếng Anh trên truyền thông cho trẻ, cho học sinh có nhiều cơ hội để đọc sách tiếng Anh và nói tiếng Anh, nhưng luôn giúp các em có nhiều dịp học giá trị cuộc sống của Việt Nam. Cái đích là con người Việt Nam biết song ngữ, cảm thấy thoải mái trong hai môi trường, không mất gốc văn hóa bởi vì phải học tiếng Anh nhiều nhưng cũng không vì phải học làm người Việt mà không có cơ hội học tiếng Anh để hội nhập với thế giới. Con người này sẽ dễ dàng, linh hoạt thay đổi tiếng nói, cách ứng xử văn minh và có văn hóa tương ứng ngôn ngữ họ đang sử dụng, tùy vào việc họ đang ở môi trường nào. Vấn đề tiếng Anh và tiếng Việt do vậy luôn là một lựa chọn kép. Học tiếng Anh trong trường Vì tiếng Anh chiếm vị trí số 1 trong chiến lược phát triển kinh tế với một nước không có tài nguyên gì, Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu mọi học sinh phải học tất cả các môn khoa học, xã hội và toán bằng tiếng Anh. Riêng môn tiếng Anh hầu như ngày nào học sinh cũng phải học một tiết. Quan trọng hơn, dần dần ngôn ngữ giao dịch trong môi trường của các trường cũng chú trọng sử dụng tiếng Anh. Giáo trình do bộ soạn, nhưng có tư vấn của nước Anh và để bảo đảm chất lượng tối thiểu, bộ cộng tác với Trường đại học Cambridge để ra đề thi, chấm các bài thi một cách độc lập. Sự hợp tác này cũng áp dụng với các môn sử dụng tiếng Anh khác. Vì trong trường đã học tiếng Anh nhiều nên ít thấy phụ huynh gửi con cái đi học thêm tiếng Anh. Nếu có, việc học thêm cũng chỉ đối với hai nhóm: một nhóm là những học sinh quá kém, nhóm kia là những học sinh rất giỏi song muốn được đào tạo thêm về khía cạnh chuyên sâu của tiếng Anh mà trường không dạy. Cả hai nhóm này đều nhằm đạt được điểm thi cao hơn mọi người, song nhìn chung số người học thêm tiếng Anh là nhỏ. Nhiều học sinh chọn học thêm về khoa học, toán hoặc tiếng Hoa, chủ yếu để ứng phó với các cuộc thi. Vì thường xuyên được tiếp xúc trong môi trường nói tiếng Anh nhiều như vậy nên học sinh luôn có dịp để luyện nói. Tags: Tiếng Anh
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?